Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Bội chi ngân sách quá lớn vì bộ máy hành chính cồng kềnh

Bội chi ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng vì bộ máy hành chính cồng kềnh
Tiếp nối “truyền thống” vỡ kế hoạch, chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm nay, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) đã lên tới hơn 20.000 tỷ đồng, tương đương 9% dự toán năm. Điều đáng lo ngại là chi tiêu ngân sách lại chủ yếu dành để “nuôi” bộ máy hành chính cồng kềnh, chứ không phải đầu tư phát triển.
Chi ngân sách quá nhiều cho bộ máy hành chính 
cồng kềnh là cực kỳ nguy hiểm và lãng phí
Theo báo cáo mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong 2 tháng đầu năm 2014, tổng thu ngân sách đạt gần 130.000 tỷ đồng, tăng 16% so với chỉ tiêu được giao và tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, niềm vui thoát cảnh hụt thu bi đát của năm ngoái chưa kịp giữ được bao lâu thì đã vấp ngay phải nỗi lo “phóng tay” chi quá mức.
Mặc dù đã có công điện từ Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Giáp Ngọ 2014, thực hiện nghiêm túc việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách, theo Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách trong 2 tháng đầu năm đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2013, và tăng mạnh so với dự kiến trước đó của Tổng cục Thống kê là 114,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm nay, con số bội chi đã đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, tương đương 9% dự toán năm.

Điều đáng quan ngại là con số bội chi này lại chủ yếu dành để nuôi bộ máy hành chính cồng kềnh, khoản chi hầu như không mang lại bất kỳ hiệu quả nào trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi rõ ràng, chi tiêu hiệu quả của ngân sách thường được đánh giá thông qua việc đẩy mạnh chi tiêu cho đầu tư và cắt giảm chi thường xuyên (chi cho hành chính, mua sắm công…). Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại. Theo báo Thanh Niên, chi cho đầu tư phát triển trong 2 tháng qua chỉ đạt 13.170 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi cho quản lý hành chính đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 0,7% so cùng kỳ, bất chấp lời hô hào cắt giảm triệt để chi tiêu cho bộ máy nhà nước mà Bộ Tài chính đưa ra ngay từ đầu năm 2014.


Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tình trạng tinh giảm bộ máy hành chính nhà nước vẫn chưa thực hiện được, trong khi số lượng công chức “cắp ô” ngày càng tăng lên


Đánh giá về tình trạng bội chi ngân sách trong 2 tháng đầu năm 2014 này, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc bội chi cho bộ máy cồng kềnh để mua sắm tài sản công, mua xe, tổ chức lễ hội, đi nước ngoài… là cực kỳ nguy hiểm và lãng phí. Bởi rõ ràng, trong tình cảnh ngân sách năm nào cũng bị thâm thủng và luôn phải đi vay để bù đắp việc bội chi thì việc tăng chi cho những khoản không sinh lời chẳng khác gì cảnh một gia đình chạy ăn từng bữa để nuôi những miệng ăn ngồi không. Hơn nữa, bài học nhãn tiền về việc bội chi ngân sách năm 2013 bị vỡ kế hoạch và phải xin điều chỉnh lên 5,3% GDP là một minh chứng cho thấy rõ rất về hậu quả những khoản chi “chệch hướng”.

Không những vậy, ngân sách còn phải cáng đáng nhiều loại văn bản bất cập khiến tình trạng hụt thu, bội chi càng có nguy cơ căng thẳng hơn. Chẳng hạn vừa qua, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất mới được công bố, thì việc Tổng cục Thuế ban hành Công văn 207/TCT-KTNB và một số công văn khác gây thất thu NSNN và bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. 

Còn ông Huỳnh Quang Hải - Vụ trưởng Vụ Ngân sách (Bộ Tài chính) - trần tình về việc Bắc Ninh, Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Tài chính thưởng hơn 360 tỷ đồng vì đã thu ngân sách vượt dự toán một cách nhẹ nhàng: Vượt thu sẽ thưởng, nhưng hụt thu lại không bị phạt, theo đúng Luật Ngân sách! Sắp tới đây, ngân sách sẽ tiếp tục phải lo trả nợ cho những dự án chậm chạp triển khai, như Dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) Nhổn - Ga Hà Nội một lần nữa phải lui thời gian hoàn thiện đến cuối năm 2018 khiến ngân sách phải bồi hoàn gần 3 triệu euro.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nhấn mạnh cung cách chi tiêu tiền ngân sách thời gian vừa qua chứa nhiều bất cập, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng đối với tiền thuế của người dân, đồng thời đi ngược lại với tinh thần tiết kiệm triệt để trong chi tiêu đối với các đơn vị nhà nước. 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, năm nào Quốc hội và Chính phủ cũng kêu gọi cắt giảm 10% chi thường xuyên cho bộ máy quản lý hành chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, càng tuyên bố cắt giảm lại càng tăng lên với cách chi tiêu vung tay quá lãng phí. Trong khi đó, bộ máy hành chính quá cồng kềnh, cộng thêm số lượng những công chức “cắp ô” đi làm lại tăng đột biến đã góp phần khiến cho NSNN vốn đã eo hẹp do kinh tế khó khăn lại càng bị teo tóp đi nhiều hơn.

Vân Du
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét