Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Từ thiệp cưới ‘cảnh báo có CSGT’ đến ý thức người Việt

Từ thiệp cưới ‘cảnh báo có CSGT’ đến ý thức người Việt
Tác giả: Vân Thư- Dạ Thảo

Trên diễn đàn dành cho giới trẻ đang lưu truyền hình ảnh mặt sau của thiệp mời đám cưới vẽ sơ đồ đến địa chỉ nhà song hỉ có chỉ rõ chốt CSGT để khách tham dự không vi phạm. Vẽ sơ đồ chỉ đường trên mặt sau của thiệp cưới là việc rất bình thường, rất quen thuộc đối với tất cả chúng ta, nhưng tấm thiệp mời cưới này lại trở nên độc đáo bởi chi tiết nhấn được vẽ trên bản đồ: “Cảnh sát giao thông phạt lấn tuyến”.
Chỉ sau vài giờ chia sẻ, bản đồ chỉ đường đến đám cưới với điểm nhấn “khác người” kia được đông đảo dân mạng hưởng ứng và bình luận rất vui vẻ. Người thì cho rằng, gia chủ đám cưới  đã rất chu đáo, quan tâm đến khách mời, song cũng có người lại hài hước đầy ẩn ý: “Chắc họ sợ khách bị phạt hết tiền mừng!”  
Thiệp cưới của một gia chủ nhận được rất nhiều ý kiến của cộng đồng mạng.
Chỉ là một hành động vô tư thể hiện tình cảm, quan điểm của gia chủ khi in bản đồ kèm lời cảnh báo, song chi tiết cảnh báo bằng lời trên bản đồ chỉ đường của thiệp mời đám cưới ấy vô tình lại thể hiện cách tư duy của một số người Việt Nam: Sẽ hành động không đúng luật nếu không có sự giám sát.
Anh Nguyễn Hồng Hải cho rằng: “Bản chất của vấn đề đó chính là ý thức. Không chỉ việc tham gia giao thông mà trong mọi vấn đề khác nữa. Chúng ta đang phải đối mặt với việc ý thức tự giác (của một số người Việt chưa cao)”.
Trong một bài báo phỏng vấn giám đốc của một công ty nước ngoài tại Việt Nam về vấn đề nhân lực tại nước ta, vị giám đốc này nói rằng: “Muốn thành công trong việc quản lí nhân lực tại Việt Nam để đảm bảo thành công trong sản xuất cần tăng cường giám sát và giám sát”.
Quay trở lại với điểm nhấn của bản đồ chỉ đường trên tấm thiệp mời đám cưới, sở dĩ chúng ta đều buồn cười vì chi tiết “Có công an phạt lấn đường” đấy vì trong đời mình không ít lần đã lấn vạch và không chấp hành luật giao thông.
Khi đèn đỏ sáng, nếu không có công an, bao nhiêu người đợi đèn xanh mới đi hay vượt lúc đèn đỏ. Vẫn có  nhiều người đợi đèn xanh mới xuất phát nhưng số người vượt đèn đỏ cũng không phải là nhỏ. Thậm chí, khi một số người dừng lại ở đèn đỏ phải áp sát vào lề hoặc ngó trước sau kẻo có một ai đó đang đi nhanh lại đâm vào mình chỉ vì “không vượt đèn đỏ khi không thấy công an”. Phải chăng đây chính là hệ lụy của những việc phải có người có chức năng giám sát thì mới thực hiện những công việc để bảo đảm mạng sống của mình.
Đã đến giờ làm nhưng vẫn còn rất nhiều người la cà ở quán cà phê là hình ảnh không lạ đối với dân công sở.
Trong công việc cũng thế. Tại các công ty, tư tưởng “vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm” diễn ra thường xuyên. Cộng với việc người lao động không được đào tạo tay nghề chuẩn, ý thức nghề, sự chuyên nghiệp…. đã khiến chất lượng lao động của người Việt vào loại thấp trên thế giới. Như giám đốc công ty nước ngoài đã nói ở trên: Cần phải giám sát, giám sát thường xuyên, liên tục đối với lao động Việt. 
Tôi cũng có một người bạn, anh ấy là đốc công của một công ty thiết kế của Hàn Quốc, có những buổi gặp gỡ anh cười buồn khi kể chuyện với chúng tôi: Người Việt đôi khi chính bản thân họ đang giết dần miếng cơm của chính họ mà quên mất rằng chẳng có ai bóc lột sức lao động của họ cả. Tất cả chỉ do cái thói “không tự giác với công việc” mà thôi.
Có một lần, anh bạn tôi và sếp anh ấy có việc họp đột xuất, phải sang nước ngoài hơn 1 tuần. Trước ngày đi, anh ta đã nói với mọi người cố gắng hoàn thành công việc, quan trọng nhất là phải đến đúng giờ như vẫn có giám đốc ở đấy. Thật bất ngờ khi giám đốc anh ta không đi họp mà sáng hôm sau vẫn đến công ty như thường lệ thì thấy có đến hơn 25 người đi trễ và hơn 10 người “tranh thủ” trà đá, ngủ trưa hoặc tán dóc, làm việc riêng nào đó. 
Sự thất vọng không chỉ đến có một lần mà còn nhiều lần sau đó nữa với những “thử thách” khác nhau. Kết quả, cả năm đó, không một thành viên nào được tăng lương, kể cả anh vì vị giám đốc đó cho rằng anh đã không giám sát công nhân viên cho thật tốt.
Đó chỉ mới là một phần trong góc nhỏ thói quen của người Việt, thậm chí sự lười nhác ở trong tư duy cũng biến những ý thức người Việt trở nên xấu xí hơn trước con mắt các bạn bè quốc tế lẫn người trong nước.
Nếu là người công sở, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những sự việc “ăn cắp” thời gian của cơ quan làm việc riêng. Trên màn hình máy tính của bạn có chăng 100% là công việc, hay ở một góc khuất nào đó của thanh công cụ sẽ vãn là các trò game online, những bộ phim tình cảm ướt át, hay đơn giản chỉ là Facebook tán phét với bạn bè. Xa xôi hơn nữa là tìm đủ các lý do để trốn ra ngoài như đi gặp khách hàng, lấy tài liệu… để có thể có thời gian lê la quán xá với bạn bè hay tranh thủ làm lại mái tóc đang chưa được ưng ý?!
Thiết nghĩ, một đất nước luôn phải trải qua chiến tranh trong những thập kỉ trước, phải xây dựng và bắt đầu từ  xuất phát điểm thấp sẽ rất khó khăn trong việc thoát khỏi vị trí của một quốc gia chậm phát triển Tuy nhiên, nếu ý thức của chúng ta trong mọi mặt – từ giáo dục, y tế, môi trường đến các lĩnh vực khác thay đổi theo hướng tích cực: Luôn làm tốt công việc của mình không cần ai giám sát, nhắc nhở thì bức tranh phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam sẽ có nhiều gam màu sáng . 
———–

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét