Kinh tế thế giới: Suy thoái kép
có thể bắt đầu khi nào?
(VEF.VN) - Theo tổng kết của chuyên gia nước ngoài, lịch sử của chu kỳ tăng trưởng kinh tế thường kéo dài 3 năm. Mà quá trình hồi phục sau khủng hoảng 2008-2009 đã trải qua hơn 2 năm và 3 năm rưỡi kể từ đỉnh chu kỳ kinh doanh tháng 12/2007. Do vậy những chuyên gia này tính toán một chu kỳ suy thoái mới có thể bắt đầu vào năm 2012.
Ở phần 1 của loạt bài Kinh tế thế giới đang chạm vào lằn ranh suy thoái kép, TS. Phạm Chí Dũng đã phân tích các ẩn số từ bất ổn tâm lý, nợ công, thị trường chứng khoán và thị trường BĐS thế giới. Trong phần 2, tác giả sẽ tiếp tục đi tìm câu hỏi về thời điểm của cuộc suy thoái kép có thể diễn ra trên toàn cầu.Tín hiệu suy thoái từ thị trường chứng khoán thế giới
Từ đầu năm 2011 đến nay, điều ngạc nhiên là các chuyên gia nổi tiếng về chứng khoán Mỹ gần như đã "biến mất" cùng những nhận định của họ. Thay vào đó, lại xuất hiện một số lời tiên đoán khá lạc quan từ giới tỷ phú. Nhà đầu tư tỷ phú Ken Fisher là một ví dụ, khi ông cho rằng sự biến động của thị trường chứng khoán đang tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục và chuẩn bị cho sự trở lại của thị trường giá lên vào năm tới. Theo chúng tôi, có thể lời tiên đoán này dựa vào kinh nghiệm lịch sử của giai đoạn 2003 - 2007, khi thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi sau cú bổ nhào trước đó.
Một nhân vật có uy tín khác - tỷ phú Warren Buffett - trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, cho rằng ông vẫn tin tưởng vào khả năng kinh tế tiếp tục hồi phục và ông không tin vào khả năng kinh tế suy thoái lần 2. Buffett cũng dự báo "việc làm sẽ trở lại khi hoạt động xây dựng trong lĩnh vực xây dựng nhà ở phát triển. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ xuống 6% trong vài năm tới."
Giá dầu hạ đến 18% so với đỉnh điểm đầu tháng 5/2011 cũng là một yếu tố khiến nhà đầu tư lạc quan hơn vào ngành công nghiệp. Yếu tố đó cũng giúp cho các nhà máy Nhật Bản dần lấy lại thế cân bằng sau sự chao đảo mạnh do thảm họa sóng thần gây ra.
Tuy vậy, trước mắt dường như vẫn là con đường đầy chông gai đối với các thị trường chứng khoán thế giới. Ngay cả thị trường các nước mới nổi như Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc cũng đã bước vào chu kỳ suy giảm với mức sụt đáng kể. Sự suy giảm này không đặc trưng bằng trạng thái lao dốc mà cũng là cách giảm giằng co, gần giống thị trường chứng khoán Mỹ. Các nhà đầu tư vẫn chia thành hai trường phái, một bên cố níu kéo những giá trị đã hình thành, còn bên kia đang dần chuyển tài sản của họ ra khỏi thị trường.
Xu hướng thoái vốn khỏi thị trường chứng khoán cũng là một đặc điểm trong 6 tháng đầu năm 2011. Thị trường chứng khoán Mỹ đã bốc hơi lượng vốn hóa khoảng 6 tỷ USD, trong khi dòng tiền chảy vào các quỹ đầu tư cổ phiếu có dấu hiệu giảm.
Hiểm họa chực chờ từ Trung Quốc
Khá khác biệt với Mỹ, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán Trung Quốc lại vẫn ở đỉnh cao chót vót sau khi hồi phục. Trong phác đồ hoạt động của kinh tế thế giới, Trung Quốc được xem là một cấu thành quan yếu, nhưng không nhất thiết bởi lý do GDP của nước này nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới, mà chính bởi hệ lụy kinh khủng có thể sản sinh từ những vụ đổ bể từ thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.
Hiện nay, số nợ mà các chính quyền địa phương phải trả cho hệ thống ngân hàng trung ương Trung Quốc lên tới ít nhất 1.650 tỷ USD, trong khi có số liệu về món nợ này lên đến 3.000 tỷ USD, tức tương đương với toàn bộ dự trữ ngoại hối của quốc gia này. Cùng lúc, số nợ nước ngoài của chính quyền Trung Quốc cũng lên tới 2.000 tỷ USD.
Từ năm 2009, nhiều lời cảnh báo từ các chuyên gia phân tích kinh tế của Mỹ đã hướng đến thị trường bất động sản Trung Quốc, liên quan đến vấn đề bong bóng bất động sản có thể nổ tung vào một thời điểm nào đó. Đến nay, sự thật là quả bong bóng bất động sản vẫn còn nguyên dạng và chỉ mới có dấu hiệu xì hơi.
Thế nên, điều mà người ta hồi hộp chờ đợi chính là lúc mà quả bong bóng bắt đầu chu kỳ tan vỡ của nó. Khi đó, không chỉ nhiều doanh nghiệp bất động sản và kéo theo hệ thống ngân hàng từ địa phương tới trung ương của Trung Quốc lâm vào tình thế trầm kha, mà hệ lụy của nó chắc chắn sẽ gây tác động rất tiêu cực đến những nền kinh tế chủ yếu của khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, và có thể ảnh hưởng xấu đến châu Âu vốn đang ngập chìm chưa có lối thoát trong nợ công.
Trong trường hợp xấu hơn hẳn, hố phân cách giàu nghèo quá lớn ở Trung Quốc và quá trình tích tụ đủ lâu của vô số bức xúc và bất mãn của người dân đối với chính quyền và lớp người giàu sẽ có thể tạo nên một cuộc cách mạng hoa nhài tại đất nước đông dân nhất thế giới này. Khi đó, cả hai thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản tại nước này rất nhiều khả năng sẽ sụp đổ, gây nên sự chấn động lớn đối với nền kinh tế thế giới.
Do vậy, Trung Quốc và thị trường bất động sản của nước này là một ẩn số lớn đối với tương lai kinh tế thế giới. Từ đầu năm 2011 đến nay, kinh tế Trung Quốc đã bị bao phủ bởi nguy cơ lạm phát. Việc chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ dù có hạn chế được tỷ lệ lạm phát nhưng lại dẫn đến giảm sức tăng trưởng - yếu tố vốn đang có xu hướng giảm. Mặt khác, việc thắt chặt tín dụng sẽ đương nhiên làm giảm đi sức cầu tiềm tàng đối với thị trường bất động sản và càng làm cho thị trường này khó tiêu thụ hàng hóa, trong bối cảnh doanh thu tại nhiều thành phố đang bị giảm sút trông thấy. Điều này đương nhiên càng làm cho khả năng trả nợ của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp bất động sản cho ngân hàng trung ương Trung Quốc vô vọng hơn.
Nếu thị trường bất động sản Trung Quốc có thể cầm cự được hết năm 2011 mà bong bóng chưa bị nổ, hoặc những biện pháp kềm tỏa bong bóng của chính phủ nước này tỏ ra có hiệu quả, thì nền kinh tế thế giới có hy vọng tránh được mối lo trong năm 2012. Ứng với trường hợp này, nền kinh tế thế giới sẽ vẫn tương đối bình thường nửa cuối 2011 và cả 2012.
Theo một nghiên cứu gần đây của chúng tôi (bài Bong bóng bất động sản Trung Quốc - VEF.VN ngày 27-28/6/2011), bong bóng bất động sản Trung Quốc đã hình thành và có khả năng bắt đầu chu kỳ tan vỡ của nó vào tháng 10/2011 hoặc trong quý 4/2011. Nếu giả thuyết này xảy ra thì vào cuối năm nay, kinh tế thế giới sẽ phải chịu một áp lực lớn đến từ khu vực Bắc Á.
Những khả năng suy thoái và chống đỡ
Để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể vốn chưa hồi sức hẳn sau cơn bạo bệnh, nhiều ý kiến, trong đó có "chuyên gia tận thế" - tiến sĩ Roubini, đã đề nghị chính phủ Mỹ vẫn cần có một gói kích thích kinh tế nữa vào cuối năm 2011. Theo Roubini, vào năm 2013, một cơn bão toàn diện sẽ ập lên nền kinh tế toàn cầu. Cơn bão này bao gồm khó khăn tài chính của Mỹ, đà giảm tốc tại Trung Quốc, quá trình tái cấu trúc nợ tại châu Âu, tình trạng đình đốn tại Nhật Bản. Do vậy, một QE3 (chương trình nới lỏng định lượng) nữa là hết sức cần thiết.
Tuy thế, cho đến nay từ phía FED vẫn chưa có tín hiệu gì về gói QE3. Rất có thể trong thời gian tới, bản thân chính phủ Mỹ còn phải giải quyết vấn đề trước mắt là thống nhất việc nâng trần nợ công và giữ không cho tỷ lệ thất nghiệp lên đến 10%.
Về phía châu Âu, ẩn số về nợ công vẫn nằm trong các khả năng: hoặc chỉ riêng Hy Lạp gây tác động tiêu cực đến hệ thống Cộng đồng châu Âu; hoặc ngoài Hy Lạp lại còn thêm một vài quốc gia khác mà hiện nay đang được xếp trong danh sách "đen". Trong trường hợp xấu nhất, khi cả Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, Ý đều không tự giải quyết được vấn đề nợ của các quốc gia này, có thể nói gần như chắc chắc châu Âu sẽ bó tay và lục địa già sẽ nhanh chóng trôi vào cơn bão suy thoái mà Roubini dự báo. Nếu bị lâm vào trường hợp này, kinh tế thế giới sẽ bắt đầu suy thoái trong nửa cuối 2011 và kéo sang 2012.
Nhưng dù nền kinh tế thế giới có bình yên trong năm 2011 và 2012, vẫn cần chú ý đến tính chu kỳ về tăng trưởng và suy thoái. Theo tổng kết của chuyên gia nước ngoài, lịch sử của chu kỳ tăng trưởng kinh tế thường kéo dài 3 năm. Mà quá trình hồi phục sau khủng hoảng 2008-2009 đã trải qua hơn 2 năm và 3 năm rưỡi kể từ đỉnh chu kỳ kinh doanh tháng 12/2007. Do vậy những chuyên gia này tính toán một chu kỳ suy thoái mới có thể bắt đầu vào năm 2012.
Giả thuyết về thời điểm suy thoái
Liên quan đến khả năng xảy ra suy thoái kép, chúng tôi cũng muốn nêu thêm một giả thuyết khác về chu kỳ phục hồi và thời điểm suy thoái kép có thể xảy ra, dựa trên việc so sánh quá trình vận động của chỉ số chứng khoán Dow Jones trong thời gian sau khủng hoảng 2008-2009 với thời kỳ Đại khủng hoảng 1929-1932. Việc so sánh này dựa trên cơ sở sau thời kỳ Đại suy thoái, cuộc khủng hoảng 2008-2009 đã chứng kiến nền kinh tế Mỹ rơi vào giai đoạn khó khăn nhất và thị trường chứng khoán cũng bị giảm điểm mạnh nhất.
Bảng so sánh chỉ số chứng khoán Dow Jones qua hai thời kỳ:
| Thời kỳ Đại suy thoái | Khủng hoảng 2008-2009 |
Thời gian suy thoái | 3 năm (8/1929 - 7/1932) | 17 tháng (10/2007 - 3/2009) |
Tỷ lệ sụt giảm | 90% | 53% |
Thời gian phục hồi | 5 năm (1932-1937) | 28 tháng (3/2009 - 7/2011) |
Tỷ lệ phục hồi | 470% | 90% |
Đã có những đánh giá về việc chu kỳ giữa các giai đoạn tăng trưởng, phục hồi và suy thoái càng về sau này càng được rút ngắn dần. Như vậy, cũng có thể giai đoạn phục hồi của nền kinh tế Mỹ được rút ngắn so với thời kỳ Đại suy thoái.
Từ bảng so sánh trên, chúng ta có thể tính toán sơ bộ rằng chu kỳ phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng 2008-2009 sẽ kéo dài 28 tháng, tức đến tháng 10/2011, chu kỳ này sẽ chấm dứt và nền kinh tế Mỹ có thể bắt đầu chu kỳ suy thoái kép. Một điểm trùng hợp đáng lưu ý là cũng theo nghiên cứu của chúng tôi, bong bóng trên thị trường bất động sản Trung Quốc có thể bắt đầu chu kỳ rạn vỡ cũng vào tháng 10/2011 hoặc trong quý 4/2011.
Trong thực tế, thị trường chứng khoán Mỹ dường như đã bắt đầu chu kỳ đổ dốc từ đầu tháng 5/2011. Cùng với sự trì trệ của thị trường việc làm, có thể đây là tín hiệu rõ rệt nhất cảnh báo về giai đoạn suy thoái kép (nếu có) sẽ diễn ra từ cuối năm 2011, đầu năm 2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét