Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Đặc nhiệm Mỹ sống 45 năm ở vùng núi VN?

Đặc nhiệm Mỹ sống 45 năm ở vùng núi VN?
Cựu binh Mỹ đúc tượng sống mẹ Việt Nam Anh hùng
Nước Mỹ đang bị sốc trước thông tin cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam John Hartley Robertson, người được cho là đã chết năm 1968, vừa được phát hiện vẫn sống ở vùng núi miền Bắc Việt Nam.

John Hartley Robertson, ảnh chụp năm 1966.
Bộ phim tài liệu Unclaimed (Không đòi hỏi) của nhà làm phim nổi tiếng Michael Jorgensen chính thức công chiếu từ ngày 30/4 tại Mỹ và Canada, nhưng trong những ngày qua đã bắt đầu gây sốc.
Theo thông tin trên báo chí Mỹ, Canada, nhà làm phim Michael Jorgenson phát hiện cựu binh Robertson, năm nay đã 76 tuổi, đang sống trong một ngôi làng nhỏ ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Robertson sinh tại Alabama, gia nhập lực lượng Mũ nồi xanh Mỹ và máy bay của anh bị bắn rơi tại vùng biên giới Lào năm 1968. Theo nhà làm phim Jorgenson và các đoạn phim rò rỉ với báo chí, cựu binh Robertson do sống quá lâu ở vùng núi Việt Nam nên không thể nói được tiếng Anh, nhưng vẫn nhớ ngày sinh của mình, nhớ tên vợ con mình ở Mỹ.
Trong phim, cựu binh Robertson cho biết ông bị bộ đội Việt Nam bắt giữ sau khi máy bay rơi, rồi được trả tự do và kết hôn, có con với nữ y tá người Việt đã chăm sóc mình.


Lính Mỹ trong một chiến dịch trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Larry Burrows/LIFE
Lính Mỹ trong một chiến dịch trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Larry Burrows/LIFE.
Chuyện khó tin
Bộ phim tài liệu Unclaimed bắt đầu với câu chuyện một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là Tom Faunce, trong chuyến cứu trợ thiên tai tới Đông Nam Á cách đây nhiều năm (2008) đã tình cờ phát hiện ra Robertson.
Phát biểu trên báo chí Canada, nhà làm phim Jorgenson thừa nhận chính mình cũng hoài nghi khi cựu binh Tom Faunce năm 2012 tìm đến gặp mình và kể câu chuyện tình cờ gặp một cựu binh Mỹ khác tưởng đã chết, nhưng hiện vẫn còn sống ở Việt Nam là Robertson.
Tuy nhiên, nhà làm phim này đã tin sau khi trực tiếp sang Việt Nam để gặp người được cho là cựu binh Robertson và hi vọng có thể giúp Robertson tái ngộ với gia đình mình tại Mỹ.
Nhà làm phim cũng đã liên hệ với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, quân đội Mỹ, người thân của cựu binh Robertson tại Mỹ. Tuy nhiên, bằng chứng đáng tin cậy nhất là xét nghiệm DNA với con của Robertson thì vẫn chưa thực hiện được.
Theo cựu binh Tom Faunce, Robertson năm 2010 đã được lấy dấu vân tay tại Đại sứ quán Mỹ, nhưng điều này chưa đủ để chứng minh người này là John Hartley Robertson và cũng không thể bác bỏ.
Bộ phim tài liệu cung cấp những thước phim xúc động về nơi sinh của Robertson, cảnh một người lính Mỹ từng được Robertson huấn luyện năm 1960 vừa gặp lại ông tại Việt Nam và khẳng định đây đích thị là Robertson. Phim cũng chiếu cảnh về cuộc gặp đầy nước mắt giữa người chị gái duy nhất còn sống của Robertson là bà Jean Robertson-Holly, 80 tuổi. Cuộc hội ngộ diễn ra tháng 12/2012.
“Bà Jean nói … ‘Không có thắc mắc nào. Tôi chắc chắn đó là nó trên video, khi tôi ôm ghì đầu nó và nhìn vào mắt nó tôi không còn nghi ngờ gì về việc nó là em trai mình”, đạo diễn Jorgensen kể với báo chí.

Lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Larry Burrows/LIFE
Lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Larry Burrows/LIFE.

Kiểm chứng
Cũng theo đạo diễn việc xét nghiệm DNA giữa Robertson với bà Jean là không cần thiết vì bà khẳng định chắc chắn đó là em trai mình. Việc xét nghiệm DNA của Robertson với vợ và hai con ở Mỹ đã được đề nghị. Vợ con của Robertson đã đồng ý nhưng gần đây lại đột nhiên từ chối. Theo giải thích của nhà làm phim thì do ám ảnh chiến tranh và sự việc trôi qua quá lâu có thể hai con gái của Robertson nhất thời chưa muốn biết về người cha của mình.
Hugh Tran, sỹ quan cấp cao cảnh sát Mỹ gốc Việt ở Edmonton, đã tháp tùng nhà làm phim Jorgensen và cựu binh Tom Faunce sang Việt Nam gặp cựu binh Robertson để làm phiên dịch. Theo Hugh Tran, cựu binh Robertson nói giọng như một người Việt bản địa, không có dấu hiệu nào của một người Mỹ qua giọng nói. “Để nói với các bạn sự thật, sau khi tôi phỏng vấn ông ấy lần đầu tiên, tôi tin tới 90% rằng ông ấy là cựu binh Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam”, ông Tran chia sẻ. Tuy nhiên, ông Tran thừa nhận mình vẫn còn một chút hoài nghi.
Theo bộ phim, cựu binh Robertson đang sống ở Việt Nam và không muốn rời đi, ông chỉ có một ước nguyện được gặp gia đình Mỹ một lần trước khi chết.
Báo Tiền Phong sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc xung quanh sự kiện này sau khi có thông tin chính thức từ các nguồn liên quan …
Trí Đường
( TPO  )
Cựu binh Mỹ đúc tượng sống mẹ Việt Nam Anh hùng

TP - Mẹ già 96 tuổi nằm thiêm thiếp. Ngoài cửa sổ, một người Mỹ tuổi chừng thất thập mải mê nhào nặn mẫu đất sét trên bệ tượng. Thi thoảng ông dừng tay nhìn mẹ qua cửa sổ, hoặc chạy vào đứng bên giường lặng ngắm gương mặt người mẫu của mình…
Cựu binh Jim không nén được xúc động bên Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhứt. Ảnh: Hoài Nam
Cựu binh Jim không nén được xúc động bên Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhứt. Ảnh: Hoài Nam.
Bài điếu văn chưa đọc
Chuyện về mẹ Nguyễn Thị Nhứt, có chồng và 4 con trai hy sinh, tôi biết từ cách đây hơn 20 năm. Kể từ sau bài báo tôi viết về khả năng tìm mộ liệt sĩ của ông Năm Chiến ở Bình Sa, Thăng Bình (Quảng Nam). Khi ấy, ông Chiến còn chưa là nhà ngoại cảm có tiếng như sau này, chỉ là anh nông dân bình thường có chút ít khả năng đặc biệt.
Chị Kim Dung – đồng nghiệp cùng cơ quan thời ấy - một hôm nhờ tôi chỉ đường về nhà ông Năm. Vợ chồng chị muốn tìm mộ anh Lê Văn Nhì, người anh trai hy sinh từ năm 1962.
 Tôi thật sốc khi biết rằng chỉ riêng làng xã Điện Hoà nhỏ bé này có tới 158 Mẹ Việt Nam anh hùng với hàng trăm đứa con đã hy sinh. Việt Nam có biết bao làng xã như vậy. Biết trong làng có 8 mẹ còn sống, tôi nhờ chị Dung nhắn với các mẹ rằng tôi nguyện sẽ đúc tượng tặng các Mẹ.
Cựu binh Jim Gion
Anh Lê Nguyên Hồng, chồng chị Dung, kể: anh Nhì chiến đấu, hy sinh tại thị trấn Vĩnh Điện, bị địch phơi xác suốt nhiều ngày đêm. Bọn lính canh xác anh ngặt quá, nên mẹ Nhứt, cùng người chị dâu cả tên là Bảy và anh Hồng lúc ấy mới tròn 10 tuổi chỉ biết nén đau thay nhau canh chừng từ xa. Đợi lúc chúng xao nhãng là lén đưa anh về chôn.
Nhưng rồi một đêm, ba mẹ con có việc phải về nhà, khi chạy ra mới hay chúng vứt xác anh ở đâu đó rồi, còn dùng xe ủi chà lấp. 30 năm sau, năm 1992, khi ông Năm Chiến dùng ngoại cảm tìm thấy, thi thể anh Nhì bị xe ủi cắt chỉ còn một nửa, nguyên vẹn nhất là mấy đoạn xương ống...
Chồng và 5 con trai lần lượt ra trận, mẹ Nhứt bám trụ ở quê nhà đào hầm nuôi giấu cán bộ. Có thời điểm vườn nhà mẹ ở thôn Quang Hiện (Điện Hoà, Điện Bàn) có đến 6 hầm bí mật che chở cho cả trung đội quân giải phóng.
Một buổi sáng năm 1963, có kẻ chỉ điểm, lính Mỹ và tay sai ập đến dùng dùi cui, lưỡi lê, gậy gộc thay nhau tra tấn mẹ giữa sân nhà. Suốt cả ngày không moi được lời khai nào, chiều tối thấy mẹ lịm sâu giữa vũng máu, chúng khiêng mẹ vứt ngoài bờ sông. Đêm đó, bà con đốt đuốc đem mẹ về chạy chữa. Nhưng đôi mắt mẹ đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy gì. Khi ấy mẹ 45 tuổi.
Năm 1966, mẹ Nhứt chịu cùng lúc 3 cái tang của chồng và hai con trai. Tháng 4, anh Lê Văn Tam ngã xuống trong trận chiến khốc liệt ở cầu Bồng Sơn (Bình Định). Cuối tháng 10, anh Lê Văn Tứ (Túc) là Thường vụ tỉnh Đoàn Quảng Đà bị địch phục kích, hy sinh khi mới 25 tuổi. Chỉ 2 ngày sau, chồng mẹ là ông Lê Văn Cự hy sinh trong trận chống càn. Nước mắt mẹ cạn khô trên đôi mắt đã loà. Nhưng trong dòng người xuống Vĩnh Điện biểu tình chống chiến tranh, đòi hoà bình tự do, vẫn luôn có mẹ đi đầu. Những căn hầm bí mật trong vườn mẹ vẫn là nơi trú ẩn an toàn nhất cho cán bộ, bộ đội.
Tết Mậu Thân 1968, anh Lê Văn Đủ (tức Lê Nguyên Hồng), con trai út của mẹ - chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng bị địch bắt đày ra Côn Đảo khi mới tròn 16 tuổi. Ba năm sau, năm 1971, từ Côn Đảo, anh Hồng nhận được thư chị Bảy, vợ anh cả Lê Văn Nhất.
“Em ơi, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, em cũng ráng sống nghe em. Ngày em trở về, dù không còn nguyên vẹn hình hài, chị cũng nguyện nuôi em suốt đời. Vì giờ này em là người con trai duy nhất trong gia đình mình đấy. Mất em, mẹ không thể sống nổi đâu. Ráng sống nghe em...”. Lập tức, anh Hồng hiểu vậy là anh Hai Nhất cũng đã hy sinh. Khi đó anh đang là Bí thư Đảng uỷ xã Điện Hoà...
Nhiều chi tiết về cuộc đời mẹ Nhứt ghi ở trên, tôi chép lại từ điếu văn khóc mẹ của chị Dung, anh Hồng. Bài điếu văn dài và cảm động ấy phút cuối lại chưa cần dùng đến. Số là mùng 6 Tết Quý Tỵ vừa rồi, mẹ Nhứt vào tuổi 96, bỗng nhiên nằm thiếp đi bằn bặt, hơi thở cạn dần, lay mãi không dậy. Con cháu hốt hoảng, nghĩ mẹ đã đến lúc phải đi, bèn chia nhau lo hậu sự.
Đêm ấy, chị Dung ngồi viết những lời cuối đầy nước mắt cho mẹ. Nhưng rồi, mẹ dần hồi tỉnh, lại ngày ngày bên khu vườn xanh mát nằm nghe con cháu tâm sự, chuyện trò. Dù từ lâu mắt mẹ đã không còn thấy, tai đã không còn nghe, giao tiếp bây giờ của mẹ là những nụ cười thoảng trên gương mặt nhăn nheo...
Con xin lỗi Mẹ!
Nơi khu vườn làng quê yên ả ấy, mẹ Nhứt có lẽ không biết có một người lính Mỹ cầm súng ở Việt Nam ngày nào, mấy ngày nay đang mải mê nặn tượng mình. Ông chụp ảnh chân dung mẹ đủ mọi góc độ. Sưu tầm lại những tấm ảnh hiếm hoi của mẹ nhiều năm trước cùng gia đình khi còn tự ngồi được. Và rồi khối đất sét đặt bên ngoài cửa sổ giường mẹ dưới bàn tay khéo léo của ông, bỗng dần có linh hồn. Nhiều lúc thấy ông buông tay, nhìn đăm đắm qua ô cửa. Có lúc thấy ông ngồi một mình nắm tay mẹ thủ thỉ trò chuyện. Kể về mẹ của mình. Về những nỗi buồn. Nhiều lần ông lặp lại mấy từ cảm ơn và xin lỗi.
Cựu binh Jim cùng gia đình mẹ Nhứt dùng bữa với mỳ Quảng Ảnh trần tuấn
Cựu binh Jim cùng gia đình mẹ Nhứt dùng bữa với mỳ Quảng. Ảnh: Trần Tuấn.
Người cựu binh Mỹ ấy có tên là Jim Gion, 66 tuổi, đến từ Portland thành phố ven bờ duyên hải Thái Bình Dương thuộc tiểu bang Oregon.
Tháng 5/1969, trong bộ đồ lính hải quân viễn chinh, Jim, 22 tuổi, có mặt tại quân cảng Đà Nẵng. Đang học đại học năm 2 ngành điêu khắc, bị người yêu “đá”, chàng sinh viên máu nghệ sỹ bèn chán đời bỏ học. Rồi bị gọi đi lính.
Chị Dung kể, sau khi Jim đồng ý đúc tượng cho mẹ Nhứt, cả nhà chưa kịp mừng, bỗng giật mình, lo không biết mẹ đang còn sống, đúc tượng có “hệ” gì không. Gia đình sắm sửa mâm lễ khấn ông bà tổ tiên cho phép đúc tượng mẹ để con cháu bây giờ và mãi sau này còn được thấy mẹ. Quả nhiên mấy lần gieo quẻ, đều thuận. Tôi hỏi ở Mỹ có kiêng đúc tượng người sống không, Jim bật cười: “Ở Mỹ, mọi người đều biết họ sẽ chết”.
Jim kể ông chọn hải quân – thời gian quân ngũ dài tới 4 năm, gấp đôi lính thường - vì “không muốn bắn ai, cũng không muốn ai bắn mình”. Hải quân, nhất là lính văn phòng như ông thường không phải xung trận. Một năm đóng ở Sơn Trà – Đà Nẵng, rồi thêm 1 năm ở quân cảng Sài Gòn, đúng là Jim chưa phải chĩa súng vào ai.
Tháng 5/1971, hạ sĩ Jim Gion được ra quân, về học xong ngành điêu khắc rồi qua Nhật sống luôn cả chục năm sau đó. Hai đời vợ Nhật lần lượt cho ông hai đứa con gái. “Những tháng năm đó tôi chán nản lắm, nghĩ nhiều về cuộc chiến tranh mà tôi chứng kiến. Người Mỹ không nên có mặt ở Việt Nam”.
Lựa lúc Jim ngồi bên mẹ Nhứt, tôi hỏi khi đi lính, mẹ ông ở nhà có lo lắng nhiều không. “Mẹ tôi rất lo, viết nhiều thư, nhưng rồi cũng yên tâm vì tôi đóng ở trung tâm Đà Nẵng, Sài Gòn, chứ không phải đến những nơi khốc liệt như ngôi làng này”.
Năm 2000, Jim lần đầu trở lại Việt Nam. Ông muốn xem đất nước hoang tàn vì chiến tranh này hồi sinh bằng cách nào. Rồi từ đó ông liên tục quay lại, mà như ông nói, bởi tấm lòng “rất lương thiện” của người Việt.
Trên chuyến tàu đầu tiên từ TP Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng dạo ấy, ông được một bà mẹ Việt Nam vui vẻ chia sẻ món đồ để cùng “ăn cho vui”. Người chạy xe ôm lần đầu tiên gặp ở ga Đà Nẵng năm 2006, lập tức trở thành người bạn thân thiết.
Người đàn ông chạy xe ôm ấy tên là Nguyễn Nghĩa, trước 1975 từng đi lính, sau giải phóng gia nhập lực lượng TNXP qua chiến trường Campuchia phục vụ chiến đấu. Giữa hai người đàn ông là biết bao câu chuyện về chiến tranh.
Jim còn có một người bạn thân ở Bình Dương tên là Đoàn Tấn Huệ, chủ một xưởng đúc đồng. Jim từng đưa Huệ qua Mỹ học phương pháp đúc đồng hiện đại. Chất liệu đồng hoàn toàn được Jim đưa từ Mỹ sang. Cùng Huệ, Jim đã làm nhiều tượng ở nhiều nơi tại Việt Nam.
Cụm từ “Mẹ Việt Nam anh hùng” lần đầu tiên được bổ sung vào vốn từ tiếng Việt của Jim cách đây chừng 1 tháng. Đó là lần ông tình cờ gặp chị Dung khi mới quay lại Đà Nẵng.
Thông qua người bạn, biết ông là nhà điêu khắc, chị Dung đánh tiếng hỏi ông về việc đúc tượng mẹ mình. Không hiểu sao lúc ấy, câu đầu tiên Jim hỏi chị là mắt mẹ còn sáng không? Thế rồi, sau những gì chị Dung kể, Jim lặng người. Đặc biệt là khi ông được đọc bài điếu văn về mẹ...
Jim vừa hoàn thành mẫu chân dung mẹ Nhứt. Khó nhất là phần tóc của mẹ giờ không còn. Cuối cùng, chị Bảy, con dâu mẹ trở thành người làm mẫu tóc cho mẹ.
Tượng mẹ đúc bằng đồng ở Bình Dương còn phải qua rất nhiều công đoạn nữa. Nhưng Jim sẽ đưa về Mỹ để hoàn thiện khâu cuối cùng, trước khi mang về Quảng Nam tặng mẹ.
Trần Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét