Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Hội thề: Quan huyện dự, không uống rượu thề

Tiêu đề bài này hay. Vừa mô tả được thực tế là không quan nào dám thề, vừa gọi đích danh của cán bộ của Đảng là "quan huyện". Chế độ bây giờ không khác gì phong kiến ngày xưa: Vua quan có quyền sinh quyền sát đối với người dân, có quyền sử dụng tài nguyên, tiền bạc của đất nước như của riêng mình.
Hội thề không tham nhũng: Quan huyện dự, không uống rượu thề
Lễ hội Minh Thề - hay còn gọi là lễ hội miệng thề của các chức sắc về việc không tham nhũng. Ngày 21/2, tức ngày 14 tháng giêng năm Bính Thân tại khu di tích quốc gia đền chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng đã diễn ra lễ hội Minh Thề.
Các vị đại biểu cùng đông đảo nhân dân thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng đến tham dự lễ hội. 
Người từ 18 tuổi trở lên trong làng đều tham gia cùng uống rượu tuyên thề. Trải qua thăng trầm của lịch sử, năm 2003, lễ hội Hịch văn Hội Minh Thề được chính quyền địa phương và người dân trong làng khôi phục và giữ nguyên được giá trị văn hóa thời xưa.

Tham dự buổi lễ có ông Bùi Đức Thảo phó Bí Thư Chủ tịch UBND huyện; ông Phạm Văn Thép, Thường vụ huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện; ông Phạm Thế Luân Chánh, Thanh tra Sở văn hóa thể thao và du lịch TP Hải Phòng; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, lãnh đạo các ban xây dựng Đảng, các cơ quan chuyên môn; phòng ban chức năng; các tổ chức chính trị xã hội; các đơn vị doanh nghiệp của thành phố và huyện.

Đặc biệt là năm nay, có 12 cụ cao niên cùng cùng đông đảo nhân dân thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên tới dự lễ hội.

Ông Phạm Đăng Khoa, nguyên phó ban thường trực Ban Quản Lý di tích, cố vấn ban tổ chức chương trình cho biết: “Quy mô của lễ hội năm nay lớn hơn những năm trước.

Tuy nhiên, điểm nổi bật trong phần nghi lễ của năm nay là đã được lược bỏ đi những chi tiết nhỏ để góp phần làm cho buổi lễ ngắn gọn và sinh động hơn. Vì đây là lễ hội của làng nên các vị đại biểu lãnh đạo huyện Kiến Thụy chỉ tới tham dự và không tham gia uống rượu thề.”

Ông Phạm Phú Oanh, trưởng làng Hòa Liễu – người được chọn làm chủ lễ 14 năm liên tiếp – đã cầm dao vạch quanh vòng tròn, sau đó đâm vào chính giữa vòng tròn đó để biểu lộ sự quyết tâm.


Ông Phạm Phú Oanh – Chủ tế dùng dao vạch vòng tròn để thể hiện sự quyết tâm

Tiếp đó, anh Nguyễn Văn Cường – một nông dân của làng Hòa Liễu – người được chọn để đọc Hịch văn Minh thề với thần thái oai hùng, dõng dạc. Anh gợi cho những người được chứng kiến thấy được sự tôn nghiêm của pháp luật cũng như sự linh thiêng nơi cửa đền chùa.

Hịch văn rằng: “Chúng tôi gồm những người làm việc công của làng, họp trước đền theo tục lệ uống máu ăn thề, xin thề các điều sau: Nếu lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ.

Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu các chư vị thần linh đả tử! Y như lời thề…”, “Trên từ cụ già đến tuổi 18 ở dân thôn, trong làng vườn tược, buồng cau trái chuối, ngoài đồng lúa mạ hoa màu, mọi người đều công minh chính trực, không tham lam vơ vét.

Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề…”; “Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin trời tru diệt”… Sau mỗi đoạn của hịch văn minh thề, các vị trong đoàn bồi lễ giơ tay biểu lộ quyết tâm “Xin thề, xin thề!”


Ảnh Nguyễn Văn Cường đọc hịch văn Minh Thề

Sau màn đọc hịch văn, chủ lễ Phạm Phú Oanh đã dùng dao cắt tiết một ông gà trống, hòa vào hũ rượu để sẵn. Người bồi lễ dâng rượu để chủ lễ và các chức sắc trong làng uống, biểu hiện sự đoàn kết, nhất trí. Sau đó, rượu được dâng cho các bô lão trong thôn uống.


Chủ tế cắt tiết gà pha rượu ăn thề

Là một người con của thôn Hòa Liễn bà Phạm Thị Xuân (64 tuổi) chia sẻ: “Tôi và bà con mong muốn các cán bộ xã, huyện và thành phố cùng tham gia lễ hội và uống rượu thề này vì đây là lễ hội rất có ý nghĩa”.

Trương Thị Phượng – Lê Thị Kim Hoa
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/hoi-the-khong-tham-nhung-quan-huyen-du-khong-uong-ruou-the-3300885/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét