Bây giờ ăn phở Phnompenh…
Máy bay vừa nhấc mình lên khỏi Nội Bài 10 phút là nhớ phở. Trong sự cuồn cuộn âm thanh của cánh quạt phản lực A320, thấy sùng sục nồi phở trong đó. Một cơn tăng-xông nỗi nhớ, một cơn cao huyết áp vì thèm. Ôi chao, bánh phở trắng ngần như gái quê sau mùa gặt, những cọng hành nửa xanh nửa trắng mây mẩy và đõng đượi, mùi ta xì xộm, thoảng vị thơm cay của gừng, mùi rực lên của ớt, trêu ghẹo của chanh. Lại một váng phù sa tương ớt nữa là ta có một tinh mơ phở bò trên phố cổ. Transit qua Viengchan là transit qua một kỷ niệm với thành phố của nước trăm voi hiền hòa, đôn hậu, đường không ùn tắc, không xe máy. Transit qua kỷ niệm với phở bò đã thưởng thức cách đây tròn một năm. Bò Lào ngon, ngọt, giòn. Bò Lào không cần chạy tại chỗ trên những thùng gỗ quay tròn, không được tẩm quất bằng rượu, không tắm bằng bia, không uống sữa và không được nghe giao hưởng để thư giãn, nhưng đừng coi thường bò Lào. Nó cũng có thể làm em với bò thịt Kobe, bò Úc, bò Mỹ vùng Texas. Không ít người đã nói thế. Bò Lào chan với kinh nghiệm của những Việt Kiều Hà Nội cũ thì ra một thứ nước ngọt và đậm run người. Đi qua Lào, nhìn xuyên qua cửa sổ máy bay, thấy những đàn bò đang lững thững gặm cỏ, lại muốn cảm ơn nó đã không tiếc đời xẻ thân xác mình thành nhiều mảnh, Xương thành nước, thịt thành cái. Sáng nào không xì xụp phở bò Viengchan trong cái quán gần khách sạn Xengphachanh lại thấy chưa qua Khải hoàn môn thành phố. Những thứ PHỞ VUÔNG không biết còn vuông được mãi không. Phở 24 nghe đâu không 24 nữa vì mọi mặt hàng đều tăng giá. Vào những quán đó chắc để “giải quyết” vấn đề đẳng cấp trước con mắt người đời, chứ cứ thấy sạch như vào Macdonal, KFC lại thấy đang lìa hồn, lìa vía mình ra khỏi Hà Nội. Vì phở Hà Nội thứ thiệt là phở nấu trong những quán xá bồ hóng, nồi, chảo lưu cữu như vật thể di sản, ghế guốc xiêu vẹo như răng người 9630. Chanh, ớt mỗi nơi một thứ. Sự xộc xệch ấy mới làm nên nề nếp, trật tự của Hà Nội phở. Nhất định. Một nghìn năm Thăng Long cũng nên nhất quyết giữ lại xộc xệch phở của mình, em ạ. Bây giờ ăn phở Phnompenh tức là ăn phở ở một nước Đông Dương cuối cùng. Ăn một Đông - Dương - Phở: phở Việt, Phở Lào và Phở Cămpuchia. Phở Phnompenh kém phở Viengchan vì người Việt ở đây ít hơn người Việt ở Viengchan. Người Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định càng hiếm. Một người bạn của tôi làm đại diện cho Vietnam airline tại Phnompenh đã dẫn tôi đến tận Annam Quán (quán toàn đồ ăn Việt) nhưng cũng chưa thấy dậy lên mùi phở như ăn ở Viengchan, ở Hà Nội
Năm 1979 đây rồi… Hai mốt năm tròn cũng mới trở lại Campuchia. Trở lại với tư cách một cán bộ hành chính dân sự, không phải một người lính cầm súng trong một đơn vị đặc nhiệm quân đội. Cuộc đổ vỡ năm 1979 vẫn nguyên lành trong trí nhớ. Thuở ấy, thành phố không người, không cuộc sống, không xe cộ, không gì. Tôi vẫn còn nhớ như in những vết máu trên cây xăng Caltex, trên những thân cây thốt nốt, dưới chân tường của một ngôi biệt thự ở Phnompenh. Làm gì có phở mà ăn. Chỉ có máu chan ra đường, chan ra ngập tràn những cánh đồng chết. Bất kỳ cái gì cho vào miệng ở cái thời oan nghiệt ấy đều xa xỉ với mạng sống. Thế mà hôm nay gặp phở, gặp người bạn cũ ẩm thực giữa lòng Phnompenh. Cũng bò, cũng sá sùng, cũng gừng, cũng hành, mùi, cũng bánh phở trắng ngần, cũng ớt cay vô độ, cũng chanh, cũng tương ớt như ai. Là phở. Là tên gọi có trong từ điển ẩm thực thế giới mà không thể dịch ra bất cứ ngôn ngữ nào khác, mà chỉ nguyên nghĩa Việt là PHỞ. Ở Phnompenh, người Campuchia gọi là PHƠ. Dọc đường đi Siemriep gặp toàn bò trắng. Bò trắng thịt không ngon bằng bò vàng của Lào là phải. Bỏ 6USD đi taxibus của Mai Linh vì đoàn từ chối cho một người bạn về Siemriep. Một cậu Hàn Quốc to lớn, bóng mượt Spa ăn nói không lễ phép lắm, mặt đỏ gay và từ chối thẳng thừng mặc dù trước đó trưởng đoàn đã đồng ý. Người Hàn trước kia nóng, đã làm điều không phúc đức trong chiến tranh, đã làm phở sinh mạng khối dân mình. Nghe đâu ngài Tổng thống đã xin lỗi. Nhưng vẫn còn sót lại những cá nhân tùng xẻo văn hóa như cái cậu Spa này. Ăn phở Phnompenh được một người Tây Á cho xơi “tùng xẻo” nghĩ cũng hơi …bò.
Nhưng thôi, phải gạt người ra, người ngoài ra để thương lấy con - bò- người đã cúng tế đời mình cho thơm ngon phở.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét