NÊN ỨNG XỬ VỚI PHẾ TÍCH ĐÀN XÃ TẮC, Ô CHỢ DỪA- HÀ NỘI NHƯ THẾ NÀO ?
Phạm Viết Đào.
Phế tích Đàn Xã Tắc
Sáng nay, 8/5 tôi đã đến dự cuộc hội thảo bàn về việc bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc do Tạp chí Tia Sáng tổ chức tại một quán Cà phe tại Hà Nội; Một cuộc hội thảo không do cơ quan có thẩm quyền, chuyên trách của nhà nước, Hà Nội đứng ra tổ chức…-Theo tôi về vấn đề này, các cơ quan chức năng Hà Nội có trách nhiệm nên đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo nghiêm túc, có trách nhiệm vì Đàn Xã tắc cho dù chỉ là phế tích nhưng chúng ta cần có một sự ứng xử có văn hóa và có trách nhiệm;
-Điều đáng phàn nàn thứ 2 là: trừ báo cáo của TS Nguyễn Hồng Kiên có hàm lượng thông tin khoa học cao, còn rất nhiều ý kiến phát biểu tại cuộc hội thảo này hơi sa đà, tào lao, phô kiến thức chuyên ngành trong khi đó những người đến đây để nắm bắt vấn đề thì mất quá nhiều thời gian vào những ý kiến vô bổ…
Đó là nhận xét của tôi, một người ngoại đạo về vấn đề khảo cố học và các di sản khảo cổ học; Tôi đến dự cốt để mong muốn tiếp nhận những luận chứng, luận cứ, những “sợi tơ” được nhả ra của những “con tằm”-các chuyên gia chuyên ngành- sau nhiều thời gian “ăn dâu”, hấp thụ khí thiêng trời đất thai nghén nhả ra…
Sáng này, một tờ báo đã đề nghị tôi phát biểu ý kiến, tôi đã từ chối vì mình là người ngoại đạo trong lĩnh vực này, mặc dù xuất thân là dân văn hóa; Do tôi chưa suy nghĩ chín chắn nên chưa dám “ đánh trống qua cử nhà sấm” ; Sau một ngày suy nghĩ, tôi xin phát biểu chính kiến của mình về vấn đề cần phải ứng xử với phế tích Đàn Xã tắc- một di tích quý của quốc gia như thế nào cho phải đạo và phù hợp với tiến nhân và nhu cầu phát triển dân sinh của thủ đô Hà Nội…
Đàn Xã tắc qua các ý kiến trình bày của các chuyên gia sáng nay thì đó là Đàn tế Trời Đất và Thần Nông được lập từ thời Lý và tồn tại cho đến thời Lê; Sau đó thì bị hoang phế, bị hủy hoại do chiến tranh, thời gian và bởi kinh đô chuyển vào Huế…
Đây là Đàn tế liên quan tới nền văn minh lúa nước, một nền văn minh gắn với sự trường tồn của cư dân Việt nhiều đời nay…
Qua trình bày của TS Nguyễn Hồng Kiên, với những luận cứ của ông đưa ra, tôi tin đây đúng là Đàn Xã tắc được xây dừng thời Lê và trở thành phế tích bắt đầu từ thời Nguyễn; Qua những hình ảnh do TS Nguyễn Hồng Kiên cho chiếu lại, những hiện vật được khai quật sau những lớp đất khai quật dưới tầm sâu hơn 1 m, Đàn Xã tắc hiện tồn chỉ là những lớp gạch, ngói, đá, nền móng, một số hiện vật không còn một cái nào nguyên vẹn…
Tóm lại, nếu thu gom tại địa điểm khai quật thì hiện vật thu được không giúp chúng ta có thể hình dung ra được Đàn Xã tắc có hình thù vật chất như thế nào, quy mô ra sao, ngoài nền móng còn lại…Trong khi đó thì các thư tịch cổ do TS Nguyễn Hồng Kiên trình bày và một số chuyên gia thì Đàn Xã Tắc cũng chỉ được mô tả sơ sài; Không có bất cứ sự mô tả nào khiến cho chúng ta ngày nay có thể hình dung ra và có khả năng tôn tạo lại được nếu muốn…
Do đó điều khẳng định: Những hiện vật tìm thấy ở Ô Chợ Dừa chỉ là phế tích chứ không còn là di tích; Mà ứng xử với phế tích khác với ứng xử một di tích lịch sử văn hóa; Điều này Luật Di sản có quy định tại Điều 4…
Điều 4 Luật Di sản quy định:
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác.
2. Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
3. Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.
4. Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử thẩm mỹ, khoa học.
5. Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.
6. Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.
7. Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.
8. Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là sản phẩm được làm giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, mầu sắc, trang trí và những đặc điểm khác.
9. Sưu tập là một tập hợp các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc di sản văn hóa phi vật thể, được thu thập, gìn giữ, sắp xếp có hệ thống theo những dấu hiệu chung về hình thức, nội dung và chất liệu để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử tự nhiên và xã hội.
10. Thăm dò, khai quật khảo cổ là hoạt động khoa học nhằm phát hiện, thu thập, nghiên cứu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và địa điểm khảo cổ.
11. Bảo quản di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là hoạt động nhằm phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ làm hư hỏng mà không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
12. Tu bổ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
13. Phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm phục hưng lại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó.”
Nếu căn cứ vào Điều 4 này thì những hiện vật thu được do Viện Khảo Cổ tìm được tại Ô Chợ Dừa chỉ đủ khả năng chứng minh được đây là Đàn Xã Tắc; những hiện vật này không chứng minh được cái Đàn này có hình dáng, cao thấp như thế nào để giả sử có muốn đầu tư, tôn tạo như quy định tại mục 11 Điều 4 thì cũng không khả thi vì không ai đưa ra được hình dáng mang“yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích lịch sử - văn hóa…” Đàn Xã tắc cả ?
Do vậy mà, nếu khẳng định Đàn Xã Tắc thật sự là di tích quý hiếm cấp quốc gia thì khả năng đầu tư, tôn tạo là là không khả thi vì không ai hình dung ra được Đàn Xã tắc nguyên gốc như thế nào ngoài cái nền móng tìm thấy ? Khi không có khả năng đầu tư, tôn tạo lại nhưng chúng ta lại giữ nguyên không gian đó ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội thì theo người viết bài này: đó là một sự lãng phí lớn và tiền nhân có biết chắc cũng không vui vẻ gì vì địa điểm này bây giờ còn gì nữa đâu và tôn tạo, giữ gìn !
Vả lại, đứng về góc độ tâm linh về những vấn đề địa linh thì đây là di tích chỉ gắn với 3 triều đại: Lý, Trần, Lê và không phải là di tích gắn với huyệt đạo quốc gia như Ba Vì, Đền Hùng…Như mọi người đều biết: mọi huyệt đạo địa linh khi nó gắn với các triều đại thì nó sẽ có sự hạn mức về thời gian; Linh khí của xứ Thanh chỉ có thể phù trợ cho nhà Nguyễn, nhà Trịnh vài ba trăm năm chứ đâu có hết đời nay qua đời khác được…
Theo quan điểm của tôi, đối với phế tích Đền Xã Tắc ở Ô Chợ Dừa, nên giữ như hiện nay, lấp cát lại và đặt vào đó một tấm bia ghi lại dấu tích là đủ; Còn không gian còn lại có thể sử dụng cho việc phát triển đô thị của Hà Nội là điều cần và chắc các cụ tiền nhân cũng không trách cứ gì chúng ta…
Thử hình dung: nếu chúng ta đầu tư, tôn tại lại một cái Đàn theo tưởng tượng của chúng ta hiện nay thì biết đâu đó lại là hành vi nhạo báng tiền nhân…Nhà nước, Luật Di sản chỉ cho phép đầu tư tôn tạo nếu biết đích xác cái tôn tạo lại đó không sai so với hiện vật gốc ?
Giữ để đầu tôn tạo lại được để phát huy, phát triển thì nên giữ; Còn giữ mà không đầu tư, tôn tạo lại được, không biết đích xác nó có hình dáng vật thể như thế nào thì làm sao phát huy, phát triển đươc...
Kiến trúc sư nào dám đứng ra nhận thiết kế và chịu trách nhiệm khẳng định cái Đàn do mình vẽ ra thật sự là Đàn Xã tắc của thời Lý, Trần, Lê ?
P.V.Đ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét