Đại dịch PGS-TS-BS
Nhật ký của ngọc
Entry này có một tựa đề hơi bí hiểm. Nhưng những ai làm trong nghề y đều biết đó là viết tắt của Phó giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ. Chỉ có ở nước Nam. Chỉ có ở nước Nam dưới thời XHCN. Nó là biểu hiện của căn bệnh mới phát sinh trong ngành y. Đó là bệnh hám danh. Bệnh hám danh đang làm tan nát hệ thống y khoa và đang biến hóa thành một đại dịch nguy hiểm cho người bệnh.
Có mấy ai còn nhớ đến thầy Phạm Biểu Tâm, thầy Trần Ngọc Ninh? Thầy Phạm Biểu Tâm có sống lại bây giờ không thể là hiệu trưởng trường y. Thầy Trần Ngọc Ninh có ở Việt Nam giờ này cũng không bao giờ thành khoa trưởng, chứ nói gì đến chức danh giáo sư. Cả hai thầy đều không có bằng tiến sĩ. Cái bằng tiến sĩ ngày nay ở đất nước này là một cái bùa hộ mệnh. Nó cũng là cái vé xe cho những chuyến xe đò thăng quan tiến chức. Nó là cái boarding pass cho những phi vụ làm trưởng khoa, làm hiệu trưởng trường y. Đó là luật chơi mới do những người cách mạng đặt ra. Người cách mạng không nhất thiết phải là người trong y giới, cũng chẳng cần làm khoa học. Nhưng họ có giá trị hơn nhà khoa học. Bài giảng của người cách mạng có giá hơn bài giảng của giáo sư tiến sĩ. Ở đất nước này, chính trị thống lĩnh tất cả. Làm cách mạng là làm chính trị. Bởi vậy, người cách mạng chẳng cần phải có tấm bằng bác sĩ để đặt ra luật chơi mới cho ngành y. Họ đang hủy hoại nền y học.
Tuần rồi đi dự một hội thảo chuyên đề và gặp một anh bạn đồng môn trên bàn cà phê. “Ủa, ông chưa tiến sĩ hả? Sao không làm một cái”? Anh bạn tôi hỏi. Tôi ngạc nhiên về chuyện làm một cái. Tiến sĩ là một cái gì như đồ chơi. Tôi lắc đầu. Mình đã già. Mình không có khả năng làm nghiên cứu. Cũng chẳng có thầy đỡ đầu. Anh bạn tôi cười lớn nói: Ông mà già gì, đâu cần khả năng làm nghiên cứu, cũng không cần thầy hướng dẫn, chỉ cần bỏ tiền ra mua thôi. Tôi cám ơn tấm lòng của bạn cũ và vẫn thấy mình vui với việc giúp người mà không có những râu ria trước tên mình. Bạn cũ tôi bây giờ là một PGS-TS-BS.
TS-BS bây giờ nhan nhản trong các bệnh viện. Thử dạo một vòng các phòng trong bệnh viện ngoài Hà Nội, sẽ thấy trước cửa phòng ai cũng có danh xưng TS-BS in ngay chính giữa cửa phòng. Bảng hiệu đó cho chúng ta biết người đang ngự trị hoặc chiếm lĩnh căn phòng là một bác sĩ và có bằng tiến sĩ. Bằng tiến sĩ là học vị cao nhất trong thế giới khoa bảng. Tôi không có con số thống kê để nói, nhưng tôi cảm thấy số bác sĩ có danh hiệu TS-BS nhiều hơn bác sĩ trong các bệnh viện Hà Nội. Sài Gòn đang đuổi theo Hà Nội, sắp đến đích nay mai. Với đà này, một ngày không xa bệnh nhân sẽ không còn gặp bác sĩ nữa, họ chỉ gặp TS-BS.
PGS-TS-BS xuất hiện ngày càng dày đặt trong các hội thảo. Nhìn lên bàn chủ tọa chúng ta thấy gì? Có hoa tươi. Có chai nước lọc. Có laptop. Có microphone. Và, có tấm bảng nền trắng chữ đen in những từ viết tắt như PGS-TS-BS. Hoa tươi để làm màu mè. Chai nước lọc vì trí thức không quen uống nước máy sợ nhiễm khuẩn. Laptop để nói rằng ta đây có trình độ IT. Microphone để truyền bá lời vàng ý ngọc. Danh hiệu PGS-TS-BS để khoe thành tựu miệt mài làm khoa học. Một bức tranh đầy hoa sắc, màu mè. Có phần phần cứng (IT, microphone) lẫn phần mềm (hoa, trí lực, bằng cấp).
Danh và thực lúc nào cũng là hai khía cạnh nhức nhối trong y giới. Bao nhiêu tiến sĩ của nước ta là do thực tài, bao nhiêu là giả, dỏm. Không ai biết được, nhưng xã hội biết. Xã hội đã từ lâu phong danh tước “tiến sĩ giấy” cho những kẻ bất tài, hám danh, mua quan bán tước. Cụm từ “Tiến sĩ giấy” ngày càng xuất hiện nhiều trên báo chí, trong những câu chuyện thường ngày. Tức là xã hội biết rằng ngày nay chúng ta có nhiều tiến sĩ dỏm hơn là tiến sĩ thực.
Dỏm có nghĩa là những bằng cấp được mua bán, tiền trao cháo múc. Anh bạn tôi vừa đề cập trên đây không ngần ngại nói rằng để có cái bằng tiến sĩ, anh phải chi ra nhiều tiền. Hỏi bao nhiêu, anh chỉ cười. Nhưng xã hội biết. Những cái giá 5.000 USD, 10.000 USD, 20.000 USD đã được đề cập đến. 100 triệu đồng. 200 trăm triệu đồng. 400 triệu đồng. Có khi 500 triệu. Có nhiều lò sản xuất văn bằng tiến sĩ và mỗi lò có biểu giá riêng. Quân y nổi tiếng là một trong những lò đào tạo đắt tiền. Các trường y thì rẻ hơn nhưng không rẻ bao nhiêu. Nhiều đồng nghiệp tôi mua bằng như thế. Đó là những con số chóng mặt cho bệnh nhân nghèo. Ai trả tiền? Xin thưa không phải bác sĩ, mà là bệnh nhân. Họ sẽ ăn tiền các hãng dược. Hãng dược nâng giá thuốc. Bệnh nhân là người cuối cùng trong vòng tròn này. Bệnh nhân lãnh đủ. Vì thế, mua bán bằng cấp là một trong những yếu tố làm cho giá thuốc cao đến mức “cắt cổ” như ở nước ta.
Những kẻ hám danh và bất tài xem chuyện mua bằng tiến sĩ là một đầu tư. Họ có thể chi ra vài trăm triệu hôm nay, nhưng nay mai thì sẽ được chức quyền. Trường khoa. Giám đốc bệnh viện. Hiệu trưởng. Tất cả đều mua, đều chạy. Một khi đã ngồi vào vị trí quyền lực, họ ra sức vơ vét tiền của người dân để trả lại chi phí mua bằng, mua chức vụ. Người dân cũng chính là đối tượng sau cùng trong đường dây này. Đừng trách tại sao dân mình nghèo vẫn hoàn nghèo. Cái cơ chế này làm cho họ nghèo. Đã nghèo thì thường chịu phận hèn. Cái cơ chế này làm cho người dân vừa nghèo và vừa hèn.
Dỏm có nghĩa là làm nghiên cứu ma, giả tạo số liệu. Báo chí đã nêu nhiều vấn đề đạo văn. Nhưng báo chí không hề biết những chuyện động trời hơn đạo văn. Đó là chuyện giả tạo số liệu. Những tiến sĩ dỏm chẳng bao giờ làm nghiên cứu cho tốn công. Họ chỉ ngồi đâu đó giả tạo ra số liệu. Có người làm nghiên cứu nghiêm túc, nhưng khi kết quả không đúng ý, họ sửa số liệu. Chẳng ai hay biết. Thầy cô hướng dẫn chỉ là những người mù vì bất tài, hoặc giả mù vì họ đã ăn tiền. Giả tạo số liệu xong, họ mướn một người nào đó làm phân tích thống kê. Giá phân tích cũng không rẻ chút nào, từ 500 USD đến 2000 USD. Có cậu nọ nay làm chức cao trong trường y từng làm phân tích mướn như thế. Chẳng cần biết đúng sai vì chính người làm mướn cũng mù mờ mà cũng chẳng quan tâm. Phân tích xong, họ mướn người viết luận án. Giá viết cũng từ 500 USD đến 2000 USD. Người viết chỉ cần có bằng cử nhân cũng viết được. “Viết” ở đây có nghĩa là cắt và dán. Hỏi google, dịch, cắt, dán. Vâng, luận án là dịch-cắt-dán. Thế là xong luận án. Thầy dỏm thì làm sao biết được đó là luận án thật hay dỏm. Có thể nói rằng đại đa số những nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay đều làm theo quy trình như thế. Không có đạo đức khoa học. Không có tinh thần khoa học. Đừng nói đến văn hóa khoa học. Đọc những lời tâm huyết có khi mang tính hô hào của Gs Tuấn về nghiên cứu khoa học mà tôi thấy tội nghiệp cho ông. Ông đâu biết rằng ở trong nước người ta đâu có quan tâm đến nghiên cứu, những lời ông nói ra chỉ là nước đổ đầu vịt mà thôi, chẳng ai nghe đâu.
Dỏm có nghĩa là làm nghiên cứu chất lượng còn thấp hơn luận văn cử nhân của các thầy trước 1975. Nếu có dịp đọc những luận án tiến sĩ của các bác sĩ, người có kiến thức không biết nên cười hay nên khóc. Cười vì những đề tài nghiên cứu như là đề tài của sinh viên học làm nghiên cứu. Khóc vì trình độ thấp đến mức thê thảm. Những đề tài nghiên cứu kinh điển mà thế giới đã làm từ ngày tôi còn ngồi trong trường y cũng được biến hóa thành đề tài tiến sĩ. Có đề tài đánh giá phẫu thuật nội soi mà người đánh giá cũng chính là người thực hiện. Không có cái gì là mới. Không có cái gì để gọi là khoa học. Số liệu đã giả thì làm sao có kết quả thật được. Bản thân thầy hướng dẫn chẳng hiểu tường tận vấn đề thì làm sao có được đề tài mới. Họ để cho trò tự “bơi”. Bơi bằng cách lên mạng, xem người ta ở ngoài làm gì rồi cố gắng làm giống như thế ở Việt Nam. Đại đa số bắt chước mà vẫn còn sai. Sai vì không hiểu vấn đề đến nơi đến chốn. Không có sáng tạo thì làm sao gọi là tiến sĩ được. Cả một nền học thuật chỉ bắt chước mà cho ra lò cả ngàn tiến sĩ mỗi năm. Đó là một nền học thuật ăn theo, dỏm.
Còn luận án thì thế nào? Cũng công thức nhập đề – thân bài – kết luận như ai. Nhưng đọc kỹ thì không khỏi phì cười. Phần nhập đề thí sinh hay nói đúng hơn là người viết mướn tha hồ dịch-cắt-dán từ các nguồn trên internet, có khi đem cả kiến thức từ sách giáo khoa thế kỷ 19, những mớ thông tin chẳng liên quan gì đến đề tài. Dân gian có câu “nói dai, nói dài, nói dở” thật là thích hợp cho luận án tiến sĩ. Phần phương pháp thì chẳng có gì để đọc, vì họ chủ yếu là ngụy tạo. Ngụy tạo số liệu thì làm sao dám viết chi tiết phương pháp được. Vả lại, người viết mướn cũng đâu có trình độ chuyên môn để đi chuyên sâu vào phương pháp. Đến phần kết quả là khôi hài nhất. Một chuỗi bảng số liệu. Một chuỗi đồ thị. Điều khôi hài là đồ thị làm từ bảng số liệu. Hai cách trình bày một thông tin! Chưa hết, thí sinh còn bồi thêm câu diễn giải dưới bảng số hay đồ thị. Tức là 3 cách trình bày chỉ nói lên một thông tin. Người ta cần số trang sao cho đủ nên phải làm như thế. Thừa thải? Không thành vấn đề. Vấn đề là làm cho đủ số trang theo quy định của Bộ. Sai sót? Đây đâu phải là công trình khoa học mà quan tâm đến sai sót. Đến phần bàn luận là một tràng từ ngữ bay múa, những ý tưởng hỗn độn, chẳng đâu vào đâu. Những gì Gs Tuấn chỉ cách viết bài báo khoa học không áp dụng ở đây. Không cần đến logic luận. Nó y như là cái thùng lẩu thập cẩm. Có lẽ vài bạn đọc chưa quen sẽ nói tôi cường điệu hóa vấn đề. Các bạn hãy vào thư viện trường y mà đọc xem các luận án tiến sĩ có xứng đáng cái danh xưng cao quý đó hay không. Người ta xem đó là những “luận án tiến sĩ” có mã số, có bìa đỏ, được lưu giữ cẩn thận. Nhưng tôi xem đó là những chứng cứ hùng hồn nhất cho một thời đại nhiễu nhương trong học thuật. Những kẻ đã, đang và sẽ có bằng tiến sĩ từ những cách học dỏm đó sẽ đi vào lịch sử nước nhà như là những tiến sĩ giấy, những con vi khuẩn làm ô uế nền học thuật nước nhà.
Dỏm có nghĩa là người thầy hướng dẫn cũng dỏm. Sự suy thoái của giáo dục y khoa là một chu kỳ bắt đầu từ người thầy. Sự suy đồi của người thầy bắt đầu từ những ông quan cách mạng. Dưới mắt của quan cách mạng, hồng quan trọng hơn chuyên, đảng viên quan trọng hơn người ngoài đảng. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên sau 1975 có những vị mang danh “giáo sư” mà kiến thức còn thua cả bác sĩ gia đình, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có “giáo sư” đi tuyên truyền cho xuyên tâm liên trị bá bệnh, bo bo bổ dưỡng hơn gạo. Ngày nay, kẻ bất tài nhưng có đảng tịch thì vẫn được cất nhắc làm thầy, được “tạo điều kiện” làm tiến sĩ. Có người được “cơ cấu” (một danh từ mới) chức trưởng khoa, giám đốc bệnh viện rồi, “tổ chức” (cũng là một từ mới) sẽ tìm cho họ cái bằng tiến sĩ. Bằng tiếng sĩ vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh trong cái nền học thuật nhếch nhác hiện nay. Bằng tiến sĩ nó tầm thường đến nỗi người ta nhạo báng ra đường gặp tiến sĩ. Nó rẻ tiền vì chúng ta biết rằng bằng tiến sĩ của Việt Nam chỉ là bằng dỏm, không bao giờ xứng đáng với danh vị đó. Không dỏm thì cái bằng đó cũng chỉ là thứ được cấu thành từ những giả tạo, những “nghiên cứu” loại rác rưởi khoa học, những dữ liệu có được từ vi phạm y đức. Bằng tiến sĩ của Việt Nam chỉ là thứ rác rưởi trong thế giới học thuật ngay chính trên đất nước Việt Nam. Thế là chúng ta có thầy dỏm. Thầy dỏm đào tạo ra trò dỏm. Trò dỏm đào tạo tiếp trò dỏm. Sẽ không lâu chúng ta sẽ có nhiều thế hệ tiến sĩ dỏm, giáo sư dỏm. Và chúng ta sẽ phải trả giá cho những cái dỏm đó. Thực ra, bệnh nhân đang trả giá cho cái dỏm.
Cái giá mà bệnh nhân phải trả cho hệ thống y khoa hám danh này là cái chết. Nhiệm vụ của người bác sĩ lâm sàng trước hết là chữa trị bệnh nhân. Nhiệm vụ đó đòi hỏi kỹ năng lâm sàng tốt. Ngoài ra, còn có sự cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân. Nhưng bác sĩ hám danh ngày nay chỉ chạy theo bằng cấp dỏm, làm nghiên cứu dỏm, gây tác hại cho bệnh nhân. Họ không trao dồi kỹ năng lâm sàng. Họ không có thì giờ để đọc sách. Họ thừa thì giờ đi nhậu để làm “ngoại giao”. Thiếu kiến thức lâm sàng. Chẩn đoán sai. Làm xét nghiệm không cần thiết. Đối diện với bệnh nhân thì chỉ hách dịch ra lệnh chứ không biết nói. Hậu quả là chẩn đoán sai, điều trị sai, bệnh nhân chết. Nếu còn sống thì gặp biến chứng, hoặc thương tật suốt đời. Dỏm trong các ngành khác như khoa học xã hội thì có thể không gây tác hại nguy hiểm, nhưng dỏm trong y khoa thì hậu quả khôn lường. Rất tiếc là các quan cách mạng không nhìn thấy hay không nhìn thấy điều hiển nhiên đó để cho sự hám danh và dỏm lên ngôi. Họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử nước nhà.
Bệnh hám danh trong y giới ngày nay đã trở thành đại dịch. Có lần trong một hội thảo chuyên môn, một anh kia tên là D, học y trước 1975 nhưng ra trường sau 1975, thuộc thành phần răng đen mã tấu – “cách mạng 75″ như người Sài Gòn vẫn nói, được người ta giới thiệu anh ta là TS, nhưng khi anh ta lên bục giảng câu đầu tiên anh ta nói là chỉnh người giới thiệu, rằng chức danh của anh ta bây giờ là PGS. Chính xác hơn là PGS-TS-BS. Cả hội trường có phần sững sờ trước sự khoe khoang hợm hĩnh. Tôi cũng ngạc nhiên khi biết anh ta có bằng tiến sĩ và càng sững sờ khi biết anh ta là PGS. Hỏi đồng nghiệp làm cùng bệnh viện với anh ta, ai cũng cười. Nghiên cứu là con số 0. Lâm sàng? Đã có nhiều bệnh nhân thành nạn nhân của anh ta. Thế là biết. Tất cả chỉ là mua bán. Thế mới biết cái cơ chế có khả năng nhào nặn một con người có tư cách thành một kẻ háu danh hợm hĩnh. Và chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng trường hợp của anh D chỉ là một hạt cát trong sa mạc y giới. Ngày nay có hàng chục ngàn người như thế. Nó đã thành một đại dịch. Dịch hám danh. Dịch hám bằng cấp. Đại dịch hám danh và hám bằng cấp còn nguy hiểm đến bệnh nhân hơn các đại dịch H1N1 nhiều.
Đại dịch hám danh không chỉ trong y giới mà còn lan tràn ra các địa hạt khác ngoài xã hội. Ai cũng cố gắng tạo cho mình một cái danh xưng trước tên. Ngày nào xã hội biết đến bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư … nhưng ngày nay người ta còn gắn CN và Master trước tên mình. CN là cử nhân. Master là cao học. Chưa bao giờ tôi thấy một sự háu danh quái đản như hiện nay. Trong y giới, người ta còn gắn thêm TS-BS, hoặc PGS-TS-BS. Nếu có danh xưng gì khác như thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, người ta cũng gắn vào luôn. Nếu một người nông dân không có bằng cử nhân thì họ được gọi là gì. Không là gì cả. Do đó, đại dịch dịch hám danh nó phân chia xã hội thành những người có và những người không có. Nó dẫn đến nạn kỳ thị. Kẻ có danh xem thường người không có danh. Vì thế người ta phải chạy theo danh, phải mua danh bán tước. Đại dịch hám danh tạo ra một thị trường mua bán tước danh, bằng cấp. Từ cấp trung ương đến địa phương, hiện tượng mua bán bằng cấp xảy ra hàng ngày. Mua bán tước danh và bằng cấp là hành động xem thường kỷ cương phép tắt trong học thuật. Vì thế dịch hám danh không chỉ làm phân hóa, kỳ thị xã hội, mà còn làm hủy hoại nền học thuật quốc gia.
Sau khi gặp bạn tôi gặp trong hội thảo tuần qua làm tôi có cảm hứng viết entry này tôi lên taxi về nhà. Trên đường về nhà bị kẹt xe, anh tài xế phải vất vả nhích từng cm. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Đường xá ngập nước như trong cơn bão lụt. Ngay giữa thành phố có thời mang danh Hòn ngọc viễn đông. Anh tài xế cùng độ tuổi tôi lắc đầu ngao ngán. Anh nhìn tôi ái ngại vì quá trễ giờ. Chúng tôi nói chuyện đời. Anh chỉ vào con đường ngập nước và nói họ đang phá nát thành phố này. Tôi đồng ý. Nhưng tôi muốn thêm rằng họ cũng đang hủy hoại nền học thuật nước nhà bằng cách tạo ra một đại dịch PGS-TS-BS.
Entry này có một tựa đề hơi bí hiểm. Nhưng những ai làm trong nghề y đều biết đó là viết tắt của Phó giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ. Chỉ có ở nước Nam. Chỉ có ở nước Nam dưới thời XHCN. Nó là biểu hiện của căn bệnh mới phát sinh trong ngành y. Đó là bệnh hám danh. Bệnh hám danh đang làm tan nát hệ thống y khoa và đang biến hóa thành một đại dịch nguy hiểm cho người bệnh.
Có mấy ai còn nhớ đến thầy Phạm Biểu Tâm, thầy Trần Ngọc Ninh? Thầy Phạm Biểu Tâm có sống lại bây giờ không thể là hiệu trưởng trường y. Thầy Trần Ngọc Ninh có ở Việt Nam giờ này cũng không bao giờ thành khoa trưởng, chứ nói gì đến chức danh giáo sư. Cả hai thầy đều không có bằng tiến sĩ. Cái bằng tiến sĩ ngày nay ở đất nước này là một cái bùa hộ mệnh. Nó cũng là cái vé xe cho những chuyến xe đò thăng quan tiến chức. Nó là cái boarding pass cho những phi vụ làm trưởng khoa, làm hiệu trưởng trường y. Đó là luật chơi mới do những người cách mạng đặt ra. Người cách mạng không nhất thiết phải là người trong y giới, cũng chẳng cần làm khoa học. Nhưng họ có giá trị hơn nhà khoa học. Bài giảng của người cách mạng có giá hơn bài giảng của giáo sư tiến sĩ. Ở đất nước này, chính trị thống lĩnh tất cả. Làm cách mạng là làm chính trị. Bởi vậy, người cách mạng chẳng cần phải có tấm bằng bác sĩ để đặt ra luật chơi mới cho ngành y. Họ đang hủy hoại nền y học.
Tuần rồi đi dự một hội thảo chuyên đề và gặp một anh bạn đồng môn trên bàn cà phê. “Ủa, ông chưa tiến sĩ hả? Sao không làm một cái”? Anh bạn tôi hỏi. Tôi ngạc nhiên về chuyện làm một cái. Tiến sĩ là một cái gì như đồ chơi. Tôi lắc đầu. Mình đã già. Mình không có khả năng làm nghiên cứu. Cũng chẳng có thầy đỡ đầu. Anh bạn tôi cười lớn nói: Ông mà già gì, đâu cần khả năng làm nghiên cứu, cũng không cần thầy hướng dẫn, chỉ cần bỏ tiền ra mua thôi. Tôi cám ơn tấm lòng của bạn cũ và vẫn thấy mình vui với việc giúp người mà không có những râu ria trước tên mình. Bạn cũ tôi bây giờ là một PGS-TS-BS.
TS-BS bây giờ nhan nhản trong các bệnh viện. Thử dạo một vòng các phòng trong bệnh viện ngoài Hà Nội, sẽ thấy trước cửa phòng ai cũng có danh xưng TS-BS in ngay chính giữa cửa phòng. Bảng hiệu đó cho chúng ta biết người đang ngự trị hoặc chiếm lĩnh căn phòng là một bác sĩ và có bằng tiến sĩ. Bằng tiến sĩ là học vị cao nhất trong thế giới khoa bảng. Tôi không có con số thống kê để nói, nhưng tôi cảm thấy số bác sĩ có danh hiệu TS-BS nhiều hơn bác sĩ trong các bệnh viện Hà Nội. Sài Gòn đang đuổi theo Hà Nội, sắp đến đích nay mai. Với đà này, một ngày không xa bệnh nhân sẽ không còn gặp bác sĩ nữa, họ chỉ gặp TS-BS.
PGS-TS-BS xuất hiện ngày càng dày đặt trong các hội thảo. Nhìn lên bàn chủ tọa chúng ta thấy gì? Có hoa tươi. Có chai nước lọc. Có laptop. Có microphone. Và, có tấm bảng nền trắng chữ đen in những từ viết tắt như PGS-TS-BS. Hoa tươi để làm màu mè. Chai nước lọc vì trí thức không quen uống nước máy sợ nhiễm khuẩn. Laptop để nói rằng ta đây có trình độ IT. Microphone để truyền bá lời vàng ý ngọc. Danh hiệu PGS-TS-BS để khoe thành tựu miệt mài làm khoa học. Một bức tranh đầy hoa sắc, màu mè. Có phần phần cứng (IT, microphone) lẫn phần mềm (hoa, trí lực, bằng cấp).
Danh và thực lúc nào cũng là hai khía cạnh nhức nhối trong y giới. Bao nhiêu tiến sĩ của nước ta là do thực tài, bao nhiêu là giả, dỏm. Không ai biết được, nhưng xã hội biết. Xã hội đã từ lâu phong danh tước “tiến sĩ giấy” cho những kẻ bất tài, hám danh, mua quan bán tước. Cụm từ “Tiến sĩ giấy” ngày càng xuất hiện nhiều trên báo chí, trong những câu chuyện thường ngày. Tức là xã hội biết rằng ngày nay chúng ta có nhiều tiến sĩ dỏm hơn là tiến sĩ thực.
Dỏm có nghĩa là những bằng cấp được mua bán, tiền trao cháo múc. Anh bạn tôi vừa đề cập trên đây không ngần ngại nói rằng để có cái bằng tiến sĩ, anh phải chi ra nhiều tiền. Hỏi bao nhiêu, anh chỉ cười. Nhưng xã hội biết. Những cái giá 5.000 USD, 10.000 USD, 20.000 USD đã được đề cập đến. 100 triệu đồng. 200 trăm triệu đồng. 400 triệu đồng. Có khi 500 triệu. Có nhiều lò sản xuất văn bằng tiến sĩ và mỗi lò có biểu giá riêng. Quân y nổi tiếng là một trong những lò đào tạo đắt tiền. Các trường y thì rẻ hơn nhưng không rẻ bao nhiêu. Nhiều đồng nghiệp tôi mua bằng như thế. Đó là những con số chóng mặt cho bệnh nhân nghèo. Ai trả tiền? Xin thưa không phải bác sĩ, mà là bệnh nhân. Họ sẽ ăn tiền các hãng dược. Hãng dược nâng giá thuốc. Bệnh nhân là người cuối cùng trong vòng tròn này. Bệnh nhân lãnh đủ. Vì thế, mua bán bằng cấp là một trong những yếu tố làm cho giá thuốc cao đến mức “cắt cổ” như ở nước ta.
Những kẻ hám danh và bất tài xem chuyện mua bằng tiến sĩ là một đầu tư. Họ có thể chi ra vài trăm triệu hôm nay, nhưng nay mai thì sẽ được chức quyền. Trường khoa. Giám đốc bệnh viện. Hiệu trưởng. Tất cả đều mua, đều chạy. Một khi đã ngồi vào vị trí quyền lực, họ ra sức vơ vét tiền của người dân để trả lại chi phí mua bằng, mua chức vụ. Người dân cũng chính là đối tượng sau cùng trong đường dây này. Đừng trách tại sao dân mình nghèo vẫn hoàn nghèo. Cái cơ chế này làm cho họ nghèo. Đã nghèo thì thường chịu phận hèn. Cái cơ chế này làm cho người dân vừa nghèo và vừa hèn.
Dỏm có nghĩa là làm nghiên cứu ma, giả tạo số liệu. Báo chí đã nêu nhiều vấn đề đạo văn. Nhưng báo chí không hề biết những chuyện động trời hơn đạo văn. Đó là chuyện giả tạo số liệu. Những tiến sĩ dỏm chẳng bao giờ làm nghiên cứu cho tốn công. Họ chỉ ngồi đâu đó giả tạo ra số liệu. Có người làm nghiên cứu nghiêm túc, nhưng khi kết quả không đúng ý, họ sửa số liệu. Chẳng ai hay biết. Thầy cô hướng dẫn chỉ là những người mù vì bất tài, hoặc giả mù vì họ đã ăn tiền. Giả tạo số liệu xong, họ mướn một người nào đó làm phân tích thống kê. Giá phân tích cũng không rẻ chút nào, từ 500 USD đến 2000 USD. Có cậu nọ nay làm chức cao trong trường y từng làm phân tích mướn như thế. Chẳng cần biết đúng sai vì chính người làm mướn cũng mù mờ mà cũng chẳng quan tâm. Phân tích xong, họ mướn người viết luận án. Giá viết cũng từ 500 USD đến 2000 USD. Người viết chỉ cần có bằng cử nhân cũng viết được. “Viết” ở đây có nghĩa là cắt và dán. Hỏi google, dịch, cắt, dán. Vâng, luận án là dịch-cắt-dán. Thế là xong luận án. Thầy dỏm thì làm sao biết được đó là luận án thật hay dỏm. Có thể nói rằng đại đa số những nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay đều làm theo quy trình như thế. Không có đạo đức khoa học. Không có tinh thần khoa học. Đừng nói đến văn hóa khoa học. Đọc những lời tâm huyết có khi mang tính hô hào của Gs Tuấn về nghiên cứu khoa học mà tôi thấy tội nghiệp cho ông. Ông đâu biết rằng ở trong nước người ta đâu có quan tâm đến nghiên cứu, những lời ông nói ra chỉ là nước đổ đầu vịt mà thôi, chẳng ai nghe đâu.
Dỏm có nghĩa là làm nghiên cứu chất lượng còn thấp hơn luận văn cử nhân của các thầy trước 1975. Nếu có dịp đọc những luận án tiến sĩ của các bác sĩ, người có kiến thức không biết nên cười hay nên khóc. Cười vì những đề tài nghiên cứu như là đề tài của sinh viên học làm nghiên cứu. Khóc vì trình độ thấp đến mức thê thảm. Những đề tài nghiên cứu kinh điển mà thế giới đã làm từ ngày tôi còn ngồi trong trường y cũng được biến hóa thành đề tài tiến sĩ. Có đề tài đánh giá phẫu thuật nội soi mà người đánh giá cũng chính là người thực hiện. Không có cái gì là mới. Không có cái gì để gọi là khoa học. Số liệu đã giả thì làm sao có kết quả thật được. Bản thân thầy hướng dẫn chẳng hiểu tường tận vấn đề thì làm sao có được đề tài mới. Họ để cho trò tự “bơi”. Bơi bằng cách lên mạng, xem người ta ở ngoài làm gì rồi cố gắng làm giống như thế ở Việt Nam. Đại đa số bắt chước mà vẫn còn sai. Sai vì không hiểu vấn đề đến nơi đến chốn. Không có sáng tạo thì làm sao gọi là tiến sĩ được. Cả một nền học thuật chỉ bắt chước mà cho ra lò cả ngàn tiến sĩ mỗi năm. Đó là một nền học thuật ăn theo, dỏm.
Còn luận án thì thế nào? Cũng công thức nhập đề – thân bài – kết luận như ai. Nhưng đọc kỹ thì không khỏi phì cười. Phần nhập đề thí sinh hay nói đúng hơn là người viết mướn tha hồ dịch-cắt-dán từ các nguồn trên internet, có khi đem cả kiến thức từ sách giáo khoa thế kỷ 19, những mớ thông tin chẳng liên quan gì đến đề tài. Dân gian có câu “nói dai, nói dài, nói dở” thật là thích hợp cho luận án tiến sĩ. Phần phương pháp thì chẳng có gì để đọc, vì họ chủ yếu là ngụy tạo. Ngụy tạo số liệu thì làm sao dám viết chi tiết phương pháp được. Vả lại, người viết mướn cũng đâu có trình độ chuyên môn để đi chuyên sâu vào phương pháp. Đến phần kết quả là khôi hài nhất. Một chuỗi bảng số liệu. Một chuỗi đồ thị. Điều khôi hài là đồ thị làm từ bảng số liệu. Hai cách trình bày một thông tin! Chưa hết, thí sinh còn bồi thêm câu diễn giải dưới bảng số hay đồ thị. Tức là 3 cách trình bày chỉ nói lên một thông tin. Người ta cần số trang sao cho đủ nên phải làm như thế. Thừa thải? Không thành vấn đề. Vấn đề là làm cho đủ số trang theo quy định của Bộ. Sai sót? Đây đâu phải là công trình khoa học mà quan tâm đến sai sót. Đến phần bàn luận là một tràng từ ngữ bay múa, những ý tưởng hỗn độn, chẳng đâu vào đâu. Những gì Gs Tuấn chỉ cách viết bài báo khoa học không áp dụng ở đây. Không cần đến logic luận. Nó y như là cái thùng lẩu thập cẩm. Có lẽ vài bạn đọc chưa quen sẽ nói tôi cường điệu hóa vấn đề. Các bạn hãy vào thư viện trường y mà đọc xem các luận án tiến sĩ có xứng đáng cái danh xưng cao quý đó hay không. Người ta xem đó là những “luận án tiến sĩ” có mã số, có bìa đỏ, được lưu giữ cẩn thận. Nhưng tôi xem đó là những chứng cứ hùng hồn nhất cho một thời đại nhiễu nhương trong học thuật. Những kẻ đã, đang và sẽ có bằng tiến sĩ từ những cách học dỏm đó sẽ đi vào lịch sử nước nhà như là những tiến sĩ giấy, những con vi khuẩn làm ô uế nền học thuật nước nhà.
Dỏm có nghĩa là người thầy hướng dẫn cũng dỏm. Sự suy thoái của giáo dục y khoa là một chu kỳ bắt đầu từ người thầy. Sự suy đồi của người thầy bắt đầu từ những ông quan cách mạng. Dưới mắt của quan cách mạng, hồng quan trọng hơn chuyên, đảng viên quan trọng hơn người ngoài đảng. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên sau 1975 có những vị mang danh “giáo sư” mà kiến thức còn thua cả bác sĩ gia đình, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có “giáo sư” đi tuyên truyền cho xuyên tâm liên trị bá bệnh, bo bo bổ dưỡng hơn gạo. Ngày nay, kẻ bất tài nhưng có đảng tịch thì vẫn được cất nhắc làm thầy, được “tạo điều kiện” làm tiến sĩ. Có người được “cơ cấu” (một danh từ mới) chức trưởng khoa, giám đốc bệnh viện rồi, “tổ chức” (cũng là một từ mới) sẽ tìm cho họ cái bằng tiến sĩ. Bằng tiếng sĩ vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh trong cái nền học thuật nhếch nhác hiện nay. Bằng tiến sĩ nó tầm thường đến nỗi người ta nhạo báng ra đường gặp tiến sĩ. Nó rẻ tiền vì chúng ta biết rằng bằng tiến sĩ của Việt Nam chỉ là bằng dỏm, không bao giờ xứng đáng với danh vị đó. Không dỏm thì cái bằng đó cũng chỉ là thứ được cấu thành từ những giả tạo, những “nghiên cứu” loại rác rưởi khoa học, những dữ liệu có được từ vi phạm y đức. Bằng tiến sĩ của Việt Nam chỉ là thứ rác rưởi trong thế giới học thuật ngay chính trên đất nước Việt Nam. Thế là chúng ta có thầy dỏm. Thầy dỏm đào tạo ra trò dỏm. Trò dỏm đào tạo tiếp trò dỏm. Sẽ không lâu chúng ta sẽ có nhiều thế hệ tiến sĩ dỏm, giáo sư dỏm. Và chúng ta sẽ phải trả giá cho những cái dỏm đó. Thực ra, bệnh nhân đang trả giá cho cái dỏm.
Cái giá mà bệnh nhân phải trả cho hệ thống y khoa hám danh này là cái chết. Nhiệm vụ của người bác sĩ lâm sàng trước hết là chữa trị bệnh nhân. Nhiệm vụ đó đòi hỏi kỹ năng lâm sàng tốt. Ngoài ra, còn có sự cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân. Nhưng bác sĩ hám danh ngày nay chỉ chạy theo bằng cấp dỏm, làm nghiên cứu dỏm, gây tác hại cho bệnh nhân. Họ không trao dồi kỹ năng lâm sàng. Họ không có thì giờ để đọc sách. Họ thừa thì giờ đi nhậu để làm “ngoại giao”. Thiếu kiến thức lâm sàng. Chẩn đoán sai. Làm xét nghiệm không cần thiết. Đối diện với bệnh nhân thì chỉ hách dịch ra lệnh chứ không biết nói. Hậu quả là chẩn đoán sai, điều trị sai, bệnh nhân chết. Nếu còn sống thì gặp biến chứng, hoặc thương tật suốt đời. Dỏm trong các ngành khác như khoa học xã hội thì có thể không gây tác hại nguy hiểm, nhưng dỏm trong y khoa thì hậu quả khôn lường. Rất tiếc là các quan cách mạng không nhìn thấy hay không nhìn thấy điều hiển nhiên đó để cho sự hám danh và dỏm lên ngôi. Họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử nước nhà.
Bệnh hám danh trong y giới ngày nay đã trở thành đại dịch. Có lần trong một hội thảo chuyên môn, một anh kia tên là D, học y trước 1975 nhưng ra trường sau 1975, thuộc thành phần răng đen mã tấu – “cách mạng 75″ như người Sài Gòn vẫn nói, được người ta giới thiệu anh ta là TS, nhưng khi anh ta lên bục giảng câu đầu tiên anh ta nói là chỉnh người giới thiệu, rằng chức danh của anh ta bây giờ là PGS. Chính xác hơn là PGS-TS-BS. Cả hội trường có phần sững sờ trước sự khoe khoang hợm hĩnh. Tôi cũng ngạc nhiên khi biết anh ta có bằng tiến sĩ và càng sững sờ khi biết anh ta là PGS. Hỏi đồng nghiệp làm cùng bệnh viện với anh ta, ai cũng cười. Nghiên cứu là con số 0. Lâm sàng? Đã có nhiều bệnh nhân thành nạn nhân của anh ta. Thế là biết. Tất cả chỉ là mua bán. Thế mới biết cái cơ chế có khả năng nhào nặn một con người có tư cách thành một kẻ háu danh hợm hĩnh. Và chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng trường hợp của anh D chỉ là một hạt cát trong sa mạc y giới. Ngày nay có hàng chục ngàn người như thế. Nó đã thành một đại dịch. Dịch hám danh. Dịch hám bằng cấp. Đại dịch hám danh và hám bằng cấp còn nguy hiểm đến bệnh nhân hơn các đại dịch H1N1 nhiều.
Đại dịch hám danh không chỉ trong y giới mà còn lan tràn ra các địa hạt khác ngoài xã hội. Ai cũng cố gắng tạo cho mình một cái danh xưng trước tên. Ngày nào xã hội biết đến bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư … nhưng ngày nay người ta còn gắn CN và Master trước tên mình. CN là cử nhân. Master là cao học. Chưa bao giờ tôi thấy một sự háu danh quái đản như hiện nay. Trong y giới, người ta còn gắn thêm TS-BS, hoặc PGS-TS-BS. Nếu có danh xưng gì khác như thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, người ta cũng gắn vào luôn. Nếu một người nông dân không có bằng cử nhân thì họ được gọi là gì. Không là gì cả. Do đó, đại dịch dịch hám danh nó phân chia xã hội thành những người có và những người không có. Nó dẫn đến nạn kỳ thị. Kẻ có danh xem thường người không có danh. Vì thế người ta phải chạy theo danh, phải mua danh bán tước. Đại dịch hám danh tạo ra một thị trường mua bán tước danh, bằng cấp. Từ cấp trung ương đến địa phương, hiện tượng mua bán bằng cấp xảy ra hàng ngày. Mua bán tước danh và bằng cấp là hành động xem thường kỷ cương phép tắt trong học thuật. Vì thế dịch hám danh không chỉ làm phân hóa, kỳ thị xã hội, mà còn làm hủy hoại nền học thuật quốc gia.
Sau khi gặp bạn tôi gặp trong hội thảo tuần qua làm tôi có cảm hứng viết entry này tôi lên taxi về nhà. Trên đường về nhà bị kẹt xe, anh tài xế phải vất vả nhích từng cm. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Đường xá ngập nước như trong cơn bão lụt. Ngay giữa thành phố có thời mang danh Hòn ngọc viễn đông. Anh tài xế cùng độ tuổi tôi lắc đầu ngao ngán. Anh nhìn tôi ái ngại vì quá trễ giờ. Chúng tôi nói chuyện đời. Anh chỉ vào con đường ngập nước và nói họ đang phá nát thành phố này. Tôi đồng ý. Nhưng tôi muốn thêm rằng họ cũng đang hủy hoại nền học thuật nước nhà bằng cách tạo ra một đại dịch PGS-TS-BS.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét