Ông Đinh La Thăng là lựa chọn hợp lý nhất cho vị trí lãnh đạo Sài Gòn
Nguyễn Hồng Hải, Canada - Gần đây tôi có đọc một số nhận định về việc ông Đinh La Thăng được Bộ Chính Trị đưa về làm Bí Thư Sài Gòn. Khác với những nhận định nghi ngờ việc lãnh đạo Sài Gòn sẽ vượt tầm ông Thăng thì tôi lại có quan điểm ngược lại. Ông Thăng là lựa chọn hợp lý nhất cho vị trí lãnh đạo Sài Gòn hiện nay. Sở dĩ tôi dùng từ lãnh đạo vì từ lâu ở VN không có sự tách bạch rạch ròi trong quyền lãnh đạo giữa chính quyền và đảng nên kể cả ông Thăng ở vị trí là Bí Thư thành ủy tôi vẫn tính là người lãnh đạo có tính quyết định nhất cho Sài Gòn. Để có thể chứng minh cho nhận định trên của tôi xin đưa ra phân tích trên 2 khía cạnh cơ bản là khả năng lãnh đạo thực tế và khả năng giữ “ ghế” cho đến hết nhiệm kỳ của ông Thăng.
Đinh La Thăng. Ảnh: báo VNN
Về khả năng lãnh đạo của ông Thăng: Trước hết cần xem xét về kiến thức, trình độ và kinh nghiệm quản lý của ông Thăng so với các lãnh đạo khác và những người tiền nhiệm: Ông Thăng ít nhất cũng là một lãnh đạo thuộc thế hệ mới, tốt nghiệp đại học, trưởng thành từ phong trào Đoàn cơ sở, từng làm lãnh đạo các tổng công ty Sông Đà và Tập Đoàn Dầu khí, rồi sau đó làm Bộ trưởng Bộ Giao Thông. Như vậy xét về kiến thức, trình độ và kinh nghiệm quản lý ông Thăng đã hơn rất nhiều lãnh đạo khác từng làm quản lý đất nước. Nhiều người lãnh đạo chưa học hết cấp 3, một số thì chỉ biết lý thuyết Mác – Lê… Và một số rất ít người làm quản lý đất nước mà đã từng làm lãnh đạo doanh nghiệp.Giới lãnh đạo doanh nghiệp thường là những người rất nhanh nhạy trong quản lý mà đặc biệt tập đoàn dầu khí là nơi tiếp xúc với rất nhiều tập đoàn lớn, doanh nghiệp nước ngoài nên ông Thăng đương nhiên có cơ hội tiếp xúc và học hỏi phong cách làm việc của nước ngoài. Trong thời gian lãnh đạo Tổng Công Ty Sông Đà và Tập Đoàn Dầu khí ông Thăng cũng là một lãnh đạo có tiếng và có thể nói là tác giả của kịch bản thành lập công ty, cổ phần hóa, lên sàn chứng khoán và đã mang lại khá nhiều tiền của cho nhân viên cũng như tập đoàn trong thời kỳ bùng nổ chứng khoán của Việt Nam.
Xét về khả năng lãnh đạo, quản lý nhà nước thực tế: Tôi tính từ thời điểm ông Thăng bắt đầu làm Bộ trưởng giao thông tới thời điểm hiện tại là Bí Thư Sài Gòn. Tuy có ý kiến này nọ về ông Thăng nhưng không ai phủ nhận được rằng ông Thăng là một người có nhiều “ fan hâm mộ” nhất trong giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay.
Trong bối cảnh xã hội như Việt Nam hiện nay, với cơ chế quản lý hiện tại, và những lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân ràng buộc, thường xuất hiện các lãnh đạo hoặc là nói những thứ người dân không muốn nghe, hoặc một số nói thì hay nhưng làm ngược lại hoặc không làm được gì cả. Ông Thăng là một trong rất ít người nói cái mà người dân muốn nghe và làm cái mà người dân muốn thấy. Một lãnh đạo bất kể họ làm được việc gì tốt cho dù lớn hay nhỏ đều cần đáng khen ngợi và trân trọng. Ông Thăng là người nhiệt tình, xông xáo và sâu sát. Mặc dù chưa thể đánh giá được ông có khả năng hoạch định để thay đổi hẳn một một thành phố một cách cơ bản mọi mặt nhưng chí ít ông ta đã hơn rất nhiều những ông Bí Thư thành phố khác trong cả nhiệm kỳ không những không làm được việc gì mà lại còn bị lùm xùm rất nhiều phi vụ gây thiệt hại cho người dân và thành phố, hay nói xa hơn là kéo lùi sự phát triển của thành phố.
Như vậy, có thể khẳng định là khả năng lãnh đạo của ông Thăng hơn nhiều lãnh đạo khác so với hiện tại và tiền nhiệm.
Tiếp theo chúng ta xét đến khả năng giữ “ ghế” của ông Thăng.
Tất nhiên, khi nói tới một lãnh đạo tại Việt Nam nhiều khi chúng ta không cần xét trên khía cạnh họ có giỏi quản lý hay không mà phải xem khả năng họ có giỏi giữ “ ghế “ hay không. Nhiều nhận định cho rằng ông Thăng khó có khả năng trụ nổi chức vụ lãnh đạo Sài Gòn do tính cục bộ địa phương và lợi ích nhóm. Vậy khả năng giữ “ ghế “ của ông Thăng sẽ phụ thuộc vào những yếu tố nào và những điều gì có thể làm cho ông Thăng mất ghế.
Quan hệ với cấp trên: Một người dễ bị mất ghế khi mà họ bị cấp trên của mình “ phật lòng”. Ông Thăng là người giỏi quan hệ với cấp trên hoặc chí ít không làm cấp trên phật lòng. Trước đây, khi ông làm Bộ Trưởng giao thông. Sống trong một môi trương rất dễ động chạm tới lợi ích nhóm nhưng ông Thăng cũng vẫn tỏ ra là người khôn ngoan, hiểu biết, cho dù ông ta nổi tiếng với việc “ trảm tưởng” nhưng những vị tướng bị trảm không phải là những đệ tử ruột của thủ tướng nên việc ông ta làm cũng không phật lòng cấp trên, Ông ta có một số cải cách trong Bộ Giao Thông và những cải cách đó cũng không làm tổn hại những nhóm lợi ích của các lãnh đạo cấp trên. Do vậy, ông Thăng vẫn được lòng cấp trên mà lại được lòng người dân.
Hiện tại, cấp trên của ông Thăng đã thay đổi, giờ là ông Trọng. Một con người như ông Trọng thì ông Thăng lại càng là người cần thiết, cái mà ông Trọng cần là tìm những người lãnh đạo để lấy lại lòng tin của người dân với chính quyền. Ông Thăng không bị dính líu vào các nhóm lợi ích, ông cũng khá đầy đủ để không phải thực hiện các phi vụ làm ăn nào đó cho lợi ích cá nhân. Ông Thăng nhanh nhạy trong xử lý tình huống, giỏi truyền thông, nhiệt huyết nên ông ta là người có lợi cho chính sách của ông Trọng trong việc lấy lại niềm tin của dân chúng với chính quyền. Ông Thăng cũng thuận lợi hơn trong khi thực hiện các quyết định của mình mà không phải ngại động chạm với lợi ích nhóm của “ cấp trên” vì ông Trọng cũng là người thuộc dạng không dính líu vào tham nhũng.
Quan hệ với cấp dưới: Trước đây vị trí Bí Thư Sài Gòn có được cũng phải do được lòng cấp dưới bầu bán. Nhưng với cơ chế mới thì ông Thăng được “ bổ nhiệm” trực tiếp từ Bộ Chính Trị nên ông ta cũng không phải phụ thuộc quá nhiều vào cấp dưới. Điều thứ hai là ông Thăng thực hiện một số cải cách có thể động chạm tới lợi ích một số quan chức nhưng lại không động chạm tới một số đông quan chức và sự động chạm đó không theo kiểu một mất một còn. Nếu như trước đây có những nhóm lợi ích đấu tranh với nhau thì khi một lãnh đạo mới lên là sẽ có một loạt lãnh đạo cũ bị thay thế và những người thân cận thuộc nhóm lợi ích của lãnh đạo mới sẽ lên thay. Việc ông Thăng làm lãnh đạo Sài Gòn cũng là cái may cho nhiều quan chức cũ khi họ không phải lo sợ bị thay thế nếu họ làm việc tập trung hơn và bớt lo lót tư túi cho mình một cách quá đáng.
Như vậy các cách để “ đánh gục” ông Thăng gồm :
– Đưa ra những yếu kém của ông Thăng gây ra phẫn nộ trong nhân dân và dư luận. Cái này không thể được. Vì ông Thăng ngày càng được nhiều người dân ủng hộ.
– Tập trung đánh vào các nhóm lợi ích của ông Thăng: Cũng không được, vì ông Thăng không hùn hạp vốn vào những phi vụ làm ăn với doanh nghiệp nào, cũng không đưa con cháu mình vào quản lý doanh nghiệp hay tập đoàn nào. Không có những vụ lùm xùm về các phi vụ làm ăn của ông Thăng trong quá khứ.
– Tác động cấp trên để hạ bệ ông Thăng: Cấp trên ông Thăng là ông Trọng thì càng khó mà đưa ra lý do lợi ích nào để hạ bệ ông Thăng.
– Thủ tiêu và ám sát: Cách này chỉ có thể làm khi mà lợi ích lớn, mang tính đối kháng một mất một còn. Vì thường khi một cách chết bất ngờ xây ra dù là tai nạn hay gì thì nếu bị điều tra ra, đối thủ thực hiện điều này sẽ mất cả tiền bạc, chức tước và tự do.
Như vậy xét về khả năng lãnh đạo lẫn khả năng giữ ghế thì ông Thăng vẫn là người phù hợp nhất cho lãnh đạo Sài Gòn, một thành phố đầu tàu kinh tế với nhiều tồn đọng và bất cập cần xử lý.
Ba đề xuất dành cho ông Đinh La Thăng:
– Thành lập một ban cải cách và đổi mới Sài Gòn: Ban này bao gồm tất cả các thành viên của các sở ban ngành của thành phố. Dựa trên các ý kiến chuyên gia, tập hợp phản ảnh của người dân và căn cứ vào báo cáo và nghiên cứu của các sở ban ngành để đưa ra một bản kế hoạch hành động cải cách và đổi mới Sài gòn cho nhiệm kỳ đầu tiên của ông Thăng. Vì điều kiện con người, tài chính là có hạn. Do vậy trong bản kế hoạch hành động phải cân đối được ưu tiên cái gì trước, cái gì sau, cái gì cần thiết, cái gì chưa cần thiết. Có lịch họp đều đặn để đánh giá và xem xét giải quyết các phát sinh vướng mắc xảy ra. Bản kế hoạch cải cách và đổi mới nên được công bố công khai cho người dân và các chuyên gia biết để cùng tham gia góp ý và chung sức xây dựng.
– Cách tập hợp và lấy ý kiến của chuyên gia và người dân. Hiện tại, ông Thăng đã đưa ra đường dây điện thoại nóng để tập hợp ý kiến người dân. Tuy nhiên để có thể làm tốt hơn công tác này cần thành lập một trang web tập hợp góp ý và kiến nghị. Trang Web nên chia thành các mục quản lý dựa trên chức năng nhiệm vụ của từng sở ban ngành của thành phố. Người dân đóng góp ý kiến và thảo luận vào từng mục quản lý và các đóng góp phân ra làm 2 loại: Loại đưa ra kiến nghị, giải pháp theo kiểu chuyên gia và loại phản ánh các vấn đề tồn tại ( không kèm giải pháp). Như vậy bằng cách này thì ông Thăng có thể bắt buộc các sở ban ngành cũng phải tham gia vào công tác tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân, chứ không cần phải tự mình tập hợp rồi chuyển cho các ban ngành. Đồng thời vừa tân dụng được ý kiến của các chuyên gia vừa thu thập được ý kiến người dân trong công cuộc đổi mới thành phố. Các ý kiến đóng góp cũng đầy đủ và chi tiết hơn khi có thể truyền tải bằng chữ, hình ảnh, video. Các kiến nghị và giải pháp có sự tham gia của nhiều người cùng những phản biện cụ thể.
– Thành lập một ban cố vấn, chuyên gia cho ông Thăng. Để có được những quyết định đúng đắn và chính xác hơn trên các lĩnh vực khác nhau. Ông Thăng nên thuê cho mình một ban cố vấn giỏi, hiểu biết về quản lý, tâm huyết và có tư tưởng đổi mới.
https://anhbasam.wordpress.com/2016/02/24/7246-ong-dinh-la-thang-la-lua-chon-hop-ly-nhat-cho-vi-tri-lanh-dao-sai-gon/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét