Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Cơn địa chấn đang đến của ngành giáo dục

Cơn địa chấn đang đến của ngành giáo dục
Bằng cấp thời đại số (The Digital Degree)
Từ sân trường Oxford tới khuôn viên trường Harvard cho tới vô số tháp ngà bằng thép và kính của các trường đại học khác, lúc này, các kỳ thi đã kết thúc, nhường chỗ cho những ngày nghỉ. Khi sinh viên xem xét cuộc sống sau khi tốt nghiệp, các trường đại học đang phải đối mặt với những câu hỏi về tương lai của mình. Các mô hình giáo dục đại học bao gồm giảng dạy, nhồi nhét, kiểm tra đã hầu như không thay đổi trong nhiều thế kỷ. Giờ đây, có ba làn sóng mới đang đe dọa phương thức giảng dạy và học tập được thiết lập lâu đời này.

Một mặt, cuộc khủng hoảng tài chính đã tạo ra sự thiếu hụt tiền bạc mà những bộ não sáng giá nhất của các trường đại học đang phải vật lộn để giải quyết. Chi phí cho trường học đang tăng lên, do các khoản đầu tư đắt tiền cho công nghệ, lương giảng viên và chi phí hành chính phi nước đại. Điều này xảy ra khi các chính phủ kết luận rằng họ có thể không còn đủ khả năng để trợ cấp cho các trường đại học một cách hào phóng như họ đã từng. Đặc biệt là các trường đại học Mỹ, đang phải chịu nhiều áp lực: một số nhà phân tích dự đoán sẽ có sự phá sản hàng loạt trong vòng hai thập kỷ tới.

Đồng thời, một cuộc cách mạng công nghệ đang thách thức mô hình kinh doanh giáo dục đại học. Sự bùng nổ trong giáo dục trực tuyến, phần lớn là miễn phí, có nghĩa là những kiến thức vốn từng chỉ truyền đạt cho một số ít may mắn giờ đây đã được phổ cập cho bất cứ ai sở hữu một điện thoại thông minh hoặc máy tính xách tay. Những gián đoạn tài chính và công nghệ trùng với một sự thay đổi lớn thứ ba: trong khi các trường đại học quen với việc chỉ giáo dục một tầng lớp nhỏ, giờ đây phải chịu trách nhiệm đào tạo và tái đào tạo người lao động trong suốt sự nghiệp của họ. Làm thế nào để các trường sống sót qua cơn bão này và cái gì sẽ nổi lên thay thế vị trí của họ nếu họ không thể vượt qua?

Tài chính 101

Các trường đại học đã đẩy hầu hết các chi phí gia tăng của họ sang sinh viên.Học phí của các trường đại học tư phi lợi nhuận ở Mỹ đã tăng 28% về giá trị thực trong vòng một thập kỷ tính đến năm 2012, và còn tiếp tục tăng lên. Các trường đại học công cũng tăng học phí 27% trong năm năm tính đến năm 2012. Học phí trung bình của trường công bây giờ là gần 8400 USD cho sinh viên theo học trong cùng tiểu bang, và hơn 19.000 USD nếu học ở bang khác. Ở các trường đại học tư học phí trung bình là hơn 30,000 USD (hai phần ba học sinh được hưởng học bổng dưới hình thức nào đó). Khoản nợ của sinh viên Mỹ đã lên đến 1,2 nghìn tỷ USD, với hơn 7 triệu người không thể trả nợ đúng kỳ.

Trong một thời gian dài các khoản nợ dường như đáng giá. Đối với hầu hết sinh viên ,“phần thưởng tốt nghiệp” là công việc được trả lương hậu hĩnh sẽ đủ chi trả cho chi phí để kiếm được bằng cấp . Nhưng không phải tất cả các ngành học đều kiếm ra tiền, và tiền lương tốt nghiệp cào bằng hơn có nghĩa là phải mất nhiều thời gian hơn để sinh viên bắt đầu kiếm ra tiền. Lượng sinh viên nhập học tại Mỹ, tăng từ 15.2 triệu người vào năm 1999 lên đến 20.4 triệu người trong năm 2011, đã giảm 2% trong năm 2012.

Các trường cao đẳng tư nhân nhỏ đang phải vật lộn để cân bằng thu chi. Susan Fitzgerald của Moody, cơ quan xếp hạng tín dụng, dự báo sẽ có sự đóng cửa hàng loạt theo một “ vòng xoáy chết chóc” . William Bowen, cựu chủ tịch của Đại học Princeton, nói về một “căn bệnh chi phí”, trong đó các trường đại học đang đầu tư phung phí vào các trung tâm đại học, thư viện và nơi ăn nghỉ để thu hút sinh viên.

Về mặt chính trị, gió cũng đã đổi chiều. Cả Bill Clinton lẫn Barack Obama đều nói rằng các trường đại học đối mặt với một viễn cảnh tăm tối nếu họ không thể giảm chi phí, điều này đánh dấu một sự thay đổi xu hướng của các chính trị gia trung tả vốn ủng hộ chi tiêu công nhiều vào các học viện. Sự cắt giảm được thực hiện bởi chính quyền tiểu bang được bù đắp một phần bởi sự gia tăng của mức trợ cấp liên bang “Pell Grants” cho sinh viên nghèo. Nhưng các trường đại học Mỹ sẽ sớm phải thu tiền nhiều hơn từ học phí thay vì nhận được hỗ trợ từ cộng đồng

Ở châu Á, mức gia tăng học phí vào khoảng 5% trong năm năm qua đối với các trường đại học hàng đầu, đã làm dấy lên mối lo ngại của tầng lớp trung lưu về chi phí học đại học. Các nước Mỹ Latinh thì băn khoăn về việc giữ gìn phí đủ thấp để tăng lượng sinh viên tốt nghiệp. Tại châu Âu với mức hỗ trợ cao, cùng với lượng sinh viên đăng ký nhập ít hơn, đã miễn nhiễm cho các trường đại học. Nhưng chi phí đang tăng lên: năm 1998 Anh đưa ra mức học phí hàng năm chỉ £1,000 (tương đương 1650 USD lúc đó), cho tới năm 2012 đã tăng lên mức tối đa là £ 9,000 (13,900 USD).

Việc tăng chi phí đã tấn công các trường đại học vào thời điểm khó có thể tồi tệ hơn. Trên toàn thế giới, nhu cầu tái đào tạo và giáo dục bổ sung đã tăng vọt trong lực lượng lao động ở mọi lứa tuổi. Toàn cầu hóa và tự động hóa đã thu hẹp số lượng các công việc đòi hỏi một trình độ giáo dục trung cấp. Kể cả những người lao động này cũng tìm cách giáo dục nhiều hơn, trong một nỗ lực để đi trước nhu cầu lao động một bước. Ở Mỹ, việc đăng ký học đại học/ cao học của sinh viên độ tuổi từ 35 trở lên đã ở mức 314 ngàn người trong những năm 1990, và lên tới 899 ngàn người trong những năm 2000.

Cải tiến trong các thiết bị thông minh đã cho phép tự động hóa thâm nhập vào các lĩnh vực mới của nền kinh tế, từ sổ sách kế toán tới bán lẻ. Các mô hình kinh doanh trực tuyến mới đe dọa các ngành mà cho đến gần đây, đã điêu đứng sau cơn bão Internet. Carl Benedikt Frey và Michael Osborne, thuộc Đại học Oxford, nghĩ rằng có lẽ 47% của các ngành nghề có thể được tự động hóa trong vài thập kỷ tới. Họ nhận ra rằng tỷ lệ sa thải giảm mạnh khi sự trau dồi trí thức tăng lên.

Thời đại Ipad

Như vậy, nhu cầu về giáo dục sẽ tăng lên. Ai sẽ đáp ứng được nhu cầu này? Các trường đại học đối mặt với một đối thủ cạnh tranh mới trong hình thức các khóa học trực tuyến đại chúng, hoặc MOOCs. Các khóa học được cung cấp qua công nghệ số, giảng dạy thông qua các ứng dụng web hoặc máy tính bảng, có lợi thế lớn so với các đối thủ đã tồn tại lâu đời. Với chi phí thiết lập thấp và qui mô thị trường rất lớn, các khóa học trực tuyến giảm đáng kể giá của việc học tập và mở rộng cánh cửa đăng ký, bằng cách loại bỏ việc yêu cầu sinh viên nghe giảng tại một thời điểm hoặc địa điểm nhất định. Chi phí để cung cấp một khoá học là thấp – tạo khoá mới chi phí khoảng $ 70,000-có nghĩa là các khoá học có thể được bán với giá rẻ, hoặc thậm chí cho không. Clayton Christensen của Trường kinh doanh Harvard coi MOOCs là một “công nghệ đột phá” mạnh mẽ, sẽ giết chết nhiều trường đại học không hiệu quả. “Mười lăm năm kể từ bây giờ hơn một nửa các trường đại học [ở Mỹ] sẽ phá sản”, ông dự đoán hồi năm ngoái.

MOOC đầu tiên bắt đầu chào đời ở Canada trong năm 2008 như một khóa học trực tuyến về máy tính. Tới năm 2012, năm được đặt tên là “năm của MOOC”, MOOC đã tạo ra sự phấn khích được dự đoán về ý tưởng này. Ba chương trình MOOC lớn đã thành lập: edX, nhà cung cấp các khoá học phi lợi nhuận, liên kết giữa trường Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT); Coursera, hợp tác với Đại học Stanford; và Udacity, một tổ chức phi lợi nhuận sáng lập bởi Sebastian Thrun, người đã dạy một khóa học trực tuyến về máy tính tại Đại học Stanford. Ba nhà cung cấp này cho đến nay đã mang lại các khóa học cho hơn 12 triệu sinh viên. Có ít hơn một phần ba là người Mỹ, còn theo edX, gần một nửa sinh viên đến từ các nước đang phát triển (xem biểu đồ 2). Giám đốc điều hành mới của Coursera, Richard Levin, một cựu chủ tịch của Đại học Yale, đang có kế hoạch mở rộng sự tập trung vào Châu Á.

Với tất cả tiềm năng của mình, MOOCs vẫn chưa tạo ra một cơn bão đột phá theo định nghĩa của nhà kinh tế học Schumperter. Hầu hết các trường đại học và các tổ chức sử dụng lao động vẫn nhìn nhận giáo dục trực tuyến là một bổ sung cho chương trình học văn bằng truyền thống, chứ không phải là một sự thay thế. Nhiều trường uy tín, bao gồm cả Oxford và Cambridge, đã từ chối sử dụng các nền tảng mới.

Nick Gidwani, người sáng lập SkilledUp -một dịch vụ thư mục trực tuyến, so sánh quá trình này với sự đổ vỡ của ngành xuất bản và báo chí. Các nhà xuất bản lớn vốn từng quen thưởng thức độc quyền về in ấn, thuê bao và những giao dịch với các nhà quảng cáo. Sự gia tăng của các blog chi phí thấp, các trang web và các ứng dụng có nghĩa là họ không còn có được những điều họ từng hưởng thụ. Ngay cả các ấn phẩm thành công giờ cũng phải học phần nào mô hình của các đối thủ kỹ thuật số của họ. Ông Gidwani thấy “ít hy vọng cho việc 200 giáo sư, tất cả đều chỉ cung cấp các bài giảng tương tự nhau”.

Các trường đại học truyền thống cũng có một vài con Át chủ bài. Chẳng hạn như việc giảng dạy trực tiếp, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận, giáo dục đại học tạo ra nguồn vốn xã hội. Học sinh cần học cách tranh luận, thể hiện bản thân, liên lạc, liên kết, làm các vấn đề và gỉải pháp khớp với nhau. Làm thế nào một trường đại học kỹ thuật số có thể cung cấp tất cả điều đó?

Câu trả lời có thể là kết hợp cả hai. Anant Agarwal, người điều hành edX, đề xuất giải pháp thay thế cho các khóa học đại học bốn năm theo tiêu chuẩn Mỹ. Sinh viên có thể học một năm đại cương qua MOOC, tiếp theo là hai năm học ở trường và một năm cuối cùng bắt đầu làm việc bán thời gian trong khi hoàn thành nốt việc học hành qua mạng. Cách kết hợp này dường như đang được chứng minh là hấp dẫn hơn so với học trực tuyến suốt bốn năm. Nó cũng có thể thu hút những người muốn kết hợp học tập với công việc hoặc nuôi dạy con cái, giải thoát họ khỏi việc sắp xếp lịch trình cho phù hợp với các thời khóa biểu ở trường. Một số đối tượng nữa cũng được hưởng lợi,: một khóa học về chủ nghĩa hiện sinh Pháp có thể được đi kèm với MOOC của trường đại học khác qua phiên bản tiếng Bồ Đào Nha.

Một số trường đại học đã bổ sung thêm các khóa học qua mạng vào hệ thống giáo trình của họ. Ở Brazil, Đại học Unopar cung cấp các khóa học chi phí thấp bằng cách sử dụng tài liệu trực tuyến và hội thảo hàng tuần, qua vệ tinh. Ở Mỹ, Đại học Minerva có tiêu chuẩn nhập học không kém các đối thủ tốt nhất trong nhóm Ivy League (nhóm các trường đại học hàng đầu của Mỹ), nhưng chi phí thấp hơn (khoảng $ 10,000 một năm, thay vì lên đến $ 60,000). Nhóm đầu tiên gồm 20 sinh viên vừa được chấp nhận vào học năm đại cương ở Minerva ở San Francisco, và sẽ tiếp tục hoàn thành toàn bộ phần còn lại của khóa học qua hướng dẫn trực tuyến trong khi sống bên ngoài nước Mỹ, nhấn mạnh vào việc sinh sống ở các nước đang phát triển như là lợi điểm đối với các nhà tuyển dụng trong tương lai

Lỗi 404: Không có bằng

Học tập trực tuyến cũng có nhiều chông gai. Đề án thí điểm tại Đại học San Jose State ở California, cung cấp một khóa học toán học và thống kê học bởi Udacity, đã bị đình chỉ vào năm ngoái. Trong lúc đó, 30% sinh viên học tại trường hoàn thành một khóa học đại số sơ cấp, thì chỉ có 18% những người học trực tuyến vượt qua bài kiểm tra – và khoảng cách này tiếp tục mở rộng với các khóa học phức tạp hơn.

“Phương pháp sư phạm của các MOOC cần phải được cải thiện rất nhanh chóng,” Ông Thrun của Udacity thừa nhận. Ông nghĩ rằng thí nghiệm San Jose cho thấy sinh viên cần nhiều hỗ trợ cá nhân hơn để có thể theo học trực tuyến các khóa học trình độ đại học. Một cuộc khảo sát của sinh viên MOOC ở Mỹ cho thấy 70% đã có bằng cấp. Nếu muốn cạnh tranh với các trường đại học thông thường, các nhà cung cấp MOOC phải giảng dạy tốt hơn cho các sinh viên mới nhập học. Ông Agarwal của edX muốn cung cấp nhiều khóa học hơn giữa các kỳ nghỉ, khi sinh viên có thể sử dụng chúng để có thêm tín chỉ hoặc để bắt kịp các môn học bị lỡ.

Những lời chê bai nhắm vào tỷ lệ bỏ học cao: chỉ khoảng 10% những người lần đầu đăng ký học qua MOOC hoàn thành khóa học đăng ký. Điều đó có thể không phản ánh xấu về những gì được cung cấp: chi phí ghi danh không đáng kể có nghĩa là nhiều người đăng ký mà không có mục tiêu chắc chắn hoàn tất khóa học. Nhưng vì các nhà cung cấp MOOC chỉ kiếm hầu hết tiền của họ từ giấy chứng nhận họ cấp cho người hoàn thành khóa học, việc duy trì một tỷ lệ tốt nghiệp hợp lý là rất quan trọng. Một số đã tinh chỉnh các khóa học của họ để khiến giai đoạn đầu dễ dàng tiếp thu hơn. Edx phát hiện ra rằng hầu hết việc bỏ học xảy ra khá nhanh chóng,theo cùng một cách mà các sinh viên đại học năm thứ nhất thử các khóa học mẫu trước khi quyết định theo đuổi các tín chỉ mong muốn.

Một nỗi lo khác là sinh viên có thể ăn gian bằng cách nhờ ai đó thực hiện bài kiểm tra trực tuyến hộ mình. Trường Iversity một trường đại học trực tuyến Đức thành lập năm ngoái, đang cố gắng khắc phục việc này bằng cách sử dụng các giám thị trong các kỳ thi. Coursera mời chào dịch vụ xác minh nhận dạng có trả tiền, phần nào thông qua việc ghi nhận các kiểu đánh máy riêng của mỗi sinh viên

Các khóa học trực tuyến đã khêu dậy sự phản đối từ các học giả, những người lo sợ rằng việc cắt giảm nhân sự của các trường đại học sẽ tăng tốc hơn nữa. Khi Michael Sandel, một giáo sư chính trị của Harvard, đồng ý cung cấp một số bài giảng đại học nổi tiếng của mình cho edX, ông đã bị chỉ trích bởi một nhóm các học giả ở California rằng ông đã hỗ trợ một mô hình mang lại “hiểm họa lớn lao cho các trường đại học”. Các khóa học trực tuyến, họ lập luận, đang mạo hiểm “thay thế các cơ sở giảng dạy bằng giáo dục trực tuyến giá rẻ”. Những người khác băn khoăn rằng những người hưởng lợi chính sẽ là những ngôi sao như Giáo sư Sandel, mở rộng thêm khoảng cách về lương bổng và uy tín với những đồng nghiệp khác. Họ có thể đúng: các giáo viên sinh động luôn thu hút sự quan tâm nhiều hơn so với những người tẻ nhạt (Socrates giảng bài tại các buổi tiệc ở thành Athen với những đám đông đã khản giọng). Sự khác biệt bây giờ là có nhiều học sinh có thể chia sẻ quyền truy cập vào những bài giảng như vậy.

Tín chỉ khi đến kỳ

Cho đến nay, các nhà cung cấp MOOC đã ve vãn các sinh viên mới bằng cách sử dụng lời chứng thực của các sinh viên tốt nghiệp (testimonials), dẫn chứng một thực tế là hoàn thành một khóa học đã giúp họ có được một công việc. Nhiều sinh viên tiềm năng đã thất vọng bởi thực tế là không có sự đảm bảo rằng những công sức học online của họ sẽ được chấp nhận như các tín chỉ để giành được tấm bằng. Điều này đang bắt đầu thay đổi, khi các khóa học qua mạng trở thành gắn bó chặt hơn với chương trình đào tạo hiện có. Hơn một nửa số 4.500 sinh viên tại MIT tham gia MOOC như một phần trong khóa học của họ. Đại học John F. Kennedy ở California, giáo dục chủ yếu các sinh viên lớn tuổi, đã bắt đầu chấp nhận các tín chỉ của edX MOOC trong việc cấp bằng.

Nhưng hầu hết các trường đại học vẫn không thực hiện điều này. Một phần của câu trả lời của sự xa cách này nằm ở châu Âu. Theo một quy định được thiết kế nhằm cổ vũ sự linh hoạt của sinh viên giữa các quốc gia thành viên khối EU, sinh viên có thể chuyển tín chỉ, theo quyết định của các trường đại học, trong bất kỳ một trong số 53 quốc gia đã ký Công ước Lisbon, “bất kể những kiến ​​thức, kỹnăng vànăng lực đãthu được thông qua chính thức, con đường học tập không chính quy hoặc không chính thức “. Vấn đề then chốt nằm ở chỗ giành được sự chấp nhận của các trường đại học châu Âu đối với các tín chỉ MOOC, từ đó dẫn đến việc trao đổi chúng.

“Châu Âu sẽ không nhanh chóng chấp nhận cách cấp bằng mới này,” ông Santiago Iñiguez, hiệu trưởng trường đại học IE của Tây Ban Nha, dự đoán. Những người khác lạc quan hơn. Hans Klopper, giám đốc điều hành của Iversity, chỉ ra rằng sinh viên rất dễ dàng đánh giá chất lượng MOOC, vì chúng mở ra cho mọi người. Khi một số lượng lớn sinh viên đã hoàn thành các khóa học online và bắt đầu kêu la để được công nhận, sẽ là khó khăn cho các trường đại học của châu Âu chống lại việc công nhận những khóa học tốt nhất trong số đó, ông tin tưởng.

Trong khi đó, thế hệ thứ hai của MOOC đang cố gắng mô phỏng theo các khóa học được cung cấp tại các trường đại học truyền thống. Viện Công nghệ Georgia và Udacity đã gia nhập lực lượng với AT & T, một công ty viễn thông, để tạo ra một khóa học thạc sĩ trực tuyến chuyên ngành máy tính chỉ với $ 7,000, chạy song song với một khóa học tại trường với chi phí khoảng $ 25,000. Mona Mourshead, người điều hành bộ phận tư vấn giáo dục của McKinsey, nhận thấy một bước ngoặt. “Nếu người sử dụng lao động chấp nhận điều này một cách bình đẳng, thì bằng cao học của MOOC sẽ cất cánh. Những người khác chắc chắn sẽ làm theo “, cô nói.

Mặc dù một số công ty đã là tác giả của các khóa học trực tuyến (Google, ví dụ, đã thực hiện một MOOC về cách diễn giải dữ liệu), các trường đại học tên tuổi vẫn tạo ra hầu hết các MOOC khác. Để khuyến khích các trường dành thời gian cho các học giả tốt nhất trong lúc xây dựng các khóa học, các công ty học trực tuyến phải cung cấp cho họ một sự khích lệ tài chính. Edx nói rằng họ “tự duy trì” nhưng không cung cấp chi tiết về doanh thu. Tờ “Chronicle of Higher Education” báo cáo rằng edX cho phép các trường đại học sử dụng nền tảng của nó trong $50,0000 đầu tiên thu từ khóa học, cộng với chiết khấu cho doanh thu tương lai. Một mô hình thay thế là đề nghị tính phí $ 250,000 để “hỗ trợ sản xuất” trong việc tạo ra một khóa học, cộng vớ phí tính thêm cho mỗi kỳ học. Coursera tiết lộ, doanh thu duy nhất của họ là từ các chứng chỉ – khoảng 4 triệu USD kể từ khi ra mắt vào năm 2012- với mức phí cho sinh viên khoảng giữa $ 30 và $ 100.

Một số đã vật lộn để có thể kinh doanh theo hướng này. Năm ngoái Udacity trải qua một sự ” chuyển hướng” đột ngột, tuyên bố rằng các mô hình miễn phí đã không hiệu quả và từ nay về sau họ sẽ bán đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp. Mặc dù các khóa học dựa trên web là rẻ hơn nhiều so với những người trong khuôn viên trường, họ sẽ không giữ lại sinh viên đầy tham vọng, trừ khi họ có thể tái tạo sự tương tác ở mức độ tương tự như trong các trường đại học tốt. Đưa giáo viên vào các cuộc hội thảo kỹ thuật số và gia tăng mức độ tương tác có thể trợ giúp quá trình này. Như vậy sẽ có nhiều phản hồi trực tuyến chi tiết hơn. Những cải tiến như thế này làm tăng chi phí. Vì vậy, hệ sinh thái MOOC đa dạng hơn có thể hình thành với các mức giá khác nhau cho trình độ khác nhau, từ một mô hình cơ bản miễn phí cho tới những khóa học chuyên biệt đắt tiền hơn.

Bạn không thể làm điều này trực tuyến

Các trường đại học ít có khả năng bị thua thiệt nhất trước đối thủ cạnh tranh trực tuyến là các học viện danh tiếng lâu đời và tỷ lệ sinh viên trên giáo viên thấp. Đó là tin tốt cho Ivy League, Oxbridge và nhóm các trường ưu tú, mà tại đó cung cấp cơ hội kết nối cho các sinh viên song song với việc cấp bằng. Sinh viên các trường đại học chỉ đứng sát dưới nhóm Ivy League nhạy cảm hơn với việc tăng chi phí để giành được bằng cấp, vì lợi tức đầu tư nhỏ. Những trường đại học này có thể thu lợi từ việc tăng tỷ lệ học tập trực tuyến so với giảng dạy tại lớp học, giảm chi phí trong khi vẫn mang lại các phần thưởng của nền giáo dục đại học thực hiện một phần tại khuôn viên trường.

Dễ bị tổn thương nhất, theo Jim Lerman của Đại học Kean ở New Jersey, là “các trường cấp trung, đào tạo ra phần lớn giáo viên cấp trung, quản lý cấp trung của Mỹ”. Họ có thể bị thay thế bởi phần lớn các khóa học trực tuyến, ông nhận định. Vì vậy, có thể các trường cao đẳng cộng đồng yếu hơn, dù rằng có mối liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp địa phương, cũng có thể không có khả năng phục hồi.

Kể từ khi làn sóng đầu tiên của các khóa học trực tuyến đại chúng tung ra vào năm 2012, một phản ứng dữ dội đã tập trung vào thất bại của họ và sự không chắc chắn về mặt thương mại. Tuy nhiên, nếu các nhà phê bình cho rằng họ miễn nhiễm với bước hành quân của MOOC, họ gần như chắc chắn sai. Trong khi các khóa học trực tuyến có thể nhanh chóng điều chỉnh nội dung và cơ chế cung cấp, các trường đại học phải nỗ lực hết mình chống lại các vấn đề nghiêm trọng về chi phí và hiệu quả, với rất ít cơ hội đòi hỏi nhiều hơn từ công quỹ.

Trong “Ý tưởng của một trường đại học”, xuất bản năm 1858, John Henry Newman, một hồng y Công giáo Anh, đã tóm tắt các trường đại học sau Giác ngộ là “một nơi trao đổi, lưu thông các tư tưởng, thực hiện bởi giao tiếp cá nhân, trên diện rộng ở tầm quốc gia “. Lý tưởng này vẫn còn truyền cảm hứng cho thời đại chúng ta khi các tùy chọn cho giao thiệp cá nhân thông qua internet hầu như là vô hạn. Nhưng Đức Hồng Y đã có một cảnh báo: Nếu không chạm đến mức độ cá nhân hóa, giáo dục đại học có thể trở thành “một khối băng, bị hóa đá”. Đó là điều mà làn sóng mới các khóa học trực tuyến công nghệ cao không nên trở thành. Nhưng là phương tiện thay thế cho mô hình giáo dục đại học bị quá tải, đắt đỏ, có nhiều khả năng họ sẽ thịnh vượng hơn là tàn lụi.

The Economist
28/06/2014
Người dịch: Kevin Bùi
Nguồn: gocnhinalan.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét