Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Chết dưới tay Trung quốc (phần 4)

Chết dưới tay Trung quốc


Chương 5: Cái chết đến từ thao túng tiền tệ: Hổ thu mình, rồng công phá 
Công nhân Mỹ có thể cạnh tranh hiệu quả từng đồng đô-la một với công nhân Trung Quốc. Họ chỉ không thể cạnh tranh khi tỉ giá đô-la với đồng tệ bị thao túng.
 
Eric Lotke, Chiến dịch vì tương lai Mỹ
Nếu tiền là căn nguyên của mọi xấu xa, thì sự thao túng của Trung Quốc trên đồng nhân dân tệ là gốc rễ sâu xa của mọi lệch lạc trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Trong hơn một thập kỷ, thâm hụt mậu dịch kinh niên của Mỹ với Trung Quốc đã làm chậm đáng kể tỉ lệ tăng trưởng kinh tế và đột kích vào tỉ lệ thất nghiệp My. Nhưng chúng ta sẽ không thể để Trung Quốc tiếp tục hút cạn sinh lực của kinh tế Mỹ dưới nanh vuốt của thao túng tiền tệ. Trung Quốc thao túng tiền tệ bằng cách cố tình “neo” nhân dân tệ với đô-la Mỹ ở một tỉ giá sâu dưới giá trị thật. Để hiểu tại sao điều này lại phá hoại kinh tế Mỹ, điều cốt yếu cần hiểu là kinh tế bất kỳ quốc gia nào cũng đều chỉ phụ thuỗc vào 4 yếu tố: mức tiêu dùng, mức đầu tư kinh doanh, chi tiêu chính phủ và “cán cân xuất nhập khẩu”.  
Động lực tăng trưởng sau cùng – cán cân xuất nhập khẩu – là quan trọng nhất khi bàn về thao túng tiền tệ, vì nó đo lường sự chênh lệch khi đem tổng doanh số chúng ta xuất khẩu ra thế giới trừ đi doanh số nhập khẩu. Nhận xét đặc biệt dưới đây nhấn mạnh vai trò quan yếu của cán cân xuất nhập khẩu lên nền kinh tế: khi nước Mỹ lâm vào thâm hụt mãn tính với Trung Quốc, một số phần trăm tăng trưởng kinh tế đã bị bào mòn đi. Tỉ lệ tăng trưởng bị chậm đi này đến lượt nó lại kéo giảm số công ăn việc làm được tạo ra.
Dĩ nhiên, khi kinh tế Mỹ chịu đựng mức tăng trưởng kém và thất nghiệp cao thì ở đầu bên kia, Trung Quốc là người hưởng lợi. Con rồng bùng nổ, trong khi nước Mỹ suy thoái.
Ngày mỗi già cỗi hơn, chìm sâu hơn trong nợ nần và vật vờ hơn trong tăng trưởng
Vậy thì thâm hụt mậu dịch của chúng ta với Trung Quốc lớn đến mức nào? Bao nhiêu việc làm đã mất vì “sự lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc”? Và tại sao thao túng tiền tệ là lý do chính yếu khiến Hoa Kỳ không thể cải thiện đáng kể thâm hụt mậu dịch? Chỉ có hiểu rõ các câu trả lời mới giúp chúng ta thoát khỏi cái bẫy của thao túng tiền tệ Trung Quốc.
Hãy bắt đầu bằng kích cỡ mức thâm thủng của Mỹ. Xét về con số tuyệt đối, Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu với Trung Quốc gần 1 tỷ đô-la mỗi ngày. Đây không phải lỗi đánh máy, hàng tỷ chứ không phải hàng triệu. Còn xét về con số tương đối, mức thâm thủng cũng đem lại sự kinh ngạc không kém. Trung Quốc chiếm đến khoảng một nửa mức thâm hụt thương mại về hàng hóa của Mỹ và tròn 75% khi loại doanh số nhập khẩu dầu mỏ ra khỏi phép tính. Như vậy, suy luận lô-gích từ các thống kê này là: nếu Hoa Kỳ muốn giảm mức thâm hụt mậu dịch, nhằm cải thiện tỉ lệ tăng trưởng và tạo thêm công ăn việc làm, nơi tốt nhất để bắt đầu chính là sự cải cách tiền tệ với Trung Quốc.
 
Tương tự, tầm ảnh hưởng thực tế của việc lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức tăng trưởng và tỉ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ cũng làm chúng ta giật mình. Cả thập kỷ vừa qua, mức thâm thủng với Trung Quốc đã lấy mất gần nửa điểm phần trăm tăng trưởng GDP hàng năm của chúng ta. Trong khi trông có vẻ không phải là con số lớn, trong thực tế điều này đã có ảnh hưởng tích lũy, làm hàng triệu công việc mất cơ hội được tạo ra. Giả sử ngay bây giờ, nếu chúng ta có được số lượng việc làm này, cộng thêm hàng triệu công việc khu vực sản xuất không bị hủy hoại do các thực thi thương mại bất công khác của Trung Quôc, chúng ta sẽ không phải thấy những hàng dài thất nghiệp bao vây các tòa nhà chính phủ, những khu nhà im ỉm bị tịch thu, và những công xưởng trống trơn đầy cỏ dại ở Mỹ. Thay vào đó, chúng ta hẳn đang bon bon tiến về phía trước.
 
Như một lưu ý bên lề, những số liệu gây choáng này luôn nhắc chúng ta câu chuyện về Willie Sutton, tay cướp nhà băng khét tiếng. Khi Sutton được hỏi tại sao lại cướp ngân hàng, hắn đã có câu trả lời nổi tiếng, “bởi vì ở đó có tiền”. Cũng giống như nhà băng là nơi có tiền, thao túng tiền tệ của Trung Quốc là nơi chúng ta nên kỳ vọng nhất để giảm thâm hụt thương mại và lấy lại phong độ tăng trưởng vững chãi cho nền kinh tế.
 
Những thời khắc khó khăn của Hoa Kỳ để thoát khỏi chính sách neo cứng đồng đô-la của Trung Quốc
Như vậy, Trung Quốc đã làm thế nào để thao túng tiền tệ? Họ đã thực hiện điều này hữu hiệu bằng chính sách neo cứng đồng nhân dân tệ với đồng đô-la ở một tỉ giá sâu dưới giá trị thực: khoảng 6 tệ ăn 1 đô-la. Đồng tệ siêu rẻ này đến lượt nó lại cung cấp tài trợ cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, trong khi lại đánh thuế nặng lên hàng xuất khẩu của Mỹ. Kết cục của chính sách thao túng đồng tiền này, song hành cùng các thực thi kinh doanh bất công khác như đã được đề cập, đã gây nên căn bệnh thâm thủng mậu dịch mãn tính của Hoa Kỳ như đã được mổ xẻ, phân tích ở trên. Còn đây là chìa khóa cho vấn đề thâm hụt: sự bất cân xứng mậu dịch Mỹ-Trung sẽ không bao giờ tồn tại trong thế giới thương mại tự do, khi mà Trung Quốc thả nổi tự do đồng tệ cũng như bao đồng tiền thả nổi khác trên thế giới như yên Nhật, real Bra-xin, franc Thụy Sỹ, ru-pi Ấn Độ, và đô-la Mỹ.
Trong một thế giới tự do mậu dịch đặc trưng bởi các tỉ giá được thả nổi, sự bất cân xứng thương mại Mỹ-Trung sẽ không bao giờ hiện diện, bởi vì khi mức thâm hụt tăng lên, giá trị đồng đô-la sẽ giảm tương đối với đồng tệ. Khi đô-la rớt giá, hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc sẽ tăng lên, hàng nhập từ Trung Quốc sẽ giảm, và mậu dịch sẽ quay về vị trí cân bằng. Tuy nhiên, bằng cách neo đồng tệ vào đồng đô-la, một Trung Quốc bảo hộ đã làm đảo lộn tiến trình điều chỉnh thương mại tự nhiên này, thậm chí nó còn làm suy yếu cơ cấu mậu dịch tự do toàn cầu vốn dựa trên triển vọng giao dịch cùng có lợi.
 
Con Rồng quậy phá tuyên bố một loại chiến tranh mới
Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch phối hợp tung ra các răn đe chống lại Hoa Kỳ, ngụ ý rằng họ có thể thanh lý số trái phiếu Mỹ khổng lồ họ đang nắm giữ, nếu Washington áp đặt các trừng phạt thương mại… Được mô tả như là “phương án chiến tranh hạt nhân” của Trung Quốc, hành động đó có thể kích hoạt một cuộc sụp đổ đồng đô-la… Nó cũng giáng đòn chí tử vào lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, làm chao đảo thị trường nhà đất và có lẽ sẽ đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào suy thoái.
__Báo Bưu điện Luân Đôn
 
Thật là tồi tệ khi mà chính sách thao túng tiền tệ của Trung Quốc đã đẩy kinh tế Hoa Kỳ mắc kẹt ngay từ đầu bằng cách hủy hoại hàng triệu công ăn việc làm. Còn tồi tệ hơn nữa, “cái chết đến từ thao túng tiền tệ” này lại kéo theo “cái chết của chủ quyền chính trị Hoa Kỳ”. Tâm điểm của vấn đề là các đe dọa mà những con diều hâu chiến tranh đang điều hành Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra. Chúng gọi nó là “phương án chiến tranh hạt nhân tài chính”, và nó bao hàm cả chuyện sử dụng dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc để làm bất ổn các Ngân hàng Mỹ, thị trường chứng khoán, và thị trường trái phiếu.
Để hiểu mối đe dọa của Trung Quốc “đánh gục gã khổng lồ” trên phương diện hệ thống tài chính là xác thực đến mức nào, chúng ta sẽ không phí công khi mô tả chi tiết hơn cách Trung Quốc thao túng tiền tệ. Quá trình này bắt đầu khi bạn hay tôi bước vào một cửa hàng như Walmart chẳng hạn và mua một sản phẩm Trung Quốc, sau đó các đồng đô-la này sẽ được di chuyển vượt đại dương. Lúc này, để duy trì chính sách neo chặt đô-la với đồng tệ, Trung Quốc phải nhanh chóng hồi chuyển “số đô-la Walmart” đó của chúng ta vào trở lại Mỹ bằng cách mua tài sản tài chánh như trái phiếu chính phủ Mỹ, bất động sản Mỹ, hay các công ty Mỹ; nói cách khác, áp lực ngược sẽ được đặt lên đồng tệ.
Bây giờ là câu chuyện đáng quan tâm nhất về thủ thuật thao túng tiền tệ: trước khi chính phủ Trung Quốc có thể hồi chuyển bất cứ đồng đô-la Walmart nào của chúng ta, họ phải giành quyền kiểm soát những đô-la này từ tay những nhà xuất khẩu Trung Quốc. Điều này đòi hỏi một quá trình xoay vòng được gọi là “quá trình thanh lý”.
Để thanh lý những đô-la Walmart của chúng ta, chính phủ Trung Quốc ép các nhà xuất khẩu trong nước phải mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc định giá bằng đô-la Mỹ. Đổi lại việc giao nộp những tờ giấy bạc Mỹ, các nhà xuất khẩu được nhận lãi suất khoảng 4% trên các trái phiếu thanh lý này. Kế tiếp, chính phủ Trung Quốc xoay vòng và tái đầu tư những tờ đô-la này vào trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ với lãi suất ít hơn 2%. Trung Quốc do đó mất 2% hay nhiều hơn về lãi suất cho mỗi đô-la Mỹ được thanh lý, và khoản lỗ lã này lên đến hàng tỷ đô-la.
Câu hỏi là tại sao Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẵn sàng gánh khoản lỗ khổng lồ như vậy? Câu trả lời là bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc quan tâm nhiều hơn trong việc tạo công ăn việc làm để duy trì sự ổn định chính trị và sự toàn trị đất nước so với việc kiếm tiền thực tế. Đó là một trong những điều khác biệt lớn giữa chủ nghĩa tư bản Mỹ thực dụng và chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc đã bị bóp méo qua chủ trương “lợi mình – hại người”. Và đừng bao giờ nghi ngờ rằng với quá trình thao túng tiền tệ có tổng bằng không này, rất nhiều công ăn việc làm mà Trung Quốc lấy được sẽ bằng đúng số việc làm bị mất đi tại Hoa Kỳ.
Trên thực tế, quá trình thao túng tiền tệ này đã tích lũy được một quỹ dự trữ ngoại hối trên hai nghìn tỷ đô-la Mỹ do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nắm giữ, mà nay đã nghiễm nhiên trở thành một ngân hàng cho vay của người Mỹ. Để hiểu hết ý nghĩa con số gây sốc này, chúng ta nên biết nó còn lớn hơn tổng sản lượng quốc dân của Ấn Độ hay Canada, và gần bằng nếu so với Anh quốc. Nó cũng lớn hơn GDP của cả ba nước Đại Hàn, Mexico, và Ireland gộp lại.
Con số khổng lồ này cũng có nghĩa rằng: Trung Quốc có thể đem quỹ dự trữ ngoại hối của họ mua quyền kiểm soát trong tất cả công ty lớn của Mỹ có tên trong danh sách Chỉ số Dow Jones Công nghiệp Trung bình, gồm cả những gã khổng lồ như Microsoft, Exxon, và Walmart, rồi tiền còn lại vẫn đủ để mua cổ phần đa số của Apple, Intel, và Ford. Chính xác là sự tích lũy khổng lồ quỹ dự trữ ngoại hối bằng đô-la Mỹ cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc có cơ sở đe dọa “tấn công hạt nhân” hệ thống tài chính Hoa Kỳ. Như He Fan thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã nói khi đe dọa sử dụng “phương án tấn công hạt nhân” về tài chính, rằng nếu giả sử Trung Quốc bắt đầu bán tháo đô-la, sự rớt giá thê thảm của đồng đô-la sẽ xảy ra. Và như trích dẫn ở đầu chương đã khéo léo mô tả, sự sụp đổ đồng đô-la “sẽ giáng đòn chí tử vào lãi suất trái phiếu Mỹ, làm chao đảo thị trường nhà đất và có lẽ sẽ đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào suy thoái”.
Trong thực tế đã có bằng chứng rõ ràng rằng một Chú Sam khúm núm đã bắt đầu dâng hiến cho Trung Quốc ít nhất một vài chủ quyền chính trị của Mỹ do nguy cơ có thực của phương án tấn công hạt nhân tài chính từ phía Trung Quốc. Thực vậy, lúc này bất cứ khi nào mà Nhà Trắng, Quốc Hội hay Đại diện Thương mại Hoa Kỳ lên tiếng đòi xóa bỏ các thực thi mậu dịch bất bình đẳng, Trung Quốc liền phản pháo bằng cách đe dọa bán tháo - và trong vài trường hợp có bán tháo thực sự – dự trữ đồng đô-la. Thực tế, sự tồn tại của mối “đe dọa hạt nhân tài chính” giải thích phần lớn hành vi rụt rè kinh niên đối với Trung Quốc của mấy đời Bộ trưởng Tài chánh thập niên vừa qua, từ Hank Paulson dưới trào Bush cho đến Timothy Geithner dưới trào Obama.
Vui lòng hiểu rõ điều này: qua thời gian, sẽ cực kỳ ngây thơ cho bất kỳ người Mỹ nào nghĩ rằng chính sách “tống tiền đồng bạc xanh” của Trung Quốc chỉ khu trú trong các vấn đề mậu dịch. Một lúc nào đó, các quan chức Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí này trên bất cứ vấn đề nào thuộc một số đề tài địa chính trị: từ chuyến thăm Nhà Trắng của Đạt Lai Lạt Ma, bán vũ khí cho Ấn Độ cho đến mối xung đột dai dẳng trên bán đảo Triều Tiên, cũng như chuyện nhạy cảm Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan.
 
Trung Quốc, ngài có thể dành cho chúng tôi lượng lớn đồng 1 hào?
Sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc không chỉ làm mất mát chủ quyền chính trị của Mỹ. Nó còn làm người Mỹ tự sa vào “cái chết từ sự tiêu hoang”. Hãy nhớ: trong quá trình thao túng tiền tệ, chính phủ Trung Quốc phải duy trì cái neo giữa đồng tệ và đô-la, chủ yếu bằng cách mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Bằng cách này, người cho vay đến từ Trung Quốc đã giúp các chính khách Hoa Kỳ tài trợ cho mức thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Sự kiện Trung Quốc giúp chúng ta tài trợ các chương trình, như chương trình kích thích tài chính hàng loạt của Hoa Kỳ, cũng như cám dỗ về việc in tiền dễ dàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không phải là một sự chua chát bình thường. Sau rốt, phần lớn bởi vì mức thâm hụt nguy hại với Trung Quốc mà các chính khách Mỹ cảm thấy họ cần tiếp tục mồi nước cho cỗ máy bơm kinh tế bằng các chi tiêu thâm thủng, thậm chí cả khi chúng ta tiếp tục lún ngày một sâu vào nợ nần với một chế độ chuyên chế, bòn rút cạn kiệt từ các nhượng bộ của Mỹ.
Thực tế, toàn bộ quá trình đáng buồn này mà trong đó, Trung Quốc đóng vai nhà cho vay của nước Mỹ, là một phần của cuộc “mặc cả với Quỷ” mà sự thể là Tổng thống Barrack Obama hứa hẹn ngay từ lúc nhậm chức sẽ mạnh tay với chủ nghĩa bảo hộ Trung Quốc và rồi đã thất hứa. Ở đây, chúng ta cần nhớ rõ rằng trong chiến dịch tranh cử 2008, tại các bang công nghiệp chủ chốt vẫn còn đang do dự như Illinois, Michigan, Ohio, và Pennsylvania, ứng cử viên tổng thống Barack Obama đã hứa đi hứa lại rằng sẽ chấm dứt các thực thi thương mại bất bình đẳng với Trung Quốc.
Từ khi nhậm chức, Bộ Tài chính của Tổng thống Obama, dẫn đầu bởi Timothy Geithner như đã đề cập ở trên, đã từ chối nhiều lần việc quy tội Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, chính xác là một động thái như vậy sẽ cho phép Hoa Kỳ áp đặt các nghĩa vụ bồi hoàn thích hợp, nhằm loại bỏ một trong các phương diện bảo hộ quan trọng nhất của Trung Quốc. Nhưng thay cho việc thực thi lời đã hứa khi tranh cử, Tổng thống Obama đã chọn một cuộc mặc cả nguy hiểm với Quỷ: “Ngài, Trung Quốc, hãy tiếp tục mua trái phiếu của chúng tôi, đổi lại chúng tôi sẽ không áp dụng bất kỳ hành động nào đáng kể để cải cách mậu dịch”. Bằng cách này, Tổng thống đã sai lầm khi đặt chính trị và nhu cầu tài chính trước mắt của Nội các ông ta ưu tiên hơn triển vọng phục hồi kinh tế dài hạn của Hoa Kỳ. Đây là sai lầm chết người, bởi vì cho dù có mượn bao nhiêu nghìn tỷ “đô-la Walmart” từ Trung Quốc để ném vào nền kinh tế Mỹ, những đồng tiền kích thích này cũng sẽ không tạo nên khác biệt, cho đến khi nào chúng ta đạt được cải cách tiền tệ tích cực với Trung Quốc.
 
Hoa Kỳ mắc kẹt trong thang kinh tế toàn cầu
Chúng tôi chán rồi. Chính sách bảo hộ của Trung Quốc đã làm thương tổn phần còn lại của thế giới, không chỉ mỗi nước Mỹ. Nó gây nên một cuộc suy thoái toàn cầu. Trung Quốc muốn được đối xử như một quốc gia đang phát triển, nhưng họ là một gã khổng lồ, là nhà xuất khẩu hàng đầu của thế giới.
__Thượng Nghị sĩ Lindsay Graham (R-SC)
 
Quan sát từ xa 30.000 feet, việc thao túng tiền tệ của Trung Quốc không chỉ làm tổn hại kinh tế Mỹ. Nó đe dọa xé tan toàn bộ tấm vải kinh tế toàn cầu và cơ cấu tự do mậu dịch. Vấn đề là ở chỗ: bất cứ khi nào đồng đô-la giảm so với các loại tiền tệ khác như euro, real, won, hay yên – chuyện bây giờ xảy ra thường xuyên – thì đồng tệ cũng rớt giá theo nó. Đến lượt nó, việc rớt giá của nhân dân tệ so với các đồng tiền khác lại cung cấp cho Trung Quốc bảo hộ một mũi dùi sắc bén hơn chống lại các đối thủ cạnh tranh khắp thế giới, từ châu Âu và Braxin cho đến Nhật Bản và Đại Hàn. Hệ lụy là cầu xuất khẩu suy giảm và đã dẫn châu Âu vào cơn vật vờ về kinh tế, cũng như kéo dài thêm sự tăng trưởng uể oải của Nhật vốn đã lê thê cả chục năm nay. Trong khi đó, lạm phát chồm lên ở các quốc gia như Úc và Braxin, do các dòng tiền nóng đầu cơ đổ vào và do sự tăng giá hàng hóa mà ta có thể truy ngược trực tiếp trở lại là do đồng tệ được định giá thấp.
Qua tất cả các điều này – và bất chấp các lời kêu gọi lặp đi lặp lại từ các định chế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới – Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp cứng rắn nhất có thể để chống lại cải tổ. Đường lối cứng rắn này bắt đầu ngay từ cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc; như một câu ngạn ngữ nói, “cá thì ương từ đầu xuống”.
Ví dụ, hãy xét câu trả lời đầy ngờ vực của Thủ tướng Ôn Gia Bảo trước áp lực đòi định giá lại đồng tệ của các thành viên khác trong khối G-20. Ôn nói: ”Trước tiên, tôi không nghĩ đồng tệ được định giá thấp”. Đúng đấy, Mr.Ôn, cũng như không khí ở Bắc Kinh thì trong lành, người Tây Tạng mong muốn là một phần của Trung Quốc, người dân được phát biểu tự do ở Thượng Hải, và chuyến thăm dò không gian Mặt Trăng của Trung Quốc cho thấy nó được tạo thành từ phó mát Thụy Sĩ. Trong thực tế, với các kiểu trả lời vô lý như vậy trước áp lực quốc tế của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, thật khó để nói liệu việc chối bỏ mình thao túng tiền tệ của Trung Quốc là giống với bi kịch Shakespear hay giống với trò hề của Moliere. Sau cùng, trong số các quốc gia hưởng lợi từ sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc, Trung Quốc là nước hưởng lợi nhất.
Để khởi đầu cải cách, một đồng tệ mạnh lên sẽ khắc phục nhanh chóng lạm phát đang gia tăng ở Trung Quốc, vì một đồng tệ mạnh sẽ hạ nhiệt giá dầu, nguyên liệu, và vô số chi phí đầu vào mà Trung Quốc cần để vận hành các công xưởng. Và như một phần thưởng chống lạm phát mạnh mẽ, một đồng tệ mạnh cũng nhanh chóng chặn đứng các dòng tiền nóng đầu cơ đang thổi phồng cả thị trường chứng khoán và bong bóng nhà đất Trung Quốc.
Điều quan trọng nhất là đồng tệ mạnh sẽ cải thiện đáng kể sức mua của người tiêu dùng nghèo khó ở Trung Quốc. Bằng cách này, cải cách tiền tệ của Trung Quốc sẽ làm nó ít phụ thuộc hơn nhiều vào mức xuất khẩu ra thị trường thế giới – một điểm yếu được mô tả như gót chân Achille của mô hình tăng trưởng Trung Quốc.
Không may, các lãnh đạo Trung Quốc từ chối chấp nhận lý lẽ thuyết phục của thông điệp này. Thay vào đó, họ bảo vệ quan điểm không khoan nhượng bằng tuyên bố rằng đồng tệ mạnh lên sẽ hủy hoại nền kinh tế Trung Quốc do xuất khẩu sẽ giảm mạnh. Nhưng điều này cũng là một cách nữa để nói rằng phương thức duy nhất giữ Trung Quốc tiếp tục phát triển là bằng cách làm nghèo đi phần còn lại của thế giới, và đặc biệt, làm suy nhược nền kinh tế và cơ sở sản xuất của Mỹ, mà thực tế đây là một trong những mục tiêu quân sự và chiến lược lâu dài của Trung Quốc./.
Người dịch: Lê Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét