Lễ Khai ấn đền Trần : Linh thiêng hay lừa lọc ?
Trọng Thành, đăng ngày 31-07-2011 Sửa đổi ngày 01-08-2011
Các nhà nghiên cứu thấy rằng, việc biến một lễ hội, từ một lễ hội nhỏ bé vùng Nam Định (phường Lộc Vượng) trở thành một lễ hội mang tính chất quốc gia, với sự tham gia của nhiều quan chức cao cấp của chính phủ, của Nhà nước, điều này khiến dư luận rất bức xúc. Một điều nữa là, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc triển khai lễ Khai ấn đền Trần rầm rộ, không dựa theo một chứng cứ lịch sử nào, thì đó là một sự xuyên tạc nghiêm trọng đối với lịch sử nước nhà.
Cảnh chen chúc xin "lộc ấn" (DR)
Ngày 18/07/2011 vừa qua tại Nam Định đã diễn ra một hội thảo do chính quyền tỉnh Nam Định và Viện Văn hóa Nghệ thuật phối hợp thực hiện để bàn về cách tổ chức hội lễ đền Trần năm 2012. Mục tiêu của hội thảo là tìm ra giải pháp để chấm dứt tình trạng hỗn loạn xảy ra vào mỗi dịp lễ Khai ấn và Phát ấn của đền Trần đêm 14 tháng Giêng, khi hàng chục nghìn người xô nhau tranh chỗ để xin được các « lộc ấn » do nhà đền ban phát.
Một trong những lý do mà nhiều người bất chấp mọi trở ngại để tìm cách có bằng được một lá ấn của đền Trần, là do niềm tin rằng lá ấn - được các hậu duệ của một triều đại « hiển hách» trong lịch sử Việt Nam phát ra - có khả năng mang lại cho họ các cơ hội « thăng quan tiến chức ».
Theo báo chí và giới chuyên môn, không khí sùng tín vào dịp hội lễ đền Trần, trong những năm gần đây, càng được kích thích mạnh, khi chính các quan chức thuộc hàng cao cấp nhất của Việt Nam, đã có mặt ngay trong đêm Khai ấn, trực tiếp đóng ấn và phát ấn cho các « du khách ».
Không khí sùng tín tăng cao, sự hỗn loạn cũng tăng cao. Trong lễ Phát ấn đầu năm nay, 50.000 người tham gia vào buổi lễ, trong một diện tích hết sức chật hẹp, để tranh chỗ vào lấy 15.000 lá ấn. Theo các nguồn tin không chính thức, hàng chục người đã bị thương và ngất xỉu trong các cuộc tranh giành xô đẩy.
Lễ Khai ấn và Phát ấn đền Trần Nam Định càng ngày càng bị báo chí khắp cả nước và nhiều tiếng nói trong xã hội chỉ trích quyết liệt. Áp lực của công luận khiến bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam vào cuối tháng 3 vừa rồi đã phải ra quyết định cấm hẳn việc phát ấn vào đêm 14 tháng Giêng, và để ngỏ ra hai khả năng, hoặc bỏ hẳn hoạt động này, hoặc tổ chức vào một thời điểm khác và trong một không gian rộng rãi hơn.
Cuộc hội thảo ngày 18/7 vừa được tổ chức tại Nam Định, theo yêu cầu của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, có mục tiêu đưa ra được một giải pháp thỏa hiệp cho hội lễ đền Trần năm tới, nhằm dung hòa những người muốn duy trì hoạt động này với những người muốn bãi bỏ. Tuy nhiên, theo nhiều tờ báo trong nước, có vẻ như hội thảo đã bất lực trong việc đi đến được một tiếng nói chung.
Để có thể đưa đến thính giả và bạn đọc một hiểu biết của người trong cuộc về câu chuyện đang gây rất nhiều tranh cãi tại Việt Nam, ban Việt ngữ RFI đã đặt câu hỏi với tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), người đã nhiều năm chú ý đến hiện tượng Khai ấn và Phát ấn trong hội lễ đền Trần. Sau đây mời quý vị theo dõi các ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.
RFI : Xin thân chào nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện, như anh biết, tại Việt Nam hiện nay, có một cuộc tranh luận xung quanh lĩnh vực tín ngưỡng và lễ hội, liên quan đến vấn đề « Phát ấn đền Trần », Phát ấn tại đền Trần Nam Định. Vấn đề này gây ra tranh cãi nhiều trên báo chí Việt Nam, cũng như là trong xã hội. Anh có thể cho biết, vì sao việc Phát ấn đền Trần, một hoạt động thuộc về văn hóa, lễ hội cũng như tín ngưỡng truyền thống mà lại trở thành một chủ đề gây nhiều tranh luận tại Việt Nam trong thời gian gần đây, cũng như vài năm trở lại đây ?
Nguyễn Xuân Diện : Thưa anh, sở dĩ có điều này, vì lễ Khai ấn đền Trần hàng năm đã gây ra lộn xộn, mất trật tự an ninh trong đêm 14 tháng Giêng. Và các nhà nghiên cứu thấy rằng, việc biến một lễ hội, từ một lễ hội nhỏ bé vùng Nam Định (phường Lộc Vượng) trở thành một lễ hội mang tính chất quốc gia, với sự tham gia của nhiều quan chức cao cấp của chính phủ, của Nhà nước, điều này khiến dư luận rất bức xúc. Một điều nữa là, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc triển khai lễ Khai ấn đền Trần rầm rộ, không dựa theo một chứng cứ lịch sử nào, thì đó là một sự xuyên tạc nghiêm trọng đối với lịch sử nước nhà.
Về phía tôi, thì tôi thấy rằng là lễ hội đền Trần nói chung, và lễ hội Khai ấn đền Trần nói riêng, là một hoạt động đã xa rời lịch sử, Nhà nước đã tự đánh mất đi cái vai trò của mình trong việc giáo dục truyền thống, về những trang sử vẻ vang hào hùng của đời nhà Trần. Đó là thời đại « thượng mã đề thương, hạ mã đề thi », là tinh thần của hào khí Đông A, là tinh thần của «hòa quang đồng trần ». Thì tất cả những điều này đã không được tuyên truyền ở lễ hội đó.
Người ta nhìn vào lễ hội đền Trần chỉ thấy một sự lộn xộn, một sự quảng bá cho một niềm tin mê lầm, rằng ấn đền Trần có thể mang lại cho người ta sự thăng quan tiến chức.
RFI : Thưa anh, vậy nguồn gốc từ đâu mà lễ Phát ấn đền Trần lại được tổ chức tổ chức như thế này ?
Nguyễn Xuân Diện : Ở đây tôi phải nói lại rằng là, sở dĩ lễ hội đền Trần đã được các cơ quan văn hóa, cũng như tỉnh Nam Định muốn biến nó thành một lễ hội quốc gia, thì nguyên nhân là do sự đặt hàng của tỉnh Nam Định đối với Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, tức là một viện chiến lược của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (Bộ VH, TT & DL), mặc dù đó chỉ là một lễ hội nhỏ bé thuộc một vùng ngoại vi thành phố Nam Định.
Cho đến nay các nhà nghiên cứu đã không xuất trình được một tài liệu nào để nói rằng lễ Khai ấn đền Trần là một lễ lớn và đã được chính sử ghi chép. Thực ra nó chỉ là một lễ hội, mà trong đêm 14, cụ thủ từ ở đền Trần đó đóng 9 cái ấn vào 9 tấm vải hoặc miếng giấy vàng để phát cho 9 điện thờ ở xung quanh đó. Đấy chỉ là một cái ấn tín mang tính chất tôn giáo, mà ở đây mang tính Đạo giáo (hay Lão giáo). Cái ấn này chỉ là một cái ấn để trừ tà ma thôi, thế nhưng không hiểu vì lý do gì, mà Viện Văn hóa Nghệ thuật và ngành Văn hóa tỉnh Nam Định đã biến nó thành một lễ Khai ấn được tiến hành ở triều đình sau những ngày nghỉ lễ tết.
Và hình như tỉnh Nam Định và Viện Văn hóa Nghệ thuật vẫn muốn lễ này được tiến hành rầm rộ như những năm trước, cho nên người ta đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và thực chất là để hợp pháp hóa, « nhà nước hóa », « hành chính hóa » một lễ hội mang tính tâm linh tôn giáo như thế. Tôi thấy rằng cái ý chí ấy của các nhà nghiên cứu ở Viện Văn hóa Nghệ thuật, cũng như Sở Văn hóa tỉnh Nam Định, hay tỉnh Nam Định là một điều mà chắc chắn sẽ hoặc đã từng vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nhà nghiên cứu, ví dụ như giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc ở Viện Việt Nam học và phát triển, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên ở Viện Khảo cổ học, rồi giáo sư Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, hay giáo sư tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tín ngưỡng và Văn hóa Việt Nam, …
Đấy là bối cảnh chung của các cuộc tranh luận gần đây.
RFI : Thưa anh, vậy thì, theo anh ở Việt Nam có những giải pháp nào đã và đang được đề ra để thoát ra khỏi tình trạng mâu thuẫn và tạm gọi là bế tắc hiện nay ?
Nguyễn Xuân Diện : Các nhà nghiên cứu ở Viện Văn hóa Nghệ thuật, tức Viện chiến lược của Bộ Văn hóa thì vẫn muốn tiến hành cái lễ Phát ấn này. Nhưng tôi, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, rồi tiến sĩ Lê Thị Minh Lý là Phó Cục trưởng Cục Di sản, rồi tiến sĩ Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ VH, TT & DL và nhiều người khác nữa thì cho rằng : bây giờ những cái gì của dân gian thì phải trả về cho dân gian, quy mô của nó như thế nào thì phải trở về như cũ, và tiến hành theo đúng nghi lễ truyền thống ngày xưa.
RFI : Anh có nói đến chuyện trả cái nghi lễ này về văn hóa dân gian của địa phương, thì điều này cụ thể là gì ?
Nguyễn Xuân Diện : Cụ thể là chúng tôi cho rằng, vẫn nên duy trì lễ hội Phát ấn đền Trần, nhưng nó chỉ là một nghi lễ trong làng, và nó không được thổi phồng, nâng cấp lên thành lễ hội quốc gia. Đêm 14 thì cụ thủ từ ở đó lấy ấn và tiến hành đóng 9 cái ấn và phát cho 9 ngôi đền xung quanh để thờ cúng. Không phát ấn cho bất cứ người nào, và toàn bộ cái lễ này chỉ tiến hành trong nửa đêm ngày 14 như thế thôi. Chứ không phát ấn hay bán ấn.
RFI : Quan điểm của Bộ trưởng Bộ VH, TT & DL đưa ra đầu năm nay là không phát ấn vào đêm 14 tại đền Trần vì lý do an ninh, và để mở ra khả năng hoặc không phát hẳn, hoặc phát vào những ngày tiếp theo. Vậy ý kiến của anh ra sao về quan điểm của ông bộ trưởng ?
Nguyễn Xuân Diện : Quan điểm của tôi trước sau như một, tức là đúng giờ Tý, tức nửa đêm 14 rạng ngày 15 sẽ có lễ đóng ấn. Chỉ đóng 9 ấn và phát 9 cái mà thôi. Tại Hội thảo, tôi nói rằng, tỉnh Nam Định nên công bố trên báo chí ngay sau Tết. Như vậy mới có thể làm cho người ta hiểu đúng về cái lễ hội đền Trần nói chung và việc đóng ấn và phát ấn nói riêng.
Chúng ta cũng không nên « duy ý chí » trong việc không đóng ấn trong đêm 14 để bảo đảm vấn đề an ninh. Vấn đề an ninh là của các cơ quan an ninh. Còn vấn đề văn hóa tâm linh là vấn đề của cộng đồng. Ở đây chúng ta phải tách bạch hai vấn đề này với nhau. Một khi tỉnh Nam Định công bố rằng « chúng tôi » sẽ đóng ấn vào đúng giờ Tý và sẽ chỉ phát 9 cái ấn xung quanh đền, thì an ninh không còn trở thành vấn nạn như mọi năm nữa, vì người ta sẽ không đến nữa.
RFI : Thưa anh, giải pháp mà anh đề ra tức là trung thành với lịch sử, thế nhưng có những người lại cho rằng, cái văn hóa cũng có lúc chuyển đổi và khi mà văn hóa chuyển đối, chuyển đối và trở nên thu hút hơn, mà mình lại dùng một cái mệnh lệnh từ cấp trên ban xuống không cho phép làm như vậy, thì phải chăng đấy cũng là một cách hành chính hóa, nhà nước hóa đối với một hoạt động văn hóa của xã hội theo một cách khác?
Nguyễn Xuân Diện : Hoàn toàn không phải như vậy, ngay ở trong Hội thảo mà tôi vừa tham gia (đây là hội thảo được tổ chức vào ngày 19/7/2011 tại Nam Định do chính quyền tỉnh Nam Định và Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ VH, TT & DL phối hợp tổ chức), trước ý kiến đề nghị đóng ấn và phát ấn vào những ngày rải rác sau đó, thì cái cụ thủ từ, cũng như ông đại diện gia tộc Trần ở Nam Định, cũng nói rằng chúng tôi không tán thành điều này, chúng tôi muốn cái nghi lễ linh thiêng này được diễn ra vào lúc nửa đêm ngày 14.
Ở đây tôi muốn nói thêm, hội thảo 19/7 vừa rồi là để bàn về mô hình lễ hội đền Trần nói chung vào năm 2012. Trong hội thảo này tôi đã phát biểu và tôi phê bình những người lập dự án đó là : bất cứ lễ hội nào, một khi có nhà nước « dúng » vào, tức là muốn nâng cấp thành lễ hội thành cấp vùng, cấp tỉnh hay quốc gia, thì phải có một « trục tư tuởng » xuyên suốt trong lễ hội đó. Thì ở đây, có nghĩa là phải tuyên truyền được cái hào khí Đông A, cái tinh thần thượng võ và cái tinh thần khai phóng, thế nhưng rất là tiếc rằng, trong bản đề án lễ hội, không có gì nhắc đến chuyện này. Vậy thì, bản thân cái việc đó chứng minh rằng Viện Văn hóa Nghệ thuật không hiểu gì về công việc mình đang làm.
Điểm thứ hai là đề xuất của Viện Văn hóa Nghệ thuật đặt tiêu đề hội thảo là « Mô hình lễ hội đền Trần » nói chung, thế nhưng cả đề án lại chỉ chăm chăm vào việc Phát ấn và đóng ấn, mà bỏ quên tất cả các chuyện khác. Như vậy, tôi thấy rằng, một khi nhà nước muốn « bao » cái lễ hội này, thì phải làm một cách đúng đắn, phải có cơ sở khoa học, phải có lớp lang, chứ không phải tùy tiện, như Viện Văn hóa Nghệ thuật đang muốn làm bây giờ.
RFI : Nếu như một giải pháp sang năm được thực thi, trong đó chính quyền đầu tư mở rộng diện tích nơi lễ hội, khiến lễ hội trở nên lớn hơn, to hơn, và ấn phát một cách dễ dàng hơn, mà lại tổ chức vào ngày giờ được cộng đồng tín ngưỡng địa phương mong muốn, thì phải chăng giải pháp tổng hợp như vậy sẽ thỏa mãn được nhiều ý kiến khác biệt, đúng không ạ ?
Nguyễn Xuân Diện : Về chuyện thỏa mãn số đông, trong hội thảo vừa rồi, ông Đặng Văn Bài - phó giáo sư tiến sĩ -, đã đưa ra ý kiến rằng nhân dân mong muốn gì, chính quyền sẽ đáp ứng điều đó, nhân dân muốn có ấn, chính quyền sẽ cung cấp. Tôi cho rằng đây là một phát biểu thiếu trách nhiệm và duy ý chí. Không phải bất cứ điều gì mà nhân dân mong muốn, nhất là vấn đề tín ngưỡng, thì chính quyền cũng có thể đáp ứng, bởi vì vai trò của chính quyền là phải định hướng cho nhân dân, phải dẫn dắt nhân dân đến những điều tốt đẹp. Nếu như lễ hội đền Trần mà chính quyền thổi được vào đó cái hồn của hào khí Đông A, tinh thần thượng võ, tinh thần khai phóng, những cái điểm tốt đẹp nhất của đời Trần, thì chắc chắn sẽ được ủng hộ.
Ngược lại, ở đây tôi xin nói luôn : nếu lễ hội đền Trần có trọng tâm là lễ Khai ấn, mà trong lễ Khai ấn lại khuyến khích chuyện thăng quan, tiến chức, lợi lộc, quyền hành thì tôi cho rằng đấy là một việc rất không nên. Và nếu như chính quyền của tỉnh Nam Định dẫn dắt địa phương mình, cũng như dẫn dắt những người muốn đến dự đền Trần theo kiểu như thế, thì tôi cho rằng đấy thật là một điều vô cùng lầm lạc.
RFI : Thưa anh, xin được hỏi anh một câu cuối : quan điểm của anh về chuyện « phát ấn đền Trần » là phải giữ nguyên truyền thống, nhưng lại có một quan điểm khác cho rằng trong xã hội hiện đại hiện nay, một xã hội mở, thay đổi và có thể nói là dân chủ, thì cái chuyện chuyển hóa, cải tiến cái truyền thống có thể xảy ra. Và nhiều chuyên gia nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể, họ cũng ủng hộ một cái nhìn « động » cho rằng, các truyền thống có thể thay đổi và có thể cải biên. Vậy ý kiến anh về chuyện này như thế nào ?
Nguyễn Xuân Diện : Tôi hiểu rằng truyền thống, các giá trị văn hóa vẫn được tiếp nối, vẫn được bổ sung qua các hoàn cảnh, cũng những thời kỳ lịch sử, thế nhưng trong chuyện này, cái điều gọi là phát huy hay cập nhật nó phải diễn ra trong một không gian và bối cảnh chung, đó là lễ hội đền Trần, tức là phải mở rộng lễ hội lớn hơn, đầy đủ hơn, có trục tư tưởng rõ ràng, có mục đích giáo dục truyền thống rõ ràng, thì điều đó chúng tôi rất khuyến khích.
Tất nhiên, trong lễ hội đền Trần nói chung, nghi lễ Phát ấn là hạt nhân, nhưng chính vì nó là hạt nhân mà phải cần giữ gìn nó đúng như các truyền thống. Ở đây yếu tố Khai ấn và Phát ấn phải là yếu tố "tĩnh" trong một cái rộng hơn là toàn bộ lễ hội đền Trần sẽ diễn ra trong nhiều ngày trong dịp rằm tháng Giêng, nếu là như vậy thì tôi rất tán thành.
RFI : Ban Việt ngữ RFI xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20110731-le-khai-an-den-tran-linh-thieng-hay-lua-loc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét