Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Có một lời nhắc nhở của Đại tướng

(PetroTimes) - Nếu không biết tự tu tỉnh, không biết xấu hổ, thì những giọt nước mắt khóc Đại tướng cũng chỉ là nước mắt cá sấu và những lời tiếc thương Đại tướng cũng chỉ là đãi bôi mà thôi.
Những ngày này, cả nước Việt Nam chìm trong nỗi tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua tình cảm của người dân dành cho Đại tướng mới thấy một điều rằng nhân dân công tâm lắm.Tất cả những tình cảm dành cho Đại tướng mà có thể nói là người dân đã dồn nén trong nhiều năm nay, nay mới có dịp bung ra. Và như vậy mới thấy rằng, những ai vì dân thì sẽ thuộc về nhân dân.
Nữ cảnh sát giao thông Hà Nội nhòe nước mắt khi đoàn xe tang đi qua.
Lịch sử công bằng lắm.
Tài năng siêu việt của Đại tướng, những chiến công lẫy lừng của Đại tướng, ảnh hưởng của Đại tướng đối với toàn dân tộc, đức độ và tính khiêm nhường của Đại tướng… đã được thể hiện qua rất nhiều tác phẩm báo chí, văn học, phim ảnh, thơ, ca, nhạc, họa…


Và trong tất cả những tác phẩm ấy, tôi giật mình khi xem một bộ phim tài liệu về Đại tướng mang tên "Vị Đại tướng của nhân dân", đoạn nói về xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới, Đại tướng đã nói: "Chúng ta phải biết nhục. Trước kia chúng ta đã đánh thắng 2 tên đế quốc đầu sỏ. Đó là niềm tự hào. Nhưng phải biết nhục là vì sao dân ta vẫn còn nghèo…".

Nghe lời của Đại tướng, tôi bỗng ao ước và đầy tiếc nuối: Giá như ngay sau khi thực hiện đoạn phỏng vấn Đại tướng, người ta cho chiếu lên và lấy câu nói của Đại tướng để thức tỉnh những bộ óc ảo tưởng, huyễn hoặc, xa rời lý tưởng Cách mạng... thì hay biết bao nhiêu.
Soi lại trong bao nhiêu năm vừa qua, đúng là hình như không mấy ai nghĩ đến chữ nhục.
Hình như không ít cán bộ, đảng viên không thấy xấu hổ khi tại sao uy tín của Đảng đang bị giảm sút đến nỗi Tổng Bí thư đã phải nói trong Hội nghị Trung ương IV là đã có một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa, biến chất, tham nhũng và tình trạng này đang có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng. Một Đảng cầm quyền đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng những đế quốc hùng mạnh nhất, mang lại độc lập cho Tổ quốc; một Đảng cầm quyền đã có những nhà lãnh đạo kiệt xuất Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và nhiều người khác nữa... nay lại bị giảm sút uy tín? Vậy nguyên nhân ở đâu?
Đúng! Có lẽ bắt đầu từ một số người là "công bộc" của dân đã không biết nhục nên họ đã làm tất cả những gì để vơ vét, vun vén cho thân mình. Không phải ngẫu nhiên mà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phải thốt lên: "Người ta ăn của dân không còn từ cái gì".
Không ít người khi lên diễn đàn thì nói rất hay về quan điểm "lấy dân làm gốc" và họ cũng có thể phân tích rất hay về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Có dân là có tất cả" và "Dễ vạn lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong"... nhưng việc họ làm thì trái ngược hẳn? Vì thế quyền lợi của người dân, của người lao động không được tôn trọng, không được đảm bảo, cho nên nạn khiếu kiện của người dân vẫn xảy ra khắp nơi.
Khi kinh tế đất nước gặp khó khăn, cũng chẳng mấy ai thấy xấu hổ và tự vấn mình rằng, trong cương vị, chức trách của mình, mình đã làm gì mà để cơ quan, đơn vị lại không hoàn thành nhiệm vụ... Thay vì nghiêm túc nhìn lại công tác lãnh đạo, điều hành, để thấy rõ những yếu kém, những sai lầm thì không ít người tìm cách đổ tại cơ chế, đổ lỗi cho những tác động khách quan.
Vì không biết nhục, không biết xấu hổ, cho nên người ta thích sống trong hào quang ảo. Tỉ dụ như việc xuất khẩu gạo chẳng hạn. Những người có trách nhiệm về nông nghiệp, luôn tự hào rằng, Việt Nam xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới... Nhưng lại chẳng biết xấu hổ và tự vấn mình rằng, tại sao giá gạo lại thấp nhất thế giới. Và họ đã làm gì, có kế sách gì để cho giá gạo nâng lên ngang tầm các nước trong khu vực?! Chẳng lẽ lại cứ để cho thiên hạ phải mỉa mai rằng: thế giới hãy thưởng cho Việt Nam một huân chương vì đã có công đảm bảo "an ninh lương thực" cho nhân loại. Mà nếu tính chi li ra thì tiền xuất khẩu gạo cũng chỉ đủ mua... thức ăn gia súc. Nghịch lý thấy sờ sờ trước mắt, nhưng sao mãi không thay đổi được?
Mà đâu chỉ có gạo, cà phê, hạt tiêu cũng xuất khẩu nhiều, nhưng giá cũng thấp hơn so với các nước.
Rồi một đất nước nông nghiệp như thế này, mà rau, củ quả... cũng phải đi nhập khẩu?
Rồi thì cứ tự hào rằng, nước ta rừng vàng biển bạc, nhưng bây giờ mới thấy môi trường bị tàn phá một cách thảm khốc. Nạn làm ăn gian dối, bất chấp các quy định của luật pháp mỗi ngày một nhiều…
Ấy vậy mà, chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cả!
Và cũng chẳng có cán bộ nào thấy nhục vì mình đã không hoàn thành nhiệm vụ mà từ chức.
Rồi người ta cũng không biết nhục khi đất nước còn nghèo, nhưng tiêu pha bừa bãi, không biết tiết kiệm. Một số đại gia giàu có mà trong đó có rất nhiều kẻ làm giàu bằng những mánh khóe, những thủ đoạn "bá đạo" thì tiêu tiền theo kiểu "vung tay quá trán", "bán giời không văn tự" và huênh hoang vỗ ngực khoe của.
Sáng ngày 13 tháng 10, chúng tôi có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia để đưa tin về lễ truy điệu và đưa tiễn Đại tướng rời Hà Nội về quê và mới biết thêm một điều, ấy là cả đời cầm quân đánh giặc, chiến công chấn động khắp năm châu bốn biển như vậy, nhưng ông chỉ có đúng một ước nguyện là được đưa về an táng tại quê nhà.
Trời ạ! Một vị Đại tướng lừng lẫy như vậy, cuộc đời có nhiều những bước thăng trầm như vậy, vào những lúc khó khăn nhất của cuộc đời, ông cũng không có xin gì Đảng, Nhà nước, quân đội. Nghe anh Võ Điện Biên, người con trai cả của Đại tướng thay mặt gia đình nói lời cảm tạ, trong đó có câu: "Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, lòng biết ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và đồng bào chiến sĩ cả nước đã tạo mọi điều kiện để thực hiện tâm nguyện của Ba chúng tôi là trở về quê hương" và "Đại tướng đã cả đời vì nước, vì dân. Lúc mất đi, chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào tinh thần của hàng chục triệu người dân đất Việt, biến thành sức mạnh, vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng"
Trong điếu văn tại lễ truy điệu Đại tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xúc động hứa: "...Chúng tôi nguyện cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu, tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ cách mạng đi trước, trong đó có Anh, đã trọn đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nghĩ về tâm nguyện duy nhất Đại tướng, tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ trong bài thơ "Di chúc" của cụ Nguyễn Khuyến: "Sống không để tiếng đời ta thán/ Chết lại về quê quán hương thôn".
Đúng là chỉ có những bậc vĩ nhân, đến những giây phút cuối cùng vẫn nghĩ đến việc phải tìm cho mình một nơi yên tĩnh, xa lánh bụi trần và được "lá rụng về cội".
Chúng ta hãy nén đau thương để tiếp tục thực hiện tâm nguyện suốt đời của Đại tướng "Dĩ công vi thượng".
Hãy suy ngẫm về lời nhắc nhở của Đại tướng và mỗi người hãy tự vắt tay lên trán mà nghĩ xem mình có biết nhục, biết xấu hổ hay không?
Bác Hồ cũng đã từng nhắc nhở: "Một Đảng mà không biết sửa chữa khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng". Nếu nghĩ rộng ra, thì mỗi Đảng viên, nếu không biết tự tu tỉnh, rèn luyện, sống gương mẫu... thì cũng là Đảng viên hỏng.
Nếu không biết tự tu tỉnh, không biết xấu hổ, thì những giọt nước mắt khóc Đại tướng cũng chỉ là nước mắt cá sấu và những lời tiếc thương Đại tướng cũng chỉ là đãi bôi mà thôi.
Như Thổ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét