Đọc tin này thấy buồn quá. Khắp thế giới người ta trưng cầu ý dân, ý dân thế nào thì Nhà nước phải làm như thế. Còn ở ta thì lấy ý kiến dân để nghiên cứu cho vui, thích thì dùng không thì vứt. Nhà nước coi ý dân như thế thì có phải là Nhà nước của dân không ? Đau hơn là 20 năm nữa cũng không thể có chuyện trưng cầu ý dân; rồi muốn thì phải sửa Hiến pháp, mà Hiến pháp mới toanh vừa được thông qua còn chưa ráo mực.
- Chiều 17/12, tại hội thảo báo cáo nghiên cứu về trưng cầu ý dân do Viện Nghiên cứu lập pháp và UNDP tổ chức, các đại biểu đặt vấn đề, đến bao giờ trưng cầu ý dân được thực hiện tại Việt Nam?
Khó có luật Trưng cầu ý dân
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH
Vũ Đức Khiển cho rằng, rất khó có luật Trưng cầu ý dân
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, trường ĐH Kinh tế TP.HCM dự đoán, trong 20 năm sau vấn đề trưng cầu ý dân cũng chưa chắc đã thực hiện được trong thực tế vì với những qui định như trong Hiến pháp thì QH có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước.Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Vũ Đức Khiển cũng cho rằng, rất khó để có luật Trưng cầu ý dân.
“QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. QH thực hiện quyền lập hiến, lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước… Có nghĩa là chỉ khi nào QH quyết định trưng cầu ý dân thì dân mới được tham gia trưng cầu, nhưng đã quy định QH quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì thôi trưng cầu ý dân làm gì nữa. Quyền lực nhà nước tập trung vào QH rồi”, ông Khiển nói.
Theo ông Khiển, muốn có luật Trưng cầu ý dân, Hiến pháp phải sửa lại là “QH qui định về trưng cầu ý dân” chứ không phải “QH quyết định”. Tức là, QH phải ban hành luật trưng cầu ý dân về những vấn đề phải trưng cầu ý dân, về thủ tục và trình tự trưng cầu ý dân.
Ông Khiển cũng cho rằng, có nhiều vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là rất có lợi. “Như chúng ta vào WTO… đưa ra hỏi ý kiến dân và trình bày với dân cái lợi, cái hại của vấn đề này để cho dân biết mà phát huy cái lợi, còn cái nào có hại thì hạn chế nó đi. Nhưng ta không làm được cái này…”, ông Khiển lý giải.
Khác ý mình là chụp mũ
Đồng tình với quan điểm này, phó đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, vấn đề trưng cầu ý dân đã được ghi trong Hiếp pháp 1946 nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Phó đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền:
Đất nước càng khó khăn càng phải trưng cầu ý dân
“Tôi nói thế này, khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân thì nhân dân có quyền góp ý, nhưng người ta đứng ra góp ý cứ nói ông này nói tầm bậy, nói thế làm sao được. Bởi vì, nói người ta có quyền góp ý thì anh có quyền tiếp thu hay không tiếp thu là quyền của anh. Tôi từng phát biểu trước QH, anh đã lấy ý kiến nhân dân thì anh để nghiên cứu chứ không phải quyết định, còn trưng cầu dân ý dứt khoát phải là quyết định của nhân dân và phải chấp hành”, ông Thuyền nói.
“Chứ bây giờ lấy ý kiến nhân dân, họ phát biểu khác ý mình là "chụp mũ" đủ điều, thì ai dám nói nữa”, ông Thuyền tiếp.
Trả lời câu hỏi, bao giờ thì thực hiện được trưng cầu ý dân, ông Bá Thuyền cho rằng, rất khó thực hiện và chắc chắn còn rất lâu.
Nhưng đại biểu QH tỉnh Lâm Đồng đánh giá, trưng cầu ý dân là rất quan trọng và cần thiết phải có luật Trưng cầu ý dân.
“Đất nước càng khó khăn bao nhiêu, càng phức tạp bao nhiêu thì cần phải trưng cầu ý dân để hiểu thực lòng dân, ông Thuyền nói.
Đồng tình với những quan điểm trên, PGS.TS Chu Hồng Thanh cũng đánh giá, trưng cầu ý dân là gắn với chủ quyền nhân dân, đó không phải là việc đồng ý hay không đồng ý mà là quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước.
Tá Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét