Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

(2) Hệ thống tài khoản quốc gia và tính GDP ở Việt Nam

Xem thêm: Các cân đối và quan hệ vĩ mô chủ yếu của nền KTQD,
Hệ thống tài khoản quốc gia và tính GDP ở Việt Nam
PHẦN II
NGUỒN THÔNG TIN VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH CÁC CHỈ TIÊU GIÁ TRỊ SẢN XUẤT, CHI PHÍ TRUNG GIAN VÀ GIÁ TRỊ TĂNG THÊM THEO NGÀNH KINH TẾ
  
Tập huấn về Hệ thống tài khoản quốc gia tại Hải Dương ngày 9/1/2013
http://www.thongkehd.gov.vn/View1.aspx?nID=408
  Căn cứ vào chế độ hạch toán, chế độ báo cáo Tài chính-Thống kê và điều tra thu thập thông tin để xác định phương pháp tính chỉ tiêu giá trị sản xuất, chi phí trung gian và giá trị tăng thêm phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của từng ngành và từng loại hình hoạt động kinh tế. 

I. Nguồn thông tin.
Về cơ bản có các loại thông tin sau:
1.                  Thông tin từ các cơ quan tổng hợp (các Bộ, Ban ngành):
-         Thông tin tổng hợp về thu chi ngân sách nhà nước từ Bộ Tài chính,  Tổng cục thuế, Kho bạc nhà nước trung ương
-         Thông tin tổng hợp về tình hình xuất, nhập khẩu và thuế nhập khẩu từ Tổng cục Hải quan
-         Thông tin về Ngân hàng, tín dụng, về cán cân thanh toán quốc tế từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
-         Thông tin về các loại báo cáo thống kê định kỳ của Tổng cục Thống kê 
2.                  Thông tin của các cơ sở sản xuất kinh doanh từ các chế độ hạch toán kế toán và chế độ báo cáo tài chính do Bộ Tài chính ban hành:
-         Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số: 1141/TC/QĐ/CĐKT ngày 1/11/1995.
-         Chế độ báo cáo tài chính doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số: 167/2000/QĐ- BTC ngày 25/10/2000.
-         Quyết định số: 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 về việc ban hành và công bố bốn chuẩn mực kế toán Việt Nam
-         Thông tư số: 89/2002/TT-BTC ngày 9/10/2002 về hướng dẫn chế độ kế toán thực hiện bốn chuẩn mực kế toán.
-         Thông tư số: 55/2002/TT-BTC ngày 26/10/2002 về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam áp dụng cho doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
-         Chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ ban hành theo Quyết định số: 1177 TC/ QĐ/CĐKT ngày 23/12/1996  và Quyết định số: 144/2001/QĐ-BTC ngày 21/12/2001 về việc bổ sung, sửa đổi Quyết định số: 1177 /TC/QĐ/CĐKT.

-         Chế độ kế toán hộ kinh doanh ban hành theo Quyết định số: 169/2000/QĐ-BTC ngày 25/10/2000 và Quyết định số : 131 / 2002 / QĐ-BTC ngày 18/10/2002 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số: 169/2000/QĐ-BTC.
-         Chế độ báo cáo tài chính bảo hiểm ban hành theo Quyết định số: 1296 TC/ QĐ/ CĐKT ngày 31/12/1996 về việc ban hành hệ thống chế độ kế toán áp dụng cho các doanh nghiệp bảo hiểm và Quyết định số: 150/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 về việc bổ sung, sửa đổi chế độ kế toán doanh ngiệp theo Quyết định số: 1296 TC/ QĐ/ CĐKT
-         Thông tư số: 92/2000/TT-BTC ngày 14/ 9/ 2000 về hướng dẫn thực hiện Nghị định số: 166/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng.
3.                  Thông tin của các doanh nghiệp ngân hàng từ các chế độ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
-         Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số: 435/1998/QĐ-NHNN ngày 25/12/1998.
-         Chế độ báo cáo tài chính của các doanh nghiệp ngân hàng ban hành theo Quyết định số: 1145/2002/QĐ- NHNN ngày 18/ 10/ 2002 về việc ban hành chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng.
-         Chế độ báo cáo thống kê áp dụng với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số: 477/2004/QĐ-NHNN ngày 28/04 /2004
4.                  Thông tin của các doanh nghiệp nhà nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê ban hành.
-         Chế độ báo cáo Thống kê định kỳ doanh nghiệp nhà nước ban hành theo Quyết định số: 62/2003/QĐ- BKH của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quyết định số: 156/2003/QĐ-TCTK của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
-         Chế độ báo cáo thống kê định kỳ áp dụng đối với các Tổng công ty Nhà nước ban hành theo Quyết định số: 373/TCTK- PPCĐ ngày 10/9/1996 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
5.                  Thông tin của các đơn vị hành chính sự nghiệp do Bộ Tài chính ban hành:
-         Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Quyết định số: 999 TC / QĐ/ CĐKT  ngày 2/11/1996.
-         Chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã ban hành theo Quyết định số:141/2001/QĐ-BTC ngày 21/12/2001.
6.                  Thông tin từ các cuộc Tổng điều tra, điều tra định kỳ thường xuyên hàng năm và điều tra đột xuất của Tổng cục Thống kê như:
-         Tổng điều tra dân số và nhà ở : tổ chức 10 năm một lần vào các năm 1989, 1999, 2009, …
-         Tổng điều tra Nông nghiệp và Nông thôn : tổ chức 5 năm một lần vào các năm 2001, 2006, …
-         Tổng điều tra cơ sở kinh tế và hành chính sự nghiệp : tổ chức 5 năm một lần vào các năm 2002, 2007, …
-         Điều tra khảo sát mức sống hộ gia đình : tổ chức 2 năm  một lần vào các năm 2000, 2002, 2004, 2006, …
-         Điều tra doanh nghiệp: tổ chức thường xuyên vào 1 tháng 3 hàng năm
-         Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi  nông, lâm, thuỷ sản: tổ chức thường xuyên vào 1 tháng 10 hàng năm
-         Điều tra chăn nuôi: tổ chức thường xuyên hàng năm,  một năm hai kỳ vào 1/4 và 1/8
-         Điều tra diện tích cây nông nghiệp : tổ chức thường xuyên hàng năm theo vụ ( miền Bắc 2 vụ, miền Nam 3 vụ)
-         Điều  tra trang trại và HTX  nông nghiệp : tổ chức 2 năm một lần
-         Điều tra lâm nghiệp ngoài nhà nước : tổ chức 2 năm một lần
-         Điều tra thuỷ sản ngoài nhà nước : tổ chức thường xuyên hàng năm
-         Điều tra giá tiêu dùng cuối cùng (CPI), giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm, thuỷ sản và hàng công nghiệp ( PPI), điều tra giá bán vật tư cho sản xuất, điều tra xuất nhập khẩu : tổ chức thường xuyên hàng năm
-         Điều tra Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ : tổ chức thường xuyên hàng năm
-         Điều tra lao động và việc làm : tổ chức thường xuyên hàng năm
-         Các cuộc điều tra thường xuyên hàng năm khác : điều tra biến động dân số …
-         Các cuộc điều tra đột xuất phục vụ riêng cho biên soạn Tài khoản quốc gia như : điều tra bổ sung khối Hành chính sự nghiệp để biên soạn Tài khoản quốc gia, điều tra tính GDP theo quí, điều tra biên soạn Tài khoản quốc gia theo khu vực thể chế, điều tra xây dựng những hệ số cơ bản của Hệ thống Tài khoản quốc gia, điều tra lập bảng I/O …

II. Phương pháp tính
A. Tính theo giá thực tế
1.    Giá trị sản xuất
Khái niệm giá trị sản xuất dùng để đánh giá kết quả của đơn vị sản xuất (đơn vị cơ sở hoặc doanh nghiệp), không dùng đánh giá cho từng công đoạn sản xuất của đơn vị. Vì vậy giá trị sản xuất chỉ tính cho hàng hóa và dịch vụ do đơn vị sản xuất ra dùng cho đơn vị khác, không tính cho sản phẩm chu chuyển nội bộ cho các công đoạn sản xuất của đơn vị. Thu do chênh lệch giá cũng không tính vào giá trị sản xuất.
Giá trị sản xuất bao gồm các yếu tố chi phí trung gian và giá trị tăng thêm, như vậy có sự tính trùng trong chỉ tiêu giá trị sản xuất. Mức độ tính trùng phụ thuộc vào  mức độ chuyên môn hóa và mức độ chi tiết của phân ngành kinh tế. Phân ngành kinh tế càng chi tiết, mức độ tính trùng của chỉ tiêu giá trị sản xuất càng lớn.
        Do đặc điểm quản lý, điều hành nền kinh tế và do chế độ hạch toán, thống kê kế toán hiện hành, để đánh giá đúng đóng góp của từng ngành, loại hình và thành phần kinh tế vào ngân sách Nhà nước, giá trị sản xuất được tính theo giá cơ bản và giá sản xuất.  Giá trị sản xuất theo giá cơ bản không bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu. Ngược lại, Giá trị sản xuất theo giá sản xuất bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu.
Căn cứ vào từng ngành và loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể, vào chế độ hạch toán thống kê hiện hành để lựa chọn các phương pháp tính Giá trị sản xuất  một cách phù hợp, cụ thể như sau:
  
1.1.       Đối với loại hình doanh nghiệp.
          i.  Loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; thuỷ sản; công nghiệp; xây dựng;
Theo giá cơ bản.
Giá trị sản xuất bằng (=) Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ cộng (+) Chênh lệch cuối kỳ, đầu kỳ thành phẩm tồn kho, hàng gửi bán, sản phẩm dở dang.
Hoặc:
Giá trị sản xuất bằng (=) Tổng chi phí sản xuất, kinh doanh theo yếu tố cộng (+) Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng (+) Lãi vay phải trả 
Theo giá sản xuất.
 Giá trị sản xuất  =  Giá trị sản xuất theo giá cơ bản (+) Thuế sản phẩm phát sinh phải nộp bao gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu….
Thí dụTheo báo cáo quyết toán tài chính năm 2001 của công ty mía đường :
- Biểu kết quả sản xuất kinh doanh  :            ( đơn vị tính : nghìn đồng)
+ Doanh thu thuần :                                       36.911.207
+ Giá vốn hàng bán:                                       30.620.982
+ Lợi nhuận gộp  :                                            6.371.225
+ Chi phí bán hàng:                                               79.065
+ Chi phí quản lý doanh nghiệp :                    3.631.175
+ Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh : 2.660.985
+ Lợi nhuận từ hoạt động tài chính:          1.268.343
+ Lợi nhuận bất thường :                              751.289
+ Tổng lợi nhuận trước thuế:                     4.680.617
+ Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp :    936.123
+ Lợi nhuận sau thuế :                                3.744.494
+ Thuế VAT phải nộp:                                3.599.397
+ Thuế sản xuất khác phải nộp:                       54.827
          - Bảng cân đối kế toán :
+ Chênh lệch cuối kỳ trừ đầu kỳ chi phí sản xuất kinh doanh dở dang :
 1.079.143 – 935.201 = 143.942
+ Chênh lệch cuối kỳ trừ đầu kỳ thành phẩm tồn kho :
 9.362.179 – 6.370.780 = 2.991.399
+ Chênh lệch cuối kỳ trừ đầu kỳ hàng gửi bán : 0
GO theo giá cơ bản = 36.991.207 + 143.942  +  2.991.399 = 40.126.548
GO theo giá sản xuất =  40.126.548 + 3.599.397 + 54.827 = 43.780.772
-  Chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố trong thuyết minh báo cáo tài chính :
          + Chi phí nguyên liệu, vật liệu :  22.147.082
          + Chi phí nhân công:                     8.597.635
          + Chi phí khấu hao TSCĐ :            5.012.694
          + Chi phí dịch vụ mua ngoài:         1.686.394
          + Chi phí bằng tiền khác:                    35.365
               Tổng cộng                                 37.479.170
          GO theo giá sản xuất = 37.479.170 + 3.599.397 + 54.827 + 2660985
                                               = 43.794.379
Giữa phương án 1 và phương án 2 chênh lệch  = 43.780.772 – 43.794.379 = 13.607
Sai số so với phương án 1 là 0,03%, giá trị sản xuất lấy theo phương án 1.
Ghi chú : Riêng đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến nếu có gia công bằng nguyên vật liệu của bên ngoài thì :
GO = Doanh thu  + Giá trị nguyên vật liệu của khách hàng mang gia công + chênh lệch cuối kỳ, đầu kỳ thành phẩm tồn kho, hàng gửi bán, sản phẩm dở dang
ii. Loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, bưu điện, phục vụ cá nhân cộng đồng, dịch vụ tư vấn
          Theo giá cơ bản :
          GO = Doanh thu thuần về cung cấp dịch vụ
hoặc GO = Tổng chi phí sản xuất, kinh doanh theo yếu tố cộng (+)  lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng (+) Lãi vay phải trả
iii.  Loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương nghiệp, phân phối điện, du lịch, kinh doanh bất động sản, khách sạn nhà hàng
Theo giá cơ bản
Giá trị sản xuất bằng (=) Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trừ (-) Trị giá vốn hàng bán ra (hoặc trị giá vốn hàng chuyển bán hoặc vốn tài chính đã đầu tư)
Giá trị sản xuất bằng (=)Tổng chi phí sản xuất, kinh doanh theo yếu tố cộng (+)  Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng (+) Lãi vay phải trả.
Theo giá sản xuất
Giá trị sản xuất bằng (=) Giá trị sản xuất theo giá cơ bản (+) Thuế sản phẩm phát sinh phải nộp bao gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu….
          1.2.    Đối với loại hình hành chính sự nghiệp (Quản lý Nhà nước và An ninh
Quốc phòng, Bảo đảm xã hội bắt buộc; Khoa học; Văn hóa, Y tế, Giáo dục…) Giá trị sản xuất bằng  (=)Tổng chi phí thường xuyên trong năm.Trừ  (-) các khoản chi sửa chữa lớn tài sản cố định và các công trình cơ sở hạ tầng.Trừ  (-) các khoản chi chuyển nhượng thường xuyên.Cộng  (+) số trích hao mòn tài sản cố định trong năm (nếu có)
Thí dụ :  qua điều tra hoạt động của quản lý Nhà nước của sở thương mại tỉnh
(đơn vị tính : nghìn đồng)
Tổng chi phí thường xuyên cho hoạt động :  1.121.243 nghìn đồng
Sửa chữa lớn TSCĐ   :                                       269.821
Trích hao  mòn TSCĐ  :                                       63.368
GO = 1.121.243 – 269.821 + 63.368 = 914.794
1.3.       Đối với loại hình sản xuất kinh doanh khác
-         Hoạt động Ngân hàng :
GO  = GO từ phí dịch vụ thẳng + GO từ phí dịch vụ ngầm + GO từ dịch vụ quản lý Nhà nước về Ngân hàng tiền tệ
Trong đó :
GO từ phí dịch vụ ngầm  = Thu nhập sở hữu phải thu – Tổng tiền lãi phải trả
Ghi chú : Thu nhập sở hữu không bao gồm thu nhập sở hữu do đầu tư từ nguồn vốn tự có
-         Hoạt động bảo hiểm
GO = Phí bảo hiểm – Bồi thường bảo hiểm – Dự phòng phí + Thu nhập do đầu tư
-         Hoạt động xổ số
GO = Doanh thu bán vé xổ số – Chi phí trả thưởng
-         Đối với nhà ở tự có tự ở
Có hai cách tính :
+ GO = Tổng diện tích nhà ở (m2) X đơn giá thuê nhà cùng loại bình quân 1 m2
+ GO  = Giá trị hao mòn nhà ở + Chi phí sửa chữa thường xuyên
Giá trị hao
 mòn nhà ở

=
Tổng giá trị nhà ở theo từng loại nhà


Tổng số năm sử dụng


-         Hoạt động làm thuê các công việc gia đình
GO  = Tổng chi phí chi cho người làm thuê, bao gồm cả các khoản chi bằng tiền và hiện vật của hộ gia đình thuê người nội trợ, giúp việc
-   Hộ sản xuất nông, lâm thuỷ sản:
Giá trị sản xuất bằng (=) Sản lượng sản phẩm nhân (x) Đơn giá bình quân năm.
-         Đối với hộ sản xuất không phải nông, lâm thuỷ sản:
   Giá trị sản xuất bằng (=) Tổng số lao động hoặc hộ sản xuất nhân (x) Giá trị sản xuất bình quân cho một lao động hoặc hộ sản xuất được chọn điều tra.
Ghi chú : Khi tính chỉ tiêu giá trị sản xuất theo từng ngành, thành phần, loại hình kinh tế tuỳ vào từng trường hợp cụ thể có thêm các phần giá trị như : trợ cấp sản phẩm, thu do bán sản phẩm phụ không hạch toán riêng, cho thuê máy móc thiết bị có người điều khiển, thu do bán phế liệu thu hồi, chi phí tự sản xuất TSCĐ để trang bị cho đơn vị…

2. Chi phí trung gian :
Chi phí trung gian bao gồm toàn bộ chi phí về sản phẩm vật chất, dịch vụ cho sản xuất và không bao gồm khấu hao tài sản cố định. Chi phí trung gian bao gồm các yếu tố sau:
          i. Chi phí sản phẩm vật chất, gồm: Nguyên vật liệu chính, phụ; Nhiên liệu; Điện, nước khí đốt; Chi phí công cụ sản xuất nhỏ, vật rẻ tiền mau hỏng; Chi phí sản phẩm vật chất khác
ii. Chi phí dịch vụ, gồm: Vận tải; Bưu điện; Bảo hiểm; Dịch vụ ngân hàng; Dịch vụ pháp lý; Dịch vụ quảng cáo; Chi phí dịch vụ khác

2.1.       Đối với loại hình doanh nghiệp
Căn cứ vào biểu chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố trong mẫu biểu thuyết minh báo cáo tài chính của báo cáo quyết toán tài chính doanh nghiệp hoặc của phiếu điều tra doanh nghiệp và căn cứ vào những hệ số cơ bản của hệ thống Tài khoản quốc gia có được từ điều tra 5 năm 1 lần để tính chi phí trung gian, cụ thể :
Chi phí trung gian = Chi phí nguyên vật liệu chính, phụ (+) Chi phí về nhiên liệu  (+) Chi phí điện (+) Chi phí dịch vụ mua ngoài (+) Tỷ lệ % chi phí trung gian có trong chi phí bằng tiền khác.
Từ số liệu trong biểu chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố của thí dụ đã nêu ở trên thì :
Chi phí trung gian = 22.147.082 + 1.686.394 + (0,35 x 35.365)
                              =  23.845.854
Tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất = (23.845.854/ 43.780.772) x 100
                                                                          =   54,46%

2.2.   Đối với loại hình Hành chính sự nghiệp thụ hưởng ngân sách Nhà nước
Căn cứ vào bảng tổng hợp tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí đã sử dụng; vào báo cáo  hoạt động sự nghiệp có thu; vào thuyết minh báo cáo tài chính của các đơn vị dự toán các cấp và của cơ quan tài chính (Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước) và căn cứ vào những hệ số cơ bản của Hệ thống Tài khoản quốc gia có được từ điều tra 5 năm một lần để tính chi phí trung gian, cụ thể :
Chi phí trung gian bằng tổng cộng các tiểu mục : Thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền nhiên liệu, vật tư văn phòng; mua phim, ảnh, ấn phẩm truyền thông; sách báo, tạp chí thư viện; trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng không phải tài sản cố định; bảo hộ lao động, vật tư  trong chi phí nghiệp vụ và chuyên môn; chi mua, in ấn chỉ; chi phí dịch vụ thanh toán tiền vệ sinh môi trường; cước phí điện thoại, bưu chính, fax; thuê bao vệ tinh; tuyên truyền; quảng cáo; hội nghị (không kể tiền bồi dưỡng giảng viên, báo cáo viên); Chi thuê mướn (không kể thuê mướn lao động); chi đoàn ra, vào ( không kể các khoản tiền ăn, tiền tiêu vặt …); chi sửa chữa thường xuyên tài sản cố định; thanh toán hợp đồng với bên ngoài về điều tra, khảo sát của chi phí nghiệp vụ chuyên môn (+) tỷ lệ phần trăm của chi phí trung gian có trong mục chi khác.
Từ số liệu trong biểu điều tra hoạt động quản lý của sở thương mại trong thí dụ đã nêu ở trên thì :
Chi phí trung gian = Thanh toán tiền dịch vụ công cộng (67.700) + Vật tư văn phòng (19.000) + mua sách báo tạp chí trong mục thông tin tuyên truyền (5.752) + in, mua tài liệu (8.409), tiền thuê  phòng ngủ (1.460), thuê hội trường, phương tiên vận chuyển (9.560) trong mục hội nghị + Tiền vé máy bay, tàu xe (6.983), tiền thuê phòng ngủ ( 1.715) trong công tác phí + Sửa chữa thường xuyên TSCĐ (49.179) + chi đồng phục, trang phục (2.005), chi thanh toán hợp đồng với bên ngoài (60.610) +                (0,55 x 101.569) của mục chi khác = 288.236
Tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất = (288.236 /  914.794) x 100
                                                                           = 31,51%

2.3   Các loại hình sản xuất kinh doanh khác như sản xuất kinh doanh cá thể, hộ gia đình …
Chi phí trung gian  = Giá trị sản xuất (x) tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của các đơn vị điều tra mẫu

3.        Giá trị tăng thêm
Giá trị tăng thêm theo ngành kinh tế bằng hiệu giữa giá trị sản xuất và chi phí trung gian. Giá trị sản xuất tính theo giá nào thì chỉ tiêu giá trị tăng thêm cũng tính theo giá đó. Giá trị tăng thêm theo ngành, thành phần, loại hình kinh tế được biểu thị theo công thức sau:
          Giá trị tăng thêm  =  Giá trị sản xuất  –  Chi phí trung gian 
Giá trị tăng thêm tính theo cách này còn được kiểm chứng qua các yếu tố như chi phí nhân công, đóng BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn, Khấu hao Tài sản cố định trong biểu chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố; tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và thuế, lệ phí sản xuất phải nộp trong biểu kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của loại hình doanh nghiệp hoặc các khoản tiền công, phụ cấp lương, sinh hoạt phí cán bộ đi học, tiền thưởng, chi cho cán bộ xã, phường, các khoản thanh toán cho cá nhân, số trích khấu hao Tài sản cố định ( nếu có) … của loại hình Hành chính sự nghiệp  hưởng ngân sách Nhà nước.
          Từ hai thí dụ trên thì :
          + Giá trị tăng thêm của công ty mía đường  =  43.780.772  –  23.845.854
                                                                                 =  19.934.918
          + Giá trị tăng thêm của sở thương mại  = 914.794 – 288.236 = 626.558

          B. Tính theo giá so sánh
          1. Giá trị sản xuất
1.1. Đối với các ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp khai thác; công nghiệp chế biến và sản xuất, phân phối điện, nước, khí đốt
          Căn cứ vào phương pháp đánh giá trực tiếp từ lượng và giá để tính chuyển giá trị sản xuất theo giá thực tế về giá so sánh, tức là lấy khối lượng theo từng loại sản phẩm là nông, lâm, thuỷ sản; công nghiệp khai thác, chế biến, điện, nước … của năm cần tính nhân với đơn giá sản phẩm của năm gốc.
1.2.       Đối với ngành xây dựng
Dùng chỉ số giá bán vật tư cho sản xuất thuộc nhóm kim loại và vật liệu xây dựng để giảm phát chỉ tiêu giá trị sản xuất ngành xây dựng.
1.3.      Đối với các ngành thuộc khu vực dịch vụ
Căn cứ vào phương pháp giảm phát, tức là dùng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phù hợp để loại trừ biến động về giá của chỉ tiêu giá trị sản xuất theo giá thực tế của năm cần tính chuyển về giá so sánh năm gốc, cụ thể là :
a.    Các ngành thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình; tài chính, tín dụng; khoa học và công nghệ; quản lý Nhà nước và an ninh quốc phòng; hiệp hội; làm thuê các công việc hộ gia đình dùng chỉ số giá tiêu dùng chung.
b.    Khách sạn và nhà hàng dùng chỉ số giá tiêu dùng của nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá
c.    Vận tải, bưu điện dùng chỉ số giá tiêu dùng của nhóm phương tiện đi lại và bưu điện của CPI và nhóm nhiên liệu lỏng của chỉ số giá vật tư.
d.    Hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn
-         Đối với dịch vụ nhà ở tự có tự ở dùng chỉ số giảm phát của ngành xây dựng
-         Đối với các hoạt động còn lại dùng chỉ số giá tiêu dùng chung
e.    Giáo dục đào tạo dùng chỉ số giá tiêu dùng của nhóm giáo dục
f.     Y tế dùng chỉ số giá tiêu dùng của nhóm y tế và dược phẩm
g.   Văn hoá thể thao dùng chỉ số giá tiêu dùng của nhóm văn hoá, thể thao và giải trí
h.    Phục vụ cá nhân cộng đồng dùng chỉ số giá tiêu dùng của nhóm hàng hóa và dịch vụ khác

2.    Giá trị tăng thêm
Hiện tại thống kê tài khoản quốc gia đang áp dụng phương pháp giảm phát theo chỉ tiêu đơn để tính chuyển chỉ tiêu giá trị tăng thêm từ giá thực tế về giá so sánh, tức là giá trị tăng thêm theo giá so sánh được tính bằng cách dùng chỉ số giá của giá trị sản xuất giảm phát trực tiếp chỉ tiêu giá trị tăng thêm theo giá thực tế.

3. Thuế hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu: dùng tỷ lệ của trị giá thuế hàng hoá  và dịch vụ nhập khẩu theo nhóm hàng so với trị giá hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu của nhóm hàng đó theo giá cơ bản của năm cần tính nhân với trị giá hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu theo nhóm hàng của năm cần tính theo giá so sánh. Dùng chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu để tính chuyển hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ giá thực tế về giá so sánh theo từng nhóm hàng hóa và dịch vụ.

          4. GDP theo giá so sánh = Tổng cộng giá trị tăng thêm theo giá so sánh của các ngành  + thuế hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu theo giá so sánh

...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét