Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Bún 'mắng', cháo 'chửi'... vẫn đắt khách

Người nước ngoài nói du lịch VN là du lịch mạo hiểm vì ra khỏi sân bay là đã phải tham gia giao thông... Giờ lại có cái khó: Muốn vừa ăn vừa bị nghe chửi mà cũng chưa chắc đã được. Lại thế này nữa: càng chửi tiếng lành càng đồn xa, khách ngày càng đến đông hơn.
Bún 'mắng', cháo 'chửi'... vẫn đắt khách

Bún 'mắng', cháo 'chửi', phở xếp hàng, bia hơi tem phiếu có vẻ không lạ lẫm với nhiều người sống ở Hà Nội. Khách hàng vẫn đến ăn nườm nượp, còn chủ nhân của nó vẫn làm ăn phát đạt...
Miếng ăn, miếng chửi

Ngồi quán bún ở 57 ngõ Ngô Sỹ Liên, nghe chủ quán mắng khách té tát vì những chuyện chẳng đâu vào đâu, tôi bỗng co rúm người lại, chỉnh đốn mọi hành vi, lời ăn tiếng nói để… không bị chửi mắng. Trưa nắng như thiêu đốt vậy mà quán vẫn chật cứng người. Bát bún ba chục nghìn mà có tới gần chục miếng thịt chân giò to tướng, rất đầy đặn.
“Cháu đã bảo đừng chan nước béo rồi mà!”- Cô bé ngồi cách tôi một bàn kêu lên như than phiền. “Nước dùng béo hay gầy về nhà mà ăn, đây chỉ có thế thôi. Không ăn thì biến cho rộng chỗ!”. Bà chủ quán vừa xóc bún vừa liếc xéo ra mắng khách. Ánh mắt và lời nói như những mũi tên bay phần phật về phía cô gái, làm tôi cũng rát mặt như bị ném cát. Cô bé ngồi cạnh tôi bị mắng nhưng không dám cãi, chỉ lẩm bẩm: “Ăn uống mất tiền mà cứ như đi ăn xin”. 



Xếp hàng chờ đến lượt mua phở ở Bát Đàn. Ảnh: TP

Ngày hôm sau, lựa lúc vắng khách nhất, khoảng 17h, tôi lại mò đến quán bún mắng để hỏi chuyện bà chủ quán tên Thảo.
“Cô ơi, người ta bảo quán của cô là quán bún chửi, nhưng cháu đã ăn ở đây mấy lần mà chẳng được chửi lần nào”. Được lời như cởi tấm lòng, bà Thảo trút bầu tâm sự: “Đấy, đấy…có phải ai tôi cũng mắng chửi đâu. Mình làm dâu trăm họ, muốn chiều khách lắm chứ. Như cậu đây thì tôi chửi thế nào được. Cậu gọi một bát móng giò, một chai bia, tôi chửi vào chỗ nào.
Tôi chửi vô lý, khách hàng nghiêm chỉnh người ta không đấm cho ấy à. Nhưng mà, có những người õng ẹo, hoạnh hoẹ đủ thứ cơ. Lúc đang đông khách mà cứ đòi hỏi cái này cái nọ, vào sau lại đòi ăn trước, bố đứa nào chịu được. Thế tôi chẳng chửi cho à.
Hôm nọ có hai con õng ẹo vào ăn, bảo vào trong nhà ngồi nhưng cứ đòi ngồi ra đường… Chắc là sợ mất xe! Tôi đuổi thẳng cổ: Không vào trong thì biến ngay! Hôm qua, cũng có hai đứa con gái, vào ăn bún lại đòi cho cháu hai cốc trà đá trước. Khách thì đông, chưa ăn đã đòi uống, tôi bảo: Thôi khỏi uống, khỏi ăn gì, mời hai cô ra cho tôi bán hàng!”.
Bà Thảo cho biết, bà đã bán bún ở chợ Ngô Sỹ Liên hơn ba chục năm nay, không biển hiệu. Ngày nào cũng mở cửa từ lúc 11h30 và đóng cửa lúc 19h30. Về chuyện thương hiệu “bún mắng”, bà Thảo bảo chẳng biết ai đặt cho nhưng bà không muốn cái tiếng ấy.
“Chửi mắng nó già người đi chứ. Nhưng mình làm thật ăn thật, bỏ sức lao động ra để kiếm chút lời, mình không luỵ ai cả. Mọi người vẫn bảo khách hàng là thượng đế, họ bỏ tiền ra thì phải được phục vụ đến tận răng, nhưng tôi thì khác, không bán cũng được, chứ không thể đáp ứng những yêu cầu quá đáng hoặc hoạnh họe ra vẻ ta đây… Cứ vớ vẩn đòi hỏi là tôi đuổi” - bà Thảo nói.
Ở quán phở phố Bát Đàn, cũng giống như bia “bao cấp” ở số 115 Quán Thánh, đều phải xếp hàng theo thứ tự và tự tìm chỗ ngồi, có điểm khác là bia bao cấp còn phải mua “phiếu dịch vụ” sau đó mới ra xếp hàng chờ lấy bia. Sáng đó, có vị khách lạ không biết lệ, cứ vắt chân chữ ngũ gọi lớn: “Cho 1 bát phở”. Sau cả chục phút chờ, không ai nói gì, ông khách bực mình gọi lại, liền bị quát ầm ĩ: “Ăn thì ra xếp hàng, tự bưng chứ ai hầu đến tận mồm!”.
Ông khách choáng quá, cứ ngồi thừ ra, chẳng nói được câu nào, mãi sau mới bẽn lẽn ra xếp hàng. Ăn xong, dù thừa nhận phở có ngon thật nhưng cũng đành thốt lên: “Từ nay tôi cạch đến già/Tôi chẳng dám đến hàng bà nữa đâu!”. Thế nhưng nhiều người vẫn nhẫn nại, thản nhiên cười hề hề khi xếp hàng, trả tiền trước để được nhận tô phở rồi tự tìm chỗ ngồi ăn.

Mắng chửi làm… thương hiệu
Bạn tôi tên N., một người rất tỉ mỉ trong ăn uống, tuần nào cũng mò lên quán phở Bát Đàn. Thường thì vào thứ bảy, nhưng cũng có tuần nổi cơn thèm N. phóng xe từ nhà ở phố Chùa Bộc lên Bát Đàn mất cả nửa tiếng đồng hồ, sẵn sàng chờ đợi vài chục phút nữa để hưởng cái hương vị của phở. N. bảo, xếp hàng thì có làm sao, tự bưng bê thì cũng có làm sao đâu? Mấu chốt là đồ ăn có ngon hay không! “Tớ sợ nhất là phục vụ chu đáo nhưng đồ ăn lại dở ẹc, tính tiền thì cắt cổ”.
Trên phố Nhà Thờ, quán cháo gà của bà M., cũng nổi tiếng với thương hiệu cháo “chửi”. Bà chủ này có thể chửi khách, chửi nhân viên từ sáng tới khuya. Chuyện kể rằng, có lần gặp vị khách Sài Gòn, vừa chê cháo nhạt, anh xin thêm chút muối, liền bị bà M. chửi cho te tua: “Mặn nhạt cái gì, cả trăm người có ai chê đâu. Không ăn thì biến”. Quá sốc, vị khách cầm cả tô cháo đổ xuống rãnh vỉa hẻ, rồi anh vứt trả cả tờ 50 ngàn đồng.

"Với một quán ăn, khách chính là ân nhân, đem lợi nhuận cho chủ quán. Chủ hàng họ không tri ân khách thì thôi, lại còn chửi, thật vô văn hoá hết chỗ nói. Chúng ta nên tẩy chay họ, lần sau không đến nữa và rủ nhiều người cùng tẩy chay, không đến nữa. Chỉ có như vậy, họ mới hành xử có văn hóa hơn” - Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.
Quá bất ngờ, bà M. không nói thêm được lời nào. Nhưng sau lần ấy, bà M. vẫn không bỏ được tật chửi khách. Cho đến một lần bán đêm, gặp đúng nhóm thanh niên đi bụi, khách vừa xin thêm mấy cọng hành, liền bị bà M. chửi, cả nhóm thanh niên bỏ cháo, phá cả cửa hàng. Từ đó, người ta thấy bà M. ít chửi khách hơn. Bà chuyển sang chửi nhân viên ra rả cả ngày. Nhưng lạ, khách vẫn đến đông.
Người Việt mình luôn thích chen nhau chỗ chật thì phải. Một thói quen xếp hàng thời bao cấp còn lưu luyến chăng? Quán nào càng đông đúc người ta càng lao đến, càng chào mời thì lại… chạy xa. Nơi chủ quán vừa mắng chửi vừa bán hàng mà vẫn đông khách chứng tỏ đồ ăn thức uống phải ngon thì chủ quán mới dám cất lời mắng nhiếc thượng đế. Dường như, càng quát mắng, càng quen mồm quen miệng bỗng thành… tiếng lành đồn xa, khách ngày càng đến đông hơn. 
(Theo Tiền phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét