Quy định bình chữa cháy có thể "gậy ông đập lưng ông"
Quang Chung, 17/2/2016, (TBKTSG Online) - Quy định của Bộ Công an bắt buộc xe hơi từ 4 – 9 chỗ phải trang bị bình chữa cháy (Thông tư 57) là một sai lầm khi hàng loạt vụ bình chữa cháy phát nổ dịp Tết vừa qua, và nếu không bãi bỏ, có thể… chính “gậy ông sẽ đập lưng ông”! Kể từ khi quy định buộc xe hơi trang bị bình chữa cháy có hiệu lực (6-1) đến nay chưa có trường hợp nào bình chữa cháy phát huy tác dụng như Bộ Công an mong muốn (dập lửa khi xe phát hỏa); nhưng đã xảy ra không ít trường hợp phát huy tác hại (phát nổ trong xe)...
Chiếc bình cứu hỏa mini để ở khu vực hàng ghế phía sau
xe ô tô phát nổ khiến toàn bộ kính phía sau bị vỡ vụn - Ảnh: Otofun
Trong dịp tết vừa qua, nhiều vụ bình chữa cháy trong xe hơi phát nổ gây hoang mang dự luận. Điển hình như vụ bình chữa cháy phát nổ trong chiếc Nissan Bluebird đậu ở sân của Công ty Thủy lợi, số 405, đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn sáng ngày 13-2; vụ bình chữa cháy phát nổ trong xe 7 chỗ đậu trong sảnh tòa nhà FPT Tân Thuận, quận 7, TPHCM hôm 20-1; vụ nổ bình chữa cháy trong xe bốn chỗ ở Chợ Gạo, Tiền Giang chiều 16-1; vụ nổ bình chữa cháy trong xe BMW ở ba Đình, Hà Nội ngày 17-1…Tuy chưa có trường hợp bình chữa cháy trong xe hơi phát nổ gây thiệt hại về nhân mạng nhưng thiệt hại về vật chất cho các chủ xe - gây hư hỏng một số bộ phận của xe - là có thật. Vậy, Bộ Công an có trách nhiệm như thế nào khi bình chữa cháy phát nổ trong xe hơi và gây ra những thiệt hại cho chủ xe (nếu không trang bị bình chữa cháy sẽ bị phạt 300 – 500 ngàn đồng)?
Theo luật sư Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật, nếu bình chữa cháy trang bị trong xe phát nổ gây thiệt hại cho chủ phương tiện về vật chất và có thể về nhân mạng thì sẽ xảy ra hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất là việc cháy nổ bình chữa cháy trong xe được xác định là do lỗi của nhà sản xuất bình chữa cháy thì chủ xe có thể khởi kiện nhà sản xuất yêu cầu bồi thường. (Tuy nhiên trong trường hợp này cần kiểm tra, phân tích xác định rõ nguyên nhân cháy nổ là do chất lượng bình cứu hỏa không đảm bảo tồn tại trong môi trường bình thường).
Trường hợp thứ hai là khi bình chữa cháy trong xe xảy ra cháy nổ được xác định không do lỗi của nhà sản xuất mà do quy định không đúng của cơ quan ban hành văn bản, dẫn đến không bảo đảm điều kiện sử dụng cho bình chữa cháy thì chủ xe có thể khởi kiện cơ quan ban hành văn bản mà trực tiếp ở đây là Bộ Công An theo quy định của Bộ Luật Dân Sự tại Điều 307 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bao gồm cả bồi thường thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần.
Thực tế, Bộ Công An ban hành thông tư 57/2015/TT-BCA nhưng lại không quy định rõ và không có giới hạn điều kiện thời tiết. Bình chữa cháy thông thường có nhiệt độ bảo quản nhất định, ở khoảng 40-50 độ C, nhưng thời tiết ở Việt Nam vào mùa hè ở miền Bắc và miền Trung và mùa khô ở miền Nam nhiệt độ ngoài trời đã ở mức 35-40 độ C, và xe để lâu dưới trời nắng nóng và nhiệt độ trong xe có thể lên tới 60 - 70 độ C thì nếu bình chữa cháy phát nổ không thể quy trách nhiệm cho nhà sản xuất nữa.
Theo luật sư Công, việc ban hành Thông tư 57 của Bộ Công an - bắt buộc trang bị bình chữa cháy cho xe hơi từ 4 - 9 chỗ - là có phần thiếu thực tế, chưa qua đánh giá thực tiễn. Vì, về cơ bản, nếu trên xe thực sự cần một bình chữa cháy, nhà sản xuất đã tự trang bị cho xe trước khi đưa ra thị trường, bởi lẽ giá trị nếu trang bị một bình chữa cháy trên xe là rất nhỏ, không đáng kể, so với giá trị của xe.
Hơn nữa, trong các hướng dẫn sử dụng xe cũng hướng đến khi xảy ra cháy nổ thì lái xe và những người trên xe nên nhanh chóng thoát ra và tránh xa khỏi xe chứ không nên cố gắng chữa cháy. Thậm chí, vụ cháy ô tô dễ dẫn đến nổ bình xăng, với bình chữa cháy nhỏ phải tiếp cận gần hiện trường, lúc đó sẽ rất nguy hiểm cho người tự cứu chữa bằng bình chữa cháy.
Bởi lẽ đó, thiết nghĩ Bộ Công an nên loại bỏ quy định bắt buộc xe hơi từ 4 – 9 chỗ phải trang bị bình chữa cháy ra khỏi Thông tư 57. Nếu quy định sai lầm này còn tồn tại, thì người dân bị thiệt hại từ những vụ nổ bình chữa cháy trong xe hơi sẽ có thể khởi kiện Bộ Công an để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Khi đó, chính quy định sai lầm này của Bộ Công an sẽ gây khó khăn cho bộ này – cũng giống như câu nói “gậy ông đập lưng ông” vậy!
Thông tư 57 của Bộ Công an hướng dẫn cụ thể các danh mục, định mức bắt buộc về các trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy trên xe ô tô.
Theo đó, đáng quan tâm là các loại xe du lịch từ 4 - 9 chỗ bắt buộc phải có một bình cứu hỏa, thuộc một trong những chủng loại sau: bình bột dưới 4kg, bình bọt dưới 5L, bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5L hoặc bình khí CO2 chữa cháy dưới 4kg. Trường hợp chủ phương tiện không chấp hành sẽ bị xử phạt theo Nghị định 167 (2013) với mức phạt tiền 300.000-500.000 đồng. Thẩm quyền xử phạt sẽ thuộc về lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và chủ tịch UBND cấp xã, phường. Thông tư có hiệu lực từ 6-1-2016.
Mua bình để “chữa cháy”
http://www.thesaigontimes.vn/142434/Quy-dinh-binh-chua-chay-co-the-gay-ong-dap-lung-ong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét