Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Người mẹ tự vẫn vì chồng con

Chuyện chỉ có ở xứ thiên đường của chúng ta. Xem các quan chức cuống quýt thu xếp làm êm vụ này lại nghĩ đến hàng triệu gia đình nghèo khác.
Đêm qua đọc bài của bác Đào, có đoạn: "Đa số người dân Việt, nhất là giới trí thức, rất khinh ghét đám công chức và quan chức Việt Nam bởi chất lưu manh, gian trá, lá mặt lá trái, tham lam vô độ, không đứng đắn và tử tế với dân. Đám quan chức Việt phần lớn đã ngu do cơ chế đề bạt, tuyển dụng nhưng lại gian, tham…"

Người mẹ tự vẫn vì chồng con
"Trong hoàn cảnh quá khổ sở, không lối thoát, em đành phải xa anh và các con…”, đó là dòng thư tuyệt mệnh của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (48 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau) đã quyên sinh.


Bằng - con trai lớn của chị Nhân - thắp nhang bên 
bàn thờ người mẹ vừa qua đời - Ảnh: Tấn Thái
Hai cảnh đời khốn khó
Ngày 27-4, bàn thờ người phụ nữ đã khuất trong gia đình nghi ngút khói hương. Đinh Công Bằng, con trai lớn của chị Nhân, chắp tay khấn nguyện mong linh hồn mẹ mình sớm siêu thoát và hứa sẽ tiếp tục con đường học vấn như trăng trối trong thư mẹ để lại.
Anh Đinh Hoài Bảo, chồng chị Nhân, mắt nhìn xa xăm về ngôi mộ còn thơm mùi đất, cho hay gia đình ở ấp Tân Thuộc (An Xuyên), có 4 anh chị em, bên vợ 7 người, hai người anh vợ buồn tình, rượu chè bê tha nên bị bệnh chết trẻ. Vợ anh tự dưng trở thành con lớn trong nhà. Trong một lần đi gặt thuê, anh tình cờ gặp bà Nhân, tìm hiểu biết gia cảnh nghèo giống nhau, phải bươn chải mưu sinh từ rất sớm. Hai mảnh đời cơ cực ấy không lâu trở nên chồng vợ như bèo nước gặp nhau.
Bức thư tuyệt mệnh của chị Nhân để lại sau khi chết - Ảnh: Đông Triều
Cưới nhau không lâu, vợ chồng anh Bảo ra riêng, được gia đình hai bên hùn tiền mua cho 5 công đất nông nghiệp. Cuộc sống chỉ tạm đủ ăn bước đầu. Tới khi 3 đứa con của anh lần lượt là Bằng, Tâm, Ngân ra đời, cuộc sống eo hẹp, anh Bảo vừa phải đi đào đất, gặt lúa mướn, vừa phải chăm lo ruộng nhà mới mong đủ lo đủ 5 miệng ăn.
Biến cố bất ngờ ập đến, trong một lần cùng chồng đi gặt lúa thuê, chị Nhân tự dưng bị động kinh, giật méo miệng, không làm nặng được nữa nhưng thường xuyên tốn tiền thang thuốc. Sau nhiều năm chạy chữa bệnh cho vợ, miếng đất nhỏ canh tác ở nhà từ cầm cố rồi bán đứt.
Thương chồng vất vả, chị Nhân không đành lòng ngồi nhà, bươn chải theo chồng làm phụ hồ, khi thì ra chợ bán rau, bánh mì để kiếm những đồng tiền chân chính phụ chồng nuôi các con ăn học. “Cha mẹ, vợ chồng mình vất vả vì ít chữ, cỡ nào cũng gắng nghen anh, đừng để tụi nhỏ giống mình” - anh Bảo thuật lại lời tâm tình của vợ, giọng đứt quãng.
Hành trình tìm chữ cho con
Nhờ chăm chỉ làm thuê nên nên cuộc sống gia đình anh Bảo cũng tạm đấp đổi qua ngày. Năm 2006, gia đình được công nhận thoát nghèo. Sau đó, chị Nhân tốn tiền thuốc thang nhiều hơn vì không còn được cấp bảo hiểm y tế, các con của chị cũng không được miễn giảm học phí như trước.
Đến năm 2011, sức khỏe chị Nhân suy yếu, không còn mua gánh bán bưng được. Cảm thương hoàn cảnh khốn khó, một gia đình ở TP Cà Mau cho chị vào giúp việc nhà, trả công mỗi tháng 2 triệu đồng. Cùng thời gian ấy, con trai lớn của chị đậu và đi học ở Bà Rịa - Vũng Tàu, chi phí tăng thêm bội phần.
Để có tiền giúp con yên tâm lo học, chị Nhân dò hỏi và biết có chính sách vay tiền cho học sinh, sinh viên. Theo hướng dẫn của những người vay trước, chị Nhân làm đơn kể hoàn cảnh khó khăn để được vay tiền, có xác nhận của ấp, của xã khi đơn vay bị Ngân hàng Chính sách - xã hội từ chối vì chị không có sổ hộ nghèo.
Chị tiếp tục tìm về ấp, xin công nhận hộ nghèo nhưng xin hoài mà vẫn không được. Bởi tổng thu nhập của hai vợ chồng chị bình quân mỗi tháng 5 triệu đồng, chia cho năm nhân khẩu thì bình quân mỗi nhân khẩu được 1 triệu đồng/tháng, vượt ngưỡng so với quy định hiện hành về xét hộ nghèo và cận nghèo.
Tìm kiếm sự trợ giúp nhưng lực bất tòng tâm, tinh thần chị Nhân ngày thêm sa sút, kéo theo bệnh tình nặng thêm. Đến tháng 3-2013, sau lần đi khám và điều trị bệnh, chị mất luôn công việc phụ giúp việc nhà, mọi lo toan dồn lên vai anh Bảo.
Anh Bảo sụt sùi kể: "Hơn 20 ngày trước, bả nằm đêm nói sẽ chết vì sống mà không giúp gì được cho chồng, cho con, lại tốn thêm tiền thuốc mỗi ngày 140.000 đồng. Khoản ấy bằng với tiền công tôi làm thuê thay vì mua thuốc để dành tiền cho các con. Tôi trấn an, bả hứa nhưng rồi bả lại thất hứa…!".
Bức thư nhói lòng
Xế chiều 24-4, con út của chị Nhân là Đinh Hoài Tâm đi học về, mở cửa thì phát hiện mẹ mình đã treo cổ chết. Anh Bảo đang phụ hồ gần nhà, được báo tin như sét đánh, tưởng chừng ngã quỵ.
Người thân, chòm xóm, chính quyền… nhanh chóng có mặt, chung tay lo hậu sự cho chị Nhân. Lục soát gần nơi người vợ vắn số, anh Bảo phát hiện có thư tuyệt mệnh do vợ mình để lại.
Đầu bức thư, chị Nhân viết: “Anh! Trong hoàn cảnh quá khổ sở, không lối thoát, em đành phải xa anh và các con…”.
Tiếp theo nội dung thư, chị Nhân cho hay việc chị tự tìm đến cái chết để cho chồng bớt gánh nặng tiền thuốc men, dành phần tiền ấy lo cho các con ăn học; vì bản thân bệnh nặng, sức khỏe tinh thần đều suy sụp; vì muốn phù hộ cho chồng con khỏe mạnh, trúng số độc đắc…
Trong đoạn gần cuối của bức thư, chị Nhân có đề cập đến nguyện vọng được cấp sổ hộ nghèo. Thư viết: “Xin các cấp chính quyền ấp 5 thấu hiểu cho hoàn cảnh không lối thoát của chúng tôi hiện nay mà cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi để sống những ngày tháng còn lại trên đời”.

Lời sau cùng của thư, chị Nhân nhắn nhủ với chồng con, mong chồng con tha thứ. Chị viết: “Chết là hết, chỉ thương anh ở lại trên đời với biết bao gánh nặng… Các con Bằng, Tâm, Ngân đừng trách mẹ. Hãy gắng học nên người, đừng để cha con buồn. Cha con đã khổ với mẹ con ta nhiều lắm!”.
Bức thư sau khi được đọc lại từ tay anh Bảo, những người có mặt hôm đám tang chị Nhân ai cũng sụt sùi, ngấn lệ. Anh Trần Đại Đoàn, bí thư Đảng ủy xã An Xuyên, tâm sự: "Vợ tôi bà con cô bạn dì với nhỏ Nhân, vai lớn. Trước khi chết mấy ngày, nó có tìm đến tận nhà. Nghe vợ thuật lại, nội dung nói tôi mới chuyển công tác về làm lớn ở xã An Xuyên, nghĩ tình bà con mà xét hộ nghèo cho nó. Mới nghe bà xã kể lại, chưa kịp đưa ra xem xét gì thì 3 ngày sau xảy ra cớ sự".
Không để con chị Nhân bỏ học
Ngay sau cái chết của chị Nhân, UBND thành phố Cà Mau cử đoàn tới tận nơi thăm hỏi, động viên. Ông Chung Tấn Hải - phó chủ tịch UBND thành phố Cà Mau - đề nghị UBND xã An Xuyên nhanh chóng xem xét một số chính sách xã hội nhằm hỗ trợ gia đình chị Nhân, không được để con cái của chị phải dở dang việc học vì hoàn cảnh khó khăn.
Ông Trần Đại Đoàn cho biết: "Trong ngày 26 và 27-4, Hội khuyến học TP. Cà Mau và Chi hội khuyến học xã An Xuyên đã vận động, quyên góp bước đầu được tổng cộng 5,5 triệu đồng và trao tận tay anh Bảo, trợ giúp các con anh học hành. Phía xã cũng vừa chỉ đạo chính quyền ấp 5 rà soát cặn kẽ hoàn cảnh của gia đình chị Nhân xem có đủ điều kiện xét hộ nghèo hoặc cận nghèo hay không để xúc tiến lập danh sách, đưa ra trước dân bình xét theo đúng quy định".
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Tiến Hải, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau, đang đi học tại Hà Nội hay tin xảy ra cái chết thương tâm tại địa phương, chia sẻ qua điện thoại: “Tôi rất đau xót trước cái chết của chị Nhân. Giận chính quyền sở tại để xảy ra chuyện đau lòng này. Tôi đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra trách nhiệm chính quyền địa phương ấp 5 và xã An Xuyên và cả phía lãnh đạo Ngân hàng Chính sách của TP Cà Mau. Tôi cam đoan sẽ xử lý nghiêm túc sau khi có kết luận sai phạm hay thiếu tinh thần trách nhiệm. Tôi cũng đề nghị quý báo tiếp tục thông tin sâu, đầy đủ, nhiều chiều câu chuyện này”.
Chủ tịch UBND TP Cà Mau Hồ Trung Việt nói: “Tôi đã chỉ đạo Hội khuyến học TP Cà Mau đến hỗ trợ ngay 3 triệu đồng cho anh Bảo và tìm hiểu cặn kẽ gia cảnh của anh. Tôi xem đây là một bài học cho chính quyền địa phương ở góc độ quan tâm sâu sát đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân. Trước mắt, chính quyền địa phương đã có lỗi khi không quan tâm sâu sát đến đời sống, những khó khăn, tâm tư nguyện vọng của chị Nhân”.
ĐÔNG TRIỀU - TẤN THÁI
Theo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét