Thế giới tiêu tiền gì 20 năm tới?
Hiện nay hơn hai trăm loại tiền giấy được phát hành và lưu hành ở 193 quốc gia độc lập và vùng lãnh thổ. Thế nhưng liệu tiền giấy còn tồn tại và lưu hành trong bao lâu?
Chế độ bản vị vàng được lưu thông trong thời gian dài, sau đó tiền giấy ra đời đảm nhiệm chức năng lưu thông, trao đổi, dự trữ, thanh toán thay thế vàng, bạc. Hiện nay có hơn 200 loại tiền giấy được lưu hành ở 193 quốc gia độc lập và vùng lãnh thổ.
Lịch sử ghi chép, tiền giấy ra đời sớm nhất ở Trung Quốc vào đời Bắc Tống (năm 960 – 1127), khi đó chủ yếu là các tờ ngân phiếu viết tay. Tại châu Âu, tiền giấy ra đời vào năm 1661 do Ngân hàng Thụy Điển phát hành, khi đó cũng chỉ là những tờ ngân phiếu thay thế tiền vàng dễ lưu thông trong dân chúng. Phải tới năm 1694 khi Ngân hàng Anh (The Bank of England) được thành lập đồng thời cũng phát hành tiền giấy. Lúc đầu cũng là tờ ngân phiếu nhưng sau đó được thiết kế và in ấn chính thức lưu hành.
Năm 1792, khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật tiền tệ, các loại tiền giấy USD được lưu hành. Năm 1913 khi Mỹ thành lập Cục Dữ trữ liên bang (FED) và FED được quyền phát hành tiền giấy, thì tiền giấy được lưu hành thay thế đồng tiền vàng. Tới năm 1929 các loại tiền giấy USD được phát hành và lưu hành rộng rãi. Các kỹ thuật in ấn ngày càng hiện đại, nên tiền giấy được các nước in ra rất đẹp và kỹ thuật bảo vệ chống lại tiền giả cũng có hiệu lực cao. Australia là nước đầu tiên in tiền giấy bằng chất liệu nilon tổng hợp, so với chất liệu khác giữ lâu dài gấp 4 lần, sau khi thu hồi vẫn có thể tái sử dụng. Hiện nay, Nam Cực tuy chưa phải là một quốc gia độc lập, nhưng cũng phát hành tiền giấy “đô la Nam Cực”, tuy chưa mang tính pháp định, nhưng có thể tiêu dùng ở một số địa phương gần kề.
Để giảm bớt lượng lưu hành tiền giấy trên thị trường, nhiều nước hiện nay đã phát hành các loại “thẻ tín dụng” thay thế tiền giấy thanh toán khi tiêu dùng, nhưng đây cũng chỉ là biến tướng của tiền giấy.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với sức mạnh kinh tế của Mỹ, đồng USD được chọn làm đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế. Nhưng khủng hoảng tiền tệ tín dụng thời gian qua ở Mỹ đã làm đồng USD bị mất giá và uy tín cũng như độ tin cậy không cao như trước đây.
Năm 1999, đồng tiền chung Châu Âu ra đời (đồng Euro) và hình thành Khu vực đồng Euro (Eurozone) cạnh tranh với đồng USD. Kể từ tháng 10/2000 tới nay, đồng EUR tăng giá 80% so với đồng USD (từ 1 EUR đổi 0,82 USD lên 1 EUR đổi 1,47 USD). Nhưng cùng với cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu, đồng EUR đang bị giảm giá và Eurozone đang bị lung lay và đứng trước thách thức. Hai đồng tiền lớn đại diện cho hai thực thể kinh tế lớn thế giới bị suy yếu đã ảnh hưởng lớn hệ thống tiền tệ thế giới cũng như kinh tế thế giới.
Ngoài ra, nhiều nước đã lạm dụng việc in tiền để phát hành lượng tiền lớn hơn nhu cầu thực tế dẫn tới lạm phát. Bởi vậy, độ tin cậy của tiền giấy bị giảm sút mạnh mẽ. Tình trạng tiền giấy được in ra nhiều hơn so với nhu cầu đã làm lạm phát mang tính toàn cầu làm cho giá vàng, bạc tăng lên mạnh mẽ. Vì vậy, một số nhà kinh tế thế giới dự đoán rằng thế giới sẽ trở lại chế độ “Bản vị vàng” và sẽ phổ biến dùng tiền vàng.
Báo “Trung Đông” ngày 20/9 đăng bài của Giáo sư Qasim Yafeih, chuyên gia kinh tế của Saudi Arabia dự đoán rằng thế giới trong tương lai sẽ phổ biến tiêu tiền vàng, bạc. Ông Yafeih viết: “Có thể khẳng định rằng trong tương lai 10-20 năm tới đây tiền tệ thế giới sẽ là tiền vàng, bạc. Khi đó đồng tiền giấy USD, EUR và các đồng tiền giấy khác sẽ không còn giá trị như hiện nay”. Giáo sư Qasim Yafeih cho biết nhiều nước hiện nay đều lo ngại rằng khủng hoảng nợ công làm đồng USD và EUR mất giá, vì vậy các nước thời gian qua đang đổ xô săn lùng mua vàng về dự trữ, nhất là Trung Quốc. Dự đoán tới cuối năm 2011, giá vàng có thể vượt trần 2.000 USD/oz. Đầu tư vào vàng, bạc, đá quý sẽ tăng lên, nhất là từ nửa cuối năm 2011. Nửa đầu năm 2011 tiêu thụ vàng trên thế giới là 624 tấn, nửa cuối năm 2011 lên tới trên 1.000 tấn. Những đồng tiền giấy các nước sẽ mất giá theo và mọi người đều tìm tới vàng làm cảng lánh nạn, bảo vệ tài sản của mình. Bởi vậy, chế độ bản vị vàng lại quay trở lại.
Theo tờ “Bắc Kinh buổi sáng” ngày 30/9, trong bài tham luận đọc tại “Hội nghị các nhà kinh tế đoạt giải Nobel” tổ chức ở Trung Quốc cuối tháng 9/2011, Giáo sư Robert Mundell – người đoạt giải thưởng Nobel kinh tế năm 1999 và hiện là giảng viên Trường Đại học Columbia (Mỹ) – chủ trương các nước trên thế giới nên thống nhất dùng loại tiền chung gọi là “Tiền toàn cầu”. Giá trị của một đơn vị tiền tệ này được tính toán dựa trên cơ sở giá trung bình trên thị trường thế giới, như vậy sẽ loại trừ được tình trạng lạm phát, cũng như in tiền giấy bừa bãi hiện nay ở các nước. Ông nói: “Đây là chủ trương xem ra rất xa vời, nhưng là xu thế phát triển chung của tiền tệ thế giới. Nó là cơ sở để xây dựng hệ thống tiền tệ chung, một đồng tiền chung thế giới cho 195 quốc gia và vùng lãnh thổ”. Tuy nhiên ông cũng cho rằng đồng tiền chung thế giới nên lấy đồng USD và EUR làm cơ sở, vì nền kinh tế Mỹ và EU chiếm tới trên 40% GDP thế giới.
Giáo sư John Forbes Nash, người được giải thưởng Nôben kinh tế năm 1994 cũng có một chủ trương tương tự. Ông nói: “Cuộc khủng hoảng tiền tệ thời gian qua khiến mọi người phải suy nghĩ về đồng tiền chung trong tương lai của thế giới”. Ông cho rằng cần xây dựng một đồng tiền chung toàn cầu gọi là “Tiền lý tưởng”. Giá trị của một đơn vị đồng tiền này có thể dựa vào chỉ số giá cả tiêu dùng công nghiệp chung của thế giới để tính toán. Các tổ chức tiền tệ như IMF, Ngân hàng thanh toán quốc tế và Ngân hàng Châu Âu là cơ quan nòng cốt quản lý, giám sát đồng tiền này.
Giáo sư Paul de Grauwe, giảng viên Trường đại học Leuven (Lauven University), một trường đại học số 1 của Bỉ cho rằng thời gian tới, hệ thống tiền tệ thế giới sẽ hình thành thế chân vạc là đồng USD, đồng EUR và đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc. Thế giới sẽ tiêu ba loại tiền chính này.
Vậy thế giới tiêu tiền gì thời gian tới? Vàng, bạc, USD, EUR, CNY hay “Tiền toàn cầu”, “Tiền lý tưởng”? Rõ ràng đây là vấn đề tranh cãi. Thực tế cho thấy tiền giấy ra đời có vai trò lịch sử lớn và đến nay vai trò lịch sử đó đang bị xói mòn, dẫn đến việc hình thành một loại tiền mới.
Kiều Tỉnh
Theo Tầm Nhìn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét