Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2022

Điện đàm Biden - Putin thất bại, song không có chiến tranh ?

Điện đàm Biden - Putin thất bại, song không có chiến tranh ?
1) Biden - Putin điện đàm trong một giờ nhưng không đạt kết quả cụ thể, khi hai bên tiếp tục cảnh báo và chỉ trích nhau về khủng hoảng Ukraine. Trong cuộc điện đàm diễn ra tối qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã thảo luận trong khoảng một giờ về hoạt động tập trung lực lượng quân sự của Moskva gần biên giới Ukraine. Tuy nhiên, cuộc trao đổi thứ ba giữa hai lãnh đạo kết thúc mà không đạt được tiến triển đáng kể nào.

"Tổng thống Biden đã nói rõ rằng nếu Nga tấn công Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ đáp trả dứt khoát, áp đặt những cái giá phải trả nhanh chóng và nghiêm trọng đối với Nga", Nhà Trắng ra thông báo sau cuộc điện đàm.

Nhà Trắng cho biết Biden nhấn mạnh Mỹ vẫn sẵn sàng theo đuổi con đường ngoại giao, nhưng "đồng thời cũng chuẩn bị cho những kịch bản khác". Tổng thống Mỹ còn cảnh báo ông chủ Điện Kremlin rằng tấn công Ukraine "sẽ gây ra đau khổ trên diện rộng cho nhân loại và làm giảm vị thế của Nga".

Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin từ Trại David, bang Maryland, hôm 12/2. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, Yuri Ushakov, trợ lý chính sách đối ngoại của Putin, cho biết Biden "đã đề cập đến các biện pháp trừng phạt cứng rắn có thể áp đặt với Nga, nhưng đó không phải trọng tâm cuộc trao đổi khá dài giữa ông với lãnh đạo Nga".

Theo Ushakov, Biden đã nêu một số cân nhắc để giải quyết các yêu cầu an ninh mà Nga đưa ra cho phương Tây cuối năm ngoái, bao gồm đảm bảo Ukraine không bao giờ được gia nhập NATO.

"Tổng thống Putin đã phản ứng trên tinh thần rằng phía Nga sẽ phân tích cẩn thận và chắc chắn sẽ xem xét những ý kiến của Biden. Nhưng không may, những ý kiến này không chạm được vào các yếu tố chủ chốt và trọng tâm trong các đề xuất của Nga", quan chức Điện Kremlin nói, thêm rằng ý tưởng của Biden phần lớn tương tự phản hồi ngày 26/1 của Mỹ và NATO với các yêu cầu an ninh của Nga.

Bên cạnh đó, Ushakov còn chỉ trích Mỹ "đã cuồng loạn đến đỉnh điểm", khi thậm chí đưa ra "thời điểm Nga tiến hành tấn công". "Chúng tôi không hiểu tại sao tin giả về ý định của chúng tôi lại được chuyển cho giới truyền thông", ông nói.

Giới quan sát đánh giá cuộc điện đàm giữa hai tổng thống dường như không giúp giảm bớt thế bế tắc trong căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Theo một quan chức Mỹ cấp cao giấu tên, đây là cuộc gọi "chuyên nghiệp và nghiêm túc", nhưng "không có thay đổi cơ bản nào" đối với xu hướng tình hình vài tuần qua.

Trước khi trao đổi với Biden, Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó người đứng đầu Điện Kremlin chỉ trích những tuyên bố của phương Tây về "mối đe dọa quân sự cận kề" là "đồn đoán mang tính khiêu khích" có thể dẫn tới xung đột.

Văn phòng Tổng thống Pháp cho hay hai lãnh đạo "bày tỏ mong muốn tiếp tục đối thoại", nhưng cũng không thông báo kết quả rõ ràng nào sau cuộc điện đàm. Tuy nhiên, Paris cho rằng họ không tin Moskva "đang chuẩn bị một chiến dịch tấn công" vào Ukraine.

Hãng thông tấn TASS của Nga cho hay trong hai cuộc điện đàm với Macron và Biden, Tổng thống Putin đã nhắc nhở họ rằng phương Tây vẫn chưa nỗ lực hết mình để buộc Ukraine thực thi Thỏa thuận Minsk và Nga sẽ sớm đưa ra phản ứng với câu trả lời của Mỹ, NATO về những đề xuất an ninh.

Căng thẳng về vấn đề Ukraine dâng cao sau khi Mỹ cùng đồng minh cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân sát sườn Ukraine với ý định tấn công nước này. Nga nhiều lần khẳng định mọi hoạt động quân sự sát biên giới phía tây là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.

Cuộc khủng hoảng tăng nhiệt vài ngày qua, khi Mỹ và loạt nước đồng minh kêu gọi công dân rời khỏi Ukraine. Mỹ cũng ra lệnh rút hầu hết nhân viên khỏi đại sứ quán ở Kiev do lo ngại "mối đe dọa quân sự" từ Nga, trong khi Moskva cũng rút bớt nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine ra tuyên bố kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, "tránh những hành động gây mất ổn định và gieo rắc hoảng sợ".

2) Xung đột Nga-Ukraine "đến gần" do cuộc chiến truyền thông

Xung đột Nga-Ukraine sắp nổ ra đang là tin tức ngập tràn trên truyền thông phương Tây, nhưng nó chỉ là những thông tin ngụy tạo có mục đích của Mỹ và đồng minh.Từ cuối năm 2021 đến nay, chính quyền Kiev và các quốc gia phương Tây liên tục bày tỏ thái độ quan ngại về sự gia tăng các “hành động gây hấn” của Nga gần biên giới Ukraine.

Ngược lại, chính quyền Moscow nhiều lần tuyên bố rằng, Nga không đe dọa ai và không có ý định tấn công ai, luận điệu tuyền truyền về cái gọi là “sự xâm lược của Nga” được phương Tây sử dụng như một cái cớ để bố trí thêm thiết bị quân sự của NATO đến gần biên giới Nga, tăng số lượng các cuộc tập trận, từ đó đẩy Kiev đến với các cuộc phiêu lưu quân sự.

Mặc dù vậy, Mỹ và NATO vẫn tiếp tục những tuyên bố về nguy cơ Moscow tung ra các hành động quân sự đối với Kiev.

Căng thẳng tiếp tục leo thang lên cấp độ cao hơn khi vào cuối tháng 1-2022, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố cho phép một số nhà ngoại giao nước này đảm trách nhiệm vụ không khẩn cấp được rời khỏi Ukraine “trên cơ sở tự nguyện”, còn gia đình của họ “được lệnh rời khỏi đất nước này”, trước “nguy cơ đe dọa từ hành động quân sự của phía Nga”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố không khuyến khích các du khách Mỹ đến thăm nước Nga do “căng thẳng bảo lưu” ở biên giới Nga-Ukraine. Cảnh báo lưu ý rằng, nhà chức trách Mỹ sẽ không thể sơ tán công dân Mỹ trong điều kiện các hành động thù địch có thể bắt đầu “vào bất cứ thời điểm nào”.Theo bình luận của tờ báo Mỹ Fox News, chính quyền của ông Joe Biden đã không đề ra phương án can thiệp quân sự trực tiếp trong trường hợp Ukraine bị Nga tấn công, mà chỉ hỗ trợ cung cấp viện trợ quân sự.

Ngoài ra, Washington đang nỗ lực chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn quy mô lớn khi tình hình biên giới Nga-Ukraine leo thang căng thẳng. Các nước châu Âu cũng thảo luận về vấn đề cung cấp chỗ ở cho người tị nạn, xuất phát từ giả định “người Ukraine sẽ chạy trốn đến các khu vực khác của châu Âu”.

Thậm chí, các quan chức chính quyền Mỹ còn cho biết, họ đang tìm kiếm các nguồn khí đốt tự nhiên thay thế cho châu Âu trong trường hợp quá trình vận chuyển của Nga qua Ukraine bị dừng lại.

Sự việc ngày càng leo thang khi vào hôm 11/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho biết, ông sẽ không gửi quân đến Ukraine, kể cả để sơ tán công dân Mỹ giống như ở Afghanistan, bởi nó rất dễ dẫn tới sự “hiểu nhầm” của Nga, khơi mào xung đột Nga-Mỹ, có thể dẫn tới chiến tranh thế giới mới.

Ông tỏ ý tin tưởng rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin “đủ thông minh” để tránh làm ra những hành động có thể gây tổn hại cho người Mỹ, nếu tình hình xung quanh Ukraine leo thang mạnh.

Mặc dù những thông tin về một cuộc tấn công của Nga đối với Ukraine đang xuất hiện dày đặc, giới phân tích quốc tế và các quan chức Nga đều cho rằng, nguy cơ xung đột quân sự giữa Moscow và Kiev là không cao.

Giới chuyên gia cho rằng, đây là một thành tố của cuộc tấn công thông tin nhắm vào Nga, là sự ngụy tạo thông tin, tạo ra cơn cuồng loạn ở phương Tây, cũng như trong chính cư dân Ukraine.

Mục đích của nó là tạo cớ để phương Tây tiếp tục tăng cường lực lượng và vũ khí tới biên giới phía Tây Nga, đẩy mạnh viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, giúp Kiev có cớ tiếp tục tăng quân đến đường ranh giới với Donbass nhằm phục vụ cho mưu đồ thu hồi hai tỉnh ly khai miền Đông là Lugansk và Donetsk bằng vũ lực.

Ngoài ra, tất cả những tuyên bố mới nhất thuộc loại này là sự ngụy biện một cách hợp lý nhất cho những phản hồi bằng văn bản chính thức mà Mỹ chuyển cho Nga đáp lại đề xuất của Moscow về đảm bảo an ninh, mà trong đó, Washington đã từ chối đề nghị của Nga về những vấn đề cơ bản nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét