Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Thập kỷ mất mát: Ai lợi? Ai thiệt?

Thập kỷ mất mát: Ai lợi? Ai thiệt?
Nguyễn Văn Thạnh
Hiện nay, trên diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại Việt Nam sẽ rơi vào thập kỷ mất mát. Vậy thập kỷ mất mát là gì? Nếu điều đó xảy ra thì ai lợi, ai thiệt? Xin chia sẻ góc nhìn cá nhân tôi, một người tự nghiên cứu về kinh tế.
1. Tiền và hàng hóa: 
Trong nền kinh tế thị trường, tiền và hàng hóa như hai mặt của một đồng xu, có tiền bạn mua được hàng và có hàng thì bán được tiền. Mọi cá nhân tham gia hoạt động kinh tế cũng nhằm mục đích là có nhiều tiền. Tiền và hàng hóa liên kết với nhau qua hệ thống giá, khi hệ thống giá ổn định thì ta có mặt bằng giá. Dựa trên hệ thống giá này các chủ thể kinh tế có thể cung ứng cho thị trường sản phẩm và tính được hiệu quả kinh tế. Hiệu quả kinh tế làm cho tiền và hàng hóa giữ được tỷ lệ, tức là giữ được giá. Ví dụ tôi vay ngân hàng 100 triệu đi chăn nuôi gà, tôi làm ăn hiệu quả tức là tạo ra số gà tương ứng với số tiền (cả tiền lãi), và đồng tiền giữ giá.
2. Phá sản và lạm phát: 
Khi một chủ thể làm ăn ngoài vốn tự có, họ thường huy động tiền từ các chủ nợ (ngân hàng, hoặc chứng khoán), nếu làm ăn hiệu quả thì họ có tiền và chủ nợ cũng có đồng lãi. Nếu họ làm ăn không hiệu quả dẫn đến không thu đủ tiền để trả nợ thì họ buộc phải tuyên bố phá sản, lúc bấy giờ chủ thể kinh tế và chủ nợ chia nhau khoảng lỗ. Ví dụ vì một lý do nào đó-dịch bệnh chẳng hạn-gà chết sạch, tôi không bán được gà để thu tiền trả nợ, tôi phải tuyên bố phá sản. Lúc bấy giờ tôi và chủ nợ cùng mất vốn cho phi vụ làm ăn này. Lúc này hàng không có, tiền cũng không thêm nên tiền vẫn giữ giá. Kinh tế thị trường là lời ăn lỗ chịu, chủ nợ cũng phải chấp nhận cuộc chơi này. Chính điều này làm cho bên cho vay rất cẩn trọng trong việc cho người khác vay tiền làm ăn.

Trong trường hợp tôi là con quan chức cỡ bự - cậu ấm Vinashine chẳng hạn - tôi đến Ngân hàng vay 100 tỷ để nuôi gà. Tiền rút ra, tôi lại quả cho các vị ở đây 20 tỷ, ăn chơi xả láng 50 tỷ. Còn 30 tỷ tôi mua vài cái chuồng gà ộp ẹp của anh hàng xóm và vài trăm con gà rù về nuôi, cho ăn thất bát cho có việc để báo cáo. Đến hạn trả nợ tôi tuyên bố phá sản, ngân hàng tiếp quản, bán phát mãi chuồng gà tôi được 1 tỷ, mất vốn 99 tỷ. Lẽ ra theo nguyên lý thị thường những khách hàng cho tôi vay phải mất đứt khoản tiền này nhưng vì tôi là cậu ấm và chủ nợ không chấp nhận mất vốn nên được ông bố quyết định tái cơ cấu 99 tỷ đó thành trái phiếu trả dần trong 12 năm với lãi suất a%. Đây có thể gọi là cách khoanh nợ và đẩy nợ cho thế hệ tương lai trả dần. Xem cách làm đó tại đâyđây.

Đó là khoản nợ ngân hàng tư nhân hoặc ngân hàng quốc tế, nếu tôi vay ngân hàng quốc doanh thì khỏe nữa. Ông bố tôi chỉ việc ký cái rẹt xóa nợ và lệnh cho NHNN tái cấp vốn cho khoản bị mất trên. Chẳng ai thiệt trong vụ này nên chắc chắn không ai lên tiếng phản đối, có thiệt là thiệt thằng dân nhưng dân là thằng rất mông lung. Nếu ai theo dõi kinh tế VN thì sẽ biết vở diễn khoanh nợ và xóa nợ xảy ra rất nhiều lần cho các cậu ấm giống tôi-doanh nghiệp quốc doanh. Trong trường hợp này một lượng tiền mới đưa vào lưu thông mà không có vật chất làm ra trong xã hội nên đồng tiền mất giá (đây là lí do vì sao vàng từ 500k/chỉ lên 4,5 triệu/chỉ, thịt từ 30k/ký lên 100k/ký). Lạm phát là thuế đánh trên toàn dân, mọi người chịu một ít. Ai có tiền nhiều mất nhiều, ai có ít mất ít. Công nhân viên chức thì tô cơm bị vơi mất đi một phần (vì sức mua giảm).

3. Bong bóng và suy thoái: 
Hiện nay loại cậu ấm như tôi hoặc họ hàng của tôi rất nhiều, chúng tôi ùn ùn đến ngân hàng ký giấy vay, rút tiền ra ăn chia như trên (Ông Nguyễn Bá Thanh cũng đã chỉ ra chiêu này), lúc này món đầu tư không phải gà mà là nhà đất. Vài năm trước đây chúng tôi tạo ra vui vẻ cho cả xã hội, ai ai cũng có nhiều tiền. Một số lớn đã nhanh chóng chuyển đồng bạc VNĐ sang khoảng có giá trị thực hơn là vàng và đola để gửi ra nước ngoài. Bằng cách mua bán, thế chấp, vay mượn quay vòng như vậy chúng tôi đã cùng nhau đẩy giá nhà đất lên vài lần so với giá thực của nó nếu hoạt động đúng với hệ thống giá. Đây là tình trạng bong bóng giá tài sản. 

Cuộc vui nào cùng đến lúc tàn, và hiện giờ cuộc vui đã tàn. Kết quả của cuộc vui là khoảng nợ tầm 2 triệu tỷ trong đó khoảng 500.000 tỷ là khoản mất đứt như 99 tỷ trong phi vụ nuôi gà trên. Đúng theo nguyên lý thị trường chúng tôi phải giao lại cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng như trường hợp những gì ông già Alan đã làm bên Mỹ năm 1987 khi thị trường bể bóng bất động sản, nhưng Việt Nam mình nó khác. Ở đất nước Việt Nam này, không ai khác, chỉ có chúng tôi là có súng (một đảng nắm quyền) và tất nhiên chúng tôi không thể tự bắn vào chân mình được. Hiện tại không một ai có đủ sức để buộc chúng tôi phải làm cái việc đau đớn đó.

Xin lỗi các bạn là chơi không fairplay “lời ăn lỗ chịu” nhưng vì tương lai mình và con cháu, chúng tôi buộc phải tiến hành theo hai cách trên, đó là đẩy nợ vào tương lai để mọi người cùng trả hoặc xóa nợ, bơm tiền tạo lạm phát để mọi người đưa vai vào gánh giúp chúng tôi.

Khi nền kinh tế tạo bong bóng, những đối tượng hưởng lợi đã rút tiền đi mua sắm vàng, ngoại tệ. Nền kinh tế không chấp nhận phá sản để chủ nợ mất vốn thì sẽ tạo ra suy thoái.

4. Thập kỷ mất mát: 
Tiến trình như phân tích trên, Việt Nam chắc chắn sẽ đi vào thập kỷ mất mát. Thập kỷ là thời gian cần có để làm cho bong bóng bất động sản xì hơi xẹp vừa phải, đủ để cả đất nước lao động tạo ra thặng dư của cải để trả món nợ hiện nay thay vì phải phá sản.

Trong 10 năm tới hàng triệu người Việt Nam lao động quần quật nhưng gần như chỉ đủ ăn, dù đồng lương danh nghĩa có thể tăng. Thặng dư thực chất của sức lao động đã bị bòn rút qua lạm phát hoặc qua thuế để trả các khoản nợ khổng lồ hiện nay. Đây là trường hợp may mắn kinh tế tăng trưởng để mọi người có cơ hội nai lưng ra cày trả khoản nợ chung.

Trường hợp như vậy là rất hiếm vì quá trình xử lý bong bóng không qua phá sản, thường dưới sức mạnh của lợi ích phe nhóm sẽ làm cho nguồn tiền tiếp tục chảy vào nuôi các Zombie (xác chết) như Vinaline, Vinashine,… làm cho nền kinh tế suy thoái sâu hơn, làm thời gian trả nợ dài hơn có thể đến vài ba thập kỷ. Những nước lâm vào cảnh này được gọi là bẫy thu nhập trung bình tức là làm hoài mà không khá.

Hiện nay tôi (tác giả) hơn 30 tuổi, nếu không gì xảy ra, trong 20 năm tiếp theo, tôi và hàng triệu người khác làm ra của cải để trả cho các món nợ khổng lồ mà các đại gia mới nổi vài năm gần đây có được nhà lầu xe hơi-gây ra. Lẽ ra, đúng nguyên tắc của trời đất (nguyên tắc thị trường) họ phải nghèo đi nhưng không, họ đã khôn khéo dựa vào quyền lực chính trị để chuyển các bill thanh toán cho chúng tôi trả trong 20 năm tới. Cuộc đời mình xem như phấn đấu làm lụng để trả nợ cho người khác.

Còn gì bất công hơn điều này không?

Qua phân tích trên, hẳn các bạn biết vì sao ở các xứ tự do, khi kinh tế khủng hoảng là phải thay chính phủ?

Nguyễn Văn Thạnh

P.s: Những người đấu tranh cho nền dân chủ VN cần phải tiếp cận vấn đề dưới góc độ kinh tế để mọi người, nhất là người trẻ thấy được quyền lợi và trách nhiệm trong công cuộc dân chủ hóa đất nước. Lớp trẻ sẽ không còn thờ ơ khi họ biết là mình làm quần quật để gánh nợ cho người khác đang vi vu du lịch với bồ nhí bên trời Tây.

-----------


Xử lý dễ dàng hơn 4.000 tỉ nợ xấu từ Vinashin

(ĐVO) - "Khoản nợ hơn 4.004 tỉ đồng của Vinashin, SHB được hoán đổi thành trái phiếu và được thế chấp với NHNN để tái cấp vốn" -  ông Nguyễn Văn Lê – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết.

Sáng 6/4, Đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng SHB diễn ra tại Hà Nội, có câu chất vấn của các cổ đông về tỉ lệ nợ xấu của SHB tại thời điểm sáp nhập HBB (ngày 28/8/2012) là 15%, trong đó có các khoản nợ rất lớn của Vinashin; Cty CP thủy sản Bình An (Bianfishco)… nhưng đến 31/12/2012, nợ xấu của SHB (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) chỉ còn 5.014,5 tỉ đồng, giảm tỉ lệ nợ xấu xuống còn 8,8% tổng dư nợ.
Đại hội cổ đông thường niên của NH SHB.
Đại hội cổ đông thường niên của NH SHB.
Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lê – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết: Khoản nợ hơn 4.004 tỉ đồng của Vinashin, SHB được hoán đổi thành trái phiếu và được thế chấp với NHNN để tái cấp vốn.

Đối với món nợ của Bianfishco, SHB đã trực tiếp tham gia vào quá trình tái cấu trúc DN này, giải quyết dứt điểm nợ cho nông dân cung cấp nguyên liệu, đưa nhà máy từ chỗ tê liệt đến nay đã trở lại hoạt động sản xuất bình thường, tạo việc làm trở lại cho hàng ngàn người lao động.

Trong một diễn biến khác, việc Vinashin đạt thỏa thuận với số chủ nợ nắm giữ 75% trong khoản nợ 623 triệu USD trái phiếu (do Chính phủ bảo lãnh) hoán đổi sang nợ trái phiếu với kỳ hạn 12 năm, lãi suất 1%/năm, được xem là giải pháp sẽ đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại hệ thống nợ của Vinashin nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.

Theo dự đoán của các chủ nợ, sau khi xử lý nợ trong nước, nhiều khả năng Vinashin sẽ tháo gỡ nợ quốc tế bằng việc phát hành trái phiếu quốc tế mới để hoán đổi nợ cũ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, các khoản nợ ngân hàng của Vinashin đã lên đến 86.000 tỉ đồng với tiền lãi hằng năm khoảng 10.000 tỉ đồng Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Vinashin có hai khoản nợ đã rõ ràng là 750 triệu USD nợ nước ngoài do Chính phủ bảo lãnh và 600 triệu USD Vinashin tự vay nước ngoài. Trong nước, Vinashin đang vay của 10 ngân hàng lớn mà chủ yếu là ngân hàng thương mại Nhà nước.

Tại Diễn đàn kinh tế Mùa xuân đang diễn ra ở Nha Trang, phần lớn các diễn giả đều cho rằng nợ xấu vẫn chưa có con số thống nhất, trong đó không ít ý kiến hoài nghi về số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố. Nợ xấu toàn hệ thống theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2012 là 120.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ tín dụng. Còn theo công bố mới nhất của đại diện Chính phủ, quy mô tính đến cuối tháng 2/2013, đã giảm xuống còn khoảng 6% thay vì mức hơn 8,8% Thống đốc công bố năm ngoái.

TS Trịnh Quang Anh cho rằng thực tế nợ còn "xấu" hơn rất nhiều. Trong cuốn kỷ yếu Diễn đàn kinh tế Mùa xuân năm 2013, Tiến sĩ Trịnh Quang Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam đưa ra những ước tính về quy mô nợ xấu hiện nay.

Theo ước tính của ông, nếu cộng cả những khoản nợ tiềm tàng, gồm nợ khoanh, nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780 và nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines, tổng nợ xấu ước tính sẽ vọt tới tầm nửa triệu tỷ đồng. Con số này tương đương 18% tổng dư nợ tín dụng, gần 10% tổng tài sản toàn hệ thống hay khoảng 17% GDP danh nghĩa năm 2012.

Nợ xấu cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản và chứng khoán (trước đây được tính vào lĩnh vực phi sản xuất, bị hạn chế tăng trưởng tín dụng) chỉ chiếm 8% tổng nợ xấu. Theo nhiều diễn giả, đây là một con số rất đáng ngờ. "Sự thực, rất nhiều khoản cấp tín dụng dưới các danh nghĩa khác nhau, được 'luồn' vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán hay có liên quan đến lĩnh vực phi sản xuất này. Nợ xấu từ số dư nợ cho vay trên, hiển nhiên sẽ được che giấu kỹ nhất", ông Quang Anh cho biết.

Xuân Tùng (Tổng hợp)

Hoán đổi nợ thành trái phiếu: Lợi cả đôi bên
Nguồn tin: Thời báo Kinh doanh | 05/04/2013 3:40:23 CH
Việc Vinashin đạt thỏa thuận với số chủ nợ nắm giữ 75% trong khoản nợ 623 triệu USD trái phiếu (do Chính phủ bảo lãnh) hoán đổi sang nợ trái phiếu với kỳ hạn 12 năm, lãi suất 1%/năm, được xem là giải pháp sẽ đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại hệ thống nợ của Vinashin nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung. Điều này cũng cho thấy Nhà nước có khả năng đứng ra mua lại nợ xấu dưới các hình thức khác nhau, mà giới chuyên môn đang nhìn nhận là hiện thực.

Theo dự đoán của các chủ nợ, sau khi xử lý nợ trong nước, nhiều khả năng Vinashin sẽ tháo gỡ nợ quốc tế bằng việc phát hành trái phiếu quốc tế mới để hoán đổi nợ cũ.

"Món nợ" đầu tư có "hời"?

Vấn đề đang được quan tâm chính là nếu một tỷ lệ hoán đổi quá thấp, các chủ nợ sẽ là người bị thiệt hại. Hơn nữa, bất kỳ một sự hoán đổi nào dẫn đến khả năng không thu hồi đủ số nợ đã cho vay cũng buộc các chủ nợ phải hạch toán mất vốn. Đây hiển nhiên là chuyện mà không ngân hàng hay công ty tài chính nào mong chờ.

Bình luận về thỏa thuận hoán đổi nợ sang trái phiếu này, một chuyên gia kiểm toán nhận định, đây là giải pháp tái cơ cấu nợ một cách rất tốt, vì họ chắc chắn được trả sau 12 năm nhờ có bảo lãnh của Chính phủ. Với các chủ nợ mới đã mua lại được trái phiếu Vinashin với giá rẻ, đây thực sự là một khoản đầu tư hấp dẫn.

 "Các chủ nợ có thể bán trái phiếu trên thị trường cho người khác và người cầm trái phiếu này trở thành chủ nợ mới của Vinashin. Vì thế, số chủ nợ và giá mua bán lại trái phiếu Vinashin có thể thay đổi theo thời gian và nhất là theo khả năng trả nợ của Vinashin", vị này bày tỏ.

Tuy còn hoài nghi về khả năng trả nợ đúng hạn của Vinashin, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn xem món nợ đầu tư này thực sự có "hời" nếu biết cách.

Một chuyên gia kinh tế đánh giá cách xử lý bài toán nợ của "2 Vina" (Vinashin và Vinalines) bằng việc hoán đổi khoản nợ sang trái phiếu sẽ làm cho tình hình tài chính của cả các chủ nợ và doanh nghiệp (DN) nợ bớt xấu đi. DN có điều kiện vay vốn để ổn định sản xuất - kinh doanh và trả nợ, còn các tổ chức tín dụng giảm được một phần áp lực từ việc cho vay này, với điều kiện Vinashin, Vinalines không thể phá sản.

Bao nhiêu "chủ nợ" như PVFC?

Theo số liệu đã được kiểm toán, kết thúc năm tài chính 2012, tổng dư nợ tín dụng của Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) đã cấp cho Vinashin và Vinalines hơn 2.726 tỷ đồng. Trong đó, PVFC đã cấp cho một số công ty thuộc Vinashin là 1.069,4 tỷ đồng, cấp cho một số công ty thuộc Vinalines là 1.686,5 tỷ đồng.

Với 2 khoản nợ lớn từ "2 Vina" đã đè nặng lên kết quả kinh doanh của PVFC, khi kết quả năm 2012 với tổng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 54,7 tỷ đồng, giảm so với con số gần 400 tỷ đồng của năm 2011.

Hiện các biện pháp để xử lý nợ vẫn đang được PVFC xúc tiến, làm việc với các cơ quan có thẩm quyền về phương án xử lý và thu hồi các khoản cho vay này.

Ngoài PVFC, có bao nhiêu ngân hàng khác phải khoanh nợ, cơ cấu lại khoản nợ và không phải trích lập dự phòng cho Vinashin? Đối với dư nợ cho vay Vinashin, nhiều ngân hàng thương mại đã không trích dự phòng các khoản cho vay này theo một cơ chế riêng. Thất bại của HBB buộc ngân hàng này phải sáp nhập vào SHB trong khi tỷ lệ nợ xấu mà HBB công bố là đáng báo động.

Trước đó, Oceanbank nắm giữ các khoản tiền gửi, dư nợ tín dụng và đầu tư trái phiếu với Vinashin và một số công ty thuộc tập đoàn này đã quá hạn thanh toán. Tuy nhiên, thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về việc xem xét khoản nợ, cơ cấu lại các khoản nợ của Vinashin, Oceanbank đã giữ nguyên trạng thái nợ hiện tại, đồng thời không trích lập dự phòng với các khoản nợ và phải thu trên.

Hiện Oceabank tiếp tục làm việc với Vinashin và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về phương án xử lý và thu hồi các khoản nợ này.

Rõ ràng, dù hệ thống ngân hàng có trích lập dự phòng hay không thì các khoản nợ của Vinashin không phải chỉ có mỗi hệ thống ngân hàng gánh chịu. Và câu chuyện của PVFC là minh chứng hùng hồn nhất trong việc tìm "lối thoát" với các khoản nợ mà các đơn vị khác đã cho "2 Vina" vay, cho đến nay khả năng thu hồi được bao nhiêu vẫn còn đặt dấu hỏi lớn…
-------------------------------
Một giải pháp tái cơ cấu nợ rất thành công
Ông Cao Sỹ Kiêm - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
------------------------------------
Vinashin thỏa thuận được như vậy với các chủ nợ thì đây là giải pháp tái cơ cấu nợ một cách rất thành công. Và cách làm như vậy không xa lạ trên thị trường tài chính. Nó cũng có thể chấp nhận được đối với các chủ nợ ban đầu, vì họ chắc chắn được trả sau 12 năm do có bảo lãnh của Chính phủ. Với các chủ nợ mới đã mua lại được trái phiếu Vinashin với giá rẻ, thí dụ 30% của mệnh giá, thì họ có lời kha khá (được lãi gần 11%/năm), còn nếu đã mua với 20% mệnh giá thì lãi lên đến 15,8%/năm và đây thực sự là một khoản đầu tư rất hấp dẫn.

Khả năng phát hành trái phiếu quốc tế mới để hoán đổi nợ cũ
Ông Cao Sỹ Kiêm - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
------------------------------------
Việc phát hành trái phiếu của Vinashin sẽ đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại hệ thống nợ của Vinashin nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung. Theo bình luận của nhiều chuyên gia, điều này chứng tỏ Nhà nước có khả năng đứng ra mua lại nợ xấu dưới các hình thức khác nhau, mà giới quan sát quốc tế đang nhìn nhận là hiện thực. Theo dự đoán của các chủ nợ, sau khi xử lý nợ trong nước của Vinashin, có khả năng Việt Nam sẽ tháo gỡ nợ quốc tế của tập đoàn này. Vinashin phát hành trái phiếu quốc tế mới để hoán đổi nợ cũ là một khả năng.

Không chỉ hệ thống ngân hàng gánh chịu
Ts. Trần Tiến Cường - nguyên Trưởng ban Cải cách doanh nghiệp (CIEM)
------------------------------------
Do phân cấp nên cuối cùng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm về hoạt động của DN nhà nước, tất cả là trách nhiệm tập thể. Mỗi khi có vấn đề phát sinh mới thanh, kiểm tra, giám sát nên không ngăn ngừa được tiêu cực, thua lỗ, mà chỉ là khắc phục hậu quả. Một vấn đề quan trọng khác là ngay cả khi có quy định rõ ràng, các DN nhà nước không thực hiện cũng không có cơ quan nào nhắc nhở, đốc thúc hoặc có chế tài rõ ràng. Suy cho cùng, dù hệ thống ngân hàng có trích lập dự phòng hay không thì các khoản nợ của Vinashin không phải chỉ có hệ thống ngân hàng gánh chịu...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét