Bệnh phu An Nam
Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đã rộ lên hai luồng tư duy Khen và Chê. Khen nghiêng về phía các chuyên gia nước ngoài có tên tuổi hắn hoi như chuyên gia Giáo sư Carlyle A.Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, các báo đài lớn có uy tín như BBC, RFA, VOA, và nhiều chuyên gia Tây phương đánh giá dựa trên số liệu và sở cứ.Chê nghiêng về đa số là dạng cảm tính, không có thói quen luận lý và lô gic, lèo tèo ao chuôm rổ rá vặt vãnh. Có thể ví thế này:
Người đời nói “ngọc còn có vết”, không ai ở trên đời hoàn hảo cả. Tướng Giáp cũng không phải một ngoại lệ, ông không phải là thần thánh, ông có quyền được khiếm khuyết như người bình thường. Giờ chúng ta hãy ngắm một loạt các danh tướng nổi danh mà vẫn không tránh khỏi những điều kém cỏi:
1- Hàn Tín giúp Lưu Bang giành ngôi cho nhà Hán thống nhất Trung Hoa. Lúc trẻ ông luồn trôn thằng hàng thịt. Chẳng lẽ ta cứ bảo “đại tướng đánh đông dẹp bắc cái gì, lúc trẻ không những thua mà còn bị nhục trước một thằng bán thịt tép riu?”
2- Napoleon dù là một hoàng đế lừng danh đánh dẹp thiên hạ, nhưng sống tại Paris hoa lệ ông vẫn chỉ được coi là một kẻ thiếu văn hóa ở đảo Corse hoang rợ. Rồi thua trận bị đầy ra đảo Helen, trên đường đi ông được nhìn thấy một con tàu nhả khói chạy vù vù. Một bằng chứng tỏ cho ông là người thiển cận vì chính ông đã cậy mình có sở trường về bộ binh, mà từ chối bản thiết kế tầu thủy của người chế tạo. Hoàng đế thiên tài ư? Văn hóa thì mọi rợ! Trí tuệ thì thiển cận ngu dốt! Liệu người đời có nhìn nhận ông như thế không?
3- Tổng thống Lincon được coi như cha đẻ của nước Mỹ với hai sự nghiệp lớn, giải phóng nô lệ và hiệp nhất hai miền Nam Bắc. Nhưng ngay trong cái ngày khánh tiết lễ chào mừng thống nhất vẫn nhiều kẻ ghét ông đến mức cho xơi ngay đạn chì. Liệu ta có thể đọc phương ngôn “con chó sống còn hơn con sư tử chết” để dè bỉu sự nghiệp của ông?
4- Giờ đến đại tướng Võ Nguyên Giáp tại sao lại lấy toàn bộ những gì nước Việt Nam còn chưa làm được cất lên đầu đại tướng? Vậy còn chúng ta thì sao? “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Chẳng lẽ 90 triệu dân Việt lại vô can trong tình trạng nghèo và dốt nát của mình. Nghèo còn tha thứ được. Dốt nát là không chịu học có xuê xoa bỏ qua cho nhau rồi thấy ai đạt được thành tựu gì cũng chê, ngay cả Ngô Bảo Châu đạt được giải Fields toán học hàng đầu thế giới cũng chê là nó chẳng ăn thua?
Văn hào Dostoievski dứt khoát cho rằng: người vĩ đại như cái cây lớn vươn lên bầu trời. Cây càng vươn cao đón ánh sáng thì rễ càng chui sâu vào nơi tối tăm để hút nước và dinh dưỡng đất. Người phương Tây còn dứt khoát rằng “Bóng tối luôn còn ở dưới chân đèn”. Nghĩa là, dù cây đèn đồng hay bạc, đẹp cỡ nào, thì bóng tối vẫn ngự ngay dưới chân đèn của nó. Nghĩa bóng của nó là: dù ai vĩ đại đến đâu vẫn còn bóng khuất tối ngay trong cuộc đời họ.
Triết gia Kant có bàn đến thuật ngữ “Hoàn hảo tương đối”. Một cái xe đạp chẳng hạn, khi nó lăn bánh tức nó đã hoàn hảo tương đối. chẳng hạn, nếu thủng săm, hay lệch ghi đông, hay mất tay phanh sẽ không ai dám đi, cũng như nó không thể lăn bánh. Một khi nó lăn bánh tức là nó hoàn hảo. Hoàn hảo như một chiếc xe đạp. Nhưng người ta không thể nói, xe đạp hoàn hảo đã là cái gì, làm sao tiện lợi và đắt như ô tô, rồi ô tô so với máy bay, máy bay lại so với tầu vũ trụ… Đấy là lối ù xọe không khoa học.
Khi bàn về tài năng quân sự của Đại tướng V N Giáp, lại bàn đến sao chịu nhẫn nhục, sao lại lo sinh nở của đàn bà, sao lại thế nọ rồi lại thế kia… là ấm ớ vớ vẩn, chơi gian. Có một phương ngôn chắc chắn rằng: “Mọi cái vĩ đại đều phải đặt trên sự cực đoan. Mọi cái vững chắc thì đặt trên sự bình thường”. Cái diều muốn bay lên thì phải làm bằng giấy yếu ớt. Hòn gạch chắc chắn thì không bay lên được.
Xã hội loài người chắc chắn không khoa học và đạo đức bằng xã hội của bầy ong và bầy kiến. Con kiến biết hợp tác khiêng mồi về tổ, biết chăn nuôi ấu trùng, xã hội ngăn nắp trật tự và không có tội phạm. Con ong hoạt động theo chức năng. Con truyền giống suốt ngày bấu lấy ong chúa để sờ soạng tí toáy kiếm chác dục lạc. Con ong chiến vừa nhìn thấy vật lạ đã lăn xả vào châm đứt cả nọc mà hy sinh. Như vậy, tổ ong không thể suốt ngày phê bình ong thụ giống là hủ hóa trụy lạc, còn ca tụng ong chiến là hy sinh quên mình… Con vật dù tinh vi thế nào thì cũng chẳng bao giờ chúng làm nên lịch sử. Vì theo triết gia Hegel, loài vật sinh thành và hủy diệt theo lịch trình bất biến tạo hóa an bài cho chúng.
Chỉ có con người mới có lịch sử, vì đó không phải thời gian đều đặn trôi mà là biên niên sử với những dữ kiện thăng trầm của nó. Có một phương ngôn bao trùm của lịch sử rằng: “Hòa bình chỉ là những trang trắng của lịch sử”. Trong sử Việt Nam, năm hòa bình chỉ có một dòng: “năm giáp – ất được mùa, hay lũ lụt…” Chiến tranh có thể nói cách nào đó là “nội dung của lịch sử”, nói chính xác là “đột biến gien của lịch sử” (tôi xin tự nhắc tôi không phải người cổ xúy chiến tranh, tôi rất sợ chết và cũng rất yêu sinh mạng của mình. Những điều tôi nói chỉ cố nhân danh kiến thức chung của nhân loại).
Cuộc Thập tự chinh rất đẫm máu, thắng thua không rõ, nhưng chính nhờ có nó thế giới mới biết đến thời Phục Hưng huy hoàng (Phục hưng tức là muốn hồi phục lại những giá trị trước chiến tranh). Trước thế chiến I và II, châu Âu rất mâu thuẫn, nhưng sau đó châu Âu hiệp nhất chưa từng có, thậm chí còn tiêu chung một đồng tiền. Chủ nghĩa thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, vào lúc Việt Nam chỉ là nước nông nghiệp lạc hậu nhưng đã xây cầu Long Biên lớn bậc nhất thế giới. Thánh Gandhi nói với dân Ấn Độ rằng: chúng ta chống lại người Anh nhưng không chống lại thể chế Anh. Nghĩa là, nhờ thể chế Anh mà người Ấn Độ biết đến khoa học hành chính.
Trong Kinh thánh Chúa Trời nói với Áp-ra-ham rằng: Hãy lên thành Sô-đôm tìm được mười người công chính, Chúa Trời sẽ tha cho cả thành. Con người không có công lý, không có lịch sử, thì khác gì bầy ong, bầy kiến, con cung quăng hay bọ gậy? Muốn có công lý thì sao?
Tiếng Latin có câu: “Sự đồng ý của những người thông thái là bằng chứng của chân lý”. Triết gia Hegel nói: Những người có học, người ta thường ứng xử với sự vật theo bản tính chung của chúng, nghĩa là theo qui luật chung và giá trị chung. Còn kẻ ít học thì xử sự theo ý mình một cách lập dị kỳ cục, vì họ ít học nên không biết làm theo cái chung.
Đánh giá tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cần phải được dựa trên những tiêu chí chung, tức công lý chứ không thể theo cảm xúc “bụng”. Giờ hãy đặt câu hỏi, nếu ông không xứng đáng vị tướng giỏi nhất thế kỷ 20 của Việt Nam thì ai xứng đáng hơn? Nào xin mời các vị có khả năng đề cử?! Hay là à uôm để rồi muốn ai cũng bằng mình? Người Trung Quốc có câu “Người quân tử muốn kéo người khác lên ngang bằng mình. Còn kẻ tiểu nhân luôn mong kéo người khác thấp xuống ngang mình”. Người Việt mang nặng căn tính nô tài, đến Ngô Bảo Châu thành công rõ ràng như vậy, nhiều người còn hiềm tị. Than ôi một chín một mười hãy nên đố kỵ, đằng này chiều cao hòn sỏi cứ đòi đọ đỉnh núi làm gì. Ở đời, đo người khác bằng thước, thì đến lượt mình mới được đo bằng thước. Đằng này muốn xí xóa tất cả những người tài thì vị trí của ta sẽ được đặt ở chỗ nào? Văn mình thành phố là trật tự vì có nhà cao nhà thấp. Còn giá trị nhà quê là những ngôi nhà sàn sàn nhau nên không cần phân biệt trật tự. Không phân biệt trật tự, à uôm mọi người bằng mình chính là nét văn hóa tiểu nông, tiểu trí căn bản của người Việt. Một văn hóa lè tè như vậy làm sao có thể trao tặng lời khen cho người khác? Có câu: chê người dễ lắm, ai cũng làm được. Khen người khó lắm vì phải bao dung hơn hẳn người mới làm được điều đó. Cái trí thì thấp! Cái tâm không sáng thì sao có thể bàn đến các bậc thiên tài? Theo chữ Conscience thì kiến thức chính là lương tri. Kiến thức thấp, tiểu trí, sao có thể có lương tri cao mà bàn tới các việc vĩ mô?
Bao giờ nước ta mới hùng cường nếu không biết sống theo lẽ công bằng? “Có lý đi khắp thiên hạ. Không có lý không vượt qua được một bước chân”. Không công bằng như máy bay không cân làm sao bay? Không đi quá bước chân, không ngóc đầu lên trời, còn bàn việc lớn làm gì? Chẳng qua khua môi múa mép khoe mẽ tí chút vậy thôi.
Mời các bạn nào biết lẽ công lý xin trao đổi đến cùng.
Nguyễn Hoàng Đức(Blog Phọt Phẹt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét