Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

(9) THỬ NGHIỆM XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG QUÝ

Bài viết của tôi năm 2001:

MÔ HÌNH KINH T LƯỢNG QUÝ
MỤC 1: MÔ HÌNH KINH TẾ LƯỢNG LÝ THUYẾT MÔ TẢ HOẠT ĐỘNG NGẮN HẠN CỦA NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN (tiếp theo)

II- KHỐI TÀI CHÍNH, TIỀN TỆ, GIÁ CẢ:
Khối tài chính, tiền tệ, giá cả bao gồm các chỉ tiêu thu, chi và mức thâm hụt ngân sách, giá cả và các chỉ tiêu phản ánh biến động về tiền tệ. Các phương trình của mô hình được xây dựng chủ yếu trên cơ sở những phân tích kinh tế vĩ mô trong chương I. Phương pháp tiếp cận để mô hình hoá cũng tương tự như được đề cập trong phần mô hình hoá khối thực.
          1) Tài chính công (thu chi ngân sách):
Tài chính công ảnh hưởng rất mạnh đến tăng trưởng sản xuất và tổng cầu của một nền kinh tế; thể hiện qua các mặt:
- Chính sách thuế ảnh hưởng đến hoạt động và quyết định chi tiêu của khu vực tư nhân.
- Chính sách chi tiêu và chuyển giao công cộng tác động tới tổng tiêu dùng cuối cùng toàn xã hội và phân bố lại thu nhập giữa các tầng lớp dân cư.
- Chính sách tài chính cho thâm hụt ngân sách có ảnh hưởng đến lạm phát và lãi suất.
- Xét về quy mô, khu vực tài chính sẽ ngày càng lớn; các hoạt động ngân sách có ảnh hưởng ngày càng mạnh tới các khu vực khác của nền kinh tế.

Vì vậy, phân tích dự báo thu, chi và bù đắp thâm hụt ngân sách tương lai đóng vai trò rất quan trọng trong phân tích và dự báo tiến triển của toàn bộ nền kinh tế. Đặc biệt, các dự báo thu thuế có liên quan chặt chẽ tới dự báo các khu vực khác của nền kinh tế quốc dân. Vì tất cả những lý do trên, dự báo tài chính công là một trong những thành phần cơ bản trong tất cả các mô hình kinh tế lượng vĩ mô.
Dự báo tài chính công phụ thuộc rất lớn vào các giả thiết về chính sách tài chính của Nhà nước, được phản ảnh trong quy mô và cơ cấu của thu, chi ngân sách và bù đắp cho thâm hụt ngân sách dự báo. Điều này khác với dự báo khu vực thực (sản xuất, việc làm, đầu tư, tiêu dùng, ngoại thương...) vì khu vực này phụ thuộc tương đối ít vào các hoạt động của chính phủ trong khi hoạt động của khu vực ngân sách gắn chặt với mọi quyết định cụ thể của chính phủ, nhất là trong lĩnh vực chi tiêu. Tuy nhiên, nếu như thu ngân sách phụ thuộc rất lớn vào kết quả hoạt động của nền kinh tế thì các chi ngân sách lại chịu ảnh hưởng rất lớn vào các quyết định của chính phủ. Đặc biệt, ở tầm ngắn hạn, chính phủ có thể quay ngoặt chính sách 180 độ, chuyển từ thặng dư ngân sách sang thâm hụt cao và bắt các khu vực khác của nền kinh tế phải gánh vác việc bù lỗ cho thâm hụt ngân sách.
Tài chính công được mô hình hoá qua nhiều giai đoạn. Trước tiên, chúng ta xây dựng phương trình xác định tổng thu ngân sách gộp trong đó thu ngân sách phụ thuộc chủ yếu vào các biến kinh tế vĩ mô như GDP, tiêu dùng và nhập khẩu. Sang bước 2, sẽ xây dựng phương trình chi ngân sách cho tiêu dùng là hàm của thu ngân sách. Chi ngân sách để trả nợ thường được coi là thành phần đã được xác định trước (vì căn cứ vào số lượng nợ đã có và các thời điểm đến hạn, sẽ tính trước được lịch trả nợ từng kỳ của thời gian tới). Do đó, trong tổng chi ngân sách gộp, chỉ còn thành phần chi ngân sách cho đầu tư phát triển là chưa được biết. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp đặc biệt như tình hình hiện nay ở nước ta, khi nhà nước chủ động ấn định trước một tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP và quyết định dành toàn bộ số chênh lệch thu – chi ngân sách thường xuyên và trả nợ cho mục tiêu đầu tư phát triển, thì chi ngân sách cho đầu tư phát triển được tình trên cơ sở cân bằng tổng thu chi ngân sách. Mô hình không xét đến các giải pháp tài chính cho thâm hụt ngân sách.
          (15) Tổng thu ngân sách:
          Tổng thu ngân sách gồm thu thuế và phí, trong đó thuế chiếm tỷ trọng rất cao (khoảng 83%). Hơn nữa, trong khi số nguồn hình thành phí tương đối ít và có tính đồng nhất cao thì các nguồn hình thành thuế rất đa dạng và mang bản chất rất khác nhau tuỳ từng loại thuế. Theo phân loại của Bộ Tài chính trong các báo cáo thuế thì có tới 15 loại thuế; mỗi loại lại có cơ sở thu thuế và thuế suất rất khác nhau. Do đó để có những phân tích, dự báo chính xác về thuế và tổng thu ngân sách, cần phải xây dựng nhiều phương trình cho từng loại thuế khác nhau để phản ánh đúng những biến động khác nhau của từng loại thuế. Tuy nhiên, trong các mô hình gộp, để đơn giản, người ta có thể đi theo một trong hai cách tiếp cận:
          - Thông thường, nhóm các loại thuế có cùng xu hướng biến động (tăng, giảm) và tương đối đồng nhất làm một nhóm để dự báo dù rằng các thuế suất và đối tượng thu thuế có khác nhau. Nếu hai loại thuế có tổng giá trị thu biến động rất khác nhau thì nên tách riêng để phân tích, dự báo nhằm đưa được tính khác nhau đó vào các phương trình phân tích, dự báo. Sau khi nhóm, cần phải tìm một cơ sở thu thuế chung cho các loại thuế trong cùng một nhóm, gọi là cơ sở đánh thuế chung thay thế cho cơ sở đánh thuế riêng của từng loại thuế.
          - Không chia nhỏ tổng thu ngân sách mà phân tích, dự báo gộp. Khi đó, việc chọn cơ sở thu thuế chung thường rất khó khăn vì mỗi nhóm thuế có quy luật biến đổi khác nhau tuỳ theo cơ sở đánh thuế riêng của từng loại thuế, tạo nên một quá trình biến động tổng thu ngân sách khó xác định chính xác. Tuy nhiên, theo phân tích của Keynes, có thể dùng một trong những chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất hoặc tiêu dùng của nền kinh tế làm cơ sở đánh thuế chung tuỳ theo tỷ trọng của các loại thuế; ví dụ như tổng sản phẩm xã hội, thu nhập quốc gia sẵn có, tổng cầu nội địa hay tiêu dùng cá nhân.
Vì mục tiêu xây dựng mô hình phân tích và dự báo gộp trong điều kiện các số liệu quý còn chưa đầy đủ, trong mô hình VQEM, chúng ta đi theo tiếp cận thứ 2. Hơn nữa, để đơn giản, tổng thu ngân sách được dự báo sẽ là hàm số của tổng sản phẩm trong nước, tức là:
          REVGO = f (GDPCU)
Nếu REVGO = t * GDPCU thì t chính là thuế suất trung bình hay tỷ lệ thu ngân sách trên GDP. Vì đây là mô hình gộp nên hệ số t thường không ổn định.
Một vấn đề nữa cần xử lý là thời gian trễ khi thu thuế trong các mô hình quý. Trễ trong thu thuế là một đặc điểm rất phổ biến trong phần lớn các hệ thống thuế vì cần có thời gian thích hợp để thu thập đủ những thông tin liên quan nhằm tính ra cơ sở thuế, tiếp đến triển khai thu số thuế phải nộp. Trong thực tế, cần phải chấp nhận sự tồn tại của thời gian trễ trong các phương trình thu thuế do hai lý do: Một là, khi có thời gian trễ thì có thể dự báo dễ dàng hơn vì khi đó chúng ta có nhiều thông tin hơn và các thông tin chính xác hơn liên quan đến cơ sở thu thuế. Hai là trong điều kiện lạm phát, giá trị thực của số thuế thu được sẽ giảm khi có thời gian trễ do yếu tố mất giá của đồng tiền; thời gian thu thuế càng dài, tỷ lệ lạm phát càng lớn, thì mức độ giảm giá trị thực càng cao, vì mức thuế được xác định cố định theo giá trị danh nghĩa của cơ sở thu thuế và từng loại thuế, ví dụ dưới dạng một tỷ lệ của thu nhập trong thời kỳ trước.
Một nghiên cứu cho 18 nước đang phát triển gần đây cho thấy thời gian trễ trong thu thuế là đáng kể. Đối với thu thường xuyên, độ trễ là 6,5 tháng; thu thuế: 6 tháng; thu thuế thu nhập, lợi tức, lợi nhuận và giá trị thặng dư: 6,3 tháng; thu thuế về bán hàng, doanh thu hoặc giá trị gia tăng: 5,4 tháng; thu thuế tiêu thụ đặc biệt: 8,3 tháng; thu thuế nhập khẩu: 8,0 tháng. Như vậy, mức dao động từ 5 đến 8 tháng. Đặc biệt, thu thuế nhập khẩu có độ trễ lớn nhất trong khi nó chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thu nhập thuế[1].
          (16) Tổng chi ngân sách nhà nước
          Chi ngân sách Nhà nước gồm ba bộ phận: chi tích luỹ để đầu tư phát triển, chi tiêu dùng thường xuyên và trả nợ và viện trợ nước ngoài; trong đó chi tiêu dùng thường xuyên chiếm tỷ trọng quan trọng nhất. Nếu như thu ngân sách phụ thuộc rất mạnh vào kết quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thì chi ngân sách có độ độc lập tương đối cao; tức là chi ngân sách phụ thuộc nhiều vào ý muốn chủ quan của các chính phủ. Các số liệu thống kê cho thấy trong khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tăng nhanh và được duy trì ở những mức khá cao trong hầu suốt thập kỷ 90 thì tỷ lệ chi ngân sách trên GDP, sau khi lên đến đỉnh cao nhất vào năm 1993, có xu hướng giảm dần; tức là tỷ lệ tăng trưởng chi ngân sách thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP danh nghĩa. Điều này cũng có nghĩa là chính sách tài khoá có xu hướng chặt lại trong thập kỷ 90, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo như đã phân tích trong chương I.
          Tính độc lập tương đối của tổng ngân sách Nhà nước so với kết quả sản xuất được xuất phát từ nhiều nhân tố chủ quan của Chính phủ trong mỗi thời kỳ, trong đó đáng kể nhất là chi cho đầu tư phát triển, chi quốc phòng an ninh, chi điều chỉnh tiền lương... Ngoài những khoản chi ngân sách nêu trên, còn có những khoản chi khác mà chính phủ không có quyền hoặc rất khó can thiệp, ví dụ như những khoản chi đã được ghi trong Luật Ngân sách hoặc những cam kết đã có, như chi phí cho y tế, giáo dục, người về hưu, trả nợ trong nước và nước ngoài... Chi trả nợ nước ngoài có liên quan chặt chẽ tới cán cân thanh toán quốc tế và vay nợ trong quá khứ; thông thường, các chính phủ đều biết tổng số nợ đến hạn phải trả và số lãi kèm theo, do đó số chi ngân sách cho trả nợ nước ngoài coi như đã được xác định. Tình hình tương tự đối với trả nợ trong nước. Do đó, để chuẩn bị đầu vào cho mô hình, người ta thường xây dựng một lịch trình trả nợ của chính phủ trên cơ sở các thông tin nợ tồn đọng, từ đó tính ra số tiền ngân sách phải chi cho mục đích này. Vì vậy dự báo chi trả nợ không đặt ra nhu cầu phải xây dựng các mô hình kinh tế lượng.
          Tính độc lập tương đối của tổng ngân sách Nhà nước còn được thể hiện ở việc các chính phủ chấp nhận những mức, tỷ lệ thâm hụt ngân sách nào đó để bù đắp cho những khoản chi bắt buộc trong điều kiện thu ngân sách có hạn. Ở nước ta, trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, chính phủ đã chủ động ấn định những tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP cao và dùng toàn bộ số thâm hụt này để đầu tư phát triển và hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Như vậy, nếu như tổng thu ngân sách được xác định căn cứ vào kết quả sản xuất thì tổng chi ngân sách được xác định theo quan hệ sau:
          EXPGO = REVGO + DEFBU
trong đó DEFBU là mức thâm hụt ngân sách được tính trên cơ sở tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP là một biến ngoại sinh.
          (17) Chi ngân sách thường xuyên:
          Trong ba thành phần của tổng chi ngân sách Nhà nước, chi ngân sách thường xuyên thường được xem là thành phần mang tính nội sinh trong khi chi đầu tư phát triển và trả nợ và viện trợ nước ngoài thường được xem là thành phần mang tính ngoại sinh. Trên thực tế, mặc dù chi ngân sách thường xuyên phụ thuộc tương đối lớn vào chính sách của chính phủ, nhưng do quy mô lớn nên nó vẫn không thể thoát ly khỏi tổng thu ngân sách vì chi thường xuyên phải dựa trên khả năng thu. Mặt khác, theo kinh nghiệm của các mô hình kinh tế lượng đã có, quan hệ giữa chi thường xuyên và tổng thu ngân sách nói chung đã diễn ra khá chặt. Do đó phương trình xác định chi ngân sách thường xuyên trong mô hình lý thuyết như sau:
          EXPPM = f (REVGO)
          (18) Chi ngân sách cho đầu tư phát triển:
          Ngược với chi ngân sách thường xuyên, chi ngân sách cho đầu tư phát triển phụ thuộc vào mục tiêu phát triển kinh tế của chính phủ trong mỗi thời kỳ. Thông thường, căn cứ vào mục tiêu tăng trưởng, người ta sẽ ước tính được nhu cầu đầu tư thông qua mô hình tăng trưởng nội sinh; từ đây sẽ ước tính nhu cầu đầu tư từ ngân sách Nhà nước và dự báo một tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP cần thiết để đáp ứng nhu cầu. Sau đó tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP được coi là biến chính sách, tức là biến ngoại sinh. Trên thực tế, tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP thường được xem là biến ngoại sinh trong mô hình để phân tích, mô phỏng và chọn lựa những tỷ lệ thâm hụt ngân sách hợp lý nhất căn cứ vào các mục tiêu kinh tế vĩ mô của chính phủ.
Ở nước ta, như đã nói ở trên, trong những năm gần đây, chính phủ đã chủ động ấn định những tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP cao và dùng toàn bộ số thâm hụt này để đầu tư phát triển và hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế. Vì vậy, nếu gọi DEFRA là tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP thì tổng giá trị thâm hụt ngân sách được tính theo công thức:
          DEFBU = DEFRA * GDPCU
          Khi đó chi ngân sách cho đầu tư phát triển được xác định như sau:
          IG = EXPGO - (EXPPM + PAYIN)
trong đó PAYIN là giá trị của phần chi ngân sách để trả nợ và viện trợ của chính phủ. Biến này được giả định là ngoại sinh.
          2) Giá cả
          (18) Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng (tỷ lệ lạm phát):
          Đối với một sản phẩm trên thị trường, giá cả được xác định căn cứ vào quan hệ cung cầu; khi cầu vượt cung thì giá hạ và ngược lại. Mặc dù quá trình này có thể bị chậm lại do những can thiệp hành chính hoặc điều chỉnh thời vụ nhưng về dài hạn, quan hệ cân đối cung cầu vẫn là nhân tố cơ bản xác định giá cả từng loại hàng hoá. Ở tầm kinh tế vĩ mô, tăng mặt bằng giá là phản ảnh của những phi cân bằng kinh tế vĩ mô, nhưng vấn đề dự báo giá cả trở nên phức tạp hơn vì ở cấp này xuất hiện nhiều nhân tố mang tính tổng hợp. Một số mô hình dự báo giá cả phổ biến trên thế giới là:
          a) Lạm phát do cầu vượt:
          Để kiểm tra giả thuyết lạm phát do tổng cầu hàng hoá và dịch vụ tăng nhanh hơn tổng cung, cần phải nghiên cứu tìm quan hệ giữa các biến này. Tiếp cận được sử dụng phổ biến là đường cong Philip của học thuyết tân Keynes. Đường cong này nguyên gốc phản ánh quan hệ âm giữa tỷ lệ biến động của tiền lương và tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp được dùng để đại diện cho chỉ tiêu chênh lệch giữa sản xuất thực tế và sản xuất khi sử dụng hết lao động. Phương trình được dùng để giải thích và dự báo lạm phát theo lý thuyết này như sau:
                              p(t) = (P(t) - P(t-1)) / P(t-1)  =  a * GAPP + b
trong đó p(t) là tỷ lệ lạm phát năm (quý) t; P là mặt bằng giá chung; GAPP là chênh lệch giữa GDP thực so với giá trị xu thế của nó, tính bằng phần trăm của GDP thực. Giá trị GDP xu thế có thể được tính từ ước lượng phương trình: log(GDP) = a + b * t.
          Để tính đến vai trò của yếu tố tâm lý trong dự báo lạm phát của người dân, phương pháp đơn giản là dùng chỉ tiêu lạm phát của thời kỳ trước (hoặc trung bình của một số thời kỳ trước); ví dụ trong phương trình trên, chúng ta bổ xung thêm biến  p(t-1) như sau:
                              p(t) = a * GAPP + b * p(t-1)  + d
trong đó a, b, d là những tham số cần ước lượng.
          b) Lạm phát do tiền tệ:
          Theo lý thuyết trọng tiền, trong điều kiện cân bằng dài hạn, sản xuất luôn luôn nằm trên trục tăng trưởng cố định tương ứng với tiềm năng của nó, các lãi suất thực cố định và tỷ lệ lạm phát được dự báo đầy đủ, thì tỷ lệ lạm phát sẽ đúng bằng tốc độ tăng trưởng tiền tệ (m) trừ đi tốc độ tăng trưởng GDP thực (g); tức là:
                    p = m - g
          Tuy nhiên, cân bằng dài hạn này không bao giờ đạt được, do đó trong thực tế, phải dùng phương pháp xấp xỉ, tức là ước lượng phương trình:
                    p = a * m + b * g + d
                    với  b < 0.
          Phương trình này cũng được suy ra từ lý thuyết vòng quay tiền tệ trong học thuyết cổ điển. Để đưa vào yếu tố dự báo thích nghi, người ta thường thêm biến chênh lệch tỷ lệ lạm phát của 2 năm trước, nghĩa là:
                    p = a * m + b * g + d * (p(t-1) - p(t-2)) + l
          c) Lạm phát do những nhân tố nước ngoài:
          Để đưa vào ảnh hưởng của các nhân tố nước ngoài phản ánh tác động của giá nhập khẩu, người ta thường sử dụng phương trình:
                    p = a * m + b * g + d * (DPm/Pm) + l
trong đó Pm là giá nhập khẩu.
          d) Lạm phát do cơ cấu:
          Theo lý thuyết cơ cấu, nguyên nhân lạm phát là do thiếu hụt của cung so với cầu, nhưng không phải ở mức toàn cục mà chỉ cục bộ trên một số mặt của nền kinh tế. Ví dụ nếu trong một khu vực nào đó, cung không tương xứng với cầu, giá hàng hoá khu vực đó tăng lên, sẽ kéo theo mặt bằng giá chung tăng lên, gây ra lạm phát. Khu vực đó được gọi là khâu hẹp hay chỗ thắt nút, điểm nghẽn của nền kinh tế. Lý thuyết cơ cấu cũng chỉ rõ đối với các nước đang phát triển, ba khâu hẹp chính là sản xuất nông nghiệp không đáp ứng nhu cầu, tỷ lệ thâm hụt ngân sách cao và thiếu hụt ngoại tệ để nhập khẩu hàng hoá thiết yếu cho nền kinh tế. Phương trình xác định tỷ lệ lạm phát theo thuyết cơ cấu như sau:
                    p = a * D/GDP + b * log(GDP) + c * log(e) + d
trong đó D mức thâm hụt ngân sách; e là tỷ giá.
          e) Mô hình hỗn hợp:
          Trong thực tế, lạm phát ở một nước đang phát triển như nước ta có thể xảy ra do sự tồn tại đồng thời của nhiều nhân tố cung, cầu, cơ cấu, tiền tệ... mà việc phân tích trực quan khó có thể cho những nguyên nhân chính xác. Do đó, kinh nghiệm thực tế cho thấy nên đưa tất cả các biến của các mô hình có khả năng nhất vào cùng một mô hình gộp và ước lượng; từ đó lựa chọn những biến có khả năng giải thích tốt nhất hiện tượng lạm phát. Đối với mô hình VQEM, phương trình xác định lạm phát được dự kiến như sau:
INFLA = f (GM2, EXROW, GIMPR, GRESA, GGDP, INTEIN3, DEFRA)
trong đó GM2, EXROW, GIMPR, GRESA và GGDP lần lượt là tỷ lệ tăng trưởng của tổng cung tiền tệ M2, của tỷ giá EXRAT, của giá hàng nhập khẩu IMPRI, của tiền lương thực tế RESA và của tổng sản phẩm trong nước GDP; riêng INTEIN3 là lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng; DEFRA là tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP. Các biến GEXROW, GIMPR, GRESA, DEFRA và INTEIN3 đều là biến ngoại sinh. GM2 và INTEIN3 phản ánh vai trò của chính sách tiền tệ trong khi DEFRA phản ảnh ảnh hưởng của chính sách ngân sách tới lạm phát.
          Trong các mô hình Keynes, quan hệ giá - lương là quan hệ nhân quả hai chiều; tăng lương kéo theo tăng giá, tăng giá đến lượt mình lại đẩy tiền tăng lương tăng lên. Tuy nhiên, nguyên nhân của quan hệ nhân quả hai chiều là vai trò rất lớn của công đoàn trong cuộc đấu tranh đòi tăng lương. Ở Việt nam, do đặc thù của một nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN và vai trò của công đoàn trong cuộc đấu tranh đòi tăng lương còn rất hạn chế nên chiều nhân quả từ tăng giá tới tăng lương rất yếu. Vì vậy có thể coi tiền lương là biến ngoại sinh do nhà nước điều khiển, không phụ thuộc vào biến động giá cả. Thực tế, trong những năm bùng nổ kinh tế, mặc dù giá tiêu dùng liên tục tăng lên, nhưng tiền lương được giữ ổn định; ngược lại, trong những năm gần đây, mặc dù kinh tế tăng trưởng chậm, nhưng Nhà nước lại chủ động điều chỉnh tiền lương nhiều lần với mức độ rất lớn[2].
          (19) Chỉ số giá tiêu dùng
          Khi đã xác định được tỷ lệ lạm phát INFLA, chỉ số giá tiêu dùng phản ánh mặt bằng giá so với một năm gốc, sẽ được tính theo công thức:
          PRICE = PRICE(-1) * (100 + INFLA) / 100
          (20) Lạm phát giá GDP (GDP deflator):
          Trong các mô hình trước đây, lạm phát giá GDP phụ thuộc chủ yếu vào biến động giá tiêu dùng vì giá trị hàng tiêu dùng chiếm tỷ trọng cao trong GDP. Tuy nhiên, đối với nước ta trong một số năm gần đây, càng ngày càng thấy hiện tượng biến động của hai loại giá này không thật gắn bó với nhau. Nguyên nhân là do độ mở cửa của nền kinh tế nước ta đã trở lên khá lớn nên những thay đổi giá cả hàng xuất nhập khẩu tính theo tiền Việt đều có tác động mạnh tới biến động lạm phát giá GDP. Vì giá quốc tế tính theo tiền Việt bằng giá thị trường thế giới nhân với tỷ giá nên phương trình xác định lạm phát giá GDP được dự kiến là:
          GGDP = f(INFLA, INFLA(-1), EXROW, IMPRI, GGDP(-4))
Khi đó, chỉ số giá GDP theo định nghĩa sẽ là:
          DEFGDP = DEFGDP(-4) * (100+GGDP(-4)/100
          3) Tiền tệ:
Các chỉ tiêu tiền tệ đóng vai trò rất quan trọng trong dự báo ngắn hạn vì một mặt, chúng phản ánh tác động của một trong những chính sách ngắn hạn quan trọng nhất của chính phủ là chính sách tiền tệ; và mặt khác, các số liệu thống kê tiền tệ thường được thu thập nhanh nhất và có độ tin cậy rất cao, qua đó các nhà lãnh đạo có thể nắm được tiến triến gần nhất của nền kinh tế và đề ra những đối sách thích hợp.
Hệ thống tiền tệ rất phức tạp; thông thường trong các báo cáo kinh tế tổng hợp, bao giờ cũng có ba bảng cân đối tiền tệ, gồm cân đối tiền tiền của khu vực lãnh đạo tiền tệ (chủ yếu là Ngân hàng trung ương), cân đối tiền tệ của khu vực các ngân hàng thương mại và cân đối tiền tệ của toàn nền kinh tế, trong đó cân đối tiền tệ của toàn nền kinh tế cho cái nhìn tổng quát nhất.
Dự báo tiền tệ trong mô hình kinh tế lượng vĩ mô tập trung vào dự báo các thành phần của luồng cung và luồng cầu tiền tệ. Tuy nhiên, trong mô hình VQEM, chúng tôi chỉ giới hạn trong dự báo tổng cầu tiền tệ vì lý do sau đây: Một mặt, ở nước ta, cung tiền tệ được giám sát và chịu sự chỉ đạo chặt chẽ của Ngân hàng trung ương nên tính ngoại sinh tương đối cao; đã có nhiều năm cung tiền tệ không đáp ứng đủ nhu cầu làm phát sinh hiện tượng thiếu tiền trong lưu thông, buộc Ngân hàng trung ương phải phát hình những loại giấy gần như tiên, nhưng không phải là tiền để tham gia thanh toán (ví dụ các loại kỳ phiếu ngân hàng có giá trị 3 tháng), hoặc phát sinh hiện tượng đô la hoá mạnh trong nền kinh tế. Mặt khác, VQEM là một mô hình cầu, trong đó tiền tệ được phát hành là để thoả mãn nhu cầu của nền kinh tế; như vậy cầu tiền tệ là biến nội sinh.
(21) Tổng cầu tiền tệ:



Theo các lý thuyết kinh tế, ở mức gộp, hàm cầu tiền tệ thường được xác định như sau:



trong đó MD là cầu tiền tệ danh nghĩa; P là mặt bằng giá chung, coi như đã được dự báo trước; và i là lãi suất danh nghĩa. Trong ước lượng kinh tế lượng, người ta thường thể hiện hàm trên thành một hàm logarith tuyến tính với giả thiết hệ số của biến GDP/P dương trong khi hệ số của biến i âm.
Trong mô hình VQEM, vì chúng ta đã chi tiết hoá thêm nhiều khối của nền kinh tế, đặc biệt là đã đưa vào biến tổng giá trị tín dụng phải cung cấp để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế nên có thể mô hình hoá phương trình xác định cầu tiền tệ ở mức chính xác hơn. Thực tế ở nước ta cũng như trên thế giới, phát hành tiền tệ đều nhằm một số trong ba mục đích sau: (i) cung cấp tín dụng cho nền kinh tế; (ii) mua ngoại tệ để tăng dự trữ; và (iii) bù đắp thâm hụt ngân sách. Ở nước ta, từ năm 1992 đến nay đã cơ bản không còn hiện tượng phát hành tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách; do đó, tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ chỉ còn phụ thuộc vào tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ nhu cầu mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại tệ. Do vậy, thay vì dùng biến gộp GDP, có thể đưa vào các biến phản ánh nhu cầu tín dụng và dự trữ ngoại tệ. Cụ thể, phương trình xác định tổng cung tiền tệ như sau:
          M2 = f(CREDO, RESDONG, INTEOUT)
trong đó RESDONG là cung tiền Việt để mua ngoại tệ.
Theo phương trình, tăng trưởng tiền tệ phụ thuộc vào nhu cầu tín dụng trong khi cầu tín dụng lại phụ thuộc vào nhu cầu phát triển kinh tế. Đây là một chu trình Keynes, phản ảnh chính sách tiền tệ bị động và có vai trò yếu hơn nhiều so với vai trò của chính sách tài chính.


[1] Choudry, Nurun N (1991) “Collection lags, fiscal revenue and inflationnary financing: Empirical evidence and analysis”, Researche report of IMF.
[2] Từ năm 1993 đến nay, Chính phủ Việt nam đã thực hiện 4 đợt điều chỉnh tiền lương tối thiểu, cụ thể như sau:
-        Đầu năm 1993: 120.000 đồng / tháng
-        Tháng 1/1997: 144.000  đồng / tháng (tăng 20% trong khi giá tiêu dùng đã tăng khoảng 35% so với tháng 12/1993)
-        Tháng 1/2000: 180.000  đồng / tháng (tăng 25% trong khi giá tiêu dùng đã tăng khoảng 50% so với tháng 12/1993)
-        Tháng 1/2001: 210.000  đồng / tháng (tăng 16,7%).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét