Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Trên nỗi đau thương phải là Bài học

Bài này mình tưởng đã lưu rồi vì mình đã viết bình luận trên trang của anh Văn. Nhưng hình như chưa nên mình lưu lại. Anh Văn viết rất đúng. Chúng không chỉ là đồng lõa mà còn là chủ mưu các dự án thủy điện phá rừng. Toán 21 người như nhũng kẻ chinh phục miền tây nước Mỹ thế kỷ 16 chứ không phải ở thế kỷ 21.
Trên nỗi đau thương phải là Bài học
fb Lưu Trọng Văn - Hãy nghe đại tá Quang thuộc Bộ Quốc phòng người thoát chết ở trạm Kiểm lâm 67 kể: "14h ngày 12.10, đoàn công tác gồm 26 người cả lái xe lên đường hướng thẳng Rào Trăng 3. Đến 16h tới chỗ đập tràn sâu trên đường 71, ô tô không qua được, đoàn bỏ lại ô tô, 21 người trong đoàn công tác quyết tâm băng bộ vào tận Thủy điện Rào Trăng 3 cách khoảng 13km.
Đoàn cứ đi mãi vào rừng sâu, đêm tối mưa to gió lớn không đi tiếp được nữa thì phát hiện ra có một ngôi nhà của Trạm quản lý, bảo vệ rừng số 67 nhưng cửa đóng then cài, chẳng có một ai ở đó.

Nhà khóa, chúng tôi bàn nhau thôi phá khóa ra, sau này tính toán bồi thường cho người ta sau, bây giờ lấy chỗ cho anh em nghỉ ngơi để sáng hôm sau đi tiếp. Vào nhà, một số anh em tìm được gạo, nước mắm, cũng nấu được nồi cơm, làm mỗi người bát cơm chan tí nước mắm ăn vậy thôi”. 

Thấy gì qua lời kể này?

Cả đoàn 21 người toàn sĩ quan và lãnh đạo tỉnh huyện đi vào vùng nguy hiểm không hề có người địa phương như cán bộ xã dẫn đường. Trong khi đó bộ chỉ huy cứu hộ lại đóng tại uỷ ban ND xã.

Do không có người rành đường, rành địa hình dẫn đường nên cứ đi liều bất chấp cả không có lực lượng hậu cần cơm nước đi theo.

Giả sử không thấy trạm kiểm lâm và lục thấy gạo mắm để có cái ăn, chỗ nghỉ thì sao?
Cả đoàn 21 người nhịn đói và ngủ dưới mưa gió à? Sinh mệnh những nạn nhân rất quý nhưng sinh mệnh những con người có tấm lòng đi cứu không quý à?

Đau xót về thảm hoạ đã đành. Đau lắm. Nhưng sau đó thì sao? Bất cứ sự hy sinh nào chiến thắng hay thất bại cũng đều phải là bài học.

Phải nói thẳng sự hy sinh của 11 sĩ quan và một chủ tịch huyện, một nhà báo nếu không là bài học cho công tác cứu hộ thì nhà nước sẽ còn phạm những sai lầm không thể tha thứ khi không coi công tác cứu hộ thiên tai là một công việc nguy hiểm phải có lực lượng chuyên nghiệp cùng công cụ, phương tiện chuyên nghiệp.

Tướng Man cùng đại tá Hùng, đại tá Quang từng cứu hộ nhưng ở vai trò chỉ huy lực lượng cứu hộ.

Lần này không có lực lượng cứu hộ và phương tiện cứu hộ thì làm sao chỉ huy cứu hộ? Ai vào việc đó.

Đau thương rồi luỵ đau thương rồi cứ để lòng mình chìm trong cảm xúc đau thương không thể là phẩm chất của những người trị nước, không thể là phẩm chất công dân có trách nhiệm với nước.

Vượt lên đau thương để rút ra những bài học cần thiết và không phạm sai lầm duy ý chí mới tránh được những đau thương tiếp theo.

Và còn nữa, bài học chính yếu nhất qua vụ Rào Trăng đó là sự độc ác khốn kiếp vì lợi ích riêng của nhứng kẻ khốn nạn ẩn danh bức tử những dòng sông, những cánh rừng làm thuỷ điện cóc.

Chính bọn chúng mới là tội đồ tạo nên lũ quét và sự nổi giận của Thiên nhiên, tạo nên cái chết thương tâm của biết bao người lương thiện.

Xin các ngài lãnh đạo Đất nước hãy khẩn cấp điều tra hơn 700 thuỷ điện cóc đang bức tử các dòng sông, cánh rừng xem tác hại ghê tởm chúng gây ra để rồi dẹp hết đi!

Còn không chính các ngài đồng loã với tội ác.
------------------

Hồi ức vị đại tá thoát nạn ở Trạm 67: 'Quyết tâm đi đến đích, tìm đến tận nơi'

16/10/2020 TTO - Trở về Hà Nội, đại tá Quang vẫn chưa thôi nhớ lại đêm kinh hoàng ở Trạm bảo vệ rừng 67. Ông cùng 7 người nữa may mắn thoát nạn, nhưng 13 cán bộ chiến sĩ là chỉ huy, là đồng đội, là những người bạn của ông đã mãi mãi nằm xuống vì dân vì nước.


Tối 15-10, 13 cán bộ, chiến sĩ hi sinh ở Trạm quản lý, bảo vệ rừng số 67 trong khi làm nhiệm vụ ứng cứu công nhân mắc kẹt ở Thủy điện Rào Trăng 3 được tìm thấy - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ngày 15-10, 13 cán bộ chiến sĩ gặp nạn ở Trạm quản lý, bảo vệ rừng số 67 thuộc đoàn cán bộ vào ứng cứu các công nhân bị mắc kẹt do sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã được tìm thấy.

Là một trong 8 người may mắn thoát nạn trong đêm sạt lở kinh hoàng, đại tá Lê Hồng Quang -, phó phòng Phòng chống thiên tai, Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng - vẫn chưa thôi xót xa nhớ về những người đồng đội cùng quyết tâm "tìm đến tận nơi" để giải cứu những công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 gặp nạn.

"Tôi không muốn gợi lại những điều gì buồn, bởi anh em đồng đội mình gặp nạn như thế". Đến bây giờ nỗi đau vẫn chưa thể nào nguôi trong trái tim vị đại tá.

Nhận tin cầu cứu, lên đường ngay

Đại tá Quang nhớ lại chủ nhật ngày 11-10, ông cùng đại tá Nguyễn Hữu Hùng - phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, cứu nạn - và một trợ lý nhận lệnh đi vào với bà con miền Trung đang căng mình chống chọi với bão lũ.

Đêm chủ nhật, cả ba người nghỉ lại ở thành phố Vinh rồi đến sáng mai lại tiếp tục hành trình đi vào Huế. Thứ hai ngày 12-10, đến địa phận huyện Hương Trà, giáp huyện Phong Điền (Huế), họ quyết định dừng chân ở quán nước bên đường.

Đang ngồi quán nước, có điện thoại gọi đại tá Hùng báo tin công nhân gặp nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3. Mới đầu tin báo là 17 công nhân, rồi có người báo trên 20 người bị sạt lở không ra được, sau đó mất liên lạc.

Tức tốc, đại tá Quang cùng đại tá Hùng báo về Quân khu 4 để nắm tình hình, đồng thời gấp rút chạy xe về huyện ủy Phong Điền cùng anh em họp bàn, thống nhất lên kế hoạch vào trong thủy điện cứu nạn.

"Đến Phong Điền, ủy ban nói có đập tràn rất khó qua được, cự ly đi vào cũng tương đối xa. Nhưng anh em chúng tôi bảo thôi cứ quyết tâm đi, đến kiểm tra tình hình cho chắc chắn bởi cứ ở ngoài này thì không an tâm.

Quan điểm anh em là đi phải đi đến đích, đi đến tận nơi tìm bằng được, xem nguyên nhân thế nào mà công nhân mất tích", đại tá Lê Hồng Quang nhớ lại.

14h ngày 12-10, đoàn công tác gồm 26 người cả lái xe lên đường hướng thẳng Rào Trăng 3. Đến 16h tới chỗ đập tràn sâu trên đường 71, ôtô không qua được, đoàn bỏ lại ôtô, 21 người trong đoàn công tác quyết tâm băng bộ vào tận Thủy điện Rào Trăng 3 cách khoảng 13km.

"Tôi nhớ lúc đó vào đến chỗ nghỉ khoảng 21h đêm, tôi nhớ không chính xác bởi không ai để ý đồng hồ, nhưng lúc đó cũng muộn rồi. Anh em quyết tâm đi đến đích, tìm đến tận nơi. Nhiệm vụ của anh em chúng tôi phải thế", đại tá Quang hồi tưởng.

Anh em vẫn được ăn cơm, có giường chiếu ngả lưng, vậy mà…

Đoàn cứ đi mãi vào rừng sâu, đêm tối mưa to gió lớn không đi tiếp được nữa thì phát hiện ra có một ngôi nhà của Trạm quản lý, bảo vệ rừng số 67 nhưng cửa đóng then cài, chẳng có một ai ở đó.

"Nhà khóa, chúng tôi bàn nhau thôi phá khóa ra, sau này tính toán bồi thường cho người ta sau, bây giờ lấy chỗ cho anh em nghỉ ngơi để sáng hôm sau đi tiếp. Vào nhà, một số anh em tìm được gạo, nước mắm, cũng nấu được nồi cơm, làm mỗi người bát cơm chan tí nước mắm ăn vậy thôi", đại tá Quang xúc động nhớ lại.

Nhà của kiểm lâm có 4 gian, 1 gian bếp, 2 gian giữa khá rộng rãi đủ chỗ cho 13 người, còn đại tá Quang và 7 người khác nghỉ ở gian nhỏ hơn. Đêm đó thấm mệt nhưng may mắn cũng có giường chiếu cho anh em ngả lưng.

"Đến nửa đêm, mưa, đất đá ào ào ập xuống, bức tường bao bên cạnh chúng tôi sập xuống chèn vào anh Cường (Thượng tá Ngô Nam Cường, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên Huế - PV), chúng tôi phải cậy anh ấy ra. Chúng tôi chạy ra ngoài, thấy im re tất cả.

Chúng tôi thoát xuống dưới đường, đang bàn nhau quay lên xem có cứu được ai không. Nhưng vừa nói xong, định như thế thì sạt tiếp lần nữa, san bằng hết luôn. Sạt hai lần, chúng tôi đành rút ra ngoài, nếu không nhanh thì...", đến đây vị đại tá già im lặng rồi xin phép không muốn nhắc lại nữa.

8 người còn lại mải miết chạy ra ngoài báo tin. 4h sáng ngày 13-10, họ mới trở ra được đến ngầm tràn mà lúc trước bỏ xe lại.

Đến lúc ấy, họ vẫn chưa thôi hi vọng dù biết là mong manh, cùng anh em lái xe tức tốc chạy xe về huyện đội báo tin để mong sớm cứu được đồng đội mình đang nằm lại.

"Anh Hùng thật thà, chất phác lắm"

Đại tá Quang cùng đại tá Nguyễn Hữu Hùng là đồng đội, là những người bạn thân thiết cùng nhau trải qua từ gian khổ này đến khó khăn kia, từ đối phó với dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, chẳng ai nề hà khó khăn.

Trong ký ức vị đại tá già, "anh Hùng là chỉ huy nhưng ít tuổi hơn, anh em thường đi công tác với nhau rất nhiều, anh ấy thật thà, chất phác, chịu khó, tận tụy trong công việc".

Họ cùng nhau nhận nhiệm vụ đi vào với bà con miền Trung, nhưng nay đại tá Hùng đã mãi mãi nằm xuống cùng các đồng chí, đồng đội nơi dải đất đầy nắng đầy gió chịu thương chịu khó...

https://tuoitre.vn/hoi-uc-vi-dai-ta-thoat-nan-o-tram-67-quyet-tam-di-den-dich-tim-den-tan-noi-2020101610030409.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét