Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Làm chủ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư

Làm chủ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư
Những bước tiến của công nghệ từ lâu đã tạo ra hai luồng phản ứng đối nghịch: với nhiều người đó là sự choáng ngợp trước những khả năng mới, với số khác lại là nỗi lo về sự thay đổi tiêu cực. Nhưng hầu hết chúng ta đều thậm chí không nhận thấy điều gì đang diễn ra. Chúng ta coi sự thay đổi đó như một điều hiển nhiên.
Sự sáng tạo của con người còn chưa được công nhận hay xem trọng, đặc biệt là trong thị trường tài chính. Các nhà đầu tư bị ám ảnh bởi những vấn đề cũ rích: nỗi sợ về màn hạ cánh cứng (hard landing) của Trung Quốc, về hậu quả của sụt giảm giá dầu, và nguy cơ một vài cú sốc sẽ đẩy nền kinh tế mong manh của thế giới rơi vào một cuộc suy thoái mới hay tình trạng giảm phát.

Tất nhiên, những lo ngại về tình hình nhu cầu toàn cầu không phải là không có căn cứ – chắc chắn rằng kinh tế thế giới không bao giờ muốn tiếp tục căng thẳng. Thế nhưng bất chấp những lo lắng của chúng ta về các khoản nợ quá hạn hay những bất cập về chính sách, không có gì có thể quan trọng bằng sự sáng tạo của con người nhằm nâng cao mức sống và tạo ra nhiều cơ hội đầu tư. Thực tế, sự đổ bộ của những công nghệ mới hứa hẹn một cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, đây cũng là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay tại Davos.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Nhất bắt nguồn từ động cơ hơi nước. Phát minh này của James Watt, được công bố vào khoảng năm 1775, đã châm ngòi cho sự bùng nổ của công nghiệp thế kỷ 19 lan rộng từ Anh đến châu Âu và Hoa Kỳ. 

Cuộc Cách mạng lần thứ Hai, từ khoảng 30 năm cuối của thế kỷ 19 đến khi Thế Chiến I nổ ra, diễn ra khi có sự phát triển của ngành điện, vận tải, hóa học, sản xuất thép, và (đặc biệt) là sản xuất và tiêu dùng hàng loạt. Công nghiệp hóa thậm chí còn lan rộng hơn tới Nhật Bản sau thời Minh Trị Duy Tân, và thâm nhập sâu vào nước Nga, nước đã phát triển bùng nổ vào đầu Thế Chiến I. 

Cách mạng Công nghiệp lần thứ Ba xuất hiện vào cuối thế kỷ trước với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư hứa hẹn những tiến bộ trong ngành khoa học rô-bốt, xu hướng internet của vạn vật (Internet of Things), dữ liệu lớn (big data), điện thoại di động và công nghệ in 3D. Theo một ước tính, sự áp dụng thành công những công nghệ mới này có thể thúc đẩy năng suất toàn cầu như những gì mà máy tính cá nhân và mạng Internet đã làm được vào cuối những năm 1990. Đối với các nhà đầu tư, cuộc cách mạng lần thứ tư này sẽ mở ra cơ hội cho lợi nhuận khổng lồ, tương tự những gì các cuộc cách mạng trước mang lại. Những người đi trước đón đầu thế hệ công nghệ thứ tư đã nhận được những định giá đáng kinh ngạc.

Kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng không chỉ khả thi, mà còn là hoàn toàn có thể, xuất hiện với tần suất ngày càng tăng. Tất cả là nhờ vào sự sáng tạo của con người. Nhưng những kỷ nguyên mới đòi hỏi không chỉ khoa học căn bản hay những thành tựu kinh doanh mang tính lý thuyết. Để tạo được sự khác biệt, công nghệ phải được thích ứng và hòa nhập vào đời sống thường ngày.

Nói thì dễ, làm mới khó. Vào thời kỳ đầu của công cuộc công nghiệp hóa, Watt đã phải chật vật về tài chính và không làm ăn thành công với chiếc máy hơi nước của mình cho đến khi ông hợp tác với nhà sản xuất người Anh Matthew Boulton.

Quan trọng hơn, lịch sử cho thấy đam mê – trong cả lĩnh vực nghiên cứu lẫn thương mại – đều có thể đi trước quá xa thực tế. Không nhất thiết phải là một “người bi quan về khả năng sản xuất” (như khi khẳng định rằng phòng vệ sinh trong nhà là phát minh vĩ đại cuối cùng của loài người) mới nhận thấy rằng đã có nhiều phát minh công nghệ mới tạo ra lợi ích ít hơn so với hứa hẹn hay chỉ đem lại cho các nhà đầu tư sự chờ đợi kéo dài.

Nên nhớ rằng năng lượng hơi nước đã xuất hiện gần một thế kỷ trước Boulton và Watt, và phải mất hơn nửa thế kỷ để phát minh của họ có thể thay thế những nhà máy dùng sức nước truyền thống và thống trị nền sản xuất công nghiệp thế kỷ 19. Volta lần đầu tiên phát minh ra pin điện vào năm 1800, nhưng phải mất tám thập kỷ sau đó dòng điện một chiều mới được giới thiệu như một phương tiện truyền năng lượng.

Tương tự như vậy, ENIAC, chiếc máy tính điện tử đầu tiên, được bí mật làm ra trong Thế Chiến II. Khả năng của máy tính và việc sử dụng nó ngày càng tăng trong suốt những năm tiếp theo của thế kỷ 20, nhưng cho đến tận những năm 1980, nhà kinh tế học đã nhận giải Nobel Robert Solow vẫn có thể đưa ra lời nhận xét dí dỏm về thời đại máy tính đó là “chúng hiện diện khắp nơi trừ trong những con số thống kê về năng suất.”

Đối với các nhà đầu tư, việc cân nhắc này mang nhiều ý nghĩa quan trọng – trong số đó là sự cần thiết phải kiên nhẫn và chiến thắng cám dỗ của việc chi đầu tư quá mức quá sớm. Trước tiên, việc xác định kẻ thua cuộc (có ai còn nhớ tới hãng Wang Computers nữa không?) có thể cũng quan trọng không kém việc chọn người thắng cuộc.

Việc hiểu được công nghệ có thể biến đổi những ngành công nghiệp có vẻ như không liên quan như thế nào cũng rất quan trọng. Sự xuất hiện của sức mạnh công nghệ thông tin đã giúp cho những “ông trùm” bán lẻ của Mỹ – Walmart, Staples, Home Depot và nhiều tên tuổi khác – có thể thay thế cả những cửa hàng nhỏ lẻ và cả các chuỗi bán lẻ đã được thiết lập của những năm 1950 và 1960. Sức mạnh của máy tính, cùng với sự tiến bộ trong ngành kho vận và phân phối đã mang lại cho ngành bán lẻ tại thời điểm đó tính hiệu quả của quy mô lớn chưa từng thấy.

Nhưng ngày nay, những ông trùm này lại đang bị bao vây bởi hình thức bán lẻ qua mạng với lời hứa về một tính hiệu quả của quy mô và sự hiệu quả của công tác hậu cần thậm chí còn lớn hơn, có thể đánh bại cả những hệ thống cửa hàng tốt nhất.

Sáng tạo đấy, nhưng nói như Joseph Schumpeter, nó cũng có hại. Ngày nay, chúng ta đang nói về “những công nghệ mang tính hủy diệt.” Nhưng không ai nên bị che mắt bởi cách nói đó: Những phương thức sản xuất mới thường thủ tiêu các ngành công nghiệp và việc làm cũ trước khi những lợi ích của hình thức sản xuất kế cận được nhận ra. Để loài người phát triển thì sự đồng hành của một mức độ đụng độ nhất định là không thể tránh khỏi.

Đó là lý do các giám đốc điều hành họp mặt tại Davos trong tháng này để thảo luận về cách thức làm chủ cuộc Cách mạng lần thứ Tư này. Bất chấp tất cả những hứa hẹn của tiến bộ công nghệ, lời hứa của chính họ (với nhà đầu tư) cũng là một điều đáng quan tâm.

Larry Hatheway là Kinh tế trưởng của công ty GAM Holding.
Nguồn: Larry Hatheway, “Mastering the Fourth Industrial Revolution”, Project Syndicate, 21/01/2016.
Biên dịch: Lê Hạnh Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Copyright: Project Syndicate 2016 – Mastering the Fourth Industrial Revolution

 http://nghiencuuquocte.org/2016/02/14/lam-chu-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu/#sthash.TmDXrFb7.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét