Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

"Chả có lý do gì để không bỏ Tết Âm lịch!"

"Chả có lý do gì để không bỏ Tết Âm lịch!"
Long Nhất - Ông Nguyễn Bá Ngọc (Chủ tịch Công ty NBN Media) – Tác giả của status từng gây bão mạng “Xuống đi, các bạn trẻ đang ngồi trên nóc tủ” đã gửi đến chúng tôi một quan điểm mạnh mẽ, rõ ràng về Tết âm lịch như sau. Ăn Tết phải to, nghỉ Tết phải lâu, tháng Giêng là tháng ăn chơi, ngày Tết phải chúc tụng, cúng bái, quà cáp… – (Ảnh minh họa)

Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất: cả thế giới ăn tết Dương lịch, riêng chúng ta và vài nước khác vẫn ăn Tết âm lịch. Sự lệch pha này đem lại nhiều phiền toái không đáng có. Nhiều người đã phân tích chuyện này rồi nên tôi sẽ không nói lại.


Tết âm lịch kéo theo những suy nghĩ, thói quen và “hành xử âm lịch”: Ăn Tết phải to, nghỉ Tết phải lâu, tháng Giêng là tháng ăn chơi, ngày Tết phải chúc tụng, cúng bái, quà cáp… Nói chung các thói quen, hành xử… rất nặng nề.

Tâm lý phần lớn mọi người từ công nhân đứng máy sản xuất đến công chức, nhân viên văn phòng sau Tết trở lại công sở luôn trong trạng thái ngật ngưỡng muốn nghỉ thêm chứ chưa muốn làm.

Chưa kể đến rượu chè và các hậu quả của rượu chè.

Chưa kể đến cờ bạc ngày Tết.

Chưa kể đến đánh nhau khi uống rượu, cờ bạc…

Chưa kể đến tai nạn giao thông ngày Tết…

Trở lại nguồn gốc của Tết âm lịch là dựa trên… lịch âm – lịch của những người làm nông nghiệp phương Đông. Còn chúng ta hiện đang muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà vẫn giữ thói quen của thời nông nghiệp xa xưa mấy ngàn năm trước thì quả là không ổn.

Cơ sở bám víu của những người cho là không nên bỏ Tết âm lịch vì sẽ xóa mất nét văn hóa cổ truyền dân tộc là không có cơ sở. Nếu muốn giữ nguyên văn hóa cổ truyền theo kiểu suy nghĩ và hành động này, đàn ông chúng ta cần để tóc dài, búi tó, móng tay dài, mặc áo the, đi guốc mộc, dùng chữ Hán… chứ không cần vô số cuộc vận động và tốn công của xã hội trong một thời gian rất dài để có được “định dạng” con người hiện đại như ngày nay. Tóc dài búi tó, móng tay dài, áo the, guốc mộc, chữ Hán… đều bỏ được thì Tết theo lịch âm cũng có thể bỏ được – mà văn hóa Việt vẫn còn, thậm chí mạnh lên từng ngày.

Các lý do khác có thể thấy phổ biến là Tết là dịp sum họp gia đình thì nếu ăn Tết dương lịch, mọi người vẫn được nghỉ như thường, về đoàn tụ với gia đình như thường, đâu có ảnh hưởng gì?

Thêm nữa, nhiều người sợ bỏ Tết âm lịch là bỏ cúng lễ cũng là lo vu vơ. Chúng ta chỉ đặt vấn đề chuyển Tết âm lịch sang Tết dương lịch, có ai đề cập đến chuyện bỏ cúng đâu? Bạn có bao nhiêu phong tục, tập quán mà bạn cho là tốt, là cần bảo lưu bạn cứ việc làm, tất cả chỉ là sự “dịch chuyển” ngày Tết sớm lên 1 tháng, phù hợp với đại đa số phần còn lại của thế giới, là thêm một động tác và một cơ hội để hòa nhập với thế giới mà thôi!

Như vậy, với việc bỏ Tết âm lịch, chúng ta có cơ hội hình thành “thói quen dương lịch” – một cách nói hình tượng của tác phong công nghiệp. Tạo nền tảng và tiền đề cho một cuộc cách mạng công nghiệp, cho hiện đại hóa. Tất nhiên, bỏ Tết âm, gộp với đợt nghỉ Tết dương lịch thì kỳ nghỉ sẽ dài hơn. Nếu có thể thu xếp nghỉ dài, chúng ta nên nghỉ tầm 1 tuần như các nước phương Tây bây giờ, nghỉ từ Noel cho tới ngày Tết Dương lịch 1/1.

Chúng ta tránh được thiệt hại 2 lần do kỳ nghỉ Noel – Tết tây của các đối tác, bạn hàng, các sếp và nhân viên nước ngoài và ngay sau đó 1 tháng là kỳ nghỉ la liệt của các sếp và nhân viên người Việt.

Bởi vậy, chúng ta sẽ đồng bộ hoá hơn về kinh doanh và hoà nhập rõ hơn, mạnh hơn với đại đa phần thế giới.

Chúng ta cần bỏ tết âm lịch như khởi đầu của một lần cách mạng khác nhằm hòa nhập thế giới như lần chúng ta đã làm đầu thế kỷ 20 vừa qua.

http://kenh13.info/cha-co-ly-do-gi-de-khong-bo-tet-am-lich.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét