Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Đất nước những năm thật buồn: Buồn là chết...

Nguyễn Khoa Điềm: Đất nước những năm thật buồn. Dân đua nhau tự tử nhưng cán bộ bảo đó là do "đặc điểm tính cách tâm lý tự ti, mặc cảm, thiếu ngôn ngữ của họ"; tức là không thể can thiệp, gần như chấp nhận mặc kệ họ.

Buồn là chết...
VŨ ĐÌNH THUNG -Thứ Tư, 08/05/2013, 10:11 (GMT+7)
Sau một thời gian lắng dịu, nạn tự tử của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Định bỗng “bùng nổ” dữ dội. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, nạn tự tử diễn ra phổ biến đến trở thành hiện tượng xã hội bất thường.
"Không ưng cái bụng" cũng chết
Nạn tự tử của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định chẳng phải chuyện mới mẻ gì. Trước đây, trong những chuyến công tác về các huyện miền núi, chuyến nào chúng tôi cũng được cán bộ địa phương và các già làng kể cho nghe những vụ tự tử mới xảy ra. Thế nhưng trong 2 năm gần đây, nhất là trong năm 2012 vừa qua, nạn tự tử của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Định bỗng dưng tăng tốc đột biến.
Nếu như trong 5 năm trước (từ năm 2008 đến đầu năm 2012), trên địa bàn Bình Định chỉ xảy ra 108 vụ tự tử thì đến đầu năm 2013, con số này đã tăng đến 131 vụ, trong đó có hơn 70 người tử vong.

Người đi đưa đám ma người tự tử trước khi vào
làng phải đi qua hai ngọn đuốc để trừ “con ma tự tử”

Huyện An Lão được xem là “điểm nóng” của nạn tự tử ở Bình Định. Từ năm 2008 đến nay, tại An Lão đã xảy ra 46 vụ tự tử, 22 người được phát hiện và cứu sống, 24 người tử vong do không được cứu chữa kịp thời. Số người tự tử tập trung nhiều nhất ở xã An Quang, An Nghĩa, An Hưng, An Trung. Ngoài ra, rải rác ở các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kể cả những địa phương nằm gần trung tâm huyện lỵ như 2 xã An Hòa và An Tân cũng xảy ra nạn tự tử.


Những trường hợp tự tử xảy ra tại An Lão phần lớn ở độ tuổi thanh niên và trung niên, rơi đa số vào cánh đàn ông, những lao động chính trong gia đình, nên vấn nạn tự tử đã để lại những “cái gánh” rất nặng cho xã hội.

Nạn tự tử “lây lan” rất nhanh trong cộng đồng. Sau gần 25 năm làm báo giữa đại ngàn An Lão, nhà báo Hoàng Nam Quốc nhận định: “Hình ảnh tự tử được lập đi lập lại nhiều lần trong địa phương có ảnh hưởng rất lớn đến dân làng. Những người gặp chuyện “không ưng cái bụng” liền nghĩ ngay đến cái chết”.

Có hẳn chỉ thị ngăn ngừa tự tử

Tại huyện An Lão, nạn tự tử không chỉ dẫn đầu về con số, mà ở đây còn xảy ra một số trường hợp tự tử là cán bộ, đảng viên. Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, kể: “Vào năm 2009, trong hội thi bắn súng, có anh là cán bộ thuộc xã đội An Nghĩa tham gia. Trong hội thi, anh cán bộ xã đội này đạt điểm thấp hơn cấp dưới. Mặc dù đồng đội không ai chọc ghẹo gì nhưng có lẽ do trong lòng anh tự thấy xấu hổ nên trên đường từ hội thi về nhà, anh đã ghé vào rừng thắt cổ tự tử chết. Hoặc như trong năm 2011, tại 1 đám cưới, anh Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã An Quang có lời qua tiếng lại với một người làng. Không biết buồn lòng thế nào mà sau đám cưới anh này tìm đến cái chết bằng cách thắt cổ tự tử”.

Ông Đinh Phík, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh), nhớ lại: “Nếu như cháu Đinh Thị H còn sống thì năm nay nó đã 22 tuổi (sinh năm 1991). Tội nghiệp, nó lấy chồng có được 2 mặt con rồi mà vẫn tự tử. Hồi 2 đứa đã “ưng cái bụng” nhau, chúng yêu nhau lắm nhưng chưa đứa nào nghĩ tới chuyện miếng cơm manh áo là cái gánh nặng trong đời sống gia đình. Khi cưới nhau đã có hai mặt con, hai vợ chồng trẻ này mới thấy chật vật. Không làm ra tiền nuôi vợ nuôi con, chồng H xấu hổ tập tành uống rượu rồi đâm nghiện, bỏ bê cả nương rẫy. Thân gái, hằng ngày H phải gùi 2 đứa con vác cuốc lên nương để kiếm cái ăn. Cơ cực quá, lại buồn thằng chồng nghiện rượu nên H tự tử chết, bỏ lại hai đứa con dại”.

Mối gắn kết cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số

Theo ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định, lý do tự tử của họ cũng rất đơn giản: Vợ chồng cãi nhau, người “thua cuộc” giải quyết ấm ức bằng cách tự tử. Mâu thuẫn với mẹ chồng, tự tử. Học sinh bị cha mẹ la rầy, tự tử. Yêu mà không được yêu lại, tự tử. Bị hàng xóm chê bai mình nghèo, tự tử. Ấm ức vì cuộc cãi vả giữa đám đông, tự tử.

“Đặc điểm tính cách tâm lý của người miền núi là bộc trực, trọng tín nghĩa nhưng cũng rất tự ti, mặc cảm. Họ thiếu ngôn ngữ để biểu lộ cảm xúc, nhất là trước những sự việc tế nhị trong sinh hoạt gia đình. Do vậy, khi phát sinh mâu thuẫn không giải quyết được là họ nghĩ ngay đến cái chết. Hành vi tự tử được xem là một phản ứng có tính chống đối, hay để gây ra sự đau khổ cho người thân đã làm mình “buồn cái bụng” theo suy nghĩ đó là cách trả thù”, ông Thanh nói.

Bên cạnh hiện tượng tự tử đang trở thành vấn nạn, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Bình Định còn tồn tại những tập tục lạc hậu dẫn tới nhiều hệ lụy đau buồn.

"Việc đề ra những giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Định trong thời gian tới là nhiệm vụ cấp thiết mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mới mong đạt kết quả. Cần phải đào tạo cho đội ngũ cán bộ có trách nhiệm đủ vốn liếng về tiếng các dân tộc thiểu số để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất", ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định.

Tại huyện Vân Canh đang tái diễn tập tục “Ma găm”. Ở huyện An Lão thì có “nghi cầm đồ thuốc độc” đang đeo bám trong tư tưởng một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số H’rê. Từ năm 2005 - 2009, tại địa bàn các xã An Dũng, An Hưng, An Quang và An Vinh đã xảy ra 10 vụ “nghi cầm đồ thuốc độc” với 9 người bị nghi và 42 người tham gia nghi (trong đó có 3 cán bộ xã và 8 đảng viên).

Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, bộc bạch: “Từ năm 1998, nhận thấy vấn nạn tự tử tại địa phương có xu hướng ngày càng lan rộng. Ban Thường vụ Huyện ủy An Lão đã kịp thời ban hành hẳn chỉ thị về việc “Đẩy mạnh công tác phòng ngừa và ngăn chặn nạn tự tử ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, đồng thời trích 1 khoản kinh phí khá lớn để các địa phương duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ nạn tự tử. Với sự phối hợp gắn bó của cả hệ thống chính trị trong toàn huyện, những năm đầu thực hiện đã cho thấy những chuyển biến tích cực. Thế nhưng khi kinh phí cạn, sự “gắn bó” nói trên trở nên rời rạc thì tình trạng tự tử lại tái diễn phức tạp”.

Nhiều trường hợp tự tử đã để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và cộng đồng, mà nạn nhân chính là những đứa trẻ mồ côi. Mất cha, mất mẹ, thiếu sự chăm sóc của người thân, chúng đành lớn lên nhưng cây dại trong rừng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét