Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

(3) Những nhân tố chính tác động tới nhập khẩu

NHỮNG NHÂN TỐ CHÍNH TÁC ĐỘNG TỚI KIM NGẠCH NHẬP KHẨU CỦA VN GIAI ĐOẠN 2000-2019
(phần 3)

III. KiỂm đỊnh CÁC GIẢ THUYẾT kinh tẾ lƯỢNG ĐỐI VỚI Mô Hình THỰC NGHIỆM GiẢi Thích BIẾN ĐỘNG CỦA NHẬP KHẨU

          Để khẳng định một phương trình kinh tế lượng là tốt và có thể sử dụng được để phân tích, dự báo kinh tế, cần phải tiến hành nhiều kiểm định khác nhau đối với cả phương trình cũng như đối với từng biến tham gia trong phương trình. Tuy nhiên, do khuôn khổ bài viết, dưới đây chỉ xin trình bày 4 kết quả kiểm định cơ bản nhất đối với phương trình kinh tế lượng thực nghiệm giữ lại cuối cùng là

. DIM  =  289,32 DRER  +  0,9025 DEX

1.     Kiểm định khả năng tự tương quan của các sai số

Hiện tượng tự tương quan của các sai số thường xảy ra khi thực hiện hồi quy với các chuỗi số thời gian tương đối dài. Để ước lượng mô hình trên, chúng ta đã sử dụng chuỗi số dài 19 năm nên rất cần thực hiện việc kiểm định này. Nếu không kiểm định, trong khi trên thực tế mô hình có hiện tượng tự tương quan của các sai số, thì không chỉ sẽ có những kết quả ước lượng khác tốt hơn so với ước lượng thu được từ phương pháp hồi quy bình phương cực tiểu nguyên gốc mà còn phát sinh khả năng một số giả thuyết thống kê đặt ra không đúng. Kiểm định thống kê Durbin - Watson nêu trên dù rất hữu ích nhưng chỉ cho phép loại bỏ giả thuyết tự tương quan bậc 1 trong khi không cho phép loại bỏ những trường hợp tự tương quan khác…

Để đơn giản, trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng kỹ thuật kiểm định LM để xem xét sự tồn tại của hiện tượng tự tương quan của các sai số ở các cấp cao hơn 1, qua đó cũng khẳng định mô hình giữ lại ở trên là mô hình tốt nhất dù đã ước lượng nó bằng cách sử dụng phương pháp hồi quy bình phương cực tiểu nguyên gốc hay bất kỳ phương pháp kinh tế lượng nào khác.

Kiểm định tương quan chuỗi LM tính toán nhân tử Lagrange Multiplier (LM) theo phương pháp của Breusch – Godfrey áp dụng cho các các giá trị trễ và không trễ của biến phụ thuộc DIM trong phương trình hồi quy. Kiểm định này thực chất là hồi quy biến sai số của phương trình hồi quy nêu trên với các biến giải thích bên vế phải và thêm biến sai số nhưng ở các cấp trễ khác nhau.

Vì thống kê DW đã khẳng định không có tương quan chuỗi cấp 1 nên ở đây chỉ cần kiểm định cho một số cấp cao hơn 1.

Bảng 3: Kết quả kiểm định hiện tượng tự tương quan của các sai số bằng LM-test (Breusch-Godfrey Serial Correlation LM Test)

  

Giả thuyết Ho

2 trễ

3 trễ

4 trễ

Không có hiện tượng tự tương quan của các sai số

Thống kê F: 0,570

Xác xuất: 0,526

Kết luận: Ho được chấp nhận

Thống kê F: 0,356 Xác xuất: 0,785

Kết luận: Ho được chấp nhận

Thống kê F: 0,252 Xác xuất: 0,903

Kết luận: Ho được chấp nhận

 

Kết quả kiểm định được trình bày trong bảng … cho thấy các p-value (xác xuất) đều lớn hơn 0,05 tức là có thể loại bỏ giả thuyết tồn tại hiện tượng tự tương quan của các sai số ở cấp cao hơn 1 đối với mô hình giữ lại ở trên (phương trình 4).

2.     Kiểm định tính thuần nhất của các sai số (homoscedasticity)

Giả thuyết về tính thuần nhất của các sai số đòi hỏi phương sai của các sai số không đổi. Trong trường hợp các sai số không thuần nhất (heteroscedasticity), các thống kê T sẽ không ổn định, tức là sẽ không chắc chắn các biến trong mô hình có thực sự có vai trò tham gia giải thích biến động hàng năm của kim ngạch nhập khẩu hay không. Ngoài ra, khi các phương sai bị chệch, các kết quả ước lượng bình phương nhỏ nhất sẽ không giải thích có hiệu quả. Do đó, việc kiểm định để loại bỏ giả thuyết không thuần nhất là rất cần thiết.

Có rất nhiều phương pháp để kiểm định khả năng không thuần nhất của các sai số đối với mô hình nêu trên (giả thuyết Ho). Ở đây chúng tôi sử dụng kỹ thuật thông dụng nhất là kiểm định White. Kiểm định này dựa trên hồi quy chuỗi bình phương các sai số của phương trình nhập khẩu gốc với các biến giải thích và thêm các chuỗi bình phương của các biến giải thích.

Kết quả kiểm định cho thống kê F là 0,3072 rất nhỏ trong khi xác xuất là 0,8999 rất lớn. Như vậy xác xuất bác bỏ giả thuyết H0 về hiện tượng không thuần nhất của các sai số rất cao chứng tỏ và giả thuyết Ho bị bác bỏ; tức là mô hình đảm bảo được tính thuần nhất của các sai số.

3.     Kiểm định tính ổn định của các hệ số

Để khẳng định mô hình giữ lại là tốt, cần phải kiểm định xem liệu quan hệ phụ thuộc giữa những biến động của nhập khẩu và những biến động của các biến giải thích có ổn định theo thời gian hay không, hay là khi thêm hoặc bớt một số quan sát thì hệ số của các biến giải thích sẽ thay đổi khá mạnh đến mức không thể chấp nhận được.

Để kiểm định, có thể sử dụng kỹ thuật Chow, rất thích hợp đối với các chuỗi số tương đối ngắn, khoảng trên dưới 20 quan sát đối với phương trình có 3-4 biến giải thích. Tuy nhiên phương trình ước lượng nhập khẩu ở đây chỉ có 2 biến giải thích nên kết quả kiểm định Chow sẽ cho độ chính xác rất cao.

Để thực hiện kiểm định Chow, chúng ta cần phải chọn ra một số năm đặc biệt đã diễn ra những biến động lớn so với xu thế để kiểm định xem tại những năm đó, có hiện tượng mất ổn định của các hệ số ước lượng trong mô hình giữ lại hay không.

Đối với mô hình này, trước tiên chúng tôi chọn năm 2009 là năm kim ngạch nhập khẩu giảm sau những biến động bất thường về kinh tế vĩ mô, nhất là tỷ lệ lạm phát trong nước năm 2008 lên tới 21% là mức cao nhất trong thời kỳ từ năm 1991 đến nay (xem minh họa trên đồ thị).

Đồ thị Tiến triển của kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2000-2019 (triệu USD)

 

Kết quả kiểm định Chow đối với năm 2009 cho thấy thống kê F và xác xuất lần lượt là 2,433 và 0,121. Như vậy, với các thông số này, nhất là xác xuất lớn hơn 5%, chúng ta không thể bác bỏ giả thuyết về tính ổn định của các hệ số ước lượng trong mô hình giữ lại.

Tiếp đến, chúng tôi chọn năm 2016 vì đây là năm tỷ lệ lạm phát giảm đột ngột mạnh đánh dấu bước ngoặt trong quá trình giảm tỷ lệ lạm phát ở nước ta, đồng thời đây cũng là năm thu hút đầu tư nước ngoài chậm lại đáng kể. Cả hai nhân tố này đều có tác động mạnh tới nhập khẩu.

. Kết quả kiểm định Chow cho thấy thống kê F và xác xuất lần lượt là 0,506 và 0,615. Như vậy, với kiểm định này, chúng ta cũng không thể bác bỏ giả thuyết về tính ổn định của các hệ số ước lượng trong mô hình giữ lại.

Như vậy, với 3 kết quả kiểm định kinh tế lượng cơ bản nêu trên, chúng ta có thể khẳng định mô hình giữ lại (phương trình 4) thỏa mãn các yêu cầu về mặt kinh tế lượng. Do đó, có thể chấp nhận sử dụng mô hình này để xác định những nhân tố giải thích những biến động của kim ngạch nhập khẩu của nước ta. Đây cũng là các nhân tố chính giải thích biến động hàng năm của kim ngạch nhập khẩu tính bằng đô la Mỹ của nền kinh tế nước ta thời kỳ 2000-2019.

 

Kết luận

Trong nghiên cứu này, chúng ta đã xây dựng được một mô hình kinh tế lượng thể hiện được mối quan hệ giữa kim ngạch nhập khẩu và các biến giải thích nó theo hai trường phái thương mại quốc tế lớn, qua đó xác định được các nhân tố chính giải thích biến động của kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nước ta giai đoạn mở cửa và hội nhập mạnh mẽ 2000-2019.

Mô hình cuối cùng thu được đã đảm bảo được các yêu cầu đề ra. Kết quả cho thấy các nhân tố của lý thuyết thương mại quốc tế hiện đại và các nhân tố của lý thuyết chuỗi giá trị toàn cầu đều tham gia giải thích nguyên nhân biến động của kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế nước ta trong thời kỳ 2000-2019, trong đó nhân tố chính của lý thuyết thương mại quốc tế hiện đại là tỷ giá thực; nhân tố chính này lại gồm ba nhân tố thành phần là tỷ giá danh nghĩa đa phương, tỷ lệ lạm phát trung bình của các nước bạn hàng và tỷ lệ lạm phát trong nước. Về phía lý thuyết chuỗi giá trị toàn cầu, nhân tố chính xác định kim ngạch nhập khẩu là kim ngạch xuất khẩu, theo nghĩa xuất khẩu để có ngoại tệ nhập khẩu thực hiện các công đoạn theo phân công, hợp tác trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Điểm nhấn quan trọng ở đây là mô hình không có biến trễ, tức là tất cả 4 biến trên đều có ảnh hưởng đến kim ngạch nhập khẩu ngay trong năm. Điều này có nghĩa là bất cứ biến động nào của tỷ giá danh nghĩa đa phương, tỷ lệ lạm phát trung bình của các nước bạn hàng, tỷ lệ lạm phát trong nước và kim ngạch xuất khẩu đều có tác động ngay tới kim ngạch nhập khẩu trong năm.

Đặc biệt, vì ý nghĩa giải thích kim ngạch nhập khẩu của cả bốn nhân tố trên đều rất cao nên không thể cho rằng các nhân tố của lý thuyết thương mại quốc tế hiện đại hay nhân tố kim ngạch xuất khẩu của lý thuyết chuỗi giá trị toàn cầu đóng vai trò quyết định tới biến động của kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nước ta giai đoạn mở cửa và hội nhập mạnh mẽ vừa qua và tới đây, mà cần xác định vai trò quan trọng của cả bốn loại nhân tố trên như nhau.

Kết luận nêu trên rất quan trọng vì nó có ý nghĩa rằng mọi chính sách dài hạn nhằm kiểm soát biến động của nhập khẩu ở nước ta đều phải hướng tới kiểm soát được mối quan hệ cân bằng giữa trong nước và quốc tế, tức là giữa tỷ giá danh nghĩa đa phương, tỷ lệ lạm phát trung bình của các nước bạn hàng, tỷ lệ lạm phát trong nước và kim ngạch xuất khẩu. Nếu chỉ thực hiện chính sách tỷ giá danh nghĩa cố định hoặc chính sách tiền tệ chặt để kiểm soát lạm phát trong nước, trong khi giá cả trên thị trường thế giới liên tục biến động thì tác dụng của các chính sách ổn định trong nước sẽ chỉ ngắn hạn và có tác dụng hạn chế vì những phi cân bằng giữa giá cả trong nước và quốc tế sẽ tăng lên, tạo nguy cơ biến động mạnh cả kim ngạch xuất khẩu lẫn kim ngạch nhập khẩu. Mặt khác, nếu chỉ tập trung quản lý tỷ giá và giá cả trong khi không chú ý đến các cải cách cơ cấu cần thiết để tháo gỡ các khó khăn cho sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, không động viên, thúc đẩy khu vực sản xuất hàng xuất khẩu phát triển, thì nguy cơ thiếu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu sẽ rất cao, đe dọa chính năng lực tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp trong nước và làm giảm nhập khẩu.

Do vậy, để kiểm soát nhập khẩu dài hạn, kết quả phân tích từ mô hình kinh tế lượng cho thấy cần có sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa các chính sách tỷ giá, tiền tệ, cơ cấu sản xuất và thương mại hàng xuất khẩu./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Edwards S. (1989) “Real Exchange Rate, Devaluation and Adjustment”, the MIT Press, 371 pages.

2. Baldwin, R.E. and Lopez - Gonzalez, J. (2013), “Supply Chain Trade: a Portrait of Global Patterns and Several Testable Hypothesis”, London: Centre for Economic Policy Research (CEPR), CEPR Discussion Paper No. 9421.

3. Bayoumi, Tamim, Jaewoo Lee, and Sarma Jayanthi, (2005), “New Rates from New Weights”, IMF Working Paper 05/99

4. Daudin, G., Rifflart, C. and Schweisguth, D. (2009), “Who produces for Whom in the World economy”, Paris: Obsevatoire Francais de Conjonctures Economicques (OFCE), Documents de Travail de L’OFCE No. 2009 - 18.

5. Escaith, H. (2008), “Measuring Trade in Value Added in the New Industrial Economy: Statistical Implications”, Munich: Munich Personal RePEc Archive, MPRA Paper No. 14454.

6. Fukunari Kimura (2013), “How have production networks changed development strategies in East Asia?”, WTO 2013

7. John Whitley (1994), “A Course in Macroeconomic Modelling and Forcasting”, Harvester Wheatsheaf.

8. Johnson, R.C. and Noguera, G. (2012), “Accounting for Intermediates: Production Sharing and Trade in Value Added”, Journal of International Economics 86 (2): 224 - 236.

9. Organisation for Economic Cooperation and Development (OECD) (2013), Interconnected Economies: Benefiting from Global Value Chains,

10. Conference on Trade and Development (UNCTAD) (2013), Implications of Global Value Chains for Trade, Investment, Development and Jobs, Report prepared for the G20 Leaders Summit, Saint Petersburg, September 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét