Chuyện hai lãnh đạo to “can thiệp” vào kinh tế thị trường
Đó là ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và ông Đinh La Thăng – Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh - xảy ra trong tháng 2/2016 này. Cả hai ông vừa mới được Bộ chính trị bổ nhiệm vào vị trí mới, rất quan trọng, và đã có những hành động đầu tiên, được dư luận, người dân chú ý.
Nông dân nuôi bò sữa còn khó khăn trong việc bán sữa (ảnh minh họa)
Đầu tiên là ông Nguyễn Đức Chung, người trước đó đang là một tướng công an, giám đốc công an TP. Hà Nội. Ông Chung ngay sau khi nhận chức đã chỉ đạo các siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội phải bán hàng ngay cả trong dịp Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Mùng 1, mùng 2 tết cũng phải bán!Kết quả: Không có siêu thị nào nghe theo lệnh của ông cả. Mùng 1, mùng 2 các siêu thị vẫn đóng cửa im ỉm (nhiều báo đưa tin này, đặc biệt là trên báo Lao Động).
Ở phía Nam, tân bí thư Đinh La Thăng khi làm việc với lãnh đạo huyện Củ Chi, nghe “than” về chuyện nông dân khó khăn trong việc bán sữa bò, ngay lập tức ông đã yêu cầu liên hệ với lãnh đạo Công ty sữa Vinamilk, đặt vấn đề công ty cần mua sữa cho bà con.
Kết quả: Lãnh đạo Vinamilk cho biết sẽ xem xét. Nhưng lâu nay chỉ không mua từ những hộ nông dân không ký hợp đồng với Vinamilk. (báo chí đưa tin rần rần).
Như vậy, tóm lại là cả hai chuyện “can thiệp” của hai ông tân lãnh đạo đều đã không hoặc chưa đạt được kết quả như mục tiêu mà hai ông đã đề ra. Vì sao vậy? Và hai ông có quyền đó không?
Trước hết, cho dù có thể đây là hai hành động mang tính bột phát, thậm chí có mục đích “đánh bóng” cá nhân đi nữa (chả có gì xấu), thì cũng thể hiện một tư duy của lòng tốt, quan tâm đến cuộc sống người dân. Điều này là đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, xét về mặt pháp luật, với cương vị là lãnh đạo địa phương, hai ông không có quyền can thiệp vào những chuyện mang tính chất “kinh tế thị trường” như vậy. Chưa kể là nếu doanh nghiệp thực hiện, có thể dẫn đến những hệ lụy, thiệt hại cho doanh nghiệp.
Đối với siêu thị, nếu tổ chức bán hàng trong những ngày nghỉ tết, sẽ phải trả lương tối thiểu gấp 3 lần bình thường cho người lao động (điều này quy định trong Bộ luật lao động). Mọi chi phí để vận hành, hoạt động siêu thị sẽ tăng lên cao so với bình thường. Trong khi đó cũng không thể tăng giá bán, và nhu cầu mua sắm của người dân trong những ngày tết (đặc biệt là mùng 1, mùng 2) sẽ không cao, không phù hợp với thói quen. Do vậy, nếu mở cửa chưa chắc siêu thị đã kinh doanh thuận lợi, có lãi …
Đối với công ty sữa Vinamilk, việc mua sữa của nông dân chính là hoạt động thương mại, hợp đồng - phải trên cơ sở thuận mua, vừa bán. Đặc biệt là không được có sự “ép buộc” trong giao dịch mua bán (theo quy định tại Bộ luật dân sự, nếu hợp đồng được giao kết trên cơ sở bị ép buộc thì có thể sẽ bị coi là vô hiệu).
Nhưng trên hết, trong hoạt động kinh doanh nói chung, các doanh nghiệp được quyền tự chủ. Tức là không ai, dù là lãnh đạo to đến cấp nào, có quyền can thiệp, ép buộc doanh nghiệp phải mua gì, bán gì, lúc nào, với ai .... Mà phải tuân thủ và thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu đảng và nhà nước muốn thế nào, thì phải ban hành chính sách, rồi “chuyển biến” thành luật. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai có quyền đứng trên pháp luật.
Đó cũng chính là nguyên tắc, đặc tính của nền kinh tế thị trường, phân biệt với mô hình kinh tế theo kiểu bao cấp, trong đó nhà nước ôm đồm, chỉ đạo và quyết định tất cả! (mà nước ta đã nói lời “giã từ” không hẹn ngày trở lại từ lâu).
Tất nhiên, trong những tình huống thực sự cấp thiết, cần thiết, vì mục đích nhân đạo, cứu người … thì lãnh đạo có quyền yêu cầu và doanh nghiệp hay bất kỳ ai cũng phải thực hiện. Sau đó lời lỗ thế nào nhà nước sẽ tính toán lại. Nhưng đây là chuyện khác.
Qua hai câu chuyện “can thiệp” vào “kinh tế thị trường” như trên, cho chúng ta thấy có mấy điểm khá hay ho thú vị như sau:
Một là, lãnh đạo giỏi là lãnh đạo ngoài việc quan tân đến đời sống người dân, cần phải vận dụng một cách hiệu quả pháp luật. Hay nói cụ thể hơn là không được trái luật. Vì nếu trái luật, thì sẽ thất bại.
Hai là, nước ta hiện nay đang xây dựng nền kinh tế thị trường. Tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới WTO từ nhiều năm qua, tới nay lãnh đạo Việt Nam vẫn phải nhiều lần đề nghị các nước khác sớm công nhận VN là có “nền kinh tế thị trường đầy đủ” – cho thấy hiện nay chúng ta chưa vẫn chưa đạt theo chuẩn quốc tế. Việc lãnh đạo can thiệp như hai câu chuyện nói trên chính là minh chứng cụ thể cho việc vì sao VN vẫn chưa được một số nước (như Mỹ chẳng hạn) công nhận là có nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Dù sao tui cũng có lời ủng hộ dành cho cái tâm của hai vị lãnh đạo. Chỉ mong đó là cái tâm thật sự.
Trần Hồng Phong
(Blog Bình Luận Án)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét