10 năm mở phòng tranh, chỉ có 4 khách Việt!
(Thethaovanhoa.vn) - “10 năm mở phòng tranh Art Vietnam tại Hà Nội, tôi chỉ thấy có 3 hoặc 4 người Việt Nam mua tranh ở đây”, Suzanne Lecht, một cái tên quen thuộc trong giới mỹ thuật và giới mua bán tranh Việt Nam từ nhiều năm nay. Người phụ nữ Mỹ này gắn bó với đời sống mỹ thuật Việt Nam từ những năm 1990, là giám đốc nghệ thuật của Art Gallery, từng là một địa chỉ phòng tranh được chú ý nhất ở Việt Nam trong một thập kỷ trở lại đây trước khi nó bất ngờ đóng cửa hơn 1 năm trước. Dưới đây là câu chuyện về đời sống và thị trường nghệ thuật Việt Nam qua góc nhìn của một người kinh doanh nghệ thuật chuyên nghiệp nước ngoài: Suzanne Lecht.
Bà Suzanne Lecht tại triển lãm Vòng đời, Art Vietnam, 2010.
* Chúng ta có thể nói lại một chút về thời kỳ nhiều thành công nhất của Art Vietnam được chứ thưa bà?
- Vâng, đó là khoảng những năm từ 2006 đến 2009. Khi đó, chúng ta từng gặp nhau rất nhiều lần trong năm với các triển lãm tại Art Vietnam, bạn nhớ chứ? (cười vui). Đó là những năm mà khủng hoảng kinh tế chưa phải là cụm từ được nhắc đến nhiều như bây giờ. Năm 2010, Art Vietnam cũng có được một số triển lãm cá nhân đáng chú ý về mặt nghệ thuật như triển lãm của Maritta Nurmi, Lý Trần Quỳnh Giang...
* Và sau đó, khủng hoảng kinh tế thực sự tác động đến không gian rất xinh đẹp này?
- Nó không loại trừ ai, nhất là lĩnh vực kinh doanh đặc thù như gallery của chúng tôi. Đó là lí do quan trọng nhất buộc chúng tôi phải chia tay địa chỉ số 7 - Nguyễn Khắc Nhu, dọn về nhà riêng và kiến tạo một không gian salon nghệ thuật mới.
* Bên cạnh lí do quan trọng nhất ấy, tôi vẫn phân vân rằng hẳn còn nhiều lí do khác nữa, trong đó, ta thử bắt đầu với các lí do ngoại cảnh như là môi trường kinh doanh mỹ thuật ở Việt Nam? Bà nhìn nhận như thế nào về cái gọi là thị trường mỹ thuật Việt Nam?
- Có những yếu tố để hình thành nên một thị trường nhưng dường như chúng đều yếu ớt. Việt Nam đã có một số gallery, ý tôi là các gallery thực sự chứ không phải là cửa hàng buôn bán tranh thông thường, nhưng số lượng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Việt Nam cũng có những người sưu tập mặc dù ít ỏi. Việt Nam cũng có bảo tàng mỹ thuật nhưng cho đến nay, một bảo tàng nghệ thuật đương đại thực sự vẫn chưa xuất hiện. Cũng có ngày càng nhiều người Việt Nam mua tranh hơn. Nhưng làm thế nào để các yếu tố này mạnh lên và tạo thành nền tảng cho thị trường mỹ thuật trong nước? Tôi nghĩ là các cơ quan hữu quan về mỹ thuật của Việt Nam phải thực sự hỗ trợ nhiều hơn nữa cho mỹ thuật với những cơ chế, hệ thống chính sách kinh doanh và hỗ trợ một cách minh bạch để làm định hướng cho thị trường tự tin hình thành và phát triển.
Lê Quốc Việt là một trong những họa sĩ đầu tiên mà Suzanne Lecht giới thiệu trong hoạt động gallery của mình ở Việt Nam. Cho đến nay, anh vẫn hợp tác cùng bà và cùng phát triển nhóm thư pháp đương đại Zenei. Sáng tác của anh được rất nhiều "nhà sưu tập quan trọng" mua và nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục theo dõi con đường đi trong nghệ thuật của anh, Art Vietnam cho biết. Trong ảnh là một phần triển lãm của nhóm Zenei tại Art Vietnam năm 2010. |
- Trong cả 10 năm mở Art Vietnam, tôi chỉ thấy có được 3 hay 4 người Việt Nam mua tranh ở đây. Tôi là người Mỹ nên có lẽ, khách hàng Mỹ cũng nhiều hơn cả. Bên cạnh đó, chúng tôi có khách hàng Thụy Sĩ, Singapore, Hồng Kông và gần đây, chúng tôi muốn mở rộng kênh tiếp thị đến Ấn Độ.
* Việc có quá ít khách hàng Việt Nam mua tranh ở gallery trong nước nói chung, Art Vietnam nói riêng có phải cũng là một lí do lâu dài, tác động tiêu cực đến sự phát triển của gallery và thị trường mỹ thuật, theo bà?
- Đó, có lẽ đúng hơn là hệ quả của việc chưa có được một định hướng đúng đắn và minh bạch cho sự hình thành nên một thị trường mỹ thuật Việt Nam ở Việt Nam mà thôi, như chúng ta vừa đề cập đến... Nhưng mà, bạn biết không, tôi được nghe nói là gần đây, người Việt đã mua sáng tác của mỹ thuật Việt Nam nhiều hơn đấy. Tôi ngạc nhiên và cũng mừng lắm, khi nghe tin người Việt Nam mua sáng tác của họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, trong đó có cả tác phẩm sắp đặt Thiên đường đình đám của anh ấy.
* Trở lại với gallery phong cách salon như cách bà gọi nơi chốn làm việc mới của bà. Sau khi chuyển gallery, có nhân viên nào của bà phải nghỉ việc không?
- May mắn là không, mặc dù chúng tôi đã phải cắt giảm ngân sách đi dự các hội chợ nghệ thuật ở Mỹ, Hồng Kông, thứ mà chúng tôi từng coi như hoạt động thường kỳ. Ở đây, cả ba tầng nhà đều được bày tranh tượng, vừa chỗ cho cả 90 bức. Chúng tôi tiếp khách thăm hàng ngày, riêng cuối tuần thì tiếp khách theo hẹn trước. Cá nhân tôi vẫn tiếp tục công việc tư vấn, giới thiệu, trò chuyện về mỹ thuật Việt Nam cho cá nhân hoặc nhóm cùng chung quan tâm.
Không gian triển lãm của Art Vietnam tại số 7 - Nguyễn Khắc Nhu, với các sáng tác của Maritta Nurmi, năm 2010. Địa chỉ này giờ đã đóng cửa |
Có những yếu tố để hình thành nên một thị trường nghệ thuật ở Việt Nam nhưng chúng đều yếu ớt
|
Riêng ở Hà Nội thì chúng tôi luôn rất vui nếu có thể hợp tác và hỗ trợ cho bối cảnh nghệ thuật ở đây. Art Vietnam cũng đang xây dựng các kế hoạch hợp tác mới với Manzi - một không gian nghệ thuật mới mở ở Hà Nội.
* Tôi nhớ là năm 1999, trong một phỏng vấn bà trên TT&VH, bà có nói đến giấc mơ được sống và làm việc với mỹ thuật VN. Và thực tế, cho dù nhiều địa chỉ gallery, salon mỹ thuật ở Việt Nam đã sớm muộn phải đóng cửa, chuyển hướng hoạt động, Art Vietnam cũng từng phải chuyển địa chỉ một vài lần thì dường như, bà vẫn kiên trì giữ lửa hoạt động cho địa chỉ này. Làm thế nào để có thể duy trì được ngọn lửa ấy?
- Chỉ là tôi kiên quyết không từ bỏ hi vọng của mình thôi. Theo tuổi tác, tôi nghĩ mình chỉ còn khoảng 10 năm nữa để làm việc một cách hiệu quả. Mà bạn biết không, tôi rất yêu cái cảm giác được chuẩn bị, sắp xếp cho một không gian triển lãm đẹp. Tôi bận và mệt nhưng luôn cảm thấy phấn chấn lắm. Giờ, tôi vẫn hay xem lại hình ảnh những triển lãm đẹp của Art Vietnam và cảm giác phấn chấn lại đến. Nó như một liệu pháp tinh thần cho tôi làm việc tích cực hơn. Chúng tôi cũng đang tìm kiếm địa chỉ khác, thích hợp hơn cho gallery trong tương lai. Trong lúc này, Art Vietnam đã và đang hợp tác với một nhà làm phim tài liệu người Mỹ để thực hiện phim tài liệu về họa sĩ Việt Nam. Mỗi phim dài 6 phút, đã kịp chiếu ở triển lãm tại Hồng Kông năm rồi. Chúng tôi đã làm được 15 phim như vậy và tiếp tục làm một số phim khác nữa về nghệ thuật đương đại Việt Nam. Nhiều việc đấy chứ, phải không nào?
* Chân thành cảm ơn và về cuộc trò chuyện này.
Tác phẩm điêu khắc Cảm nhận của Chinh Lê, bày trong triển lãm của Art Vietnam ở Rotunda, Hongkong Land, 2012, cùng một tác phẩm khác của cô đã được bán ngay trong buổi khai mạc. Cảm nhận được một nhà sưu tập nghệ thuật mà theo S. Lecht là "quan trọng", giám đốc một công ty đa quốc gia có trụ sở ở Hồng Kông mua. Tác phẩm còn lại do một doanh nhân trẻ đến từ New York mua. Về sáng tác điêu khắc của Chinh Lê, S. Lecht cho biết: "Khái niệm Phật giáo Thiền mà sáng tác này thể hiện bao gồm cả sự khai sáng và truyền cảm hứng, lại được pha thấm với một chút hóm hỉnh, khôi hài, tất cả đã khiến cho tác phẩm thật độc đáo. Khách thưởng lãm ở Hồng Kông đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp và sự khác thường của ý nghĩa, bị ấn tượng bởi vẻ độc đáo của tác phẩm..."
Bức Mountains of Mind (acrylic và quỳ bạc trên vải) của nữ nghệ sĩ Phần Lan sống tại Việt Nam Maritta Nurmi, đã được Art Vietnam bán cho một người bạn rất thân của tổng thống Mỹ B. Obama, trong tháng 5 - 2010. Theo S. Lecht, vị khách này đến Việt Nam trên chuyên cơ riêng cùng 20 người bạn, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của ông. Họ mở tiệc tại không gian xinh đẹp của Art Vietnam ở số 7 - Nguyễn Khắc Nhu. Bức tranh đã thu hút sự chú ý của ông bởi khía cạnh siêu hình của nó, gợi nhắc đến một nơi chốn bí ẩn của một thế giới chưa từng ai biết... Bức tranh hiện được bày trong căn hộ penhouse của vị khách ở thành phố New York.
|
Phong Vân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét