Phát triển không bền vững là thực trạng của mọi quốc gia đang/kém phát triển
Ông Hà Hữu Nga là một chuyên gia khảo cổ học nhưng lại nghiên cứu rất nhiều và sâu sắc về văn hóa, nhất là khi ông chuyển về Viện nghiên cứu Phát triển Bền vững, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông về văn hóa – phát triển – bền vững. Hy vọng câu chuyện của chúng tôi sẽ có một cái gì đó để bạn đọc tham khảo.
Ông Hà Hữu Nga: Trước hết, về vấn đề văn hóa và phát triển, đúng như anh nói, ở Việt Nam vấn đề này đã được đề cập đến từ khá lâu, và đã được bàn thảo khá nhiều. Tuy nhiên, hơi có chút khác anh, tôi cho rằng câu chuyện về văn hóa và phát triển không bao giờ là cũ, bởi vì phát triển thì vốn luôn luôn mới mẻ đã đành, nhưng đối với tôi một trong những đặc trưng quan trọng nhất của văn hóa chính là tính Mới, điều đó phụ thuộc vào cái thuộc tínhFaktizität thực tính duy nhất “hôm nay, ở đây” của hiện hữu người, theo cách nói của nhà triết học Đức Heidegger, cho nên tôi cho rằng không một yếu tố văn hóa thực sự nào lại “cũ” cả. Nhưng vì con người và văn hóa là những vấn đề trừu tượng nên tôi muốn dành riêng cho một dịp khác để quay trở lại với câu hỏi của anh.
Theo hiểu biết của tôi thì một trong số những người đi tiên phong trong lĩnh vực văn hóa và phát triển chính là cố giáo sư Nguyễn Hồng Phong. Không chỉ là người đặt nền móng cho bộ môn nghiên cứu phát triển Việt Nam, mà ông còn là người đã dành cả cuộc đời mình cho văn hóa và phát triển. Vào cuối những năm 1980, đầu 1990 ông đã xác định đó là trọng tâm nghiên cứu của mình bằng cách đặt câu hỏi: Làm thế nào để Việt Nam vừa phát triển về kinh tế lại vừa thực hiện được các mục tiêu xã hội mà không phải hy sinh con người cho phát triển? Và ông đã tự trả lời: Chỉ có thể thực hiện được mục tiêu đó bằng giải pháp văn hóa của phát triển. Ông cho rằng tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với phát triển, vì nó chỉ đáp ứng lợi ích cục bộ của tăng trưởng bằng mọi giá mà thôi – trong khi đó chỉ có văn hóa mới thoát khỏi lợi ích cục bộ để vươn tới lợi ích xã hội tổng thể của con người. Và lợi ích đó chính là các giá trị văn hóa mà con người đã tạo ra và truyền lại thông qua quá trình tương tác với môi trường tự nhiên, với đồng loại để hoàn thiện nhân cách con người [Nguyễn Hồng Phong 2000. Giải pháp văn hóa của phát triển, trong Một số vấn đề về hình thái kinh tế - xã hội – văn hóa và phát triển, Nxb. KHXH, Hà Nội 2000, tr. 283-302]. Quan điểm, phương pháp tiếp cận, bộ công cụ khái niệm, các kết quả nghiên cứu và đặc biệt là các kết quả ứng dụng vào thực tế phát triển theo tư tưởng của ông cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị; không những thế nó còn giúp cho các định hướng tương lai trong việc giải quyết tiếp các nan đề đặt ra trong quá trình phát triển đất nước.
Vấn đề thứ hai: theo tôi hiểu, phát triển bền vững là cách tiếp cận mới trong kinh tế – chính trị học châu Âu, chủ yếu nhắm vào đối tượng là các quốc gia đang phát triển, trước nguy cơ các nguồn lực cho phát triển ở các khu vực này đang ngày càng trở nên khan hiếm và thậm chí cạn kiệt. Xuất phát điểm của khái niệm này là quan niệm của phong trào môi trường về việc cân bằng giữa nhu cầu của con người với việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Lần đầu tiên mối liên hệ giữa môi trường và phát triển được đề cập đến một cách chính thức vào năm 1980 trong Chiến lược Bảo vệ Thế giới của Liên minh Quốc tế Bảo vệ Tự nhiên [UNEP (United Nations Environment Programme) 1980]. Và kể từ khi công bố Báo cáo của Uỷ ban Môi trường và Phát triển Thế giới, còn gọi là Uỷ ban Brundtland, do cựu thủ tướng Na Uy Gro Harlem Brundtland phụ trách, khái niệm phát triển bền vững đã được sử dụng rộng rãi. Trong báo cáo này khái niệm phát triển bền vững đã được định nghĩa là “thoả mãn nhu cầu của hiện tại nhưng không gây hại cho các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng các nhu cầu của họ” [United Nations 1987]. Riêng tôi quan niệm rằng phát triển bền vững không chỉ là ba trụ cột môi trường, kinh tế, và xã hội, mà nó còn bao gồm hàng loạt lĩnh vực liên quan, đó là văn hoá, đạo lý, chính trị, thể chế, con người, và cả tương lai nữa. Tôi cho rằng chính biến số tương lai đã làm nên giá trị đặc biệt nhất của định nghiã phát triển bền vững. Với biến tương lai, tất cả các lĩnh vực trên không chỉ được tiếp cận đồng đại, mà còn được tiếp cận lịch đại, tuy nhiên chiều lịch đại ở đây lại không phải là chiều lịch đại của hiện tại, mà là chiều lịch đại của “các thế hệ tương lai”. Bằng định nghĩa trên, lần đầu tiên loài người đã thể hiện tầm nhận thức phổ quát, nói cách khác là trình độ văn hóa phổ quát của nhân loại, hoặc đúng hơn nữa là nhân loại tính đã có bước phát triển vượt trội.
PV: Vậy văn hoá, trong sự vận động của mình có cần đảm bảo tính bền vững không? Và trước hết, chúng ta cần hiểu thế nào là bền vững trong văn hoá, là văn hoá bền vững? Tính bền vững của văn hoá có vai trò, tác động, ảnh hưởng gì đến phát triển bền vững? Ông có thể cho một vài dẫn chứng?
Ông Hà Hữu Nga: Nếu tôi không hiểu nhầm thì thực chất câu hỏi của anh đề cập đến một vấn đề rất bản chất của giá trị học văn hóa trong sự vận động của phát triển. Để làm rõ vấn đề này, tôi muốn sử dụng định nghĩa về giá trị như là kết quả những định giá trở thành tiêu chuẩn, mục tiêu, mục đích cho các niềm tin hoặc tư tưởng quan trọng và lâu bền của những con người thuộc một nền văn hóa nhất định về những gì được coi là tốt đẹp và đáng ước vọng nhất. Các giá trị chi phối, tác động đến hành vi của mỗi cá nhân, cộng đồng, nhân loại và được sử dụng làm những hướng dẫn chung cho mọi tình huống của cuộc sống. Giá trị còn là những những mục tiêu, những mục đích cao nhất, xa nhất và cuối cùng mà con người mong muốn có được, thực hiện được, đạt tới được. Các định nghĩa về giá trị văn hóa trên đều đặt cơ sở ở ba tiền đề cần thiết cho việc định giá sự sinh tồn và phát triển của con người để tạo thành hệ thống giá trị văn hóa, đó là: i) các nhu cầu sinh học của cơ thể mỗi cá nhân con người; ii) các điều kiện tiên quyết về phương diện xã hội đảm bảo việc tổ chức các quan hệ xã hội theo trật tự mang tính thứ bậc; và iii) các yêu cầu phát triển về phương diện xã hội của cá nhân, nhóm, cộng đồng, quốc gia, nhân loại liên quan cả đến môi trường tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa [có thể xem: Rokeach M., 1973. The Nature of Human Values. New York: The Free Press; Schwartz S.H. 1992. Universal in the contents and structure of values: theoretical advances and empirical tests in 20-centuries. In M. Zana (ed.) Advances in Experimental social psychology (Vol.25, pp.1-65). Orlando FL: Academic Press].
Nếu nhìn từ ba tiền đề trên thì tiền đề thứ nhất: i) các nhu cầu sinh học của cơ thể mỗi cá nhân con người tương ứng với những giá trị gắn với tồn tại bản năng ở trình độ hoặc mức độ sinh nhai; về phương diện cộng đồng, chủ yếu gắn với sinh kế của các xã hội sơ khởi; nhưng ngược lại ở phương diện mỗi cá nhân trong mọi xã hội thì đó lại là những quyền con người cơ bản và thiêng liêng nhất. Vì vậy có những loại giá trị gắn với các nhu cầu này mang tính bền vững rất cao như giá trị về một nghề nghiệp tối thiểu có thể nuôi sống bản thân; giá trị của một mái nhà với tư cách là một tổ ấm gia đình, v.v…Tuy nhiên việc tôn thờ giá trị sức mạnh bạo lực để chém giết, giành giật một miếng ăn, một mái nhà với đồng loại thì loại giá trị ấy lại không bền vững, …v.v. Tiền đề thứ hai: ii) các điều kiện tiên quyết về phương diện xã hội đảm bảo việc tổ chức các quan hệ xã hội theo trật tự mang tính thứ bậc: các giá trị văn hóa được xây dựng trên tiền đề này có tính bền vững cao và có đóng góp đáng kể vào sự phát triển bền vững của xã hội, chẳng hạn như trong mỗi cộng đồng người việc tổ chức theo thứ bậc là một giá trị văn hóa bền vững; việc tôn kính người già, tuân thủ sự điều hành của người có vị thế, tài năng, uy tín cao hơn trong cộng đồng cũng đều là những giá trị văn hóa bền vững. Tuy nhiên có những giá trị văn hóa về trật tự thứ bậc rất có ý nghĩa trong xã hội xưa thì ngày nay lại trở thành yếu tố cản đường: chẳng hạn tập quán trọng tước và trọng xỉ ở một số trường hợp, rõ ràng cản trở con đường thăng tiến của lớp trẻ trong xã hội hiện đại. Tiền đề thứ ba: iii) các yêu cầu phát triển về phương diện xã hội của cá nhân, nhóm, cộng đồng, quốc gia, nhân loại liên quan cả đến môi trường tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Đây là tiền đề quan trọng nhất đối với hệ giá trị văn hóa gắn liền với phát triển, bởi vì khi đã vượt khỏi các nhu cầu sinh tồn cơ bản , khi đã vượt khỏi các điều kiện nhất địnhcủa tồn tại, con người vươn tới các yêu cầu phát triển, có nghĩa là vươn tới việc hoàn thiện cá nhân với tư cách con người trong mọi mối quan hệ của mình. Và quá trình hoàn thiện đó cũng chính là quá trình hoàn thiện về phương diện văn hóa, làm cho các giá trị văn hóa thực sự trở nên bền vững. Có nghĩa là nếu không thoát khỏi trình độ của các nhu cầu và của cácđiều kiện để vươn tới các yêu cầu mang tính nhân tính, mang tính văn hóa, thì không thể có phát triển bền vững thực sự được.
Để minh họa thêm về quan niệm giá trị văn hóa ở cấp độ nhu cầu, tôi xin kể lại một thực tiễn vừa đáng buồn lại vừa đáng vui sau đây: năm 2001, khi tôi làm chuyên gia xã hội cho một dự án giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại T.N, trong một khóa tập huấn về tri thức bản địa và phát triển, có một học viên là phó chủ tịch Hội phụ nữ huyện đã luống tuổi người dân tộc thiểu số địa phương kể lại câu chuyện buồn của chính đời chị và cộng đồng chị như sau: Dân tộc chị có một tập tục đau lòng là khi đứa trẻ sinh ra, nếu chẳng may mẹ nó bị chết thì già làng bắt phải chôn sống đứa bé đó theo mẹ. Vì không đành lòng với cách xử sự mà chị cho là “dã man” ấy, chị đã xin nuôi 4 đứa trẻ có hoàn cảnh như vậy, nhưng chị phải chịu hai điều kiện bắt buộc là: i) chị và bọn trẻ phải vào rừng sống, chứ không được ở chung với buôn làng; ii) nếu trong buôn xảy ra bất cứ sự cố gì như cháy nhà, chết người, bệnh dịch, đói kém, …v.v, thì chị phải chịu trách nhiệm, vì hành động chống báng thần linh của mình. Cuối cùng chị hỏi tôi: Xin anh cho tôi lời khuyên phải làm gì với già làng để giúp thay đổi quan niệm và cách hành xử đó? Tôi thưa với chị rằng: Trước hết chị là một phụ nữ kiên cường, nhưng xin chị đừng vội kết tội tập quán ấy là không nhân đạo; nếu suy nghĩ bằng chính lịch sử sản sinh và duy trì tập quán ấy thì chị sẽ có cách nhìn nhận và ứng xử khoan dung hơn; chị biết rằng các dân tộc còn ở trình độ bộ lạc cho rằng con người sống giống nhau ở cả hai thế giới: thế giới (buôn làng) của người sống và thế giới (buôn làng) của người chết (ma). Khi người mẹ sinh con mà chết, có nghĩa là bà ấy chỉ đơn giản là về sống ở làng ma. Vì vậy việc để đứa trẻ ở lại với làng người mà phải xa cách mẹ thì mới là vô nhân đạo! Muốn già làng thay đổi tập quán đó thì chị nên nhìn nhận theo tập quán để dần dần thay đổi nó. Tất nhiên câu chuyện kết cục có hậu, những năm sau này gặp lại chị, mọi sự đã đổi thay theo chiều hướng tiến bộ.
PV: Thông thường chúng ta vẫn thường nói văn hoá là trí tuệ dẫn đường cho kinh tế. Thế nhưng soi vào hiện tại, chúng tôi lại thấy kinh tế đang chi phối văn hoá. Các nhà giàu, cái cung cách nhà giàu, thậm chí là trọc phú đang làm chủ rất nhiều hoạt động văn hoá của xã hội, từ các sự kiện đình đám đến việc dựng chùa xây đền, từ showbit đến lễ lạt, hội hè. Ông có thấy điều đó không và ý kiến của ông về vấn đề, vấn nạn này?
Ông Hà Hữu Nga: Thực ra câu hỏi của anh đã phần nào là câu trả lời rồi. Đã từ lâu tôi không đi học lớp lý luận chính trị nào nên không biết người ta đã thay đổi cái tín điều kinh tế quyết định tất cả chưa? Nếu tín điều ấy vẫn tiếp tục được giao giảng như một loại tiền đề nhu cầu, hoặc như một loại tiền đề điều kiện thì những giả giá trị mà anh thấy là đúng theo cái logic kia rồi. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi giá trị đang biến đổi đến tận gốc rễ, vì vậy nhiều cái tôi tưởng là văn hóa thì trong bản chất của nó lại là phi/không/vô văn hóa. Tôi là người không bi quan, cũng không lạc quan nên tôi không nhìn những gì đang diễn ra chỉ thuần túy là vấn nạn. Ngược lại, tôi thấy trong những ngổn ngang của các hành động giả trang ấy, trong sự mục ruỗng của một vài tích tuồng mang danh văn hóa ấy có những khát khao muốn quay lưng, muốn bịt mắt, muốn bưng tai để dành cho những dịp được hạnh ngộ cùng cái Faktizität thực tính duy nhất “hôm nay, ở đây” của văn hóa thực sự, của hiện hữu người thực sự.
PV: Trở lại với câu chuyện phát triển và bền vững, ông có thể cho biết ý kiến của ông về tính bền vững, sự đảm bảo tính bền vững của nước ta trong sự vận động phát triển trong thời gian khoảng 2 thập niên vừa qua như thế nào? Tại sao lại có tình trạng này? Nguyên nhân cơ bản là gì?
Ông Hà Hữu Nga: Tôi có một người bạn Canada là GS. Ledent, nhà xã hội học của Đại học Quebec, năm 2006 khi tôi đến Montreal làm việc với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, ông hỏi tôi: Tại sao Viện ông lại gọi là Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững? Tôi hỏi lại: Ông hỏi đùa tôi à? Ông nói: Trông tôi giống người đang đùa sao? Nhìn thái độ nghiêm túc trong cách ông hỏi và chờ tôi trả lời, tôi liền nhớ tới một lần họp Hội đồng có PGS. Kinh tế Nguyễn Danh Sơn, GS. Môi trường Lê Trọng Cúc, GS. Nông học Nguyễn Tử Siêm và một hai nhà xã hội học là thành viên (cả trong và ngoài Viện) của Hội đồng, GS. Siêm hỏi tôi: Thưa ông Chủ tịch, xin ông định nghĩa thế nào là phát triển bền vững? Tôi nói: Xin chịu! GS. Siêm đùa đùa: Sao chúng ta không định nghĩa bằng phương pháp phủ định của phủ định là: Phát triển bền vững là làm cho những cái không/chưa bền vững mà ta thấy đầy rẫy quanh ta [ở cả ba “cái cột cái”: Môi trường, Kinh tế, và Xã hội] không còn không bền vững nữa!
Phát triển không bền vững là thực trạng của mọi quốc gia đang/kém phát triển! Nguyên nhân của thực trạng không bền vững thì rất nhiều, nhưng một trong những cái vừa là nguyên nhân lại vừa là hệ/hậu quả của tình trạng này chính là BỎ/QUÊN phương văn hóa [đích thực] của phát triển.
PV: Chúng ta có thể lường trước được hậu quả của phát triển nóng, của phát triển thiếu bền vững và phát triển phá sự ổn định và bền vững? Có thể hình dung hậu quả đó như thế nào, thưa ông?
Ông Hà Hữu Nga: Nói thật với anh là tôi hơi sốc với từ “chúng ta” của anh, bởi vì nó gợi lại cho tôi những kỷ niệm rất khó quên với một vị Viện trưởng đáng kính trước đây của tôi là cố GS. Nhà thơ Phạm Huy Thông. Trong mọi cuộc họp, uyển ngữ quen thuộc của ông là: “Hôm nay chúng tôi và chúng ta phải chăng có thể, tùy theo điều kiện cho phép, cùng suy nghĩ thêm…v.v”. Trong bối cảnh ấy thật khó mà phận định được ai và trách nhiệm nào thuộc vềchúng tôi, và ai/trách nhiệm nào thuộc về chúng ta để mà bắt tay vào thực hiện một công việc cụ thể nào đó. Trở lại câu hỏi của anh thì thấy rõ ràng là chúng ta không cần phải “lường trước”, cũng không cần phải “hình dung”, mà mọi thứ bày ra trước mặt rõ ràng là nóng, thiếu ổn định và không bền vững rồi. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là những băng hoại các giá trị đạo đức và văn hóa. Vết thương ấy thực sự khó chữa và sẽ rất lâu lành.
PV: Thật tiếc, nếu không dùng cái uyển ngữ là đại từ xưng hô kiểu đám đông ấy thì tôi biết dùng từ bấy giờ? Khó quá! Mà thôi, dẫu sao thì tôi cũng muốn ông cho biết ý kiến của mình, là ta, [lại ta rồi], có thể bình luận như thế nào về sự đô thị hoá ồ ạt quá mức vừa qua, nếu từ góc độ phát triển bền vững?
Ông Hà Hữu Nga: Đô thị của Việt Nam rõ ràng là một khuyết tật rất dễ thấy: nó manh mún, phân cắt, chen chúc và đầy khuyết tật về phương diện văn hóa. Nó không thuộc về những giá trị quá khứ, càng khó mà hình dung một xã hội phát triển của tương lai lại có thể dựa trên nền tảng văn hóa đô thị như hiện tại. Nhưng cũng có một số điểm sáng để hy vọng khi giấc mơ về những hệ thống nhà hình ống và văn hóa nhà hình ống phai nhạt dần.
PV: Và câu chuyện thuỷ điện nữa. Cần đọc tên các nguy cơ tiềm ẩn hình thành từ nó như thế nào?
Ông Hà Hữu Nga: Tôi đã làm tư vấn xã hội và dân tộc thiểu số cho một số dự án Thủy điện và thực sự sợ phải đến những cánh rừng bị phá, những bản làng định cư hàng trăm thế hệ người nay bỗng chìm nghỉm dưới lòng hồ vô tăm tích, để nhọc nhằn cắm rễ trên những lưng núi cao đã trọc trụi cây xanh, để những hệ sinh thái đa dạng được thay bằng một loài cây, một loài con ngoại lai nào đấy. Từ quan điểm văn hóa thì những hình ảnh đó không dễ chịu chút nào.
PV: Trong văn hoá nữa, sự tiếp nhận quá nóng – vội về văn hoá trong hơn 2 thập niên vừa qua có thể đốt cháy các giá trị truyền thống không? Và liệu cái lớp văn hoá mới hình thành có phù hợp với con người và truyền thống, có tạo ra được sự ổn định để dần dần hình thành nên được các giá trị hữu ích?
Ông Hà Hữu Nga: Trong một thế giới đã trở thành ngôi làng toàn cầu ngày nay thì tích hợp, biến đổi, thích nghi và đồng hóa văn hóa là điều đương nhiên. Nhưng chỉ có điều đáng buồn và đáng ngại là Việt Nam được chuẩn bị rất ít cho quá trình này, kể cả ở cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng, nhà nước cũng vậy. Cái giá phải trả cho quá trình tích hợp, biến đổi, thích nghi và đồng hóa văn hóa chắc chắn đã, đang và sẽ rất lớn. Tôi không tin các giá trị truyền thống bị thiêu cháy, nhưng tôi tin, nhiều giá trị phải khuất lấp, phải ẩn mình trước sức xô đẩy của toàn cầu hóa về văn hóa. Đối với tôi, các giá trị thật của truyền thống sẽ không bao giờ bị mất đi, nó chỉ bị khuất lấp, bị vùi dập và sẽ trở lại đúng theo cách mà Heidegger quan niệm về chân lý là aletheia là “tính không che giấu”, văn hóa thực sự bao giờ cũng có đặc tính chân lý như vậy.
PV: Cả từ phương diện lý thuyết lẫn thực hành, theo ông, ở Việt Nam hiện nay, chúng ta, [xin lỗi, lại chúng ta!], cần làm gì để có được một sự ổn định cần thiết tối thiểu cho sự tồn tại lâu dài của quá khứ và hiện tại, tức là tôi muốn nói đế là một sự bền vững tối thiểu.
Ông Hà Hữu Nga: Riêng tôi, tôi lại muốn nói đến cái bền vững tối đa, đó chính là việc đưa phương văn hóa vào phát triển, đưa các giải pháp văn hóa vào phát triển. Nhưng muốn có phương văn hóa, muốn có giải pháp văn hóa thì phải cần đến các nhà văn hóa lớn, có tài năng, có nhân cách. Riêng về lĩnh vực này thì tôi thực sự thấy là một nan đề.
PV: Thưa ông, ai sẽ cầm cân nảy mực đảm bảo cho sự ổn định và bền vững, cả trong sự phát triển kinh tế lẫn văn hoá?
Ông Hà Hữu Nga: Để trả lời câu hỏi lớn này, tôi may mắn có được tập tài liệu đánh máy bài nói chuyện của GS. Nguyễn Hồng Phong tại Trường Tuyên huấn Trung ương, ngày 27/9/1989, (do chính Phòng Thông tin Khoa học Nhà trường ghi âm và gỡ băng). Ở trang 54, GS. Phong khẳng định như sau: “Nhà nước quyết định sự phát triển chứ không ai khác cả. Lý luận thường nói rằng cơ sở nó quyết định thượng tầng. Nhưng thực tế, thượng tầng nóquyết định cơ sở”. Riêng tôi thì lại tin rằng cùng với sự phát triển của công nghệ và sự phát triển của dân trí thì càng ngày người dân với các thể chế dân sự sẽ càng đóng vai trò quyết định cho sự ổn định và bền vững của quá trình phát triển.
PV: Một câu hỏi cuối, các chính trị gia, các chính khách ở đâu trong bản đồ quyền lực và hành động vì sự phát triển bền vững, thưa ông?
Ông Hà Hữu Nga: Theo tôi và chủ yếu là tôi hy vọng quá trình phát triển sẽ rèn rũa để chúng ta thực sự có các chính trị gia và các chính khách có đủ tài năng và bản lĩnh, đặc biệt là về phương diện nhân cách và văn hóa chính trị. Và đến lượt mình, họ cũng sẽ góp phần vào sự phát triển thực sự bền vững của đất nước, trong đó chắc chắn có vai trò và sự đóng góp to lớn của phương văn hóa trong vốn văn hóa chính trị của họ.
PV: Cảm ơn ông rất nhiều về cuộc trao đổi hôm nay. Hy vọng trong thời gian tới chúng tôi lại được đón ông làm khách của Văn hóa Nghệ An.
_______________________________________
PHAN THẮNG thực hiện
Ghi chú: Phỏng vấn này được công bố lần đầu tiên trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 249, ngày 25/7/2013; được đăng lại trên http://vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/khach-moi-cua-tap-chi45/ Thứ bảy, 24 Tháng 8 năm 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét