5 hiểu lầm về các vị tổng thống “vịt què”
Tổng thống Obama giờ đây chính thức trở thành một “con vịt què”: không còn cuộc bầu cử nào nữa, và ông phải đối mặt với đa số Đảng Cộng hòa trong Thượng viện, Hạ viện và các văn phòng Thống đốc bang – và thậm chí trong cả Tòa án tối cao, nơi mà theo một nghĩa nào đó, năm trong số chín vị Thẩm phán đã được bổ nhiệm bởi Đảng Cộng hòa. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông không còn quyền lực gì. Trên thực tế, nhìn lại những vị tổng thống phục vụ hai nhiệm kỳ cho thấy hầu hết những điều mà chúng ta nghĩ về những vị tổng chỉ huy sắp mãn nhiệm này có thể không đúng. Dưới đây là 5 hiểu lầm lớn:
Các vị tổng thống sắp hết nhiệm kỳ không thể hoàn thành được việc gì.
Nhiều vị tổng thống thời chiến như Franklin D. Roosevelt, Ronald Reagan và George W. Bush cho thấy hiểu lầm này là không đúng.
Roosevelt lấy lại vị thế sau một nhiệm kỳ thứ hai vô cùng khó khăn qua việc giành thắng lợi trong nhiệm kỳ thứ ba và thứ tư, và trên thực tế đã dẫn dắt chiến thắng của nước Mỹ trong Thế chiến II – cuộc chiến kết thúc 5 tháng sau cái chết của ông. Vào thời điểm đó, khả năng lãnh đạo thời chiến là một di sản quan trọng hơn của ông so với các chính sách New Deal nhằm phục hồi kinh tế sau cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930, chính sách sau đó đã bị phủ nhận bởi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1938 khi mà Đảng Dân chủ của ông đã thua rất đậm. Còn Reagan đã sống sót sau những nước đi sai lầm như vụ scandal Iran-contra[1] và đã thực hiện những cuộc đàm phán quan trọng với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, và đồng thời trao lại trách nhiệm này cho Phó Tổng thống George W. Bush năm 1988 – một sự nối tiếp lãnh đạo vốn đã giúp Mỹ giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh. Và sau thất bại mà Đảng Cộng hòa phải trải qua trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2006,[2] Tổng thống Bush đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Donald H. Rumsfeld và thành công với việc gia tăng số lượng binh lính tại Iraq. Mặc dù tỷ lệ tín nhiệm của Bush không phục hồi trong thời gian đương nhiệm của ông, nhưng danh tiếng nói chung của vị tổng thống này vẫn đã cải thiện đáng kể theo thời gian.
Những vị tổng thống sắp mãn nhiệm chỉ có thể ảnh hưởng tới các chính sách đối ngoại
Các vị tổng thống trong nhiệm kỳ thứ hai có thể dường như bị đặc biệt hạn chế trong các vấn đề đối nội khi phải đối mặt với phe đối lập chiếm đa số trong Quốc hội. Nhưng hãy nhớ rằng Tổng thống Reagan (Đảng Cộng hòa) và Hạ nghị sĩ Dan Rostenkowski (Đảng Dân chủ – bang Illinois), khi đó là chủ tịch Ủy ban Tài chính và Ngân sách Hạ viện, đã bắt tay nhau để thông qua một cuộc cải cách thuế lớn năm 1986 – cắt giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân cận biên[3] ở mức cao nhất xuống còn 28% – trong nhiệm kỳ thứ hai của Reagan. Ngày nay, một dự thảo cải tổ thuế lưỡng đảng nhằm loại bỏ các khoản giảm trừ và hạ thuế suất cận biên có thể trong tầm tay của Obama nếu ông muốn thực hiện việc đó. Nỗ lực này có thể kích thích nền kinh tế và nâng cao tỷ lệ tín nhiệm của Obama nhờ chứng minh rằng ông có thể bắt tay với các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội.
Một vị tổng thống khác với tỷ lệ tín nhiệm thấp cũng đã thuyết phục được các đối thủ chính trị của ông trong Quốc hội thông qua một đạo luật trong nước quan trọng: George W. Bush đã thúc đẩy một dự luật giải cứu ngân hàng gây tranh cãi được thông qua bởi một Quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát trong năm cuối cùng tại nhiệm. Tương tự, Obama cũng có thể tìm cách để một hiệp định tự do thương mại lớn với các quốc gia Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) được thông qua bởi một Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát, điều sẽ kích thích nền kinh tế và giúp củng cố các đồng minh châu Á của chúng ta.
Các vị tổng thống sắp mãn nhiệm khó có thể đưa ứng viên đảng mình vào Nhà Trắng
Các nhà phân tích như Megan McArdle của tạp chí Atlantic đã đưa ra những lập luận theo quan điểm này. Nhưng việc xem xét lại hồ sơ lịch sử lại cho thấy một câu chuyện khác.
Reagan đã giúp Tổng thống George H.W. Bush thắng tại California – và giành được Nhà Trắng – năm 1988. Sau khi Harry S. Truman leo lên vị trí Tổng thống sau cái chết của F.D. Roosevelt, ông đã hoàn thành nhiệm kỳ hoàn chỉnh đầu tiên trong vai trò tổng thống của mình sau một cuộc bầu cử kịch tính năm 1948, cuộc bầu cử tổng thống thứ năm liên tiếp mà Đảng Dân chủ giành chiến thắng. Calvin Coolidge, người trở thành tổng thống sau cái chết của Warren G. Harding – và sau khi tự giành được một nhiệm kỳ mới, đã từ chối tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ 2 và giúp Herbert Hoover trở thành người kế nhiệm ông. Tổng thống Roosevelt đã bổ nhiệm William Howard Taft làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, điều giúp Taft giành được vị trí tổng thống năm 1908. Tổng thống Ulysses S. Grant được kế nhiệm (trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi được định đoạt bởi một ủy ban bầu cử) bởi Rutherford B. Hayes năm 1876. Tổng thống Andrew Jackson được kế nhiệm bởi Phó Tổng thống Martin Van Buren sau cuộc bầu cử năm 1836. Và, dĩ nhiên, ngay từ đầu đã có 24 năm kéo dài của ba vị Tổng thống đảng Dân chủ phục vụ hai nhiệm kỳ liên tục: Thomas Jefferson, James Madison và James Monroe.
Ngay cả trong những trường hợp mà đảng tại nhiệm thua sau khi thắng hai cuộc bầu cử tổng thống liên tiếp, sự thất bại thường là vô cùng sít sao. Richard M. Nixon thất bại trước John F. Kennedy với khoảng cách phiếu rất hẹp năm 1960; Gerald R. Ford thua sít sao trước Jimmy Carter ngay cả khi xảy ra vụ Watergate và việc miễn tội cho Nixon đã làm ông bị ảnh hưởng tiêu cực; và Al Gore đã thắng phiếu phổ thông mặc dù thua phiếu đại cử tri so với George W. Bush sau hai nhiệm kỳ của Bill Clinton.
Các tổng thống sắp hết nhiệm kỳ phải sử dụng nhân sự hạng hai trong nhiệm kỳ thứ hai của mình
Obama giờ đây đang tìm kiếm một Bộ trưởng Quốc phòng và một giám đốc tình báo mới. May mắn cho ông, các tổng thống sắp mãn nhiệm không nhất thiết là cứ phải dùng những người tầm thường.
Sự từ chức của ông Alberto Gonzales, người không gây ấn tượng trong vai trò Bộ trưởng Tư pháp, đã cho phép George W. Bush bổ nhiệm Michael Mukasey, người trở thành Bộ trưởng Tư pháp tốt nhất mà Bush từng có bất chấp tỉ lệ chấp thuận sít sao của ông này. Bộ trưởng Tư pháp trong nhiệm kỳ thứ hai của Reagan, ông Edwin Meese III, đã có một tác động sâu sắc lên Hiến pháp và việc bổ nhiệm các thẩm phán hơn so với vị Bộ trưởng nhiệm kỳ đầu tiên, William French Smith. Và Henry Kissinger đã chứng tỏ mình là một Bộ trưởng Ngoại giao tốt của Nixon và Ford hơn là William Rogers (người tiền nhiệm của Kissinger) hay Cyrus Vance (người kế nhiệm ông); chính Kissinger là người đã đưa Nixon đến Trung Quốc và làm suy yếu mối quan hệ Xô – Trung.
Những tổng thống sắp hết nhiệm kỳ có xu hướng trở nên ít được yêu thích hơn khi nhiệm kỳ dần hết
Định mệnh này không phải được định đoạt từ trước. Reagan rời Nhà trắng trong tư thế ngẩng cao đầu năm 1989, sống sót qua vụ bê bối Iran-Contra và đặt nền móng cho chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh của nước Mỹ. Và Clinton vẫn rất được yêu mến sau một nỗ lực không thành của Đảng Cộng hòa nhằm luận tội ông đến mức ông có thể vẫn thắng cuộc bầu cử năm 2000 nếu như ông được phép tranh cử lần nữa.
Thực tế, rất nhiều tổng thống “vịt què” đối mặt với đa số của phe đối lập trong Quốc hội nhưng vẫn đạt được những thành công làm tăng cao uy tín chính trị và danh tiếng lâu dài của họ. Nhưng họ thường làm như vậy bằng cách đánh vào trung tâm của hệ thống nhiều hơn là khắc phục nền tảng sự ủng hộ của mình. Obama được cho là nên theo đuổi một chiến lược như vậy vào thời điểm này.
Steven G. Calabresi là Giáo sư Luật tại Đại học Northwestern và đồng tác giả (cùng Christopher S. Yoo) của cuốn sách The Unitary Executive: Presidential Power from Washington to Bush. Ông phục vụ trong các chính quyền thời Reagan và George H.W. Bush và là nhà đồng sáng lập và chủ tịch hội đồng của tổ chức Federalist Society.
Xem thêm: Các bài khác trong series “5 hiểu lầm”Nguồn: Steven G. Calabresi,”Five myths about lame-duck presidents”, The Washington Post, 28/11/2014.
Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
[1] Còn gọi là vụ Irangate/contragate, trong đó Mỹ dùng tiền bán vũ khí bí mật cho Iran để tài trợ cho lực lượng du kích Contra ở Nicaragua – NBT.
[2] Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2006, Đảng Dân chủ chiến thắng cả ở Thượng viện, Hạ viện và đa số thống đốc các bang – lần đầu tiên Đảng này nắm đa số ghế trong cả ba nơi kể từ năm 1994 – ND.
[3] Marginal tax rate, là mức thuế suất áp dụng cho mỗi đồng thu nhập chịu thuế trên một ngưỡng thu nhập nhất định – NBT.
http://nghiencuuquocte.org/2016/02/18/5-hieu-lam-ve-cac-vi-tong-thong-vit-que/#sthash.SykqP4Bx.dpuf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét