Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Cuộc tranh luận về nợ nần ở Mỹ

Cuộc tranh luận về nợ nần ở Mỹ   
Ngô Nhân Dụng


Hôm qua 7 tháng 7, Tổng Thống Barack Obama gặp các lãnh tụ thuộc hai đảng trong hai viện Quốc Hội Mỹ để tìm cách thỏa hiệp về việc nâng cao mức trần, cho phép chính phủ Mỹ được vay nợ trên con số tối đa hơn 14 ngàn tỷ Mỹ kim hiện nay.
 Ðây là lần đầu tiên ông Obama tham dự chính thức vào cuộc thương thuyết này. Trước đây Phó Tổng Thống Biden phụ trách nói chuyện với Quốc Hội, cho tới khi các đại biểu Cộng Hòa từ chối không thảo luận nữa.
Tại sao chính phủ Mỹ cần Quốc Hội cho phép vay thêm nợ ngay? Vì mức nợ hiện giờ đã “đụng trần” rồi, đi vay thêm là phạm luật. Nhưng nếu không được vay nợ thêm thì nước Mỹ có thể sẽ lâm vào cảnh “vỡ nợ.” Cũng như quý vị đang vay nợ, khi đáo hạn là phải trả tiền lãi và vốn. Một chính phủ với các món nợ khổng lồ, phải liên tiếp vay nợ các khoản mới để trả các món nợ cũ, chưa kể việc đi vay để chi tiêu vì ngân sách khiếm hụt (thu ít, chi nhiều). Ðến ngày 2 tháng 8 sắp tới này, nếu không được phép vay nợ thêm, chính phủ Mỹ sẽ không hoàn trả được nhiều món nợ đáo hạn, theo định nghĩa là vỡ nợ.

Nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng; vì người ta vẫn coi việc đem tiền cho chính phủ Mỹ vay là cách đầu tư an toàn nhất; là chỗ trú ẩn cho đồng tiền cho qua những cơn bão tố tài chánh. Hiện nay cả thế giới đang là chủ nợ của nước Mỹ, trong đó Trung Quốc đang cầm những giấy nợ tổng cộng hàng ngàn tỷ Mỹ kim. Khi đi vay lẫn nhau hoặc vay các ngân hàng, các nước đều có thể dùng giấy nợ của chính phủ Mỹ làm vật thế chấp. Nếu các giấy nợ của Mỹ mà mất giá trị thì đồng đô la cũng sụp đổ, dòng tiền tệ trên thế giới sẽ bị ngưng đọng, hoặc tê liệt, một điều không ai dám tưởng tượng! Ðó là chưa kể, mỗi ngày chính phủ liên bang phải chi ra bốn tỷ đô la, không có tiền vô thêm là guồng máy nhà nước chết cứng! Cho nên, thế nào rồi chính quyền Obama và Quốc Hội Mỹ cũng phải tiến đến thỏa hiệp.
Nhưng việc nâng mức trần của tổng số nợ quốc gia không phải là một hiện tượng mới mẻ, tự dưng vừa mới xuất hiện. Trong 8 năm Tổng Thống Gorges W. Bush ngồi ở Tòa Bạch Ốc, Quốc Hội đã đồng ý nâng mức nợ quốc gia lên tất cả 7 lần! Thật ra, nếu ngân sách không thiếu hụt nặng như hiện nay, thì chỉ cần ảnh hưởng của lạm phát khiến đồng tiền mất giá không thôi, bình thường người ta vẫn phải nâng mức nợ tối đa lên. Nếu lạm phát khiến giá cả tăng 3% thì mức nợ tối đa cũng phải tăng 3% mới giữ đúng mức trần cũ, nếu không thì coi như cái trần nhà đã bị hạ thấp xuống 3%!
Vậy tại sao vấn đề có thể coi là bình thường này bỗng dưng trở nên trầm trọng như vậy? Vì các đại biểu Quốc Hội thuộc đảng Cộng Hòa muốn nhân dịp này yêu cầu chính phủ phải là sao cho việc quản lý tài chánh quốc gia cho được lành mạnh và vững chắc hơn. Cụ thể, họ muốn đạo luật cho phép nâng cái trần nợ lên cao phải kèm theo những điều kiện cắt bớt chi tiêu của guồng máy nhà nước liên bang, để giảm bớt số khiếm hụt ngân sách. Khi Tổng Thống Bush lên chấp chánh năm 2001, ngân sách nước Mỹ đang thặng dư; khi ông Obama lên thay thế, ngân sách thâm thủng nặng nề chưa từng thấy. Cả nước Mỹ lo lắng về cảnh khiếm hụt đó, ai cũng đồng ý phải quay lại tình trạng ngân sách cân bằng.
Nhưng có hai cách để cân bằng ngân sách. Một là giảm chi; hai là tăng thu. Bất đồng ý kiến giữa hai đảng trong Quốc Hội khiến việc thương thuyết bế tắc là do bên Cộng Hòa chăm chú nhắm vào việc giảm chi, trong khi phía Dân Chủ nhấn mạnh đến việc tăng thu.
Cả hai đảng đều nêu cao ngọn cờ “cân bằng ngân sách” nhưng muốn đi qua những con đường khác hẳn nhau. Số khiếm hụt ngân sách của chính phủ liên bang năm ngoái đã lên tới trên 200 ngàn tỷ Mỹ kim. Nhưng mối lo chính là ngân sách sẽ càng ngày càng khiếm hụt nặng nề hơn, khi gần 80 triệu người thuộc thế hệ “bùng nổ trẻ sơ sinh” (baby boomers) tới tuổi về hưu. Thế hệ này ra đời sau Ðại Chiến Thứ Hai, sẽ phải cấp hưu bổng xã hội cho họ và chữa bệnh cho họ. Quỹ hưu bổng xã hội và chi phí cho các chương trình y tế của chính phủ hiện chiếm gần 40% các món chi tiêu của nhà nước, các món chi tiêu đó sẽ tăng vọt lên. Cứ mỗi người già bước vào tuổi về hưu sẽ làm tốn cho ngân sách quốc gia trung bình 40,000 đô la một năm, tổng cộng các món Social Seccurity, Medicare và Medicaid (ở California gọi là Medical). Cứ như thế nhà nước sẽ hết tiền chi cho các chương trình dân sự khác!
Muốn tránh thảm họa đó, phải tăng số thu nhập của nhà nước, qua những khoản thuế lợi tức cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế hưu bổng xã hội và y tế, thuế đánh trên di sản. Chính quyền Obama đã đề nghị bãi bỏ những khoản trợ cấp cho các công ty dầu lửa và hơi đốt, trợ cấp dưới hình thức miễn thuế; và lấp các lỗ hổng giảm thuế cho các người giầu. Một số đại biểu Dân Chủ đề nghị tăng thuế ngay trên những người lợi tức trên 250,000 đô la một năm. Phía Cộng Hòa cực lực phản đối việc tăng số thu trên thuế má, và muốn chính phủ phải cắt những khoản chi tiêu đặc biệt là những chương trình xã hội, y tế và hưu bổng.
Muốn tiến đến cân bằng ngân sách thì guồng máy chính phủ liên bang phải chọn, hoặc tăng số thu thêm 64%, hoặc giảm số chi tiêu 40% không kể các số tiền chỉ dùng để trả lãi cho các món nợ của chính phủ.
Nếu chính phủ và Quốc Hội Mỹ trì hoãn, không tăng thu và giảm chi ngay bây giờ mà đợi 20 năm nữa mới bắt đầu, thì trong 20 năm nữa sẽ phải tăng thu thêm 77% hoặc giảm chi bớt 46%. Cắt bây giờ thì những người đang tuổi 65 đến 100 sẽ bị thiệt thòi, họ sẽ kêu trời lên mà phản đối. Nhưng nếu trì hoãn đến năm 2031 mới cắt thì thế hệ con em họ, bây giờ 45 đến 50 tuổi, sẽ bị cắt nặng nề hơn, và những người trẻ hơn sẽ bị tăng thuế nặng nề hơn!
Nếu đến lúc đó còn chần chừ mà đợi thêm 20 năm nữa thì lúc đó phải tăng thu, tức là tăng thuế 93% hoặc giảm chi, các dịch vụ mà guồng máy nhà nước cung cấp cho dân chúng sẽ bị cắt bớt khoảng 53%! Thế hệ con và cháu nội cháu ngoại của các cụ sẽ phải chịu đựng! Tức là càng trì hoãn các biện pháp cân bằng ngân sách thì các thế hệ sau càng phải chịu hậu quả nặng nề, hoặc tăng thuế, hoặc bị giảm bớt các dịch vụ y tế, xã hội! Có một bức tranh hài hước vẽ cảnh một bệnh nhân già nằm trên giường, bà bác sĩ đứng bên trấn an: “Cụ đừng lo. Các hóa đơn chữa bệnh mai mốt sẽ được các con và cháu cụ thanh toán!”
Hiện nay, hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ vẫn nhất định không ai chịu thua ai. Bên Cộng Hòa tuyên bố quyết tâm không tăng thuế bất cứ người nào, giầu cũng như nghèo, kể cả những khoản trợ cấp hiện cho các hãng dầu cũng không được bỏ. Bên Dân Chủ không muốn cắt bớt các chi phí xã hội. Ông Obama tất nhiên cùng quan điểm với các đại biểu Quốc Hội Dân Chủ; nhưng ông đứng ngoài cuộc tranh luận để chờ tới khi hai phe trong Quốc Hội bế tác, ông mới chính thức can dự, với cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc ngày hôm qua. Với vai trò người đứng đầu Hành pháp, ông Obama có thể đề nghị một số cắt giảm trong ngân sách để thỏa mãn các đại biểu Cộng Hòa, và ông sẽ yêu cầu họ đáp lễ bằng một số khoản tăng thu mà bên Cộng Hòa vẫn chống lại. Cuộc thương thuyết sẽ kéo dài, nhưng thế nào cũng đến lúc phải đưa tới một thỏa hiệp trong hai tuần lễ, trước ngày 22 tháng 7 này. Vì sau khi hai bên đồng ý với nhau rồi sẽ cần thời gian để viết các điều được thỏa hiệp ra thành dự luật. Mà trong khi diễn tả các chi tiết trong dự luật thì người ta sẽ còn tranh cãi nhau từng chữ, từng câu.
Cuối năm ngoái, nước Mỹ đã trải qua một kinh nghiệm tương tự. Hai đảng trong quốc hội, Cộng Hòa kiểm soát Hạ Viện và Dân Chủ chiếm đa số ở Thượng Viện, hoàn toàn bất đồng ý kiến về việc triển hạn các đạo luật cắt thuế năm 2001 và 2003 của cựu Tổng Thống Bush. Dân Chủ muốn chỉ tiếp tục cắt thuế cho những người lợi tức dưới 250,000 đô la một năm thôi, Cộng Hòa muốn vẫn cắt tất cả. Tổng Thống Obama đã đợi tới phút chót mới tham dự, đồng ý triển hạn cho tất cả, nhưng chỉ trong vòng 2 năm thôi; đợi đến năm 2012 cho các cử tri Mỹ quyết định trong cuộc bỏ phiếu cả Hành pháp lẫn Quốc Hội. Bên Cộng Hòa thỏa mãn, vì những người lợi tức cao không phải trả thuế nhiều như trước thời Tổng Thống Bush; bên Dân Chủ cũng phải chấp nhận vì chính vị tổng thống cùng đảng đã thỏa hiệp.
Còn dân chúng Mỹ, họ nghĩ sao? Một cuộc nghiên cứu dư luận của Pew Research cho thấy có 42% dân Mỹ cho là nếu không đi tới thỏa hiệp tăng mức trần của các món nợ quốc gia thì đảng Cộng Hòa sẽ chịu trách nhiệm. Có 33% cho là lỗi ở ông tổng thống và đảng Dân Chủ.
Khi hỏi làm cách nào để cân bằng ngân sách, 59% dân Mỹ nghĩ nên pha trộn một phần tăng thuế, một phần cắt giảm chi tiêu, theo một cuộc nghiên cứu của đài ABC và nhật báo Washington Post; chỉ có 33% đồng ý là chỉ cần nhà nước cắt chi tiêu cũng đủ. Số người nghĩ chỉ cần tăng thuế thôi thì rất ít, chỉ có 3%.
Một cuộc nghiên cứu khác của đài CNN cho thấy 50% đồng ý với chiều hướng cắt giảm ngân sách của Tổng Thống Obama, và 42% ủng hộ đường lối của đảng Cộng Hòa. Nói chung trong cuộc tranh cãi hiện nay, dân Mỹ tỏ ý bất tín nhiệm các nhà chính trị cả hai đảng, Dân Chủ (67%) và Cộng Hòa (69%).
Cuối cùng, nếu hai bên không thể nào thỏa hiệp được để nâng mức trần nợ quốc gia lên đúng kỳ hạn ngày 2 tháng 8 thì Tổng Thống Barack Obama vẫn còn một món võ cất trong túi, không đến nỗi phải ngưng vay thêm nợ khiến chính phủ Mỹ phá sản. Ðó là một khoản trong Tu Chính Án số 14 trong Hiến Pháp Mỹ, viết rằng: “Giá trị công trái của Hiệp Chủng Quốc,... không thể nghi ngờ được.” (The validity of the public debt of the United States... shall not be questioned.” Ông Obama vốn là một giáo sư về Luật Hiến Pháp, chắc ông có thể giải thích rằng với tư cách người đứng đầu Hành pháp, ông cứ đi vay nợ để bảo đảm giá trị của các tờ giấy nợ đã phát hành. Ai ngăn cản sẽ bị coi là vi hiến! Nhưng chắc ông sẽ không phải dùng đến món võ đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét