Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Aladin để tóc... đuôi sam!

Aladin để tóc... đuôi sam!
“Ngày xửa ngày xưa, tại một thị trấn nhỏ của nước Trung Hoa có một cậu bé tên là Aladin…”. Đây là câu đầu tiên trong cuốn “Aladin và cây đèn thần” do NXB Dân Trí phát hành.
Aladin được nhập quốc tịch Trung Quốc?
Có hai chi tiết đáng chú ý: Đây là một cuốn truyện tranh cho thiếu nhi. Và ngay trong trang đầu tiên của cuốn sách, cả Aladin và tên phù thủy đều để tóc đuôi sam Mãn Thanh.
Chắc đọc đến đây, nhìn minh họa đính kèm, bạn đọc sẽ trẹo mồm lồi mắt khi Aladin “ngày xửa ngày xưa” quấn khăn, cưỡi lạc đà từ xứ sở ''ngàn lẻ một đêm'' bỗng dưng quấn đuôi sam và miệng chào “Nỉ hảo”!

Nhưng điều càng ngạc nhiên phải là việc người cho câu chuyện này là “phù hợp” lại là một người Việt, chắc từng đọc ngày xửa ngày xưa - đang đương chức NXB Dân Trí.

Một cái chặc lưỡi không hơn không kém, trước một sản phẩm đóng nhãn dân trí.

Dân trí gì, khai trí gì khi những đứa trẻ sẽ ngay lập tức mặc định rằng Aladin là người Trung Quốc.

Bộ sách “Phát triển trí thông minh” cho học sinh lớp 1 “cắm” trong đó lá cờ 5 sao. Những chiếc hộ chiếu vào Việt Nam in một cái lưỡi bò. Và giờ, đập vào mắt ngay cả những đứa trẻ tập tọe đánh vần là tóc đuôi sam, ngay cả từ những nhân vật kinh điển như Aladin.

Chẳng có gì gọi là phù hợp ở đây, thưa bà PGĐ NXB Dân Trí!

Chẳng thể nào lại có thể chặc lưỡi trước một cú tống tiền văn hóa đến như vậy.

Nhớ cách đây chưa lâu, một nhà khảo cổ học, GS-TS Tống Trung Tín đã phẫn nộ rằng: Chưa bao giờ trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam lại tràn lan những con sư tử dữ dằn, hung ác "sặc mùi Trung Quốc” và “phi văn hóa Việt” tại nhiều nơi thờ tự như bây giờ. Còn khi Vạn lý Trường thành được người Việt xây dựng trong một khu du lịch Việt, đã có câu hỏi khắc khoải được đặt ra: Sao đó không phải là tháp Eiffel.

Tại sao ư? Chính từ cái cách mà người ta chặc lưỡi trước búi tóc đuôi sam của Aladin.

Trong ''Ngàn lẻ một đêm'', khi nằm bên công chúa, chàng trai Aladin đã không chặc lưỡi khi để giữa hai người một thanh kiếm tuốt trần. Còn ngày nảy ngày nay, fan của Aladin cần ở những sử gia nói riêng và những nhà văn hóa nói chung một lưỡi kiếm trần, để trước hết cắt bỏ cái đuôi sam, trả lại sự trong sạch cho nàng Sheherazade.


đừng hỏi ai em nhé - 11/11/2013 16:09
làm ơn làm phước coi cuốn của Antoine Galland đi rồi nói nhé, người ta viết đúng rồi cãi gì nữa ? đúng là những tên gọi trong truyện nghe có vẻ là hồi giáo thật, cho nên Disney mới vẽ như vậy. hiểu lầm rồi xuyên tạc à?
Tùng - 11/11/2013 16:06
Việc tác giả ban đầu đề nhân vật và câu chuyện của Aladin xảy ra ở 1 làng Trung Quốc là thật. Tuy nhiên phải hiểu đúng vấn đề: năm 1704 khi xuất bản lần đầu, phương Đông vẫn còn xa lạ với châu Âu. Việc thêm bối cảnh "Trung Quốc" vào câu chuyện sẽ khiến người đọc hình dung nó rất xa xôi và lạ lẫm, đây đơn giản chỉ là 1 thủ thuật tạo sự hấp dẫn. Nhiều ý kiến ngày nay cho rằng câu chuyện có thể được kể lại dựa trên các truyện của vùng Trung Á (có bao gồm khu vực Tân Cương, mới thuộc Trung Quốc từ 1876). Tuy nhiên ngay cả khi đó, Aladin vẫn phải để tóc và mặc trang phục của người Hồi Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), không thể giống hệt người Mãn Thanh được.
Nam - 11/11/2013 16:00
Chính xác, Aladin đích thực là người Trung Quốc, các nghiên cứu gần đây cho thấy mọi nền văn minh đều xuất phát từ TQ :))
Trần Quang Hải Long - 11/11/2013 13:56
Aladdin thật sự là người Trung Quốc mà nhà báo. Phiên bản hoạt hình của Disney là đã bị sửa chữa, không còn đúng với nguyên tác Nghìn Lẻ Một Đêm.
phùng chien - 11/11/2013 13:22
Đề nghị đổi tên là nhà xuất bản Mất trí hay là Ngu dân
QUANG MINH - 11/11/2013 13:11
Người viết bài này có tìm hiểu bản gốc của Arabian Nights không ? Aladdin chính xác là người Trung Hoa mà !!
họ Vũ - 11/11/2013 13:06
tác giả nghiên cứu kĩ đi rồi hãy viết!
Qkamejoko - 11/11/2013 13:03
Tác giả bài báo này từng đọc Ngàn lẻ một đêm chưa? Hay mới chỉ xem phim hoạt hình của Walt Disney???
Nguyen Minh - 11/11/2013 10:58
Xin thưa, trong bộ Ngàn lẻ một đêm, nàng Scheherazade kể cho vị vua câu chuyện về chàng Aladin lấy bối cảnh ở Trung Quốc. Dù bộ phim Aladin và cây đèn thần của Disney lấy bối cảnh một Hồi quốc (sultanate) nào đó và có lẽ người viết bài này đã hiểu lầm đây là nguyên tác về Aladin? Thực ra Disney thường mượn các truyện cổ tích và biên tập lại nhưng nhiều người không biết nguyên tác lại coi đây là chuẩn. Ví dụ phim Người đẹp ngủ trong rừng, công chúa không có tên nhưng Disney vẫn đặt cho cô tên Aurora để các nhân vật có thể thoại được. Xin người viết tìm hiểu kỹ lại.
hồ hải - 11/11/2013 09:46
Vì sao những tập truyện tranh như thế lại ĐƯỢC XUẤT BẢN để đầu độc HS Việt Nam. Kính đề nghị các cơ quan chức năng hãy làm việc gấp đối với nhà XB Dân trí mà không có trí chút nào.

Lê Hùng - 11/11/2013 02:25
Thôi rồi Lượm ơi! Chúng nó ngu dốt hay tráo trở - gian dối? Tôi cực lực phản đối việc làm này của NXB Dân Trí.
Lê vân - 11/11/2013 02:14
Xin lỗi tác giả bài viết, nhưng bạn có bao giờ đọc nguyên tác bộ Nghìn lẻ một đêm, hay bạn chỉ xem Aladin và cây đèn thần trên kênh Disney?
Pham Cun - 11/11/2013 01:29
À vâng, theo đúng nguyên tác thì Aladin là người Trung Quốc, không phải Nghin lẻ một đêm diễn ra ở Ả Rập thì tất cả câu truyện mà nàng Sheherazade kể cũng lấy bối cảnh là Ả Rập. Người viết cần xem lại kiến thức của mình.
Nguyen Van Phu - 10/11/2013 23:35
Kính chào BBT báo Lao Động, Thực sự khi mới đọc bài viết này tôi rất phẫn nộ. Cứ nghĩ rằng Aladin k phải là người TQ mà tại sao lại có sách dành cho học sinh mà viết như vậy. Bởi trước giờ tôi hay xem phim của Mỹ và thấy Aladin do Wal-Disney làm là 1 người Ả Rập. Nhưng mà, thực sự thì theo nguyên tác của Nghìn lẻ 1 đêm, Aladin đích thị là người TQ: http://en.wikipedia.org/wiki/Aladdin Có lẽ tôi đã bị tư tưởng bài TQ làm cho mù quáng.
Nguyễn Nghĩa - 10/11/2013 21:30
Ý kiến gì, PV đọc aladin chưa vậy, aladin là người Trung Quốc mà. Đọc lại nghìn lẻ một đêm đi rồi chém gió

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét