Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Kyoto rực rỡ mùa lá đỏ

Kyoto rực rỡ mùa lá đỏ 
Bài và ảnh: Minh Tâm 
Tôi đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới nhưng nước Nhật là nơi tôi muốn trở lại nhiều lần bởi vì phong cảnh ở đó rất đẹp, nhứt là vào mùa Xuân hay mùa Thu. Mùa Xuân, tùy vị trí địa lý từ Nam lên Bắc và vào khoảng từ cuối Tháng Ba đến đầu Tháng Tư, hoa anh đào nở rộ. Lúc đó người Nhật và gia đình, bạn bè cùng đến các công viên, trải chiếu ngồi dưới các cội hoa đào và cùng ngắm hoa uống rượu rất vui vẻ. Người ta gọi đó là lễ hội hanami (kiến hoa). Tôi đã đến Nhật vào mùa Xuân năm 2006 và rất thích phong cảnh tuyệt đẹp của đất nước mặt trời mọc.
Chùa Kim Các (Kyoto), nơi chúng tôi sẽ ghé thăm. 
Ngoài thú ngắm cảnh hoa đào mùa Xuân, nước Nhật còn có mùa Thu lá đỏ nữa. Tùy theo vị trí địa lý, tới khoảng giữa tháng 10, tới đầu tháng 12, những địa phương ở Nhật, nơi trồng nhiều cây phong, cây ngân hạnh... sẽ có lá đổi màu rất đẹp. Trong số các nơi đó, mùa Thu ở Kyoto là nơi có nhiều du khách đến xem lá đổi màu nhiều nhứt. Ðối với người Nhật, thú thưởng ngoạn sự đổi màu của lá phong về mùa Thu được họ gọi là momiji-gari (nhặt lá thu vàng).

Tôi đã có ước muốn đến Nhật vào mùa Thu từ lâu nhưng chưa có dịp. Năm nay (2013), tôi quyết định phải đến xem cho được. Tôi dự định sẽ đến thăm vùng Kyoto, kinh đô cũ của nước Nhật, nơi vẫn giữ nhiều truyền thống độc đáo. Nhân tiện tôi sẽ ghé thăm Osaka, thành phố lớn thứ hai của xứ hoa đào và vài nơi lân cận.

Ðể thực hiện chuyến đi nầy, tôi bắt đầu nghiên cứu tìm hiểu về các chuyến đi Nhật vào mùa Thu lá đỏ để áp dụng cho mong ước của chính mình.

Những tìm hiểu ban đầu


Rực rỡ mùa thu Kyoto.

Ðể đi du lịch nước Nhật, ta có thể chọn cách đi theo tua hay đi tự túc. Ði theo tour thì thoải mái vì khỏi phải lo chỗ ăn ở vì đã có người lo hết cho mình. Do đó, trước tiên tôi tìm hiểu các tua đi Nhật của người Việt hay Mỹ tổ chức Tôi tìm trên Internet về các tua đi Nhật vào mùa Thu do các công ty Việt Nam thực hiện như ATNT Travel hay AV Travel... thì thấy họ có tổ chức tour đi Nhật mùa Thu với giá khoảng 3,800 USD một người chưa kể thuế. Họ sẽ thăm Kyoto, Tokyo và vài nơi khác. Tuy nhiên, các tua nầy lại khởi hành khá sớm, từ đầu tháng 11 nên tôi sợ rằng lúc đó lá vẫn chưa đổi màu. Ngoài ra, chương trình tua đi thăm viếng nhiều nơi chớ không tập trung vào Kyoto là nơi có phong cảnh đẹp nhứt. Do không có tour nào vừa ý nên tôi quyết định phải đi tự túc để có nhiều tự do trong việc thăm viếng những nơi mình thích. Tôi biết rằng đi chơi như vậy thì cũng hơi mạo hiểm vì tuy nước Nhật rất an ninh nhưng ở đó dân cư đông đảo, người chịu nói tiếng Anh lại ít, không biết mình sẽ gặp trở ngại gì hay không?

Tìm hiểu trên Internet và trong các sách du lịch tôi biết rằng ở Nhật có nhiều địa điểm để ngắm cảnh mùa Thu lá đỏ nhưng khu vực Kyoto là nơi có phong cảnh đẹp và tương đối dễ thăm viếng do đó tôi lập chương trình du ngoạn tập trung vào khu vực nầy. Trang web mà tôi tham khảo nhiều nhứt là www.japan-guide.com. Theo trang web nầy cho biết thì ngược với hoa đào nở từ Nam lên Bắc, mùa Thu lá đỏ ở Nhật bắt đầu từ miền Bắc. Từ giữa tháng 9 ở Hokkaido đã bắt đầu vào Thu. Làn sóng lá đỏ (koyo) từ từ di chuyển từ Bắc xuống Nam. Ðến cuối tháng 11, ở vùng đồng bằng phía Nam vẫn còn lá đổi màu thành vàng hay đỏ. Ðọc tường trình của du khách trong những năm 2008-2012 về mùa Thu lá đỏ ở Kyoto trên trang web: http://www.japan-guide.com thì ai cũng nói rằng cảnh đẹp mùa Thu ở Kyoto thường đến vào khoảng 2 tuần cuối tháng 11.


Ðông đảo du khách thăm viếng đền chùa vào mùa Thu.

Kết hợp với tuần nghỉ lễ Tạ Ơn ở Mỹ, tôi đặt chương trình thăm viếng như sau:
Tối ngày Thứ Sáu, 22 tháng 11, sẽ lên đường. Chuyến bay kéo dài 15 giờ sẽ gồm 2 chặng, chặng đầu ghé Tokyo, tiếp theo là chuyến bay nội địa từ Tokyo xuống Osaka. Chúng tôi sẽ đáp xuống phi trường Itami-Osaka lúc 10:30 ngày Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013. Từ Osaka, sẽ đi xe buýt về Kyoto. 

Chúng tôi sẽ mướn 4 đêm khách sạn tại Kyoto từ 24 tháng 11 tới 27 tháng 11. Ngày 28 tháng 11 sẽ di chuyển xuống Osaka và nghỉ ở đây 2 đêm để viếng cảnh Osaka, Nara và Kobe. Tối ngày 30 tháng 11 sẽ từ Osaka bay về Mỹ.

Vé máy bay khoảng 950 đô la/người (*). Sáu đêm khách sạn ở Kyoto và Osaka khoảng 600 đô. Tiền ăn uống, di chuyển, vé vào các địa điểm du lịch khoảng 1,000 đô. Tổng cộng khoảng hơn 3,000 đô cho hai người. Như vậy rẻ hơn rất nhiều so với đi theo tour, nhưng cũng cực hơn vì mình phải tự tìm hiểu và tự lo đặt phòng khách sạn, vé máy bay... Ðược một điều là tự do muốn đi đâu thì đi, muốn ở chơi chỗ nào bao lâu tùy thích, không phải phụ thuộc theo đoàn đông.

Phải đặt phòng trước

Hàng năm có khoảng 3 triệu du khách đến thăm viếng Kyoto, phân nửa số đó đến thăm nơi đây vào mùa Thu. Do số lượng khách đến thăm quá đông vào thời gian nầy nên Kyoto không đủ chỗ cho họ cư trú vì vậy chúng ta cần đặt phòng khách sạn từ 6-8 tháng trước. Ðể đi vào tháng 11, từ tháng 4, tôi đã tìm và đặt phòng trên website du lịch www.expedia.com. Lúc đầu, tôi muốn tìm khách sạn ở gần nhà ga trung tâm Kyoto cho tiện việc di chuyển nhưng không có khách sạn nào vừa ý. Sau đó chúng tôi tìm được một khách sạn ba sao cỡ trung bình trên đường Shoiji thuộc khu trung tâm Kyoto. Ðó là khách sạn Shoiji Oak Kyoto Hotel. Giá phòng cũng vừa túi tiền là 90 đô la/một đêm.


Ðèn lồng trong một đền thần đạo.

Còn hai đêm ở Osaka thì dễ hơn, tôi chọn khách sạn ở ngay khu nhà ga Osaka Umeda. Ðó là khách sạn năm sao Monterey Osaka. Giá một đêm cư ngụ cũng là 90 đô la nhưng phòng ở đây đẹp hơn và tiện nghi hơn ở Kyoto. Bạn sẽ hỏi khách sạn 5 sao mà tại sao chỉ có 90 đô la một đêm. Câu trả lời là có giá rẻ như vậy là do mình đặt phòng sớm 7 tháng. Sau nầy, khi gần tới ngày đi tôi coi lại thì thấy giá phòng khách sạn nầy là 250 đô la một đêm.

Việc mua vé máy bay thì không gấp lắm. Tôi dò tìm trên Internet về chuyến bay nhưng chưa mua vội để chờ coi giá cả như thế nào. Tới tháng 5, 2013 tôi mới mua vé chánh thức với giá 950 đô la/vé. Kinh nghiệm mua vé máy bay là sau khi mình vào website của hãng du lịch để coi giá thì người ta “nhớ” mình và sau đó họ thường tự động gởi email giới thiệu các chuyến bay giá rẻ hay quảng cáo khách sạn đang hạ giá (on sale)... Do đó, ta nên chuẩn bị sớm nhưng từ từ sẽ mua để có được vé máy bay với giá hạ.

Những trở ngại có thể có

Mua vé và đặt khách sạn sớm có lợi là biết chắc ngày khởi hành để chuẩn bị, tuy nhiên có khi cũng có nhiều trở ngại như:

Thiên tai, nhân tai: Nhật là nước hay có động đất. Rủi ro tới gần ngày đi mà lại xảy ra động đất ở gần nơi mình tới thì cũng phiền lắm. Thêm vào đó là chiến tranh hay khủng bố. Lúc sau nầy Bắc Hàn hay hăm he đủ thứ. Nếu họ làm bậy thì cũng rắc rối vô cùng.
Gia đình có việc: Nhà tôi có mẹ già hơn 90 tuổi. Mong bà không có vấn đề gì trong thời gian chúng tôi chuẩn bị lên đường. Nếu bà bịnh, ốm, thì có đi chơi cũng bớt vui.
Bịnh: Bản thân mình cũng lớn tuổi rồi, nếu có bịnh nặng thì phải hoãn chuyến bay chớ biết làm sao.

Vấn đề ngôn ngữ: Nước Nhật tuy văn minh nhưng nghe nói số người chịu nói tiếng Anh không nhiều lắm. Từ đây tới ngày đi cũng xa, tôi sẽ cố gắng học một số câu đàm thoại thông dụng để có thể ứng biến trong tình huống không có ai biết tiếng Anh. Ngày nay có rất nhiều cách để tự học. Tôi sẽ mua sách về tự học và học từ internet (theo www.youtube.com). 

Tuy nhiên phải công nhận tiếng Nhật là một ngôn ngữ thật khó. Về chữ viết, họ có tới 5 loại khác nhau là Hiragana, Katakana, Kanji, Quốc Tự (hay Hòa Tự) và chữ Latin. Một số chữ Hán Kanji lại có thể đọc theo nhiều cách khác nhau. Về văn phạm, chủ từ đôi khi không nói tới, còn động từ thì ở cuối câu, do đó ta phải chờ cho người phát biểu nói hết câu mới hiểu. Học theo kiểu “được chăng hay chớ” như tôi trong 6 tháng chỉ biết lơ mơ có mấy chữ đơn giản để chào hỏi như Konichiwa (chào), Arigato (cám ơn), Doko desu ka? (ở đâu), Ikura desu ka? (giá bao nhiêu) và số đếm mà thôi. 

Ngoài ra, tôi mua thêm một cuốn cẩm nang du lịch Nhật “Japanese Phasebook & Dictionary” để nếu bí thì có “bùa” mà dở ra coi. Thật ra đó là lo quá xa. Du khách không biết tiếng Nhật vẫn có thể du ngoạn nước Nhật dễ dàng vì thỉnh thoảng cũng có người biết tiếng Anh và nếu coiwww.japan-guide.com thì biết được cách di chuyển, thăm viếng. Ngoài ra, tiệm ăn ở Nhật đều có hình ảnh và giá tiền món ăn ở trước tiệm nên cũng dễ đặt món ăn.


Chùa Thanh Thủy ở Kyoto, một di sản văn hóa thế giới.

Vấn đề ăn uống: Tôi là người “kén ăn.” Ðặc biệt không biết ăn đồ ăn Nhật như sushi, sashimi... Ngoài ra, nghe nói giá thực phẩm, đồ ăn ở Nhật rất mắc nên cũng lo lắng. Tuy nhiên, cũng nghe nói bây giờ ở các thành phố lớn của Nhật các tiệm ăn theo kiểu Tây Phương không thiếu. Theo tôi biết, cứ việc tới các nhà ga xe lửa lớn thế nào cũng có chỗ để ăn, không sợ đói.

Vấn đề di chuyển và sợ đi lạc: Tới Nhật là để đi chơi. Muốn vậy ta cần phải biết cách di chuyển. Nước Nhật là nơi đất chật người đông nên đa số người Nhật và du khách đều phải sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng. May thay, ngày nay các hãng xe lửa, xe buýt đều có website trên internet nên chúng ta có thể tìm hiểu dễ dàng về tuyến đường, thời khóa biểu... 

Websitewww.hyperdia.com là một trang web rất hay. Nó giúp ta biết thời biểu của mọi tuyến xe điện ở Nhật, giá cả, trạm chuyển tiếp, trạm ngừng... Các website khác thì dở hơn, đôi khi chỉ có chữ Nhật mà không có tiếng Anh, do đó việc nghiên cứu cũng tương đối khó khăn. Tuy nhiên, nếu ta chịu khó tìm kiếm trước thì sẽ vững lòng trước khi lên đường tới một xứ lạ. Rồi tới nơi ta sẽ tùy cơ ứng biến. Một vấn đề khác là ở Nhật có rất đông dân, nhứt là các địa điểm du lịch thì chen chân không lọt, do đó, dù sao ta cũng phải chú ý đôi chút về an ninh và nhứt là không để bị đi lạc. Lạc chỗ hay mất người cũng phiền phức và làm cho chuyến du ngoạn mất thú vị.

Ðọc sách tìm hiểu về các địa điểm du lịch


Vài món ăn đặc biệt của Nhật.

Ði chơi tự túc có một điều khó là mình không có hướng dẫn viên và phương tiện di chuyển nên chúng tôi phải tự nghiên cứu về những thắng cảnh ở nơi mình sẽ đến và sau đó thì làm thế nào để có thể đi lại thăm viếng các nơi đó. Ngày nay có website www.google.com giúp ta có bản đồ các địa điểm sẽ đến thăm và ta có thể xem không ảnh và hình ảnh chụp từ đường phố nên ít ra, du khách đã có thể có khái niệm về nơi mình đến sẽ như thế nào. 

Ðể tìm hiểu các địa điểm du lịch Nhật, website mà tôi thích nhứt là http://www.japan-guide.com. Ðây là một địa chỉ rất hữu ích để nghiên cứu về du lịch Nhật Bản. Với trang nầy ta có thể tìm hiểu là mình nên đi đâu, đi lúc nào, viếng thăm nơi đâu, bằng phương tiện gì & hoặc nếu muốn mua tua phụ thì ta có thể mua ở đâu... Trang nầy còn có bản đồ các địa điểm du lịch và hay nhứt là những bản tường trình (reports) của du khách về phong cảnh các địa phương trong thời gian hoa anh đào nở vào tháng tư và mùa lá đỏ vào tháng 10-11. Ðọc các tường trình nầy du khách có thể hình dung lúc mình tới Nhật thì phong cảnh sẽ như thế nào để chọn địa điểm và thời gian du ngoạn cho thích hợp trong số hơn 2,000 ngôi chùa và đền đài ở Kyoto.

Ðổi tiền

Ðọc các du ký của du khách Việt & Mỹ sau khi đi Nhật về thì mọi người đều khuyên chúng ta nên có tiền yen. Theo họ cho biết, do an ninh được bảo đảm, ít cướp giựt nên người Nhật thường chỉ xài tiền mặt. Do đó ở Nhật, ngoài các thương xá lớn chịu nhận thẻ tín dụng còn đa số các hàng quán nhỏ đều không nhận thẻ tín dụng mà chỉ lấy tiền mặt. Thêm vào đó, họ chỉ nhận tiền yen chớ không nhận đô la Mỹ. Biết vậy, chúng tôi lo chuẩn bị nghiên cứu cách thức để có thể đổi chút đỉnh tiền yen để mà xài trong thời gian đầu.


Ngôi đền Ngàn Cổng ở Kyoto.

Ðể có tiền yen, ta có thể đổi tại các phi trường lớn ở Mỹ hay các phi trường quốc tế ở Nhật như phi trường Narita (hay Haneda)-Tokyo. Khác với Việt Nam, Thái Lan hay các nước Châu Âu, trong nước Nhật ta chỉ có thể đổi tiền tại một số địa điểm như ngân hàng, khách sạn, bưu điện và các phi trường lớn. Ở Nhật, họ còn hạn chế số tiền du khách có thể đổi (tối đa là 500 đô la/phòng/ngày) khi đổi tại khách sạn. Còn đổi ở ngân hàng thì dễ hơn. Khi đổi tiền, chúng ta bị lỗ do sự chênh lệch mua ra bán vào. Nhiều đại lý còn tính thêm tiền cò (commission) và thuế. Do đó, chọn chỗ đổi tiền cũng rất quan trọng và giúp mình tiết kiệm rất nhiều. Ðổi tiền qua ngân hàng thường có hối suất có lợi cho chúng ta hơn là đổi tiền tại các đại lý hay phi trường.

Lúc nầy đô la Mỹ có giá, tiền yen sụt giá nên đi du lịch qua Nhật cũng có lợi cho du khách một chút. Trước ngày đi 1 tháng, chúng tôi tới ngân hàng Citibank nơi chúng tôi có tài khoản để hỏi thử coi có đổi tiền được không. Nhân viên ngân hàng nói rằng dĩ nhiên là được nhưng khi hỏi đổi 10,000 yen để “dằn túi” thì họ nói tôi phải trả 112 đô la (bao gồm 107 đô la là tiền chuyển đổi và 5 đô la lệ phí). Thấy họ tính mắc quá (1 đô la tính ra chỉ đổi được 89 yen, trong khi hối suất hôm đó là 1 đô la = 98 yen) nên tôi không đổi mà chờ qua tới Nhật sẽ đổi luôn. Thường, đổi tiền ở các phi trường ở Nhật sẽ có hối suất có lợi hơn cho mình so với đổi tiền từ Mỹ. Tuy nhiên nếu bạn không có nhiều thì giờ ở các phi trường thì đành phải chấp nhận đổi tiền từ Mỹ mà thôi.

Chuẩn bị như thế là quá chu đáo. Chúng tôi chờ ngày lên đường trong háo hức...

Ghi chú:
(*) $950/ người là giá máy bay năm tháng 11, 2013, năm nay giá vé đã tăng gấp đôi, có lẽ do chánh phủ Nhật đánh thêm thuế tiêu thụ.
Ðón đọc kỳ sau: Lên đường qua Nhật
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=191103&zoneid=22#.U8zuGNIW0Z4

Ký sự du lịch Nhật Bản (bài 2)
Bài và ảnh: Minh Tâm

Một chút lo lắng trong lúc khởi hành:

Sáng ngày Thứ Sáu 23 tháng 11, 2013, trước khi bay 24 giờ, tôi mở Internet để check in chuyến bay theo website của hãng máy bay ANA. Tôi chỉ có hành lý xách tay gọn nhẹ và không cần gởi hành lý. Ngoài ra tôi đã in được thẻ lên máy bay rồi nên sẽ không cần phải tới quầy ANA nữa mà chỉ cần đi thẳng tới trạm xét an ninh mà thôi.


Vườn cảnh xinh đẹp ở Kyoto vào mùa Thu.

Tối ngày Thứ Sáu 23 tháng 11, 2013, chúng tôi lên đường. Từ nhà tôi ra phi trường bình thường xe chỉ chạy chừng 15 phút là tới nên chúng tôi tà tà chờ gần 10 giờ tối mới lên đường để đi chuyến bay lúc 12 giờ khuya. Ai dè, khi xe chạy tới giao điểm hai xa lộ 405 và 105 gần phi trường thì thấy đường kẹt cứng. Chỉ một đoạn ngắn chừng 500 mét mà xe chạy hơn nửa giờ vẫn chưa qua. Con gái tôi mở điện thoại để xem tình hình giao thông thì thấy tất cả ngõ vào phi trường đều bị đỏ (kẹt xe). Ngồi đây mà chúng tôi nóng lòng như lửa đốt. Ðiệu này chắc trễ giờ lên máy bay rồi và chuyến đi chắc sẽ bị thất bại rồi!

Nhờ có điện thoại “thông minh” nên con gái tôi đề nghị mình xuống xa lộ, chạy vòng các đường nhỏ, lên phía bắc phi trường, nơi ít bị kẹt xe hơn, may ra mình có thể đúng giờ. Thế là chúng tôi tìm lối ra, chạy một vòng hơn xa nhưng lại rất nhanh. Lối vào phía bắc tuy hơi khó nhưng ít người biết nên ít xe và chúng tôi tới phi trường kịp lúc. Chúng tôi đã mất hơn 90 phút cho một chuyến đi bình thường chỉ tốn có 15 phút.

Rút kinh nghiệm, sau này, nếu có đi phi trường thì nên mở Internet coi tình trạng giao thông trênwww.google.com. Nếu thấy kẹt xe thì nên đi sớm một chút và đi đường địa phương, kẹt chỗ này, mình vòng qua đường khác. Ðừng đi đường xa lộ 405, lúc chuyển tiếp qua 105, xe nằm trên cầu cao, kiếm được lối ra thì xa cả cây số.


Cảnh đẹp mùa Thu Nhật Bản.

Như đã nói ở trên, chúng tôi không gởi hành lý mà đi thẳng vào trạm xét an ninh. Du khách xếp hàng cũng dài nên 20 phút sau chúng tôi mới xong. Phi trường Los Angeles đã sửa chữa lại mới mẻ mà chúng tôi không có thì giờ để xem mà lo đi nhanh tới quầy 103 của hãng ANA. Tới nơi, chúng tôi còn được 5 phút để đi vệ sinh trước khi sắp hàng lên máy bay. Ở đây, tôi mới biết do có tai nạn xe cộ ở phía trước nhà ga mà phi trường Los Angeles đã bị đóng một thời gian ngắn từ 2 giờ trưa, vì việc này, sau đó đã làm cho xe cộ vào phi trường bị kẹt dài dài tới tối. Khi lên máy bay, tôi thấy có nhiều ghế trống, chắc có nhiều người đã bị trễ và không đến kịp để đi chuyến bay này. Nhờ có con gái giỏi giang, biết sử dụng điện thoại thông minh mà tìm đường tắt, chớ nếu chúng tôi đi taxi thì giờ này vẫn còn đâu đó trên đường vào phi trường và trễ chuyến bay là cái chắc.

Chuyến bay từ Mỹ qua Tokyo rất êm ả. Lúc 5 giờ sáng ngày Chủ Nhật, 24 tháng 11 chúng tôi tới phi trường quốc tế Haneda để chuyển tiếp qua máy bay nội địa đi Osaka. Sáng nay ít khách nên chỉ chờ có hai người là tới phiên mình vào quầy làm thủ tục nhập cảnh. Trên máy bay, tôi đã điền tờ khai xuất nhập cảnh Nhật Bản. Sau khi lăn tay và chụp hình, cô cảnh sát đóng dấu nhập cảnh và cho qua dễ dàng. Nước Nhật cấm đem vào thịt và trái cây là hai thứ chúng tôi không có nên không có gì phải khai với hải quan và ra khỏi phi trường quốc tế không có gì trở ngại. Tiếp theo, chúng tôi check in chuyến bay để đi Osaka. Ở đây, nhân viên hãng máy bay yêu cầu chúng tôi gởi bớt một hành lý xách tay vì nó hơi lớn. Sau đó chúng tôi tìm chỗ đổi tiền. Ở Nhật, chỉ có các phi trường quốc tế mới có chỗ đổi tiền. Quầy đổi tiền của ngân hàng Mizuho nằm trên lầu ba. Ở đây tôi đổi 800 đô la với hối suất 1 đô la = 98 yen. Giá thị trường chánh thức hôm nay là 1 đô la = 101 yen nhưng khi đổi thì luôn luôn bị mất 3 yen. Ðó là lệ phí mà ngân hàng phải tính để có lời. Ðổi ở nơi khác như khách sạn, bưu điện, tiệm sách... còn tốn tiền nhiều hơn nữa. Do hối suất giữa đô la Mỹ và yen Nhật khoảng 1 USD = 100 yen, nên sau này khi mua sắm, tôi chỉ cần bỏ hai số 0 sau giá tiền yen thì biết giá tiền tương đương tính theo đô la Mỹ là bao nhiêu ngay. Cũng tiện.

Sau khi đổi tiền, chúng tôi đi xe buýt miễn phí (shuttle) qua nhà ga nội địa số 2. Ở đây lại bị xét an ninh nhưng họ làm rất nhanh, nhân viên an ninh thì hòa nhã lịch sự, chớ không có bộ mặt “hình sự” như ở các phi trường Mỹ.


Quà bánh Nhật.
Chín giờ sáng, chúng tôi lên máy bay tiếp tục hành trình qua Osaka. Máy bay nội địa mà lớn quá, có thể chở 400-500 người như chơi. Tuy nhiên ngăn chứa hành lý trong khoang hành khách thì nhỏ xíu nên mới có chuyện nhân viên hãng máy bay yêu cầu tôi gởi bớt hành lý hồi sáng. Tôi để ý thấy người Nhật đi máy bay đem theo rất ít hành lý lên máy bay. Họ “biết điều” nên đã trả tiền thêm và gởi hành lý trước rồi chớ không mang theo lỉnh kỉnh như ở Mỹ.

Lúc 10:15 chúng tôi tới phi trường Itami nằm ở ngoại ô Osaka. Nhận lại hành lý xong, chúng tôi đi xe buýt về Kyoto. Xe buýt có tên rất kêu là Limousine Airport Shuttle nhưng thật ra cũng chỉ là xe buýt cỡ lớn mà thôi. Vé xe từ Osaka về Kyoto là 1,280 yen. Thời gian di chuyển là gần 1 giờ. Chúng tôi là 2 người khách cuối cùng của chuyến xe nên vừa ngồi xuống thì xe chạy liền. Dọc đường tôi thấy ở đây trời nắng nhưng hơi lạnh, nhiệt độ bên ngoài là 16 độ C. Mấy ngày sau trời còn lạnh hơn nữa chỉ còn 12 độ C mà thôi.

- Cùng một tác giả: Tác phẩm mới xuất bản: Ði Cruise Bắc Mỹ kể về các chuyến du lịch bằng du thuyền qua Caribbean, Alaska, Mexico, Canada, New England. Sách dầy trên 300 trang. Giá 15 đô la (kể cả cước phí). Muốn có sách có chữ ký của tác giả gởi tận nhà qua bưu điện, xin liên lạc về:

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=191521&zoneid=22#.U8zsLdIW0Z4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét