Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Viễn tưởng (I)

Viễn tưởng (I)
 
Nguyễn Trung
 
 
 
Lời nói đầu
 
Trong khi viết bài “Việt Nam và vấn đề sử dụng người tài trong giai đoạn hiện nay(Thời Đại Mới – số 22, tháng 8 – 2011), như một tất yếu khách quan, tôi đụng chạm phải nhiều vấn đề nóng bỏng trong bối cảnh đất nước đang đứng trước ngã ba đường, hoặc là.., hay sẽ là…. Ngay lập tức tôi bị thôi thúc: Phải nói suy nghĩ của mình về những câu hỏi tự mình đặt ra trong bài viết này. Lẽ đơn giản tôi không được phép chỉ đóng vai “người bình luận”.  
 
Tôi dự định sẽ tìm cách trình bày tập trung những suy nghĩ của mình liên quan đến những câu hỏi đề ra vào 3 bài viết tiếp theo:
  • “Đất nước đang đứng trước bước ngoặt bất khả kháng như một định mệnh”
  • “Suy nghĩ về sự nghiệp duy tân đất nước”
  • “Đảng Cộng Sản Việt Nam phải giành lại vai trò lãnh đạo bị đánh mất”
Với tất cả nỗ lực, tôi cố bám sát thực tế nghiệt ngã, chỉ để tìm ra những khả năng khả thi tối thiểu có thể có trong tình hình hiện nay cho việc giải quyết một số vấn đề hệ trọng đất nước. Tuy nhiên với nhiều lý do xác đáng, sẽ có những câu hỏi khó hoặc đến nay tôi chưa thể trả lời được. Vì những lẽ này, cả ba bài dự định viết này sẽ có cái tựa đề chung là Viễn tưởng.
 
Sự thôi thúc trong thâm tâm khiến tôi bỏ qua mọi hạn chế và ngần ngại của bản thân, liều lĩnh viết ra 3 bài viết này với hy vọng sẽ nhận được sự trao đổi rộng rãi trong dư luận.
 
Tất cả vì tổ quốc yêu dấu của chúng ta.
   
Bài 1
 
Đất nước đang đứng trước bước ngoặt mới
bất khả kháng như một định mệnh
 
         
          Trong bài “Việt Nam và vấn đề sử dụng người tài…”, tôi căn cứ vào (1) những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trên thế giới, (2) hiện tượng Trung Quốc đang trên đường ngoi lên thành siêu cường mà Việt Nam không may trở thành chướng ngại vật tự nhiên số 1 cần khắc phục, và (3) Việt Nam đã hoàn tất thời kỳ phát triển ban đầu có tên gọi là “đổi mới”, nay bắt buộc phải chuyển sang một  thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh mới của thế giới, tôi đi đến kết luận: Việt Nam phải triệt để tự thay đổi chính mình để trụ được và phát triển được trong thế giới quyết liệt ngày nay.
 
          Sự thay đổi phải thực hiện này vừa là bất khả kháng với nghĩa không thể tránh né được, vừa quyết liệt với ý nghĩa phải loại bỏ hay phủ định rất nhiều cái “hôm qua còn là chuẩn mực”, và đồng thời phải đặt ra cái đích và nhiều tiêu chí hay chuẩn mực mới khác hẳn những gì đã diễn ra trên đất nước ta. Đấy có lẽ sẽ phải là sự thay đổi chưa từng có trên đất nước ta kể từ ngày lập nước, đến mức trong thâm tâm tôi muốn nói: Trên con đường phát triển của mình, nước ta một lần nữa đứng trước một bước ngoặt định mệnh mới: Sống hay là chết!  
 
          Kết luận như vậy là điểm tựa cho 3 bài tôi sẽ viết ra.
 
          Trong bài 1 này, tôi cố gắng trình bày suy nghĩ của mình chung quanh chủ đề đất nước ta đứng trước bước ngoặt của định mệnh và hướng thay đổi nước ta nên lựa chọn.
 
          Bài này sẽ gồm 3 phần:
 
          I.    Những thay đổi lớn đang diễn ra trên thế giới
          II.   Những vấn đề đặt ra từ Trung Quốc
          III. Sự lựa chọn của nước ta 
 
 
I. Những thay đổi lớn đang diễn ra trên thế giới 
 
Trong một số bài viết của tôi từ những năm gần đây có liên quan đến chủ đề này (mở đầu từ bài “Ngã ba 2007”, trên Tia Sáng tháng 12-2007 và tháng 1-2008), dần dần tôi hiểu rằng tình hình kinh tế - chính trị thế giới đang chuyển đổi sang một thời kỳ mới. Thế giới chúng ta đang sống có nhiều cái mới và bất định khác trước. Đương nhiên, sự chuyển đổi này không phải là có tính gián đoạn hoặc gãy khúc, mà là quá trình tiếp nối những thay đổi diễn ra liên tục ở khắp các châu lục, được tích tụ thành những động lực của sự chuyển đổi hiện nay trên thế giới. 
Nhìn lại bức tranh chính trị toàn cảnh của thế giới từ nửa sau của thế kỷ XX, có thể tạm đưa ra những cột mốc để so sánh:  

-  Thời kỳ chiến tranh lạnh: mở đầu từ sau chiến tranh thế giới II, kết thúc khi các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô – Đông Âu cũ sụp đổ (1989-1991). Thời kỳ này kéo dài khoảng 45 năm, đánh dấu thế thượng phong của siêu cường Mỹ. 
-  Tiếp theo là thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, với đặc điểm là xuất hiện  nhiều vấn đề phi truyền thống mới, nổi bật là sự kiện 11-09-2001 đã thay đổi đáng kể cục diện thế giới.
Với tư cách là vai trò cường quốc số 1, trong thời kỳ này có lúc Mỹ gần như tập hợp được cả thế giới dưới ngọn cờ chống khủng bố - đỉnh cao mới của quyền lực Mỹ. Điểm này có lẽ là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tham vọng Mỹ mới và cuộc chiến tranh Iraq, với kết cục Mỹ rơi vào thế sa lầy nguy hiểm. Khi chiến tranh Iraq làm xong việc xóa bỏ chế độ Sadam Hussein, và khi Mỹ buộc phải tìm cách rút quân khỏi Afghanistan (đã thực hiện đợt đầu tiên 14-07-2011) và  để lại nhiều vấn đề chưa rõ ràng ở đây cũng như ở nhiều nơi khác trong khu vực và trên thế giới, thời kỳ hậu chiến tranh lạnh kết thúc. Cái giá Mỹ phải trả là từ đỉnh cao mới thời B. Clinton sau chiến tranh việt Nam và từ đỉnh cao nhiệm kỳ đầu của Bush (junior) thời hậu chiến tranh lạnh, Mỹ rơi vào vòng suy yếu mới với tốc độ và quy mô lớn hơn trước.     
Cụ thể là về kinh tế, cuộc khủng hoảng 2008-2010 là cuộc khủng hoảng lớn nhất nước Mỹ lâm vào kể từ cuộc đại suy thoái toàn cầu 1929-1933 và cho đến nay vẫn chưa có lối ra (có chính khách Mỹ đã phải nói: Bóp nghẹt được Al Qaeda thì kinh tế Mỹ cũng mắc kẹt!). Về chính trị, Mỹ phải bố trí lại căn bản chiến lược toàn cầu với nội dung chính là: (a) bớt can dự trên nhiều mặt trận; (b) đòi hỏi NATO phải gánh vác nhiều hơn (rõ nhất là trong vụ Lybia Mỹ gần như  khoán hẳn cho châu Âu gánh vác là chính), (c) chuyển trọng tâm vào khu vực châu Á đang bị Trung Quốc lấn sân.     
Xuống dốc của Mỹ kéo theo toàn bộ các nước phương Tây vốn đang trong quá trình rệu rã triền miên vào vòng suy thoái mới. Tương quan lực lượng trên thế giới thay đổi sâu sắc bất lợi cho toàn bộ thế giới phương Tây, có lợi cho Trung Quốc.          
          Đáng chú ý là thời kỳ hậu chiến tranh lạnh chỉ kéo dài ngót nghét hai chục năm và dựng nên một cục diện quốc tế hoàn toàn khác trước về nhiều mặt. Điểm nổi bật là sự thoái lui của Mỹ trong một số cam kết toàn cầu và động thái “rắn lên” của Trung Quốc cũng ở phạm vi toàn cầu – đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á, đến mức đã có những ý kiến cho rằng cán cân quyền lực toàn cầu đang “nghiêng nghiêng” về phía Trung Quốc, thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Quốc (John Ikenberry, Niall Ferguson, George Friedman, vân vân…).  
-  Thời kỳ hiện nay: Cục diện thế giới hiện nay chuyển vào thời kỳ Mỹ tiếp tục suy yếu tương đối với tốc độ nhanh hơn trước, ngay các dự báo lạc quan cũng cho rằng phải cần tới 5 năm hoặc lâu hơn nữa Mỹ mới có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đang lâm vào. Tuy nhiên Mỹ vẫn còn giữ được vai trò và ảnh hưởng của cường quốc số 1. Trong khi đó các cường quốc khác như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ có vai trò ngày càng lớn hơn. Tình hình này gây ra trong quan hệ kinh tế và chính trị thế giới nhiều thay đổi lớn và nhiều vấn đề mới, làm xuất hiện những mối quan hệ mới và sự phân cực hay tập hợp lực lượng mới.
·  Những hiện tượng quan trọng đang diễn ra trong thời kỳ hiện nay là: (a) sự phát triển năng động các mối quan hệ kinh tế giữa Nga và phương Tây - nhất là với EU; (b) Nhật và Hàn Quốc tăng cường quan hệ hợp tác với nhau và với Nga, Ấn Độ, và các nước Đông Nam Á để cải thiện vị thế của họ trong đối phó với Trung Quốc; (c) Ấn Độ chủ trương tăng cường vai trò của mình trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á, và nhất là củng cố vị thế của quốc gia này tại Biển Đông và Ấn Độ Dương – trước hết cũng nhằm cải thiện vị thế cạnh tranh của họ đối với Trung Quốc; (d) Indonesia ý thức được sâu sắc sự thay đổi này trên thế giới và trong khu vực nên đang giành mọi nỗ lực đóng vai trò số 1 của ASEAN và phấn đấu trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 của thế giới, vân vân...
·  Toàn bộ những diễn biến vừa kể trên có ba đặc điểm chính: (a) hướng vào châu Á-Thái Bình Dương với tính cách là khu vực kinh tế phát triển năng động nhất của thế giới trong hiện tại và tương lai để tranh thủ cơ hội phát triển cho chính quốc gia mình; (b) với tính cách như vừa trình bày, châu Á-Thái Bình Dương  còn được coi là cứu cánh của tương lai phát triển kinh tế thế giới; mặt khác chính với tính cách như vậy ở châu Á đang tiềm tàng những nguy cơ mới nghiêm trọng[1] (Hillary Clinton, Michèle Flournoy, Robert Kaplan…); (c) việc Trung Quốc bằng kinh tế và quyền lực mềm đã giành được ảnh hưởng quan trọng ở nhiều quốc gia tại cả 5 châu lục – nhất là tại các nước đang phát triển; (d) nhiều quốc gia cảm nhận được thách thức ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc, do đó có xu hướng cùng nhau đối phó với động thái của Trung Quốc ở khắp nơi (đặc biệt là trong quan hệ kinh tế và trong những vấn đề liên quan đến Biển Đông).
Không phải ngẫu nhiên thủ tướng của Nhật Yoshihiko Noda vừa mới nhậm chức chưa ấm chỗ thì trong phát biểu đầu tiên về đối ngoại ngày 14-09-2011 đã phải thẳng thắn bầy tỏ mối lo ngại về sức mạnh quân sự Trung Quốc và đồng thời yêu cầu Trung Quốc cần làm mọi việc để thực hiện vai trò là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
·  Một đặc điểm nổi bật khác xảy ra như một hệ quả tất yếu của sự gắn bó hữu cơ với nhau trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc, đó là các nền kinh tế phương Tây gần như cùng một lúc có nhiều vấn đề nan giải buộc phải thay đổi trong cơ cấu kinh tế cũng như trong thể chế điều hành vỹ mô – đặc biệt là các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu và tự do thương mại, lưu chuyển lao động, nợ công, các vấn đề tài chính tiền tệ, và nhiều vấn đề pháp lý khác... Bởi vì cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của phương Tây, trước hết là Mỹ, vừa mang tính cơ cấu do sự phát triển thiên lệch các sản phẩm kinh tế ở quy mô lớn, vừa nằm sâu trong thể chế điều hành (đặc biệt là thất bại lớn trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ). Vì vậy, những công cụ xử lý ở tầm vỹ mô có thể huy động được như lãi suất, gói kích cầu, đòn bảy của các chính sách thuế… đều vừa quá nhỏ so với tầm vóc của khủng hoảng, vừa bị giảm thiểu hiệu quả (kích cầu không xuể và có tác dụng tăng lạm phát; thắt chặt tiền tệ thì gây đình đốn và tăng thất nghiệp…),. Tình hình khó khăn này còn kéo dài và còn có thể dẫn đến những biến đổi khó lường trong kinh tế và từ kinh tế sang chính trị.
·   Một trong những vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay tác động lên mọi quốc gia là tình trạng suy thoái trầm trọng của những nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Nhật. Đặc biệt là vấn đề nợ công của phần lớn các nước EU được đánh giá là xấu và rất xấu, thậm chí tiềm tàng nguy cơ vỡ nợ và kinh tế sụp đổ như ở Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha… EU – trước hết là Đức và Pháp – đang dồn mọi nỗ lực chống lại nguy cơ đồng EU tan vỡ. Trong khi đó đồng USD tiếp tục mất giá. Trên toàn thế giới đang diễn ra một cuộc chạy trốn vào vàng khiến cho giá vàng lên cao chưa từng có và qua đó trực tiếp tăng thêm tình trạng đình đốn kinh tế của nhiều quốc gia  (trong đó có Việt Nam)… 
·   Trong khi đó Trung Quốc ráo riết vận động cho việc lên ngôi của đồng Yuan (Nhân dân tệ) với tính cách là phương tiện thanh toán quốc tế, đồng thời sẵn sàng tung dự trữ ngoại tệ của mình ra mua các nợ xấu và các trái phiếu tại các nước Tây Âu đang bên bờ sụp đổ về tài chính tiền tệ, nhằm đánh đổi lấy những lợi thế kinh tế và chính trị mới ở phạm vi toàn cầu. Động thái này thách thức trực tiếp các đối thủ của Trung Quốc, và đồng thời tác động mạnh vào các mối tương quan lực lượng của trật tự thế giới hiện hành. Một số nước như Nhật, Ấn Độ, Brasil… cũng sẵn sàng bỏ vốn góp phần cứu nguy tình trạng tài chính khốn khó của một số nước Tây Âu với mục đích chung sức ngăn ngừa suy thoái toàn cầu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chính mình.
·   Tình hình trầm trọng đến mức Ngân hàng Thế giới đã phải cảnh báo: Cần làm mọi việc để phòng ngừa một cuộc đại suy thoái mới (R. Zoellick, WB, 14-09-2011). Thậm chí đã có kiến nghị thiết lập một thể chế đồng tiền quy chiếu quốc tế (international reference curency) thay thế đồng USD quá suy yếu hiện nay (có thể là theo một dạng đơn vị Quyền rút vốn đặc biệt - SDR của IMF), một cơ chế phòng ngừa gắt gao các hố đen trong toàn bộ hệ thống các ngân hàng trên thế giới nói chung, và một chế độ kiểm toán đặc biệt đối với hệ thống các ngân hàng của Mỹ, Anh và Thụy Sỹ (thư ngỏ của nhóm Franck Biancheri 29 – 03 – 2009), vân vân…
·  Bên cạnh những cái “được”, những vấn đề nan giải nói trên là những hệ quả tất yếu, là mặt trái của quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới ở giai đoạn hiện nay. Tình hình này buộc tất cả các  cường quốc cũng như hầu hết các nước khác trên thế giới phải tiến hành nhiều thay đổi chiến lược trong kinh tế cũng như trong chính trị nhằm đáp ứng những vấn đề mới đặt ra cho chính quốc gia mình, qua đó dấy lên những thay đổi lớn và sâu sắc ở nhiều quốc gia khác, đồng thời làm phức tạp thêm những mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau trong phạm vi khu vực hoặc trong phạm vi toàn cầu. Để chậm trễ đồng nghĩa với đổ vỡ khó cứu vãn.
 
Ví dụ 1: 
Mỹ là một trong những quốc gia luôn luôn đi đầu trong phương thức vận động “thường xuyên thay đổi để phát triển”. Tuy vậy, vẫn chưa đủ vì những lý do đã trình bày trong bài biết này. Khi Obama lên cầm quyền, thay đổi trở thành một quan điểm, một quyết tâm chiến lược mới nhằm đưa kinh tế Mỹ ra khỏi khủng hoảng và cải thiện vị thế nước Mỹ hiện nay. Đặc biệt là Mỹ đang có nhiều nỗ lực cơ cấu lại kinh tế nước mình với xu hướng tăng cường phát triển thị trường nội địa, trước hết nhằm khắc phục những yếu kém hay sai lầm do một thời gian dài đã quá thiên lệch về “outsourcing” (đưa vốn ra khai thác các nguồn lực bên ngoài), khiến nhiều mảng thị trường nội địa đã bị sản phẩm nước ngoài chiếm lĩnh, trực tiếp gia tăng nạn thất nghiệp, gây nên những mất cân bằng ngày càng nguy hiểm trong cấu trúc kinh tế cũng như trong nhiều lĩnh vực của đời sông kinh tế và xã hội nước Mỹ, đồng thời làm suy yếu khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
Sự thay đổi do Obama đề xướng có phạm vi sâu rộng hầu như trong mọi lĩnh vực đời sống nước Mỹ, từ cải cách giáo dục, đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng, một số vấn đề trong thể chế (đặc biệt trong 2 vấn đề: bảo hiểm y tế và các chính sách thuế)… Đi liền với sự thay đổi này là những thay đổi quan trọng trong chiến lược toàn cầu như đã trình bày trên.
Tại hầu hết các nước phát triển khác cũng đang diễn ra những thay đổi sâu sắc tương tự như ở Mỹ. Ưu tiên là: “Phải cải cách sản phẩm và thị trường lao động, tăng cường cho giáo dục (một số nước còn đề ra vấn đề cải cách triệt để các nhà trường), đổi mới, tăng trưởng xanh, cạnh tranh, các biện pháp thuế, y tế - đó là những điều chúng ta nên tập trung chính cho một chiến lược lâu dài để phục hồi tăng trưởng bền vững…” (Angel Gurria - Tổng Thư ký OECD -22-9-2011)
Ví dụ 2:
Chỉ riêng việc các nền kinh tế của các nước phát triển phải quan tâm hơn nữa đến phát triển thị trường nội địa, đồng thời phải điều chỉnh lại chiến lược “outsourcing”, cấu trúc lại kinh tế của nước mình cho phù hợp với những đòi hỏi và thách thức mới, khiến cho nhiều nước hữu quan – nhất là các nước đang phát triển – phải thay đổi mạnh mẽ cơ cấu xuất nhập khẩu của nước mình, cũng có nghĩa là phải  thay đổi chính cơ cấu kinh tế hiện có của nước mình. Toàn bộ  sự thay đổi này đòi hỏi tất cả các nước đang phát triển phải thay đổi từ chiến lược phát triển đến cấu trúc kinh tế, lựa chọn sản phẩm mới.., đến những thể chế điều hành của nước mình – nhất là các thể chế điều hành vỹ mô và thể chế chính trị mang tải nó để có thể thích nghi với những đòi hỏi trong tình  hình mới.
V… v…
 
 
Trong giới nghiên cứu chiến lược có nhiều ý kiến cho rằng suốt thời kỳ hậu chiến tranh lạnh Mỹ và phương Tây đã thất bại trong việc lôi kéo Trung Quốc trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế (ảo tưởng về G2 – chính Obama cũng thừa nhận điều này). Mỹ và phương Tây cũng thừa nhận có sự ngộ nhận và chậm trễ trong đối phó với Trung Quốc ở phạm vi toàn cầu, đã để cho Trung Quốc “lấn sân” quá xa trong quá nhiều lĩnh vực (Huntington, Kaplan, Friedberg…). Thậm chí có một số ý kiến cho rằng Mỹ đã có những sai lầm và bị mắc bãy, bị tiêu hao sinh lực trong vấn đề Al Qaeda, đến nỗi để cho Trung Quốc rảnh tay chiếm được sức mạnh mới và lợi thế mới nhanh hơn dự kiến của chính Trung Quốc (David Shambaugh), để xu thế này tiếp diễn sẽ chứa đầy tiềm năng đưa tới xung đột Mỹ - Trung (Aaron L. Friedberg,  “A Contest for Supremacy: China, America and the Struggle for Mastery in Asia”, Đại học Princeton), vân vân…
Trên phương diện an ninh, Mỹ dưới thời Obama đang xúc tiến những điều chỉnh lớn trong quan hệ với các đồng minh và đối tác, đặc biệt là trong bố trí lại lực lượng quân sự chiến lược và tăng cường các mối liên minh và hợp tác quân sự hướng về châu Á…
Có thể theo dõi sự điều chỉnh chiến lược an ninh nói trên qua hợp tác quân sự Mỹ-Nhật-Hàn Quốc, Mỹ - Nga, Mỹ-Ấn Độ, NATO-Nga đang được cải thiện và gia tăng. Mỹ đặc biệt quan tâm bố trí lại sự có mặt về quân sự ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương (trong hoàn cảnh vì nhiều lý do phải giảm bớt vai trò các căn cứ quân sự của Mỹ trên đất liền tại một số quóc gia châu Á), gia tăng quy mô và cường độ các cuộc tập trận chung, đẩy mạnh bán vũ khí mới cho Đài loan... Hiển nhiên những động thái này chủ yếu nhằm đối phó với động thái “rắn lên” và hiện tượng “lấn sân” đang tiếp diễn của Trung Quốc, đặc biệt ơ châu Á. Sự chuyển hướng của Mỹ, phương Tây và những quốc gia khác như vậy là động lực mới thúc đẩy những động thái tập hợp lực lượng và phân cực mới trên bàn cờ quốc tế.
Những sự việc trên cho thấy Trung Quốc được coi là vấn đề của cả thế giới. Trung Quốc ra bạch thư (06-09-2011) để trấn an dư luận, giữa lúc đẩy nhanh việc đưa hàng không mẫu hạm của mình vào hoạt động, chuẩn bị cho dàn khoan  khủng đi vào Biển Đông!..
 Thiện chí, và cũng là giải pháp cho vấn đề Trung Quốc có lẽ là: Cộng đồng thế giới – bao gồm cả Trung Quốc, cần hiệp lực làm cho Trung Quốc trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế - như thủ tướng Nhật đã nói.
Thế giới ngày nay còn nhiều mối nguy tiềm tàng khác truyền thống và phi truyền thống mới, không một quốc gia nào dễ gì tìm được những giải pháp thỏa đáng. Tính chất quyết liệt chung của những nguy hiểm này là (1) nội dung  có nhiều vấn đề mới hoặc chưa có tiền lệ, (2) sự diễn biến của chúng thường nhanh hơn các dự báo chiến lược nào có được hoặc đi trước khả năng quản lý quốc gia của nhiều nước.  Những mối nguy hiểm ấy nằm trong các vấn đề:
(a)  Có nhiều biểu hiện cho thấy cuộc chạy đua vũ trang chưa bao giờ ngừng nghỉ ở phạm vi toàn cầu đang có sự gia tăng công khai hoặc không công khai. Nước nào có thể khoanh tay ngồi yên nếu thấy quốc gia hàng xóm của mình đã trang bị đến tận răng rồi mà còn đẩy mạnh vũ trang tiếp?
(b)  Sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc trong giải quyết những vấn đề kinh tế ở phạm vi toàn cầu – nhất là giữa một bên là nền kinh tế năng động đầy uy hiếp và thị trường to lớn của Trung Quốc và ảnh hưởng của nó ở Châu Á, với một bên là các nền kinh tế phương Tây và nhiều nước đang phát triển làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp (chủ nghĩa cơ hội – tốt hoặc xấu, thỏa hiệp, đấu tranh, buôn bán với nhau quyền lợi của bên thứ 3, những hệ quả nhạy cảm và đặc biệt nguy hiểm đối với các nước nhỏ có nền kinh tế yếu kém – trong đó có Việt nam…).
(c) Tiếp theo mùa xuân các cuộc “cách mạng hoa nhài” ở các nước Bắc Phi sẽ là những mùa hè nóng bỏng hoặc những mùa đông khắc nghiệt, còn lâu mới đến thời kỳ ổn định và phát triển ở những quốc gia này! Chưa nói đến ở Trung Đông, ở Nam Á còn nhiều vấn đề nan giải, trước hết là vấn đề Al Qaeda – Taliban… Tạm gọi đấy là tình trạng tranh tối tranh sáng đầy nguy hiểm cho chính những quốc gia ấy, cho các nước hữu quan, và cho cả thế giới còn lại. Những mối nguy hiểm này muốn hay không đều là môi trường mầu mỡ cho bất kể ý đồ nào muốn khai thác nó. Khó có một siêu quyền lực nào có thể mang lại trật tự cho một sân khấu hỗn mang như vậy, trong khi đó một thể chế quốc tế đủ mạnh của cộng đồng thế giới để chế ngự sân khấu này vẫn là chuyện của ước vọng.
(d)  Thế giới ngày nay có hàng loạt vấn đề truyền thống và phi truyền thống khác, tùy trường hợp khó mà nói được vấn đề nào nguy hiểm hơn vấn đề nào, ví dụ so sánh giữa nạn khủng bố và thiên tai, giữa xung đột văn hóa và sự tàn phá môi trường, giữa lưu chuyển lao động và việc gìn giữ các thể chế quốc gia, giữa cấu trúc lại kinh tế quốc gia và thị trường thế giới thay đổi ở mức độ trở tay không kịp, những mâu thuẫn giữa nhu cầu của phát triển và sự khan hiếm ở quy mô quốc gia và quy mô thế giới trong quá trình toàn cầu hóa ngày nay, giả thiết các cường quốc phương Tây quá chậm trễ trong việc cứu vãn  những nền kinh tế của mình, sự giành giật giữa các quốc gia về các nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt và về không gian sinh sống, tình trạng lão hóa dân số và sự mất cân bằng giới tính ở một số quốc gia, cujoocj chiến tranh mạng…
(e)  Vân vân và vân vân… 
Mọi quốc gia đứng trước những câu hỏi không dễ trả lời: Ở đâu? Cái gì? Và thế nào?.. Bỏ gì? Giữ gì? Đi tìm cái mới gì?.. Bỏ ai? Cứu ai? Phát triển ai? Đi với ai?.. là những câu hỏi đắt và không dễ trả lời. Cả thế giới đứng trước những vấn đề mới của phát triển.         
Những ý kiến nói về “Sự cáo chung của Mỹ”, về “Thế kỷ XXI là thế kỷ của Trung Quốc” v…v… có thể là những ý kiến bi quan, vì trong tầm nhìn có thể xác định được – ví dụ từ nay đến giữa thế kỷ này – không thể hay rất khó có thể sẽ có một Trung Quốc cầm đầu hay lãnh đạo thế giới! Song quyền lực Trung Quốc đang gia tăng rõ rệt ở châu Á là một thực tế đang diễn ra (Robert Kaplan, Hugh White…), những ý kiến bi quan này có lẽ phản ánh sắc nét tính quyết liệt của những thay đổi lớn và sâu sắc đang diễn ra trên thế giới trong giai đoạn hiện nay:
Giai đoạn đang hình thành một trật tự thế giới mới, ẩn chứa những bất định mới, nhiều lời giải và biện pháp cần thiết còn đang ở phía trước; các vấn đề nóng bỏng các quốc gia phải đối mặt khiến cho cuộc chạy đua với thời gian rất quyết liệt. 
II. Những vấn đề đặt ra từ Trung Quốc
Cần thừa nhận, bằng mọi giá ghê gớm Trung Quốc đã khôn ngoan giành được sự phát triển “thần kỳ”. Trong vòng chưa đầy 4 thập kỷ kể từ khi tiến hành cải cách 1976, ngày nay Trung Quốc có nền kinh tế với quy mô lớn thứ 2 trên thế giới. Tuy khó duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân xấp xỉ 10%/năm như trong 2 thập kỷ vừa qua, song hiện tại và trong một vài thập kỷ tới Trung Quốc vẫn còn là nền kinh tế năng động nhất thế giới với nhiều hệ quả đáng lo ngại cho chính bản thân Trung Quốc và cho cả thế giới[2]. Mặt khác, bản thân nền kinh tế Trung Quốc đang tích tụ ngày càng nhiều những yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ khủng hoảng lớn; ngay trước mắt là: lạm phát ngày càng nguy hiểm và khó kiểm soát, tỷ lệ thất nghiệp cao, ô nhiễm môi trường ở mức báo động, các biến động nội tại ngày càng nghiêm trọng do phân hóa xã hội gia tăng, nguy cơ phân rã tiếp tục căng thẳng; những đòi hỏi về nguyên liệu, năng lượng, nguồn nước, thị trường, không gian sinh tồn… ngày càng khó đáp ứng cho nhu cầu của phát triển của Trung Quốc (vẫn đang rất “nóng” và gần như với bất kỳ giá nào!)… Tất cả những vấn đề nóng bỏng này cần được xem xét ở quy mô của một quốc gia có số dân trên 1,3 tỷ người và với tính cách chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc có nội dung thực chất là chủ nghĩa tư bản toàn trị do một đảng lãnh đạo và đang ở thời kỳ phát triển trên con đường trở thành siêu cường (các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, cần chú ý điều này). Có nhiều dự báo cho rằng nếu không có những cải cách mới thành công, nguy cơ sụp đổ của kinh tế Trung Quốc là tiềm tàng (xem thêm: China's Imminent Collapse, by John Quigg in, The National Interest, September 13, 2011 ; Samuel A Bleicher, “Is China Heading for Collapse?”, Foreign Policy in Focus 13-09-2011; vân vân…)
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một đặc điểm khác nữa: Bản thân Trung Quốc gần như là một thế giới riêng cho chính nó, nghĩa là khi cần thiết khả năng tự điều chỉnh trong nội bộ của Trung Quốc rất lớn theo kiểu hy sinh cục bộ, để giữ lấy toàn cục, để kiên trì mục tiêu Đại Trung Hoa.., như đã và đang xảy ra, cho dù với những biện pháp khốc liệt (cách mạng văn hóa, Thiên An Môn, Tân cương, Tây Tạng…). Song cũng chính thực tiễn này đặt ra câu hỏi đáng sợ cho tương lai theo tư duy Trung Quốc hy sinh cục bộ để giữ toàn cục, mục tiêu biện minh cho biện pháp.., (xem thêm một số bài nói gần đây của Trì Hạo Điền). Điều này còn phải hiểu là khó xảy ra một sự sụp đổ đột ngột ở Trung Quốc. Song rõ ràng trong mọi trường hợp, những mâu thuẫn nội tại trong lòng Trung Quốc thường trực nóng và nhiều khi rất nóng. Điều này có nghĩa là động lực của những mối nguy hiểm hướng ngoại tác động vào các nước khác, nhất là các nước láng giềng thường trực hoạt động.
Một đặc điểm quan trọng là sự phát triển năng động của Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu đi các thị trường lớn của các nước phương Tây, song những quốc gia này đang phải thay đổi chiến lược phát triển kinh tế theo hai hướng là cấu trúc lại nền kinh tế và tăng cường hướng nội… Đồng thời, nhiều nước đang phát triển ở cả 5 châu lục cũng đang xem lại chính sách Trung Quốc vơ vét tàn bạo các nguồn tài nguyên của họ[3]. Hệ quả là không dễ gì Trung Quốc có thể tiếp tục phương thức làm ăn hiện hành để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu như vừa qua, tiếp tục mở rộng không gian kinh tế của mình. Nếu điều này xảy ra, sẽ có nghĩa kinh tế Trung Quốc phải suy giảm, sẽ tiềm tàng thêm và bùng nổ thêm nhiều náo loạn mới, trước hết bởi vì thất nghiệp sẽ gia tăng và sẽ phát sinh nhiều vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội khác rất căng thẳng trong nội tại Trung Quốc. Tóm lại, Trung Quốc cũng rất cần và phụ thuộc rất nhiều vào thế giới.
 Giới tinh hoa Trung Quốc đang tìm đường cải cách để chuyển sang một thời kỳ phát triển chú trọng hơn vào hướng nội và chất lượng hơn, hài hòa hơn với thế giới đương đại… (Ôn Gia Bảo, những khuynh hướng xã hội dân chủ trên một vài báo chí Trung Quốc…), nhưng cho đến nay chưa thấy ló ra một phương hướng hay hành động cụ thể nào. Có thể bởi vì sự tồn tại và phương thức phát triển hiện tại của Trung Quốc gắn liền với chế độ toàn trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, trong khi đó cốt lõi của cải cách lại là vấn đề dân chủ. Đòi hỏi lớn nhất trong xã hội Trung Quốc hiện nay cũng là vấn đề dân chủ. Nhưng đòi hỏi dân chủ lại mầm mống những nguy cơ rối loạn và phân rã, là gót chân Ashilles của thể chế Trung Hoa hiện tại.
Về đối ngoại, có thể nói các giới khác nhau trong hàng ngũ lãnh đạo Trung quốc có sự nhất trí tuyệt đối về mục tiêu đưa siêu cường Trung Quốc tương lai thành trung tâm của thế giới, tuy nhiên có sự khác biệt nhất  định trong cách tiếp cận vấn đề. Đáng chú ý là từ mấy năm nay, bên cạnh việc ráo riết vũ trang, trong đó đặc biệt tập trung vào xây dựng “hải quân nước xanh” (hải quân hoạt động tầm đại dương) và không quân, phô trương những nỗ lực về phát triển hàng không mẫu hạm, máy bay tàng hình.., Trung Quốc ngày càng có nhiều hoạt động uy hiếp hay đụng độ quân sự trực tiếp tầu thuyền nhiều quốc tịch khác nhau (Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Đan Mạch…) trên hải phận quốc tế ở Hoàng Hải và Biển Đông, xâm phạm lãnh hải các nước láng giềng… Tiêu biểu nhất là sự khẳng định ngang ngược “đường lưỡi bò 9 vạch” trên Biển Đông. Thậm chí đã có lúc Trung Quốc mặc cả với Mỹ việc chia đôi Thái Bình Dương. Nhiều ý kiến trong giới nghiên cứu cho rằng những hoạt động này, ngoài việc từng bước thực hiện khát vọng bá quyền, còn cho thấy phái bảo thủ và phái dân tộc chủ nghĩa, biểu hiện tập trung trong phát ngôn của giới quân sự Trung Quốc, đang giữ tiếng nói quan trọng trong nhiều quyết định đối ngoại của Trung Quốc hiện nay. Giới này cho rằng tình hình quốc tế và khu vực hiện nay đang là thời cơ lớn cho Trung Quốc tiến hành những bước đi mạnh mẽ cho các mục tiêu của mình, chí ít là ở trong khu vực, và trước mắt có thể mở rộng ra Ấn Độ Dương…[4]
Một thực tiễn diễn ra suốt chiều dài lịch sử Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không thể bỏ qua là khi Trung Quốc yếu bên trong, thường sẽ tìm cách gây hấn với bên ngoài để hướng ngoại mọi bùng nổ trong nội bộ quốc gia mình. Một khi Trung Quốc mạnh, thì cũng lấy những mục tiêu bá quyền để kích thích những nỗ lực sô-vanh trong lòng quốc gia mình. Hiện nay Trung Quốc lại càng như vậy. Nói một cách khác, hầu như trong mọi hoàn cảnh và bối cảnh, Trung Quốc luôn luôn cần có “kẻ thù bên ngoài” cho các mục tiêu đối nội và đối ngoại của mình. Vì mục đích này, nếu không có “kẻ thù” tự nhiên như thế thì tạo ra “kẻ thù” nhân tạo bằng bất kỳ cách nào! Để giữ ổn định nội bộ, Trung Quốc lại càng cần có “kẻ thù bên ngoài”[5]. Quên thực tiễn này trong quan hệ với Trung Quốc, người quên thường phải trả giá đắt. (Có lẽ Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều chứng cứ khẳng định thực tiễn nguy hiểm này trong quan hệ với Trung Quốc).
Một đặc điểm quan trọng khác của Trung Quốc góp phần không nhỏ đem lại cho Trung Quốc “thành công nhanh hơn dự kiến” (David Shambaugh), là Trung Quốc có những đồng minh vô cùng lợi hại cho thực thi quyền lực mềm của mình: đó là nạn tham nhũng ở bất kỳ quốc gia nào, tính toàn trị của các chế độ độc tài, các mâu thuẫn “Bắc-Nam” Trung Quốc đang ra sức khai thác, những tập hợp “Nam-Nam” theo những quan điểm dân túy và bài xích phương Tây đang được Trung Quốc cổ xúy… – cho dù những đối tác của Trung Quốc tại những quốc gia này là các chế độ diệt chủng ở châu Phi, chế độ theo đuổi chính sách vũ trang hạt nhân, các chế độ dân túy chống lại dân chủ và nhân quyền nhưng có xu hướng bài Mỹ, bài phương Tây, vân vân… Chính đặc điểm này phản ánh rõ nét nhất quan điểm “mục tiêu biện minh cho biện pháp” trong chính sách đối ngoại  của Trung Quốc, hình thành một kiểu tập hợp lực lượng không thể dung hòa được với xu thế phát triển chung của nhân loại là hòa bình, dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường... (R. Kaplan coi Trung Quốc là một cường quốc phi đạo đức (amoral); xem thêm Death by China: Confronting the Dragon – A Global Call to Action, của Peter W. Navarro, Greg Autry, chương 7 , v.v.)
Một hệ lụy nan giải nảy sinh trực tiếp từ tình hình nêu trên là: Một mặt Trung Quốc trở thành vấn đề của cả thế giới, mặt khác tìm kiếm sự phục hồi của kinh tế thế giới đòi hỏi phải có sự hợp tác và phát triển năng động của Trung Quốc nói riêng và toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Cho nên gạt bỏ Trung không được, nhưng kéo Trung Quốc vào cuộc chơi “win-win” không dễ. Thế giới, trước hết là các cường quốc – kể cả những xu hướng tiến bộ ở Trung Quốc, cho đến nay chưa có giải pháp gì cụ thể ngoài những diễn đàn của các chính khách thiện chí kêu gọi “win-win”.
Đương nhiên sức mạnh quyền lực của Trung Quốc còn nhiều hạn chế ở phạm vi toàn cầu. Tuy vậy, sức mạnh này nếu tập trung dồn lên những vấn đề trong khu vực Đông Nam Á lại có thể tạo ra so sánh lực lượng có lợi áp đảo cho Trung Quốc và rất nguy hiểm cho các nước trong vùng. Hơn nữa, Trung Quốc với những bước đi ngoại giao có tầm nhìn dài hạn, tính toán tinh vi, sảo quyệt, luôn luôn có thể tạo ra cho mình điều kiện chộp bắt những cơ hội thuận tiên, hoặc có những phương tiện trong tay tạo ra sự mua bán, thỏa hiệp, hay đổi chác nào đó mang lại cho Trung Quốc những điều kiện có thể cho phép Trung Quốc từng lúc dồn sức mạnh này thực hiện được từng mục tiêu riêng lẻ trong khu vực nhằm đẩy tới việc thực hiện ý đồ chiến lược của mình.
Nhiều kinh nghiệm đã xảy ra đối với Việt Nam, có thể tạm nêu lên:
- Trung Quốc đã khai thác việc tham gia Hội nghị Genève (1954) về chiến tranh Đông Dương và trên cơ sở nhân nhượng (hy sinh) lợi ích kháng chiến của Việt Nam giành được cho Trung Quốc vị thế quốc tế mới.
- Ngay sau đó (1954) Trung Quốc chiếm một phần Hoàng Sa khi ta ký Hiệp định  Genève kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược 3 nước Đông Dương của Pháp. Thế giới gần như lặng thinh vì có nhiều vấn đề khác nóng bỏng hơn.
- Năm 1973, khi ta ký với Mỹ Hiệp định Paris trong đó có việc Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Trung Quốc nhân cơ hội này 1974 đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa. Điều cần chú ý là hạm đội 7 của Mỹ có mặt tại đây nhưng không cứu.
- Tháng 2-1979, khai thác được thái độ thù địch của Mỹ sau thất bại trong chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc tiến hành cuộc chiến xâm lược quy mô lớn trên toàn biên giới phía Bắc nước ta.
- Năm 1988, lợi dụng vùng trống (vacuum) ở Đông Nam Á khi Mỹ bận bịu với vấn đề Trung Đông, Trung Quốc đánh chiếm 7 đảo và bãi đá ở Trường Sa, hải quân Liên Xô không ứng cứu (hay không thể cứu) – mặc dù lúc này Hiệp ước Hợp tác và Hữu nghị Việt – Xô vẫn còn hiệu lực.
- Năm 2008, Trung Quốc gây sức ép thành công buộc tập đoàn BP và Exxon hủy bỏ hợp đồng hợp tác khai thác dầu  khí với Việt Nam. [Chú ý: 9-2011, cùng mục đích như thế Trung Quốc gây sức ép còn quyết liệt hơn với Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ (India's state-run oil firm ONGC), nhưng cho đến giờ phút này Trung Quốc thất bại].
- Hiện nay Trung Quốc đang tìm mọi cách thực hiện chiến thuật bẻ từng cái đũa của bó đũa đối với các nước ASEAN, chỉ muốn tiến hành đàm phán tay đôi trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Đồng thời Trung Quốc phản đối mạnh mẽ sự tham gia từ bên ngoài khu vực vào những vấn đề của Biển Đông.
- Trước thái độ lấn tới của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ khẳng định mình có lợi ích cốt lõi đối với hòa bình và lưu thông thông xuốt trên biển này. Song Mỹ tuyên bố không tham gia giải quyết tranh chấp các vùng biển và đảo ở đây.
 Riêng về thái độ ứng xử của Trung Quốc trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, trong vấn đề Campuchia, trong cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam tháng 2-1979, và những hệ lụy sau đó từ Hội nghị Thành Đô cho đến nay, có thể được xem là những mẫu mực điển hình của nền ngoại giao đương đại Trung Quốc trên bàn cờ thế giới và tại khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt động thái đối ngoại của Trung Quốc thời kỳ này để lại cho hai nước Việt Nam và Campuchia không ít kinh nghiệm xương máu, rất đáng được nghiên cứu sâu sắc để rút ra những kết luận cần thiết cho hiện tại và tương lai. 
Một khía cạnh khác cần lưu ý: Đánh giá diễn biến cục diện thế giới kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc cho đến nay, không thể nào bỏ qua nhận xét (đã trình bày trong phần I.1) cho rằng về toàn cục cán cân quyền lực hiện đang nghiêng nghiêng có lợi cho Trung Quốc ở phạm vi toàn cầu và đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Đánh giá diễn biến này trần trụi theo quan điểm thắng/thua  (kiểu “zero sum game”), phải thừa nhận Trung Quốc tạm thời thắng, thế giới còn lại tạm thời thua. Sự thật cũng rõ ràng là Trung Quốc có những bước đi khôn ngoan – rất “trung quốc” như trong Tam Quốc Chí - , khai thác mọi tình hình tốt hơn. Trong khi đó mọi cách ứng xử và biện pháp đối phó hay phòng ngừa của nhiều quốc gia đối với Trung Quốc chứng tỏ kém hiệu quả trên nhiều phương diện…
 Thậm chí không hiếm ý kiến cho rằng trên bàn cờ thế giới Mỹ trúng quả lừa lớn của Trung Quốc kể cả về kinh tế và chính trị trong suốt thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, thực tế này có lẽ góp phần giải thích vì sao Mỹ (phần nào cả phương Tây nữa) tụt dốc khá dài và để cho Trung Quốc vươn lên quá nhanh.
 Thậm chí ở Mỹ không thiếu ý kiến muốn cùng Trung Quốc bá chủ thế giới. Tư duy này xuất hiện từ thời Nixon – Kissinger và bây giờ vẫn tồn tại (tìm xem: Kissinger, “On China” -2011).
 Riêng trong kinh tế, tự do hoá thương mại của thể chế toàn cầu hiện hành – nói theo Tuyên ngôn Cộng sản – đã và đang bị hàng rẻ và cạnh tranh bất chính của Trung Quốc bắn thủng ở nhiều nơi trên thế giới, không ít “trận địa” đã rơi vào tay Trung Quốc! Sự thực kinh tế thế giới đang đối mặt với một tiến thoái lưỡng nan cam go hơn trước: Không tự do hoá thương mại trên cơ sở cạnh tranh lạnh mạnh và thân thiện với môi trường, kinh tế thế giới không phát triển được. Song thể chế hiện có đang ngày càng thủng và dễ vỡ, thể chế đáng mong mụốn đến nay vẫn nằm trong miền mong ước.  
 Thử hình dung, với “cách đi” của Trung Quốc như hiện nay và một khi đồng Yuan trở thành phương tiện thanh toán quốc tế ở mức như các đồng tiền mạnh hiện nay, và đồng thời cách ứng xử của toàn bộ thế giới còn lại vẫn tỏ ra kém hiệu quả đối với Trung Quốc như bây giờ, kinh tế thế giới sẽ ra sao?
 Câu trả lời còn đang phải đi tìm, nhưng chủ nghĩa bảo hộ mới gần như là một phản xạ tự nhiên đang lấp ló.
 Suy thoái và khủng hoảng của kinh tế các nước phương Tây và nhiều vấn đề kinh tế nan giải của các nước đang phát triển làm cho bức tranh kinh tế có thêm nhiều gam mầu tối-xám kích thích suy nghĩ của Trung Quốc. Nếu giới “diều hâu” ở Trung Qụốc cho rằng thời cơ hiện nay là lớn nhất đối với Trung Quốc siêu cường tương lai, thì cũng đừng vội quy chụp cho họ là hoang tưởng. Bởi vì một bức tranh kinh tế- chính trị thế giới như vậy rất đáng lo ngại cho các nền kinh tế yếu kém – nhất là ở các nước đang phát triển.
 Diễn biến “nghiêng nghiêng” về phía Trung Quốc như đang nói tới hiện nay vẫn là một xu thế còn tiếp tục, cũng có nghĩa là mối nguy hiểm lớn này đang tiếp tục gia tăng. Ngay trước mắt, kinh tế Trung Quốc vẫn là năng động nhất. Mối nguy hiểm lớn này càng quyết liệt đối với Việt Nam với tính cách là một chướng ngại vật tự nhiên số 1 đối với Trung Quốc trên con đường đi lên thành siêu cường. Cái ranh giới bên chính bên tà trên đời vốn khó xác định, trong cục diện thế giới ngày nay lại càng mơ hồ hay lắt léo hơn, nhất là một khi chuẩn mực chính/tà có lúc phải nhường bước cho sự đánh đổi. Phải thừa nhận Trung Quốc có trong tay nhiều thứ để đánh đổi và rất cao thủ trong việc đánh đổi! Cũng phải thừa nhận nhiều nước trong vùng có sự “phụ thuộc kép”: Trung Quốc vừa là đối tác kinh tế quan trọng, vừa là nhân tố nhạy cảm đối với an ninh, nên những nước này không dễ dàng gì trong đối phó với những hành động bành trướng của Trung Quốc (Yoichi Kato). Sự uy hiếp của Trung Quốc trong khu vực tác động đến mức đã xuất hiện ý kiến cho rằng cần thừa nhận sự bá chủ của Mỹ ở châu Á đã kết thúc và cần chuyển sang một trật tự chia sẻ quyền lực ở đây giữa Mỹ và Trung Quốc (Hugh White – Australia). Hiện tai Ấn Độ đang theo dõi xít xao những động thái chuyển dịch quân sự trên bộ đang diễn ra trong vùng biên giới Trung - Ấn…
 
Tựu trung lại có thể nói, thế giới đang đi vào một thời kỳ khủng hoảng kinh tế - chính trị mới, trước hết với nghĩa thế giới đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng mới và đòi hỏi mới mà chưa có câu trả lời. Điều chắc chắn là xu thế tiến bộ trên thề giới – kể cả ở Trung Quốc – vì hòa bình, dân chủ, quyền con người và thân thiện với môi trường dù lúc thăng lúc trầm như thế nào nhưng trước sau vẫn là xu thế không thể đảo ngược. Đó chính là xu thế chung của thế giới hiện nay. Cuộc ganh đua Mỹ - Trung có những mặt đang trở thành cuộc ganh đua giữa tiến bộ và phản tiến bộ trên thế giới.  
Dù muốn – cứ giả định như thế, Trung Quốc không thể có khả năng áp đảo – kể cả bằng chiến tranh – và  quay ngược xu thế tiến bộ của thế giới. Nhưng đánh úp cục bộ - một dạng “chụp giựt bằng vũ trang”  theo kiểu tạo ra “sự việc đã rồi”, gây đụng độ cho những mục tiêu riêng lẻ… Trung Quốc đã làm nhiều lần rồi – đối với Việt Nam và một vài nước khác –,  và sắp tới Trung Quốc còn có thể tiếp tục làm được như thế, quyền lực mềm và gặm nhấm là mối nguy thường trực đối với nước ta. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định ngay, nếu Trung Quốc định lặp lại chiến tranh tháng 2-1979 dù là trên đất liền hay trên Biển Đông, kết cục sẽ không thay đổi như đã diễn ra, tương quan lực lượng ngày nay càng cho phép kết luận như vậy. 
Tạo lập ra được một trật tự quốc tế cân bằng và ổn định hơn so với tình hình thế giới đang có quá nhiều cái bất định như hiện nay là một khả năng hiện thực, là kịch bản cộng đồng quốc tế cần hiệp lực lựa chọn, thậm chí đang là mục tiêu sống còn của nhiều quốc gia – ví dụ, chắc chắn Mỹ và các nước phương Tây bằng mọi cách sẽ phải đưa nền kinh tế của họ ra khỏi trạng thái hiện nay. Song chuyển từ cái trạng thái hiện thời đang có quá nhiều cái bất định sang một trạng thái ổn định hơn là một khoảng thời gian đầy thách thức nguy hiểm. Trong cái đoạn giao thời đầy nhá nhem này, yếu tố thời gian và cuộc chay thi với thời gian thực sự là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định thắng bại của mỗi quốc gia. 
Cộng đồng thế giới – bao gồm cả nhân dân Trung Quốc – thực sự đứng trước đòi hỏi bức thiết cần làm cho Trung Quốc trở thành thành viên có trách nhiệm xứng đáng với vai trò của nó trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét