Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Nhớ hương quê xưa: Cầu ao mùa Tết

Một bạn đọc nhận xét vào bài "Tôi không tuyển người Hà Nội" làm mình nhớ nhà ở Hà Nội quá và nhớ đến bài này, đã lưu hồi tết nên giờ đọc và cập nhật lại, để ai đó cũng nhớ quê thì cùng xem.
Nhớ hương quê xưa: Cầu ao mùa Tết
Lại Trần Mai: Bài dưới đây đăng trên báo Đại Đoàn Kết, nhưng mình đọc trong http://conduonganhsang.wordpress.com của Blogger khiếm thị Nguyễn Hùng, mình có viết đoạn còm dưới đây trong trang của bạn Hùng:
Ông Nguyễn Duy Yên 81 tuổi hàng ngày vẫn vớt rác ở 
giếng làng xưa. Giếng làng Hoàng Mai-Quận Hoàng Mai-Hà Nội.
Đọc bài này làm mình nhớ lại những kỷ niệm xưa. Quê mình là làng Hoàng Mai gần chợ Mơ, dòng họ mình ở đây đã hơn 400 năm, trước kia nhiều ao to đẹp lắm, giờ chỉ còn đâu 2-3 cái.
Chùa và Đình làng trước rất cổ kính, sau bom Mỹ phá tan hết, giờ làng đã quyên góp xây lại hoành tráng hơn, to hơn nhưng mình không thích bằng Chùa, Đình trước vì chúng mất đi nét cổ kính, nắng sương.
Trước đình chùa làng còn có mấy con chó đá, ngựa đá bọn mình hay cưỡi, xung quanh là các ruộng rau. Làng rau HM này rất nổi tiếng cung cấp rau cho Hà Nội.



Giờ vào làng, vẫn còn một số nhà cổ, gọi là nhà thờ tổ, nhà thờ chi, nhà thờ họ, được thế hệ trước di chúc lại cho các con cháu đích tôn (con cháu trưởng) để tiếp tục thờ cúng tổ tiên, mái nhà thấp 1,5m, ra vào như phải chui, nền đất thô mát lạnh, câu đối, rùa, chim hạc đồng đúc từ trăm năm trước vẫn còn. Những nhà này ở HN giờ rất hiếm, nhà nước (chính quyền TW và địa phương) không có chính sách giúp họ giữ nguyên hiện trạng thì trước sau gì cũng bị phá đi xây nhà cao tầng.

Ngày Tết sáng 1, ăn sáng xong là cả nhà mình đi bộ vào làng (năm 1907, ông nội mình mua đất làm nhà ở mặt đường Trương Định, đối diện cổng làng Hoàng Mai, thế hệ ông, bố và mình giờ sống ở đó), lần lượt qua thắp hương ở các nhà thờ, chào các ông con cháu đích tôn. Người lớn trò chuyện với nhau, trẻ em các nhà nô đuổi nhau, ăn bánh kẹo, khoe quần áo mới, đốt pháo... vui như Tết.

Bài này viết đầy cảm xúc, nhưng mở đầu nên nêu rõ cầu ao ngày Tết ngày xưa chứ giờ khắp miền cả nước kiếm đầu ra được cảnh "ra đến bờ ao là có thể biết rõ nhà ai đã sắm Tết đến đâu, chuẩn bị Tết như thế nào" như các mô tả trong bài. Giờ có lẽ chỉ đi ngang qua chợ Hoa mới biết là cả nước sắp Tết, còn để biết nhà ai đã sắm Tết đến đâu thì chịu, giống như Phó Thủ tướng Phúc vừa nói phải đuổi 30% cán bộ công chức ăn hại ra đường, nhưng cụ thể cán bộ công chức nào thì chẳng ai biết. Ngoài ra, cái ảnh minh họa trong bài nom buồn quá, chẳng giống cảnh ao làng đông vui ngày Tết tý nào.


Giếng làng xưa thành bể bơi ở Nghiêm Xuyên-Thường Tín-Hà Nội.

Trải qua thời gian giếng làng hiện vẫn luôn là nguồn nước 
thân thuộc với người dân tại thôn Tiên Lữ-Chương Mỹ-Hà Nội

Giếng làng Diềm-Bắc Ninh. Trải qua một nghìn năm 
thăng trầm hiện nước giếng vẫn trong.
**************

Nếu bếp là nơi đón Tết sớm nhất trong mỗi gia đình, thì cầu ao là nơi đón Tết sớm nhất ở làng, bởi khi Tết đến, ra đến bờ ao là có thể biết rõ nhà ai đã sắm Tết đến đâu, chuẩn bị Tết như thế nào.
Ảnh minh họa trong bài gốc trên báo ĐĐK

Làng xưa có nhiều ao to cũng lắm, ao nhỏ cũng nhiều, cái nào cũng ít nhất có xây hoặc bắc một cái cầu. Tuy nhiên những cái ao to và sạch sẽ như ao đình, ao chùa, ao xóm giữa lúc nào cũng tấp nập. Người thì mang chăn chiếu ra giặt để chuẩn bị đón năm mới, người thì mang quang gánh quảy thùng nước về rửa sân, nhà đón xuân. Cầu ao xóm giữa, nơi có bờ ao được kè bằng đá ong với hàng dừa xanh tỏa bóng ven bờ được nhiều người chọn lựa làm nơi đãi đậu, đãi gạo và rửa lá dong. Nước giếng mùa này cạn nên mọi người đem ra cả cầu ao vừa làm vừa trò chuyện rôm rả, xong xuôi mới mang lên giếng tráng rửa lại lần cuối. Ao xóm giữa sạch sẽ nhất làng vì có bờ kè đá ong cao ráo, giữa ao lại có thả giống bèo ong làm cho nước ao quanh năm trong veo chẳng khác gì nước giếng. Ở đây có luật bất thành văn: Không ai được đem đồ dơ bẩn đến đây rửa. Mọi người cứ thế mà thực hiện, từ năm này qua năm khác.

Mùa đông, trời không có mưa rào nên nước ao trong hơn, còn các giếng khơi đều cạn nước, tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ nhu cầu ăn uống của người dân. Những việc giặt giũ, tắm rửa… diễn ra trên những cầu ao xây, hay bắc trên mặt ao làng. Vì thế nó càng trở nên nhộn nhịp hơn vào những ngày giáp Tết, khi mà mọi nhu cầu sinh hoạt đều tăng cao.

Dịp này, cầu ao nào cũng nhộn nhịp nhưng mỗi ao lại có một dáng vẻ riêng. Ao chùa tọa lạc trước cửa ngôi chùa làng lại thông ra với cánh đồng rộng lớn ngoài kia nên mặt ao cũng có phần thoáng đãng hơn. Nước ao quanh năm đầy ắp được dẫn vào từ con kênh đào lớn nên rất trong và sạch sẽ. Từ khoảng 27, 28 Tết, các gia đình đã rủ nhau ngả chung một con lợn để ăn Tết, những bếp củi rực lửa được bắc lên ngay sát bờ ao. Tiếng mấy chú lợn ỉn kêu eng éc xé toang màn sương tĩnh lặng của buổi sớm mùa đông yên ả. Bờ ao nơi đây khá là rộng rãi nên việc mổ lợn, làm lòng chia thịt không làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Người ta bắc bếp luộc lòng trên những bếp củi đỏ rực nghi ngút khói ven đường để rồi khi chín người nếm kẻ chia trông thật đầm ấm vui vẻ. Tiếng nói cười râm ran của cánh đàn ông khi bàn chuyện gói bánh giã giò, làm cỗ Tết khiến không khí ngày cuối năm thêm rạo rực. Bọn trẻ con có vẻ khoái chí vô cùng sau khi xin được cái bàng quang lợn đem bơm căng lên mang vào sân chùa thi nhau sút bóng, tiếng reo hò của lũ trẻ vang trong không gian, lan tỏa xuống mặt ao gờn gợn khói nước.

Còn ở cầu ao khác như ao đình thì lại đang diễn ra cuộc bắt cá vui vẻ, mấy tay sát cá đang ráo riết truy tìm những chú cá lớn, những con ba ba đang trở thành tay trốn tìm siêu hạng. Ao này thả cá nuôi quanh năm nên chỉ tát cá vào dịp Tết mà thôi. Cuối năm ao đình bao giờ cũng tát cá còn vì một lý do khác nữa là làm công việc vét bỏ bùn đất để ra Giêng, nơi đây sẽ trở thành địa điểm biểu diễn của phường rối nước xã nhà. Nó được dọn dẹp sạch sẽ rồi tháo nước vào cho đầy ắp khiến những ngày lễ hội mùa xuân diễn ra trước cửa đình luôn rôm rả…

Đánh cá dịp Tết âm lịch hàng năm ở Làng Me, xã Tích Giang (Phúc Thọ)
Ảnh của Lai Tran Mai lấy từ Hội đánh cá làng Me

Cầu ao, nơi hội tụ chuyện trò, nơi hẹn hò lứa đôi, không gian sinh hoạt chung của thôn xóm và làng mạc đã trở thành thứ không thể thiếu trong đời sống người dân quê. Để rồi giờ đây, mỗi lần ngang qua những chiếc cầu ao như thế, tôi thấy mình đang đứng giữa bức tranh sống động ngày nào với màu xanh của lá dong, sắc vàng của đậu đang đãi vỏ và những thanh âm của một miền Tết xa xăm đang trở lại…

Thái Hương Liên

1 nhận xét: