Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

IMF và HSBC đánh giá tiêu cực nỗ lực cắt giảm lãi suất của NHNN


IMF và HSBC đánh giá tiêu cực nỗ lực cắt giảm lãi suất của NHNN
Chỉ chăm chăm hạ lãi suất chứ không phải tìm cách giải quyết nợ xấu sẽ không góp gì cho tăng trưởng tín dụng, chưa nói đến phục hồi kinh tế, các tổ chức tín dụng uy tín cho biết.
3 ngân hàng lớn đồng loạt kéo tuột lãi suất huy động
Giảm lãi suất bắt buộc và phép thử cuối cùng
Giảm lãi suất cho vay: Càng chậm càng nguy kịch
Ngân hàng muốn hạ lãi suất phải xử lý được nợ xấu. Ảnh: Pháp luật Việt Nam
Buổi toạ đàm về các vấn đề tài chính, ngân sách do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức ngày 11/5. Tại đây, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Sanjay Kalra nhận xét khả năng phục hồi tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tiến trình cải cách kinh tế, song tiến trình này lại diễn ra chậm chạp.
Hạ lãi suất không ăn thua
Ông Kalra cho rằng, với kinh nghiệm của hai cuộc lạm phát vừa qua, Chính phủ phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô chứ không phải cứ mỗi lần kinh tế suy giảm lại khẩn cấp làm gì đó, ví dụ kích thích tăng trưởng kinh tế một cách không bền vững. Theo ông, quan điểm của IMF là phải cải cách ngân hàng, nếu muốn giảm lãi suất.
 
“Tôi cho là phải giảm nợ xấu trong ngân hàng, vì nó gây ra sự lúng túng”, ông nói. “Ngân hàng phải báo cáo chính xác về nợ xấu”.
 
Cũng về nợ xấu, ông Kalra phàn nàn không có nhiều thông tin về doanh nghiệp nhà nước, và nếu không công khai và cập nhật thông tin của các doanh nghiệp này thì không thể có đánh giá đáng tin cậy.
 
Trước đó một ngày, ngày 10/5, ngay khi có tin Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất cho vay ưu đãi và các ngân hàng lớn tự động hạ lãi suất huy động thấp hơn mức trần, HSBC đã nhìn nhận đây là động thái này đánh dấu tham vọng của NHNN trong hỗ trợ cầu, nhưng cũng cho rằng sẽ không có kích thích mạnh đối với tăng trưởng tín dụng.
 
HSBC cho biết nợ xấu sẽ không thể được giải quyết trừ khi có một khung pháp lý tốt hơn về nợ xấu, hoặc phải có nguồn vốn xử lý đến từ tư nhân hay nước ngoài chứ không phải từ khu vực công.
 
Một tổ chức khác là Ngân hàng phát triển Á châu (ADB) cũng từng đưa ra ý kiến tương tự. Khi nói về hoạt động cắt giảm lãi suất ở Việt Nam trong giai đoạn trước đây, ADB quả quyết tác động đối với tăng trưởng tín dụng khó nhận biết chừng nào các vấn đề của ngành ngân hàng chưa được xử lý một cách cương quyết hơn.
 
Kinh tế khó khăn như 2012
 
“Kinh tế tăng trưởng rất chậm, cầu trong nước suy giảm mạnh. Kinh tế của Việt Nam năm 2013 cũng tương tự như năm 2012, năm tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại”, ông Kalra nói.
 
IMF mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng dự báo của Việt Nam năm nay từ 5,8% xuống còn 5,2%. Theo chuyên gia của IMF, không thể còn thời kỳ tăng trưởng cao như trước, cũng không thể còn tình trạng thành phố nào cũng xây sân bay, cảng biển. “Các dự án công phải được lựa chọn tốt hơn”, ông nói.
 
Đáng chú ý, việc hạ dự báo tăng trưởng diễn ra trong bối cảnh IMF cho rằng lạm phát chung có chiều hướng giảm. Lạm phát tháng 4/2013 tăng khoảng 6,5% so cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời tổ chức này cũng cho rằng thâm hụt ngân sách năm 2013 dự kiến chỉ khoảng 4% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 4,8% GDP mà Quốc hội thông qua.
 
Nguyên Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét