Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

“Có người lợi dụng lễ hội để ẩu đả, trả thù…”

Qua một số vụ trước đây, mình thấy lão PGS.TSKH này rất giỏi ngụy biện, đổi đen thành trắng. Đọc đoạn này thấy tức lộn ruột nên không thể đọc tiếp: "các lễ hội năm nay đã giảm bớt các sự việc phản cảm, giảm bớt việc “chặt chém”. Khâu tổ chức, chuẩn bị cho lễ hội cũng chu đáo, bài bản hơn. Một số lễ hội năm ngoái để lại dấu ấn không đẹp thì năm nay được chấn chỉnh tương đối, ví dụ như lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, hội Gióng ở đền Sóc… Đó là nhờ sự sắp xếp, công tác tổ chức được cảnh báo trước, sự nhắc nhở, vào cuộc của Bộ trưởng, các Thứ trưởng, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa và các cơ quan chức năng, kể cả các cơ quan truyền thông vào cuộc".
PGS. TSKH. Phan Đình Tân:
“Có người lợi dụng lễ hội để ẩu đả, trả thù…”
Dân trí - Hình ảnh cướp phết đầy bạo lực tại lễ hội cướp phết Hiền Quan, cảnh tượng giẫm đạp, cướp lộc khốc liệt sau lễ khai ấn đền Trần… khiến không ít người cảm thấy rùng mình trước biến tướng của những lễ hội đầu năm. Phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với PGS. TSKH Phan Đình Tân, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trực tiếp phụ trách truyền thông của Bộ xoay quanh vấn đề này.
PGS. TSKH Phan Đình Tân, Chánh văn phòng, 
Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Ông đánh giá thế nào về các lễ hội năm nay so với năm trước? Những thông điệp nào đã được Bộ quán triệt tới các địa phương trong việc tổ chức lễ hội năm nay, và việc thực hiện trên thực tế thế nào?

Qua các kênh thông tin như báo chí, các lễ hội năm nay đã giảm bớt các sự việc phản cảm, giảm bớt việc “chặt chém”. Khâu tổ chức, chuẩn bị cho lễ hội cũng chu đáo, bài bản hơn. Một số lễ hội năm ngoái để lại dấu ấn không đẹp thì năm nay được chấn chỉnh tương đối, ví dụ như lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, hội Gióng ở đền Sóc…
Đó là nhờ sự sắp xếp, công tác tổ chức được cảnh báo trước, sự nhắc nhở, vào cuộc của Bộ trưởng, các Thứ trưởng, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa và các cơ quan chức năng, kể cả các cơ quan truyền thông vào cuộc.
Tuy nhiên, trên thực tế các lễ hội năm nay vẫn để xảy ra tình trạng bạo lực như cảnh cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), cảnh tượng giẫm đạp, cướp lộc phản cảm sau lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định) và một số lễ hội khác nữa.
Tình trạng lộn xộn, bạo lực, vượt vòng kiểm soát của ban tổ chức do số lượng người đông, sự hung hãn, tranh cướp vẫn diễn ra ở các lễ hội. “Dân cướp phết, quan tranh lộc” đó là cụm từ nóng bỏng trên mặt báo. Tuy nhiên cách nói này không cẩn thận chúng ta sẽ bị sa vào "vơ đũa cả nắm" vì không phải ai là dân cũng cướp phết và không phải quan ai cũng cướp lộc.
Cảnh cướp phết đầy bạo lực tại hội cướp phết Hiền Quan, Phú Thọ (Ảnh: Hữu Nghị)
Cảnh cướp phết đầy bạo lực tại hội cướp phết Hiền Quan, Phú Thọ (Ảnh: Hữu Nghị)
Về những hình ảnh mang tính chất bạo lực tại Lễ hội cướp phết ở làng Hiền Quan (Phú Thọ) vừa qua, ông có thể nói điều gì?
Cảnh tượng cướp phết đã vượt qua tầm kiểm soát của ban tổ chức, vượt khỏi mong muốn của ban tổ chức. Không ai mong muốn tổ chức lễ hội đầu năm lại để xảy ra cảnh băng chân, băng tay, máu me be bét như thế cả.
Từ hiện tượng này, có thể thấy tâm thế của nhiều người đến lễ hội vẫn còn khác nhau. Có người đến lễ hội để tìm sự an vui, tìm sự an ủi, trải nghiệm, giao lưu, thưởng thức không gian lễ hội. Có người lại đến lễ hội bằng những ẩn ức của cuộc sống, ngoài việc cầu danh lợi, có người đến chỉ chờ cơ hội để xả những bức xúc, khó chịu trong mình.
Đấy là chưa kể, lễ hội ở làng xã này, làng xã kia có những nhóm thanh niên có hiềm khích lợi dụng tìm cơ hội để ẩu đả, trả thù nhau. Vì vậy khâu tổ chức lễ hội, càng chu đáo, cẩn thận bao nhiều càng không bao giờ thừa.
Lễ hội đền Trần được tổ chức với việc huy động rất nhiều lực lượng chức năng nhưng ngay sau lễ khai ấn là cảnh tượng giẫm đạp, cướp lộc. Ông có thể nói gì và theo ông, đâu là bản chất của vấn đề này?
Như tôi đề cập ở trên, bản chất của vấn đề là tâm thế người đến lễ hội. Nếu như đến để tìm sự thanh tịnh, an ủi, giảm trừ những tham-sân-si thì sẽ không có những cảnh tượng phản cảm đó. Rõ ràng, biến tướng của lễ hội này đã đi quá đà.
Lễ hội đền Trần mà tâm điểm là lễ khai ấn, đây là tập tục theo tôi đọc các sử liệu là có từ thế kỷ thứ XIII, triều đại Trần thực hiện việc này. Sau đó, đến gần 30 năm sau mới phục hồi, do chiến tranh với quân Nguyên Mông. Theo tôi biết, trải qua bao nhiêu thế kỷ, cái ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều điển cố" để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu "Tích phúc vô cương". Từ đó, bắt đầu có truyền thống khai ấn đền Trần này!
Như vậy, bản thân cái ấn đã bị thêu dệt do bộ phận trục lợi, thương mại hóa chứ thực ra ý nghĩa của ấn đền Trền không phải lấy được ấn là thăng quan tiến chức, không phải ấn cầu lộc cầu danh. Bản chất của chữ “Tích phúc vô cương” là nhà Trần ban cho con cháu cái phúc dạy con cháu, bách gia trăm họ biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, phúc đức càng dày thì hưởng lộc càng bền vững.
Cho nên, chỉ nên coi việc sở hữu tờ ấn là nét đẹp, tưởng nhớ công lao triều Trần, là dấu ấn lưu niệm kỳ du xuân mà thôi.
Cảnh cướp lộc hỗn loạn tại đền Trần (Ảnh: Đức Văn- M.Thắng- T.Trinh)
Cảnh cướp lộc hỗn loạn tại đền Trần (Ảnh: Đức Văn- M.Thắng- T.Trinh)
Câu hỏi được đặt ra ở đây là, vì sao mất rất nhiều công sức, trí tuệ, cũng như sự vào cuộc, kiểm tra nhắc nhở gắt gao của các cơ quan chức năng mà tình trạng lộn xộn, phản cảm ở các lễ hội vẫn không chấm dứt? Theo ông, cần có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?
Sở dĩ để tình trạng lộn xộn, tranh cướp dẫn đến đổ máu vẫn diễn ra tại một số lễ hội là vì khâu tổ chức tại địa phương chưa thực sự nghiêm, còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Lễ hội thường diễn ra tại các làng xã, người Việt ứng xử thiên về tình cảm hơn là luật, chính vì thế có sự cả nể. Chính sự cả nể nên mới có suy nghĩ kiểu: cùng người làng, anh em, đồng nghiệp... nên để ra vào tự do khu vực hạn chế, không cấm cản vì sợ mất tình làng nghĩa xóm, tình anh em.
Theo tôi, để hạn chế tối đa tình trạng này thì khâu tổ chức tại các địa phương phải rõ ràng. Ví dụ như ở lễ hội cướp phết Hiền Quan, nên phân chia ngay từ đầu mỗi làng xã bao nhiêu thanh niên được tham gia và chỉ những người đó mới được vào khu vực cướp phết. Lễ hội như lễ hội đền Trần hay các lễ hội khác có dấu hiệu tranh cướp nên chăng chúng ta lắp camera quay lại toàn bộ cảnh tượng đó đưa lên các phương tiện truyền thông để cảnh báo, để rõ hình ảnh dân hay quan, không né tránh. Như ngành giao thông, có quay lại ghi sau đó “ xử phạt nóng”, "xử phạt nguội"…
Các nhà nghiên cứu cho rằng, chính lòng tham của người Việt khiến đền, chùa xảy ra tình trạng quá tải đầu năm, ông nghĩ sao?
Có một bộ phận người Việt có lòng tham chứ không phải tất cả. Lòng tham của con người, tất nhiên ai cũng có. Nhưng cũng có những lòng tham chính đáng: khát vọng có tri thức, tham hiểu biết, tham làm việc tốt thì lòng tham đó cần khuyến khích.
Còn lòng tham cầu danh lợi, giẫm đạp, tranh cướp của người khác, cầu lộc cho mình, trù ẻo người khác, phớt lờ mọi văn hóa ứng xử nơi công cộng thì đó là lòng tham đáng lên án.
Theo tôi, bản thân mỗi người nếu không cố gắng lao động, làm việc, trau dồi tri thức thì có cầu nữa cầu mãi hay có hàng nghìn tờ ấn trong tay cũng chẳng thể “thăng quan tiến chức”. Không thánh thần nào phù hộ cho những kẻ có tâm địa độc ác, lười nhác.
Xin cám ơn ông!
Nguyễn Hằng thực hiện
http://dantri.com.vn/van-hoa/co-nguoi-loi-dung-le-hoi-de-au-da-tra-thu-20160223153528983.htm

1 nhận xét:

  1. "Các nhà nghiên cứu cho rằng, chính lòng tham của người Việt khiến đền, chùa xảy ra tình trạng quá tải đầu năm..."
    Tôi thấy nhận định trên chỉ mới đúng ở 1 vế. Cần phải nói thêm vế thứ 2 nữa. Đó là: "...Cộng thêm cả với LÒNG THAM CỦA NHỮNG NGƯỜI, NHỮNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ... TỔ CHỨC LỄ HỘI khiến xảy ra tình trạng này...". Bởi, với người đi lễ hội họ tham cái cầu những công danh, tài lộc... (ảo tưởng). Còn những cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân đứng ra tổ chức lễ hội thì tham những đồng tiền công đức, những lễ vật... Mà những thứ này mới là đồ thật (= hiện vật) chứ còn công danh, tài lộc... người đi lễ cầu xin chỉ là huyễn tưởng, một cách "tự kỷ ám thị" mình mà thôi.

    Trả lờiXóa