Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

“Không cho thế giới biết thì không ai giúp đòi lại Hoàng Sa”

“Không lên tiếng cho thế giới biết thì sẽ không ai giúp ta đòi lại Hoàng Sa”
Ngày 11.1, các học giả của Quỹ nghiên cứu biển Đông đã soạn thảo “Thư gửi Liên Hiệp Quốc nhân 40 năm Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa” nhằm nhắc với thế giới về hành vi cưỡng đoạt của Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam và tìm mọi cách yêu cầu Trung Quốc đưa tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế.
Ngày 14.1, báo điện tử Một Thế Giới đã đã trao đổi về sự kiện này với Thạc sĩ Công pháp quốc tế Nguyễn Thái Linh hiện đang sống tại Ba Lan.

Thưa bà, với nội dung thư gửi này, Ban Pháp quyền của Liên Hiệp Quốc sẽ trả lời như thế nào?

Có lẽ chúng ta không nên đặt vấn đề “Ban Pháp Quyền của LHQ sẽ trả lời như thế nào” hay “Tổng Thư ký LHQ sẽ trả lời thế nào”, bởi mục đích của việc viết là thư là để nhắc nhở về sự tồn tại của tranh chấp Hoàng Sa và việc cưỡng chiếm ngang ngược bằng vũ lực của Trung Quốc.

Trái với tranh chấp Trường Sa là tranh chấp đa phương được cộng đồng quốc tế biết đến nhiều, nhất là trong thời gian gần đây, thì tranh chấp Hoàng Sa hầu như không được biết đến, bởi chỉ có hai bên liên quan là Việt Nam và Trung Quốc, mà Trung Quốc thì không bao giờ chịu đưa vấn đề ra trước quốc tế.

Nếu chúng ta không lên tiếng cho thế giới biết thì sẽ không có ai giúp chúng ta!

Để Ban Pháp Quyền hay Tổng thư ký LHQ biết đến tranh chấp Hoàng Sa và sự chiếm đóng trái pháp luật của Trung Quốc, cũng như thiện chí của chúng ta muốn thượng tôn luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, mà một trong những biện pháp đó là đưa ra Tòa Án Công Lý Quốc tế. Làm được như thế thì đó đã là thành công của chúng ta rồi.

Đã từng có một tiền lệ tương tự trong lịch sử hay không? Và kết quả là như thế nào?

Viết thỉnh nguyện thư hay thư ngỏ gửi cho Liên Hợp Quốc về các vấn đề khác nhau như nhân quyền, biến đổi khí hậu, quyền trẻ em, …. là một thực tế xảy ra không ít.

Về các vấn đề thuộc tranh chấp lãnh thổ thì ít hơn, nhưng cũng đã xảy ra. Kết quả trước hết luôn là sự quan tâm hơn của dư luận đối với vấn đề đó, mức độ nhiều ít như thế nào thì còn phụ thuộc vào từng vấn đề.

Nhìn từ góc độ Việt Nam mà nói, thì kết quả trước tiên của việc viết thư gửi cho Liên Hợp Quốc như lần này là xây dựng và củng cố, giữ vững ý chí về Hoàng Sa trong chính chúng ta.

Tuy Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm hoàn toàn từ 40 năm nay, nhưng chúng ta không chấp nhận mất chủ quyền, không buông xuôi và không quên. Chúng ta càng nhận thức rõ được những khó khăn trong việc giành lại Hoàng Sa thì chúng ta càng phải bền bỉ, kiên gan, càng không nản lòng, càng cần có ý chí vững mạnh.

Sơ bộ mới qua hơn 2 ngày thu thập chữ ký, đến chiều 14.1 số lượng chữ ký đã lên tới hơn 6.000, từ trong và ngoài nước, có lẽ chưa bao giờ chúng ta có một sự đồng lòng đến thế. Đó là điều chúng ta được trước tiên, khiến chúng tôi rất cảm động và vui mừng và chính chúng tôi cũng thấy bất ngờ.

Lá thư này sẽ tác động như thế nào đối với việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp biển Đông bằng biện pháp hòa bình theo quan điểm của Chính phủ Việt Nam?

Việt Nam luôn muốn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình – đó cũng là thông điệp chính của bức thư và chúng tôi muốn cho thế giới biết đến điều đó để họ ủng hộ chúng ta. Tất nhiên Trung Quốc không đời nào chịu đưa vấn đề ra Tòa án Quốc tế, nhưng như vậy cũng cho thế giới thấy họ sợ lẽ phải và quen dùng bạo lực.

Được biết vào đầu năm nay, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc, vậy chúng ta có nên hợp tác với Philippines để cùng kiện Trung Quốc hay không?

Việc Philippines kiện Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của Việt Nam, do đó vấn đề “chúng ta có nên hợp tác với Phillipines để kiện Trung Quốc hay không” phụ thuộc vào việc Việt Nam xác định quyền lợi của mình ở quần đảo Trường Sa như thế nào.

Việc xác định nội dung yêu sách và các quyền lợi của Việt Nam là việc cần thiết, phải làm càng sớm càng tốt!

Vũ Thành Công

(Một thế giới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét