Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Cây bảy loại quả đón Tết

Cây bảy loại quả đón Tết
Năm loại quả, bảy loại quả mọc trên cùng một cây là loại cây cảnh độc hiếm, có giá lên đến hàng chục triệu đồng đang rục rịch tung ra dịp Tết.
Cây ngũ quả đủ màu sắc, mang nhiều ý nghĩa trong dịp Tết đến xuân về
Xuất phát từ ý tưởng mâm ngũ quả bày lên ban thờ tổ tiên ngày Tết, người nông dân Lê Đức Giáp, Thanh Oai, Hà Nội đã mày mò sáng tạo nên một cây có 5 loại quả khác nhau. Đó là các loại quả phật thủ, bưởi, quýt, cam, quất. Điều đặc biệt, năm nay ông còn ghép thêm chanh đào, bưởi đỏ “hô biến” thành cây “thất quả”.

Không những thế, các cây 5 loại quả, 7 loại quả đều có thể nở hoa vào đúng ngày Tết, ra Tết cây lại vào quả. Sự đặc biệt của loại cây này đã khiến không ít người lặn lội xa xôi đến đặt mua để được sở hữu hàng độc, hiếm về đón Tết.

Hơn 100 gốc cây ngũ quả của ông Giáp đã bắt đầu có khách đặt mua Tết. Cách đây một tháng khách từ khắp nơi như Sài Gòn, Điện Biên, Lào Cai, Hà Nam, Hà Nội…đã đổ về đây để đặt hàng.

Năm ngoái ông hứa sẽ cho ra cây bảy loại quả, đúng như ý định, trong vườn của ông Giáp đã có hơn chục gốc cây như thế. Cây đắt nhất có giá hai mươi triệu đồng, thấp nhất là hai triệu đồng.

Ông Giáp đang chăm sóc cho vườn cây ngũ quả chuẩn bị dịp Tết

Ông Giáp cho biết, trong vườn hiện có hơn 100 gốc cây ngũ quả nhưng đã có 30 gốc có khách đã đến tận vườn để đặt hàng. Họ là những người năm ngoái đã mua rồi nhưng thích loại cây độc đáo này nên năm nay đặt tiếp, số khác năm ngoái không mua được vì đến muộn nên năm nay họ đặt hàng sớm. Thường thì đến 10/12 âm lịch trở đi họ mới đến lấy cây về để bày Tết.

Để cho ra cây ngũ quả phải mất rất nhiều công sức, kỹ thuật. Bản thân ông đã trồng loại cây này bắt đầu từ năm 2008 nhưng chỉ vài ba năm trở lại đây, cây ngũ quả mới thật sự thành công và được cả nước biết đến.

Nhớ lại năm đầu tiên tạo cây ngũ quả, ông Giáp cười nói: “Năm đầu tiên đúng là dở hơi, các loại quả đều ra hoa cùng một thời điểm nên quả chín khác nhau. Ví dụ tháng 7 quả chanh đào đã chín rồi, tháng 8,9 cam Vinh chín, bưởi đỏ thì tháng 10 chín…thế là đến Tết quả rụng hết, trên cây ngũ quả chỉ còn hai đến ba loại quả. Thất bại năm đầu là kinh nghiệm, thành công cho sau này”.

Vườn cây ngũ quả độc đáo của ông Giáp

Vườn cây của ông Giáp là hàng độc nên năm ngoái có không ít khách hàng không mua được vì lượng cây không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Giáp cho biết: “Năm ngoái có người từ Điện Biên xuống trả ông 60 triệu một cây ngũ quả, họ thích lắm, cứ năn nỉ tôi bán nhưng cây đấy tôi đã hứa bán trước cho một vị khách với giá 15 triệu đồng. Mình kinh doanh quan trọng là giữ chữ tín, nên dù trả giá cao gấp chục lần như thế tôi cũng không thể thất tín được”, ông Giáp nói.

Thành công là thế, người nông dân này còn sẵn sàng chia sẻ bí quyết làm giàu từ việc tạo cây cho nhiều loại quả, kỹ thuật cho những người bạn của mình.

“Làm cái nghề này phải thực sự đam mê thì mới theo đuổi được. Trong số năm người tôi hướng dẫn thì chỉ có hai người là thành công thật sự”, ông Giáp cho hay. Bên cạnh đó ông còn giúp đỡ cho hơn 200 hộ dân về kỹ thuật trồng cây ăn quả khắp các nơi, giúp không ít người thoát nghèo, giàu lên từ cây cam, cây bưởi.

Một số hình ảnh do PV Infonet ghi lại tại vườn cây độc đáo của ông Lê Đức Giáp:


Cây có đủ 5 loại cành, một trong những cây ngũ quả có giá đắt nhất vườn ông Giáp 


Độc đáo cây có bảy loại quả, giá vài chục triệu đồng 


Giá cây này cũng không dưới 10 triệu đồng 


Cây đã có chủ 


Hơn 30 cây đã được khách đặt mua 


Cây ngũ quả dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/cây 


Mặc dù phải ghép nhiều loại quả nhưng ông chỉ phải tìm mua chanh đào,phật thủ, bưởi đỏ. Những loại quả khác thường là nhà trồng được và của bạn bè- những người được ông giúp đỡ đến cho. 


Để cây trông đẹp mắt, ông đã ghép thêm nhiều loại quả vào. Qủa mới ghép sẽ được bọc báo để tránh ánh nắng chiếu vào. Sau một tuần có thể tháo lớp báo này đi. 


Cây phật thủ được khách đặt với giá một triệu đồng.
Theo Diệu Thùy (Infonet)

1 nhận xét:

  1. Cây ngũ quả đủ màu sắc, mang nhiều ý nghĩa trong dịp Tết đến xuân về
    Xuất phát từ ý tưởng mâm ngũ quả bày lên ban thờ tổ tiên ngày Tết, người nông dân Lê Đức Giáp, Thanh Oai, Hà Nội đã mày mò sáng tạo nên một cây có 5 loại quả khác nhau. Đó là các loại quả phật thủ, bưởi, quýt, cam, quất. Điều đặc biệt, năm nay ông còn ghép thêm chanh đào, bưởi đỏ “hô biến” thành cây “thất quả”.
    qua phat thu là loại đặc sản của ngành nong nghiep Việt Nam.

    Trả lờiXóa