Đám tang Sài Gòn: Người sống khổ, người chết có vui?
Không có cảnh khách đưa tang “chim nhau, cười tình nhau” hay con cháu đóng kịch khóc thương, dựng cảnh chụp hình nhố nhăng như trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, nhưng người ta cũng không khỏi xốn xang trước sự ồn ào, hoạt náo của những đám ma vui hơn đám cưới ở Sài Gòn.
Khiêu vũ tại một đám tang ở Sài Gòn - Ảnh chụp từ clip bạn đọc
“Và sau đây là ca khúc Teen vọng cổ, xin một tràng vỗ tay cho nữ ca sĩ XXX…”, giọng MC rộn ràng giới thiệu giữa đêm khuya, phía dưới khán giả vỗ tay rào rào tán thưởng, thỉnh thoảng lại có tiếng cụng ly “dzô, dzô…” của khách. Nếu không nói ra, thật khó ai có thể hình dung được đây là cảnh đang diễn ra trong một đám tang.Ngày mới vào Sài Gòn học đại học, tôi và rất nhiều bạn bè của mình đã bị một phen sốc văn hóa thật sự khi chứng kiến đám ma ở đây.
"Vẫn biết là mỗi vùng miền, phong tục tập quán khác nhau nhưng những cảnh náo nhiệt, vui vẻ thái quá trong đám ma Sài Gòn bây giờ có còn đúng với phong tục truyền thống ban đầu của nó? Không biết người nằm trong quan tài có cảm nhận được ý nghĩa việc giả vui, giấu buồn của người thân mình không, nhưng đám tang đã mất hẳn tính trang nghiêm vốn có của nó".
Gia chủ không những dựng rạp tổ chức ăn uống linh đình chẳng khác nào đám cưới ở quê tôi mà còn mời cả ca sĩ chuyên hát đám ma về làm sô ca nhạc từ hôm người thân mất đến ngày đưa tang.
Họ hát bất kể giờ giấc, khi thì giữa trưa nắng, khi nửa đêm vẫn chưa dừng. Tiếng chuông mõ trầm buồn, tiếng khóc thương của người thân nhường hẳn cho tiếng nhạc xập xình, những ca từ nhảm nhí từ các bản nhạc chế, xen lẫn là tiếng vỗ tay, cạn ly thích thú của khách viếng và cả gia chủ khi thấy ca sĩ nhảy “sung” hơn. Đó là chưa kể, một vài đám tang, thân nhân người quá cố còn thuê người biểu diễn thêm các tiết mục xiếc như múa lửa, phóng dao… giống hệt như những chương trình tạp kỹ.
Mỗi lần trong khu phố có đám tang, tôi và nhiều nhà hàng xóm chỉ biết khóc thầm, 12 giờ đêm còn chưa ngủ được vì tiếng nhạc ồn ào thì 3-4 giờ sáng đã bị kèn trống náo nhiệt dựng dậy.
Có người đi làm mệt cả ngày, tối về vẫn không được nghỉ ngơi; bức quá, phải qua nhà bạn bè, khách sạn ngủ tạm. Người ở lại thì sáng ra đi làm, đi học, chỉ biết lắc đầu mệt mỏi, ngao ngán hỏi nhau “không biết bao giờ đưa tang”. Hàng xóm láng giềng với nhau nên dù khó chịu đến đâu, chúng tôi cũng không ai nỡ và dám góp ý với gia chủ giữa lúc tang thương thế này. Nên những đám ma “lai” đám cưới lại cứ tiếp nối nhau, diễn ra trong khu phố.
Theo tôi được biết thì theo quan niệm của người miền Nam, đám tang phải được tổ chức ồn ào, vui vẻ như thế để mong người thân của mình yên tâm ra đi, sớm siêu thoát; không bị nước mắt, không khí buồn thảm của gia đình, người thân làm lưu luyến cõi trần. Hơn nữa, nhạc lễ, từ xa xưa đã là một phần không thể thiếu của việc tang tế ở vùng đất Nam Bộ. Trong cuốn Nói về miền Nam, Cá tính miền Nam, Thuần phong mỹ tục Việt Nam, nhà văn Sơn Nam có viết, ở Nam Bộ thời xưa, những gia đình khá giả thường rước kép hát, ban nhạc đờn ca tài tử về diễn trong đám tang. “Đầu hôm cử nhạc buồn, giữa khuya, để đánh thức mọi người cho bớt buồn ngủ gục, chơi nhạc vui, nhưng không lố lăng”.
Người Trung chúng tôi thì ngược lại, dù là trước đây hay bây giờ, đám tang cũng diễn ra trong tiếng đàn nhị thê lương, tiếng mõ tụng kinh trầm buồn, không khí đau thương, ảo não nhưng cũng không kém phần thiêng liêng, trang trọng. Khách đến viếng sau khi thắp hương cho người đã khuất thì ra bàn uống chén trà, tiếp chuyện chia buồn với gia chủ dăm ba phút rồi về bởi ngồi cà kê dây dưa là điều tối kỵ ở đám tang vùng miền Trung.
Vẫn biết là mỗi vùng miền, phong tục tập quán khác nhau nhưng những cảnh náo nhiệt, vui vẻ thái quá trong đám ma Sài Gòn bây giờ có còn đúng với phong tục truyền thống ban đầu của nó? Không biết người nằm trong quan tài có cảm nhận được ý nghĩa việc giả vui, giấu buồn của người thân mình không, nhưng đám tang đã mất hẳn tính trang nghiêm vốn có của nó.
Còn người ngoài chúng tôi nhìn vào chỉ biết xót xa cho người đã khuất.
Bảo Uyên
BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (48)
huynh (tp Can tho) - 3 giờ trước
Huynh: Tôi sinh ở miền Bắc, học ở miền Trung và sống, làm việc ở miền Nam nên tôi đã được chứng kiến đám cưới, đám tang của cả ba miền. Nhưng tôi chẳng thấy có miền nào lại như miền Nam, trong đám tang người ta hát, nhảy múa, nhậu, đánh cờ...như là đám cưới vậy...
Ho Khac Huy (Go Vap) - 3 giờ trước
Mình thấy khối đám cưới SG rất lặng lẽ, không có trống kèn. Mà là người cư ngụ ở SG lâu rồi, từ thời Pháp thuộc tới giờ. Chỗ vầy chỗ khác thôi.
Phúc (Dư Khánh- Ninh Thuận) - 3 giờ trước
Tôi rất mừng khi thế hệ trẻ bàn về thuần phong mỹ tục của nước nhà, tôi đồng ý với một số bạn là: Tùy theo trình độ văn hóa của gia chủ( tôi không nói trình độ học vấn) mà họ tổ chức đam tang đúng nghĩa của đám tang. Mong rằng chúng ta nên đặt mình là người "xấu số' mà tổ chức đám tang
Yen (Q11-HCM) - 4 giờ trước
Mình cũng đồng quan điểm với tác giả, mình từng chứng kiến mấy cái đám ma xung quanh xóm và thấy hoảng sợ với phong tục ở đây, trống kèn inh ỏi, đám ma mà hát nhạc đám cưới, nhảy nhót xập xình, vừa làm phiền hàng xóm vừa chẳng ra làm sao. :(
trevietnam (tp hồ chí minh) - 4 giờ trước
Tôi từng thấy đám ma ở Tiền Giang, ở Đồng Tháp, và cả ở miền Trung. Nhưng chả có nơi nào " vui" bằng Sài Gòn. Cứ như đi hội, đánh bài, nhảy nhót, hát nhạc inh ỏi. cái này không gọi là văn hóa mà là hủ tục
Tuyên (Gia Lai) - 4 giờ trước
Miền nào thì miền, mất đi 1 người thân và 1 sinh linh thì nỗi buồn là chính, sống sinh hoạt và giữ gìn bản sắc dân tộc cũng như hài hòa với cộng đồng, cũng như trên thế giới là quan trọng , tại sao ko xóa bỏ cái tập quán đó như một cái hủ tục kém văn minh đi, nếu con nít nó có những suy nghĩ thơ ngây rằng ông bà cha mẹ người thân nó mất đi mà mọi người vui cười rộn rã. thì hình thành trong sự phát triển nhân cách của nó như nào và hậu quả ra làm sao..... thu gọn
Trung Thanh - 5 giờ trước
Bạn là người miền Trung, lấy quan điểm của người miền Trung đi bình luận phong tục của người Nam bộ là không đúng. Bạn nghĩ sao khi người Nam bộ đứng ra bình luận đám tang ở miền Trung của bạn?
HOÀNG XUÂN HỮU (12/2 đường 4 , phường bình an , quận 2 , TP.HCM) - 5 giờ trước
đám cưới , đám ma , tiệc tùng ..v..v... không ai có quyền CẤM . Nhưng dựng rạp , che mái , để dựng xe , dưới LÒNG LỀ ĐƯỜNG là vi phạm qui định LUẬT PHÁP . CA HÁT , NHẢY MÚA , ĂN NHẬU ...v...v.. không ai có quyền CẤM . Nhưng ca hát mở âm thanh vượt mức cho phép , nhảy múa ăn nhậu gây ồn ào vượt quá giờ giấc nghỉ ngơi của cộng đồng chung quanh là vi phạm qui định LUẬT PHÁP . cái sai của người DÂN vi phạm thì đã rõ . nhưng cái sai của CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ mới là điều đáng nói . TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ cần phải xử phạt ngay , tháo dỡ ngay khi chiếm dụng lòng đường , không được cả nể để rồi trở thành thông lệ , cũng đừng cho đó là vấn đề nhạy cảm . PHÁP LUẬT cần phải được TÔN TRỌNG TUYỆT ĐỐI. thu gọn
Vithanh (Âu châu) - 5 giờ trước
Nếu ai đã từng sống và dự những đám tang phương tây, phần đông rất trang nghiêm, không kèn không trống, chỉ những lời an ủi, chia buồn cùng gia đình người đã mất bên những dòng hoa chứ không như bài báo trên có tính cách "chơi nổi" lố bịch thế thôi
Chung Mộc (Nghe An) - 5 giờ trước
Tôi đồng ý là tôn trọng tập tục, văn hóa của từng vùng miền, nhưng không có nghĩa là cứ phải cổ súy cho những hủ tục không phù hợp với văn hóa của người Việt. Đám tang là sự kiện buồn, vì thế nên tuân thủ thực hiện những nghi thức, nghi lễ phù hợp với hoàn cảnh: buồn, tiếc thương. Vì thế,mọi hoạt động mang tính giải trí, nhất là những trò mang tính nhố nhăng (để... cho vui!) đều không thích hợp cho môi trường tang gia. Việc phê phán những đám tang hiện nay tựa như trong "Hạnh phúc của một tang gia" của Vũ Trọng Phụng mà bạn Bảo Uyên đã nói trong bài báo, theo tôi, là rất đúng. Nhiều địa phương hiện đã xây dựng được hương ước, qui định về tổ chức tang lễ, rất phù hợp với phong tục của người Việt, vừa tiết kiệm,giữ được vệ sinh chung nhưng vẫn thể hiện được sự tiếc thương và chu đáo đối với người đã khuất. TP.HCM là thành phố lớn, văn minh, không lẽ không thực hiện được việc này? thu gọn
Trung Tín (Khánh Hòa) - 5 giờ trước
Sam Tran: tôi không nghĩ nó nét văn hóa hay cái hay mà sự thật thấy nó quái đản và cực kì phản cảm chứ chả thấy nét văn hóa gì ở đây cả, xin lỗi bạn nói miền Nam là như vậy nhưng bạn bè tôi ở nhiều tỉnh miền Nam khác cũng nói rằng đám tang ở miền Nam ít khóc và không quá bi lụy còn riêng món ăn nhậu thuê pê đê về hát múa lửa thì là đặc sản quái gở của thành phố này, chẳng ai bắt bạn khóc nhưng cũng đừng làm mấy trò chướng ấy, bạn cũng đừng vơ đũa cả nắm là cả miền Nam nơi nào cũng thế nhé . thu gọn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét