Ai đang giữ vàng nhiều nhất thế giới?
Giá vàng đã tăng 12,3% từ đầu năm tới nay - Ảnh: CNBC.
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đêm 18/7 đã vượt lên 1.608,5 USD/oz, cao nhất từ trước tới nay. Một loạt yếu tố bất ổn về kinh tế như nợ công châu Âu, trần nợ của Mỹ đang hỗ trợ tốt cho thị trường vàng. Theo hãng tin CNBC, các ngân hàng trung ương, định chế tài chính quốc tế và chính phủ các nước được cho là đang nắm 16,5% tổng lượng vàng của thế giới, vào khoảng 30.160 tấn. Việc giá vàng sôi sục trở lại sau nhiều ngày yên ắng, dự kiến sẽ làm thay đổi "trọng lượng" của các tổ chức, định chế này trong danh sách những nơi nắm giữ vàng nhiều nhất thế giới. Dưới đây là 15 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức tài chính nắm giữ lượng vàng nhiều nhất thế giới, theo công bố của hãng tin CNBC trên cơ sở báo cáo tháng 7/2011 của Hội đồng Vàng Thế giới.15. Venezuela
Giá trị: 20,64 tỷ USD
Tổng dự trữ: 403,1 tấn
Ngân hàng Banco Central de Venezuela hiện đang quản lý 403,1 tấn vàng, với tổng giá trị đạt 20,64 tỷ USD, chiếm 64,8% dự trữ ngoại hối của Venezuela. Mặc dù Venezuela hiện đứng thứ 15 trong danh sách này, nhưng từ năm 2009 tới nay, nước này đã tăng dần lượng vàng nắm trong tay. Năm 2009, Tổng thống Hugo Chavez đã đưa ra các chính sách mới thúc đẩy khai thác vàng và điều đó giúp nâng thứ hạng của Venezuela.
14. Bồ Đào Nha
Giá trị: 21,58 tỷ USD
Tổng dự trữ: 421,5 tấn
Quốc gia ở phía cực tây của châu Âu này có trữ lượng vàng lớn thứ 14 trên thế giới. Với 421,5 tấn, lượng vàng dự trữ của Bồ Đào Nha do ngân hàng Banco de Portugal quản lý, hiện có giá trị khoảng 21,58 tỷ USD, chiếm 84,8 dự trữ ngoại hối quốc gia.
13. Đài Loan (Trung Quốc)
Giá trị: 23,9 tỷ USD
Tổng dự trữ: 466,8 tấn
Nổi tiếng về công nghệ và tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Đài Loan còn là vùng lãnh thổ có trữ lượng vàng hàng đầu thế giới. Ngân hàng Đài Loan hiện đang quản lý 466,8 tấn vàng có giá trị 23,9 tỷ USD theo giá thị trường, chiếm 4,6% dự trữ ngoại hối.
12. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)
Giá trị: 28,33 tỷ USD
Tổng dự trữ: 553,3 tấn
Được Liên minh châu Âu thành lập vào năm 1998, ECB chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ của các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Cơ quan này đóng trụ sở ở Frankfurt, Đức. Số vàng 553,3 tấn do ECB quản lý hiện chiếm 31,3 trữ lượng ngoại hối và có giá trị 28,33 tỷ USD.
11. Ấn Độ
Giá trị: 31,47 tỷ USD
Tổng dự trữ: 614,6 tấn
Vài năm gần đây, dự trữ vàng của Ấn Độ đã tăng mạnh. Quốc gia đông dân số thứ hai thế giới hiện giữ vị trí thứ 11 về trữ lượng vàng. Tháng 11/2009, nước này đã mua thêm 6,9 tấn vàng từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Hiện Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đang quản lý 614,6 tấn vàng, bằng 8,7% dự trữ ngoại hối.
10. Hà Lan
Giá trị: 34,56 tỷ USD
Tổng dự trữ: 674,9 tấn
Hà Lan là quốc gia có trữ lượng vàng lớn thứ 10 với 674,9 tấn. Ngân hàng Hà Lan là cơ quan điều hành hoạt động tài chính quốc gia, trong đó bao gồm cả vàng dự trữ. Lượng vàng của Hà Lan có giá trị khoảng 34,56 tỷ USD, chiếm 59,4% dự trữ ngoại hối.
9. Nhật Bản
Giá trị: 43,17 tỷ USD
Tổng dự trữ: 843,3 tấn
Mặc dù Nhật Bản đứng thứ 9 trong danh sách, nhưng lượng vàng nước này nắm giữ chỉ chiếm 3,3% tổng giá trị dự trữ ngoại hối. Tính theo giá thị trường, tổng lượng vàng do Nhật nắm giữ có giá trị vào khoảng 43,17 tỷ USD. Số vàng này do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quản lý.
8. Nga
Giá trị: 46,85 tỷ USD
Tổng dự trữ: 915,2 tấn
Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga hiện quản lý 915,2 tấn vàng, tương đương 46,85 tỷ USD, chiếm 7,8% dự trữ ngoại hối quốc gia. Năm 2009, Nga tăng sản lượng vàng lên 21% một phần là vì có một số mỏ mới được đưa vào khai thác. Năm 2010, Nga đã vượt Nhật Bản về tổng dự trữ với lượng vàng trong kho tăng thêm 140 tấn.
7. Thụy Sỹ
Giá trị: 58,68 tỷ USD
Tổng dự trữ: 1.146,2 tấn
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ có trách nhiệm quản lý các chính sách tiền tệ của nước này cũng như 1.146,2 tấn vàng trong kho dự trữ. Là nước có dự trữ vàng lớn thứ 7 trên thế giới, lượng kim loại quý do Thụy Sỹ nắm giữ có giá 58,68 tỷ USD và chiếm 17,6% dự trữ ngoại hối quốc gia.
6. Trung Quốc
Giá trị: 59,47 tỷ USD
Tổng dự trữ: 1.161,6 tấn
Với 1.161,6 tấn vàng, quốc gia đông dân nhất thế giới này hiện đứng thứ 6 về dự trữ vàng, nhưng từng đó vàng chỉ chiếm có 1,6% dự trữ ngoại hối. Với dân số 1,34 tỷ người, tính ra mỗi người Trung Quốc đang sở hữu số vàng giá trị 44,38 USD.
5. Pháp
Giá trị: 137,4 tỷ USD
Tổng dự trữ: 2.683,8 tấn
Ngân hàng Quốc gia Pháp Banque De France là nơi nắm giữ vàng của quốc gia này, chiếm 66,1% tổng dự trữ ngoại hối. Với 2.683,8 tấn vàng trong ngân khố, Pháp hiện sở hữu khoảng 137,4 tỷ USD.
4. Italy
Giá trị: 138,33 tỷ USD
Tổng dự trữ: 2.701,9 tấn
Ngân hàng Banca D’Italia hiện là nơi quản lý dự trữ ngoại hối của nước này. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhà băng này nắm giữ 2.701,9 tấn, nhiều thứ 4 trên thế giới. Lượng vàng của ngân hàng này nắm giữ có giá trị 138,33 tỷ USD và chiếm 71,4% dự trữ ngoại hối quốc gia.
3. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Giá trị: 158,77 tỷ USD
Tổng dự trữ: 3.101,3 tấn
IMF là cơ quan giám sát các hoạt động kinh tế quốc tế của 185 quốc gia thành viên. Chính sách về vàng của quỹ này đã thay đổi trong 25 năm qua, nhưng lượng vàng dự trữ của họ vẫn đóng vai trò làm ổn định thị trường thế giới và trợ giúp các nền kinh tế. Định chế tài chính đa phương này hiện nắm giữ 3.101,3 tấn vàng, với giá trị đạt 158,77 tỷ USD theo giá thị trường.
2. Đức
Giá trị: 191,89 tỷ USD
Tổng dự trữ: 3.747,9 tấn
Ngân hàng Trung ương Đức hiện cất giữ khoảng 3.747,9 tấn vàng, giá trị ước đạt 191,89 tỷ USD. Theo tính toán của Hội đồng Vàng Thế giới, trữ lượng vàng ở Đức chiếm 71,7% tổng giá trị dự trữ ngoại hối của nước này.
1. Mỹ
Giá trị: 459,04 tỷ USD
Tổng dự trữ: 8.965,6 tấn
Kho vàng Liên bang Mỹ đặt ở Kentucky (được biết đến nhiều với cái tên Fort Knox) là nơi chứa vàng nổi tiếng nhất trên thế giới. Nơi đây cất giữ phần lớn dự trữ vàng của Mỹ, phần còn lại được trữ tại xưởng đúc tiền Philadelphia, xưởng đúc tiền Denver, kho vàng West Point và Văn phòng phân tích kim loại quý San Francisco.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét