Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Các quốc gia đối mặt với nguy cơ vỡ nợ

Các quốc gia đối mặt với nguy cơ vỡ nợ
1. Tổng nợ của Trung Quốc lên đến 200% GDP
ANTĐ - UBS - một ngân hàng Thụy Sĩ đã tính toán rằng chính quyền Trung ương Trung Quốc đang vay nợ tổng cộng khoảng 15% giá trị nền kinh tế vào cuối năm 2012. 
Con số này nhảy lên 55% nếu như tính tổng nợ của cả chính quyền Trung ương lẫn các chính quyền địa phương. Nếu gộp cả số nợ của các doanh nghiệp và hộ gia đình, bong bóng nợ của toàn nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt quá con số 200% GDP quốc gia. Rất nhiều quốc gia còn nợ nhiều hơn số tiền này, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước phát triển khác, Trung Quốc lại là nước đang đứng đầu trong số các quốc gia đang “lâm nguy”. Minh Khuê

2. Các quốc gia đối mặt với nguy cơ vỡ nợ
Cộng hòa Síp phải thu nhỏ các ngân hàng: Cộng hòa Síp có nợ công chiếm tới trên 85% GDP đã phải gánh chịu nhiều hệ lụy.
Trước nguy cơ vỡ nợ ngày càng cao, trong tháng 3 các bộ trưởng bộ Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý cung cấp cho Síp gói cứu trợ trị giá 10 tỉ euro.


Đổi lại, chính phủ Síp phải tiến hành thu nhỏ các ngân hàng gặp khó khăn, tư hữu hóa một số tài sản thuộc sở hữu nhà nước, tăng tỉ lệ thuế công ty trên danh nghĩa thêm 2,5% lên 12,5%, áp thuế một lần duy nhất ở mức 9,9% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 euro và 6,75% đối với các khoản tiền gửi có giá trị thấp hơn tại các ngân hàng của nước này. Trong khi đó, trước khi phải xin cứu trợ, Síp được gọi là “thiên đường tài chính” đối với nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Chính phủ Bồ Đào Nha liên tục vay mượn để thanh toán các khoản chi tiêu: Nợ công của nước này đã tăng từ 200 tỉ USD (năm 2010) - tương đương 83,3% GDP, cao hơn giới hạn nợ công cho phép theo quy định của EU đối với khu vực đồng euro (60% GDP) - lên tới 286 tỉ USD (tháng 4-2011). Nợ công cao trong khi nền kinh tế lại đang rơi vào tình trạng suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp tăng 11,1% - mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Biện pháp duy nhất để Bồ Đào Nha thoát khỏi vòng xoáy tồi tệ này là tăng cường xuất khẩu. Tuy nhiên, chính sách xuất khẩu lại vấp phải giới hạn tiếp cận vốn, điều kiện vay mượn khó khăn... Mặc dù thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha năm 2010 ở mức 80% GDP, không cao như của Hy Lạp (130% GDP) và giới hạn có thể chấp nhận được nhưng những yếu tố bất lợi trên cùng với 70% các khoản nợ là nợ nước ngoài và tăng trưởng kinh tế chậm (yếu nhất trong khu vực châu Âu) cùng khả năng cạnh tranh thấp (nếu so sánh với Đức). Điều này khiến cơ hội huy động lượng tiền cần thiết để tái tài trợ cho các nghĩa vụ quốc gia trở nên vô cùng khó khăn. Bồ Đào Nha khó có thể xoay xở hay trì hoãn nợ đáo hạn. Vì vậy, chính phủ luôn phải đi vay mượn mà chủ yếu là vay tiền của các nước trong khối euro để thanh toán các khoản chi tiêu.

Hy Lạp đã vỡ nợ một phần: Từ lúc bắt đầu tham gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu (euro) vào giữa năm 2001 cho đến năm 2008, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, ngân sách quốc gia Hy Lạp luôn nằm trong tình trạng thâm hụt với mức trung bình 5% GDP/năm trong khi tính trung bình cho toàn khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), con số này chỉ dừng lại ở mức 2%/năm. Cùng với thâm hụt ngân sách, cán cân vãng lai của quốc gia này cũng liên tục bị thâm hụt, trung bình vào khoảng 9% GDP hằng năm (so với mức trung bình của toàn khu vực Eurozone là 1%).

Cả hai mức thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân vãng lai của Hy Lạp đều vượt quá trần quy định cho phép của Liên minh Tiền tệ và Kinh tế châu Âu (EMU), đặc biệt là Hiệp ước Bình ổn và Tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) với quy định trần thâm hụt ngân sách 3% GDP và trần nợ nước ngoài 60% GDP. Để bù đắp cho khoản thâm hụt kép này, Hy Lạp đã đi vay trên thị trường vốn quốc tế và trong suốt một thập kỷ trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính phủ này đã vay mượn khá nặng nề từ bên ngoài, trở thành một con nợ triền miên với tổng số nợ nước ngoài lên tới 115% GDP vào năm 2009.

Cuối năm 2012, Standard & Poor’s - một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới (S&P) đã hạ xếp hạng tín nhiệm ngoại tệ dài hạn của Hy Lạp từ “CCC” xuống “vỡ nợ một phần”.

NGA SƠN tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét