Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Nga nhận thêm cấm vận vì MH17

Nga nhận thêm cấm vận vì MH17
Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến thảm họa MH17, hôm 22-7 EU đã công bố thêm những lệnh cấm vận mới đối với Nga, nhưng chưa triển khai ngay vì Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên lên tiếng kêu gọi phe ly khai hợp tác với các nhà điều tra.

Thảm họa MH17 khiến quan hệ Nga-EU càng thêm căng thẳng.
Báo Guardian (Anh) cho biết EU sẽ mở rộng danh sách đen nhắm đến những nhân vật thân cận của ông Putin và xây dựng thêm các biện pháp mở rộng bao gồm một lệnh cấm vận vũ khí và hạn chế tài chính trên các doanh nghiệp Nga. Danh sách “tay chân” của Putin bị trừng phạt sẽ được soạn xong vào cuối tháng này.

Trước đó, EU đã trừng phạt một số cá nhân và thực thể trực tiếp liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Quan chức cấp cao nhất bị EU trừng phạt đến nay là Vyacheslav Volodin, Phó Chánh văn phòng Điện Kremlin.

Một số tướng lĩnh cao cấp của Nga cũng đã bị EU cấm vận. Những biện pháp trừng phạt thêm gồm các hạn chế đối với việc tiếp cận thị trường vốn, quốc phòng, hàng hóa sử dụng kép (cả dân sự và quân sự) và các công nghệ nhạy cảm. Điều kiện để Nga tránh cấm vận là thúc đẩy hợp tác điều tra thảm họa máy bay MH17, ngăn chặn dòng chảy vũ khí, thiết bị và chiến binh ngày càng cao qua biên giới Ukraine, rút tất cả binh lính Nga ra khỏi khu vực biên giới.

Dù tất cả biện pháp trừng phạt vừa được thông qua của châu Âu không có hiệu lực ngay lập tức, những người ủng hộ tin rằng các biện pháp được thông qua tại cuộc họp các ngoại trưởng EU tại Brussels thể hiện thái độ cứng rắn của EU đối với vụ thảm họa máy bay, đồng thời dự đoán một số biện pháp trừng phạt thêm chắc chắn sẽ được áp dụng. “Tôi nghĩ châu Âu đã nổi giận. Trước đây những thứ như thị trường vốn, quốc phòng, hàng hóa sử dụng kép chưa từng được đề cập trong các văn kiện cấm vận của EU” - Carl Bildt, Ngoại trưởng Thụy Điển, nói.

Hôm nay (24-7), các đại sứ EU sẽ họp để phê chuẩn việc mở rộng danh sách mục tiêu cấm vận, bao gồm những “cộng sự gần gũi, những người chủ động cung cấp tài liệu hoặc hỗ trợ tài chính hoặc đang được hưởng lợi từ các quyết định của Nga trong việc sáp nhập Crimea hoặc bất ổn ở miền Đông Ukraine”. Danh sách cuối cùng có thể được công bố vào tuần tới. 

Các quan chức châu Âu cũng bàn việc có nên đưa các nhóm ly khai như Donetsk People's Republic vào danh sách tổ chức khủng bố hay không, nếu xác định họ có liên quan đến việc bắn hạ chiếc MH17. Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans, nước có 193 công dân bị thiệt mạng trong thảm họa, mô tả gói cấm vận là “khá mạnh mẽ”.

Lệnh cấm vận mới khiến các ngân hàng và công ty năng lượng Nga bị trừng phạt sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc tiếp cận các thị trường vốn của Hoa Kỳ. Việc cấm đi lại của phương Tây có thể ảnh hưởng đến những người bạn giàu có và gắn bó với ông Putin, vì London là nơi giới nhà giàu Nga hay lui tới. Nhiều người còn mua các cơ ngơi xa xỉ ở Anh.

Giới quan sát cho rằng các đòn cấm vận chắc chắn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Nga, vốn đã xuống dốc trong năm nay. Trong khi đó, một số nước EU sẽ bị tác động ngược vì Nga đã trở thành một thị trường bùng nổ cho hàng hóa tiêu dùng của họ trong thập niên qua.

Đặc biệt, xuất khẩu của Đức sang Nga đạt 38 tỷ EUR (51 tỷ USD) trong năm 2013, cao nhất trong khối EU, và hơn 30% lượng dầu lửa và khí đốt của nước này phải nhập từ Nga. Hà Lan cũng phụ thuộc nặng vào năng lượng Nga. Một số nước trong khối Liên Xô cũ thậm chí còn dựa 100% vào nguồn cung khí đốt của Moscow.
Vinh Trang
http://www.saigondautu.com.vn/pages/20140723/nga-nhan-them-cam-van-vi-mh17.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét