Một quả thận chỉ có 150 triệu đồng
Một tờ báo trong nước vừa có phóng sự điều tra xác nhận chuyện mua bán nội tạng của người sống ở Việt Nam là có thật và phổ biến. Hôm 24 tháng 2, tờ Dân trí kể lại chuyện phóng viên của báo này, từ một “cò nội tạng” ở Hà Nội, đã lần theo đường dây dài từ Bắc xuống Nam, cho thấy chuyện mua bán cơ phận người sống đã diễn ra từ nhiều năm nay, và có liên quan đến nhiều bệnh viện.Bài báo của tờ Dân trí viết qua trao đổi với Hiệp (người môi giới) tại quán cà phê cạnh Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), họ dễ dàng tìm được một đầu mối cò buôn bán nội tạng trong các bệnh viện. Tay cò này hữu hiệu tới mức chỉ cần 2 ngày là có thể tìm được quả thận phù hợp.
Cò Hiệp cho biết, “Thông thường một quả thận có giá là 200 triệu đồng” và cò được hưởng hoa hồng “30 – 50 triệu” đồng thời khẳng định khách hàng sẽ được bảo đảm “an tâm về giá cả và chất lượng” vì anh ta đã “bán cho hàng nghìn người chưa ai chê đâu.”
Báo Dân trí nói đường dây ma quái này trải dài từ Nam ra Bắc, trong đó, chủ yếu chúng được kín đáo hoạt động trong các bệnh viện và tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa bàn trọng điểm của đường dây này.
Tay cò ở Hà Nội đã chỉ cho báo Dân trí tìm đến một trong những mối lái chính của đường dây mua bán nội tạng là một phụ nữ có tên là Thu, từng mua thận để thay thế quả thận đang hỏng của mình với giá 150 triệu đồng.
Sau đó Thu chính thức bước vào nghề buôn bán mặt hàng nội tạng người, trở thành một “đại lý” mua bán thận lớn tại Huế.
Thu cho hay người mua chỉ cần đưa người cần ghép thận đến, bà ta sẽ tìm người bán thận và “sẽ móc nối lên gặp trực tiếp bác trưởng khoa. Lúc đó bác cho mình làm thì mình làm luôn. Còn nếu mình muốn nhanh nhất thì bỏ bì thư cho bác sĩ trực tiếp. Nhanh và gọn luôn.”
Bà đại lý này cũng xác định tên cùa “vị trưởng khoa” là Bác sĩ V, người “dễ nói chuyện lắm, chỉ cần đưa bì thư là xong. Em đi chỗ nào cũng vậy cả thôi”.
Khi được hỏi có trường hợp nào người bán thận bị thiệt mạng chưa, Thu cho biết, chị đã giao dịch thành công hàng chục vụ, nhưng chưa trường hợp nào bị mất mạng, nhưng nói chung là sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Đối tượng bán thận chủ yếu là dân nghèo, hoặc những người cần tiền để trả nợ.
Thu cũng cho biết thêm: “Không chỉ tại Bệnh viện Huế, tại nhiều bệnh viện, các ca ghép nối nội tạng vẫn diễn ra thường nhật. Trong đó có ca hiến tặng thật, nhưng cũng không ít có cả ca mua bán. Về thủ tục thì chúng tôi làm như nhau, nhưng việc mua bán chỉ diễn ra ngầm”.
(Thời Báo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét