Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

'Các nhà khoa học đừng dọa dân về Đàn Xã Tắc'

Quan điểm của tôi là phải bảo vệ, tôn tạo xứng đáng Đàn Xã Tắc, giờ chưa làm được thì giữ nguyên trạng để thế hệ sau có điều kiện làm. Các nước có rất nhiều di sản quý mà họ vẫn rất trân trọng từng hiện vật của quá khứ; ngay xây mới 1 tòa nhà, 1 nhà ga... họ luôn giữ lại mặt tiền, còn phía trong làm mới hoàn toàn. Ta vốn đã phá hủy hầu hết di sản của cha ông (tự phá và do chiến tranh phá), giờ còn một số thứ lại lấy lý do phát triển phục vụ cuộc sống trước mắt để phá nốt. Phá thì dễ, nhưng rồi vài chục năm nữa mới thấy xót xa , ân hận.
Còn phát biểu của bác Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội là vô văn hóa. Các nhà khoa học không bao giờ có ý dọa dân; họ chỉ đưa ra các phân tích và dự báo hậu quả theo quan điểm của mình.
'Các nhà khoa học đừng dọa dân về Đàn Xã Tắc'
Đáp lại ý kiến "làm cầu vượt sẽ đè lên Đàn Xã Tắc, là giết đàn nhanh chóng nhất", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phát biểu: "Việc xây dựng cầu vượt là cần thiết, các nhà khoa học đừng dọa dân, gây hoang mang dư luận".
'Bảo tồn nguyên vẹn Đàn Xã Tắc là rất khó'/ Hà Nội vẫn xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc
Sáng 8/5, tại buổi tọa đàm về bảo tồn Đàn Xã Tắc, TS sử học Nguyễn Hồng Kiên, người phụ trách việc khai quật di tích này vào năm 2006, cho biết việc khai quật Đàn Xã Tắc không phải tình cờ mà các nhà khảo cổ đã xác định vị trí đàn tế này tại khu vực Xã Đàn từ nhiều năm trước. Các tài liệu cổ cho thấy đây là nơi lưu dấu Đàn Xã Tắc của kinh thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.

TS Nguyễn Hồng Kiên cho rằng trụ cầu vượt đi sâu vào 
khu vực khảo cổ (màu vàng) cần bảo tồn. Ảnh: Đoàn Loan

Qua khai quật khu vực 800 m2 vào năm 2006, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều di vật, như: sân gạch, đồ gốm, vòng tay bằng đá, rìu đá, bình sành, gốm chứa nhiều hạt thóc, gạo. Một số được xác định từ giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (cách đây 3.000-4.000 năm).

Sau khi đưa ra một loạt cứ liệu, TS Nguyễn Hồng Kiên kết luận, thiết kế cầu vượt đã chồng lấn lên khu khảo cổ 800 m2, trụ cầu cắm vào khu di tích cần bảo vệ, chứ không phải là nằm ngoài. Vì thế việc xây cầu vượt sẽ phá hỏng di tích.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Bùi Thiết cho rằng, vị trí của Đàn Xã Tắc không phải bàn cãi nữa, nếu xây cầu qua di tích này là vi phạm Luật di sản. Theo ông, Hà Nội cần giải phóng mặt bằng tuyến Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng để không xâm phạm không gian của Đàn Xã Tắc.

"Bảo vệ không chỉ dưới đất mà phải cả trên trời. Chúng ta phải bảo tồn Đàn Xã Tắc, về sau con cháu sẽ làm đàn to hơn nên cần giữ không gian nhất định. Nếu làm cầu vượt thì phải đè lên Đàn Xã Tắc, là giết đàn nhanh chóng nhất", ông Bùi Thiết nói.
Nhà nghiên cứu Bùi Thiết: "Làm cầu qua khu di tích
 là vi phạm Luật di sản". Ảnh: Đoàn Loan.

Không đồng tình với những lập luận trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng qua hàng trăm năm, Đàn Xã Tắc đã bị chính người dân phá hủy. Việc bảo tồn cần thiết với những gì đã xác định là di tích, còn những gì chưa biết thì các nhà khoa học phải tìm hiểu thêm để đánh giá đúng giá trị.

"Việc xây dựng cầu vượt là cần thiết để phục vụ giao thông. Các nhà khoa học đừng dọa dân, gây hoang mang dư luận như mất Đàn Xã Tắc là mất nước, hay đi lên cầu vượt là đi trên đầu tổ tiên", ông Liên kiến nghị.

Giữ quan điểm ôn hòa, ông Nguyễn Văn Hảo, nguyên cán bộ Viện khảo cổ, cho rằng bảo tồn và phát triển luôn mâu thuẫn nên phải cân nhắc giải quyết hài hòa. Có di tích phải khai quật và bảo tồn nguyên vẹn, có di tích phải bảo tồn bằng hiện vật.

"Đàn Xã Tắc là khu vực rất rộng, trung tâm đàn vẫn là ẩn tích chưa tìm ra được hoặc nếu tìm ra thì cũng bị hủy hoại. Vậy chúng ta có nên khoanh một vùng rộng lớn không cho xây dựng công trình mới phục vụ người dân?", ông Hảo đặt câu hỏi.

Chuyên gia này kiến nghị chính quyền nên cho đào một số hố thăm dò (mỗi hố 2 m2) trải dài theo thân cầu vượt để xác định trụ cầu có vào di tích hay không và bảo tồn địa danh như đã làm, đặt bia đá tại nơi thích hợp, tạo điều kiện để mọi người dân đến tìm hiểu.

Đàn Xã Tắc là loại đàn tế cổ, được lập để tế thần Đất, thần Nông, chiếm vị trí quan trọng đối với các vương triều xưa. Các nhà sử học cho biết, Việt Nam có 3 Đàn Xã Tắc tại Huế, Hoa Lư và Hà Nội.

Đàn Xã Tắc tại kinh thành Thăng Long được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm Mậu Tý 1048), đến sau thời vua Lê Chiêu Thống (1788) thì mất dấu. Sau hơn hai trăm năm mất dấu, Đàn tình cờ được các nhà khảo cổ phát hiện vào cuối năm 2006, khi xây dựng vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa.

Đoàn Loan

http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/05/cac-nha-khoa-hoc-dung-doa-dan-ve-dan-xa-tac/



Cái gì cũ quá không hợp với cuộc sống thực tiễn thì chúng ta không nên đề cao giá trị quá, nhớ đến tổ tiên thì ta thể hiện bằng hành động xây dựng đất nước này to đẹp hơn sung sướng hơn giàu có hơn thì tổ tiên cái gì cũng gật đầu
nguyenolia
Hà Nội chẳng có cây cầu này đã làm sao đâu. Cần ưu tiên bảo tồn đàn xã tắc.
Có thể làm 2 cầu vượt một chiều tạo vòng cung, chừa khoảng không với trời đất cho Đàn Xã Tắc.
Nếu cái gì cũng bảo tồn thì thôi xây nhà tre, đi bộ như ngày xưa cho khoẻ. Muốn nâng cao cơ sở hạ tầng mà cứ đụng chỗ này di tích, chỗ kia không được đụng thì đừng có than thở Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu.
Đàn Xã tắc cũng bị vùi lấp mấy trăm năm nay rồi mà Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển, cái gì cũng muốn khai quật, bảo tồn và khôi phục lại thì lại quay lại thời kỳ cách đây mấy trăm năm à.
Hãy nghĩ đến hàng triệu lượt người dân đi qua khu vực này hàng năm bị nạn ùn tắc giao thông hành hạ khổ sở như thế nào, thiệt hại về kinh tế và sức khỏe người dân chắc chắn rất khủng khiếp. Tôi ủng hộ xây cầu vượt cho dân đỡ khổ.
Theo mình thì nên bảo tồn Đàn Xã Tắc, bên bộ phận giao thông mình thấy xây xong rồi lại đập, hoặc nay xây mai hỏng, cắt xén công trình..... Cần nghiên cứu kỹ vấn đề liên quan tới tâm linh. Hy vọng ngành giao thông ngày càng hoàn thiện hơn.
'Việc bảo tồn cần thiết với những gì đã xác định là di tích, còn những gì chưa biết thì các nhà khoa học phải tìm hiểu thêm để đánh giá đúng giá trị.'' nói hay thật. thế mai xây cầu lên rồi mới xác định khu đàn xã tắc lớn hơn thì lại đập bỏ cầu đi à.
nếu công trình cầu vượt làm xong và tiếp đó là tìm thấy khu di tích thì hướng giải quyết làm sao các cơ quan có tầm nhìn sâu, xa, rộng hơn chứ khi cầu chồng lên khu di tích là gay.....?
Cần giữ nét văn hóa và bảo tồn di tích và tâm linh thiên địa vì vậy cần tính toán rất kĩ vì vận mệnh của quốc gia nhất là trong những năm gặp nhiều thiên tai và sự cố. có thể thiết kế nhịp dài ra và tránh những di tích. Đừng vì lợi ích mà ảnh hưởng tới tâm linh từ đời tổ tiên để lại nếu sau này tìm lại không có thì hối tiếc.    
bao nhiêu năm tôi đi qua đây, tôi chỉ thấy có tấm đá và cũng chẳng bao giờ để ý tấm đá đó ghi gì. Tôi và bao nhiêu người đi qua cũng chỉ biết nó như là giải cỏ giữa 2 làn đường. Nếu là di tích thì nên để như thế nào đó để mọi ng còn biết chứ để như thế này thì có xây cầu qua cũng chẳng ảnh hưởng gì vì mọi người còn chẳng biết nó là cái gì ở đó nữa.    
Xây cầu có kết cấu dây văng, tăng nhịp chính của cầu để trụ cầu nằm ngoài di tích...
Cái gì thuộc về tâm linh và lịch sử thì cần phải xem xét kỹ lưỡng.
hiện tại nếu chỗ đó là đàn xã tắc thì hàng ngày hàng chục, hàng trăm nghìn lượt người vẫn đi qua đấy thôi. Bảo tồn bằng nhiều cách, chứ gặp cái gì cũng giữ nguyên thì cả Hà Nội này đừng mong phát triển.
Tôi ủng hộ để lại, chọn phương án khác đi.
Làm cầu vượt lên tránh Đàn Xã Tắc, vấn đề Tâm Linh cần nghiên cứu kỹ .Không lý gì mà cha ông ta ngày xưa chọn vùng đất thiêng để làm Đàn Xã Tắc tế thần.
Các ông khoa học ơi cứ ngồi đấy mà kêu ca thì dân chịu cảnh tắc đường đến bao giờ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét