Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Chào mừng 'Đinh tư lệnh'

Chào mừng 'Đinh tư lệnh'
Trương Thái Du, gửi tới BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn
Tôi thành tâm cầu chúc ông thành công ở cương vị mới và mong rằng mai này, trước khi ông rời Sài Gòn đi nhận nhiệm vụ khác, không một người dân nào nỡ thốt lên lời ai oán, nhại theo ngài Ronald Reagan: "Chính quyền không phải giải pháp cho các vấn đề, chính nó mới là vấn đề".
Ông Đinh La Thăng hôm 5/2 được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Là một người dân Sài Gòn, tôi thành thật chào mừng ông Đinh La Thăng đã đến nhận quyết định làm Bí thư Thành ủy từ 2/2016.

Truyền thông trong nước nhiều năm qua đã phác họa ông Thăng rất tích cực: Trẻ trung, năng động, dám nghĩ, dám làm, quyết đoán. (Tôi không thích dùng từ "quyết liệt" dù gần đây nó được các chính trị gia sử dụng rất rộng rãi. Tôi nghĩ nên kiêng từ tố "liệt" nôm na mách qué.)

Tuy hơi bất ngờ khi nghe tin ông về Sài Gòn nhưng dân tình phản ứng tích cực, nói chung là hy vọng, thậm chí "Hy vọng táo bạo - The Audacity of Hope" như tựa đề một quyển tự truyện của ngài Obama trước khi trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

Mặc dù không tránh khỏi có vài ý kiến đa nghi, rằng trong sự kiện "trảm tướng Hiệp" vừa qua thấp thoáng một bộ tham mưu tạo hình ảnh bất cẩn. Bởi nó quá sát thời điểm ông nhậm chức. Thêm nữa, trong quyết định đậm chất dân túy ấy có đôi nét chủ nghĩa dân tộc chưa thật khéo dụng.

Rõ ràng không ai nghi ngờ sức mạnh dân tộc, chính nó đã quét phăng ách nô lệ thực dân ngày xưa. Song ở thời buổi kinh tế toàn cầu, chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, như trong ngành dầu khí chẳng hạn, đã và đang làm tăng chi phí vận hành, khai thác, vì nó chống lại sự phân công lao động hợp lý giữa các quốc gia.

Thật vậy, nhiều gói thầu dầu khí như tôi được biết thường có đề bài cứng nhắc, dứt khoát loại bỏ mọi thiết bị - phụ tùng xuất xứ từ Trung Quốc, kể cả nếu nó đường hoàng là thương hiệu lớn của một nhà sản xuất Âu - Mỹ.

Hậu quả là giá trị gói thầu thường bị đội lên ít là 10%, cao có khi đến 30%, mà chất lượng chưa chắc bằng hàng xuất từ Trung Quốc vì đôi khi chúng được gia công bởi những nhà máy OEM (Original Equipment Manufacturer) tại các nơi có trình độ sản xuất công nghiệp kém hơn Trung Quốc như Ấn Độ.

Những cơ hội đổi mới cho Sài Gòn

"Ông Võ Văn Kiệt là người đã tích cực vận động để thay tên Sài Gòn bằng Thành Phố Hồ Chí Minh 'rực rỡ tên vàng'," theo tác giả Trương Thái Du

Ở vài vị trí bí thư thành ủy tiền nhiệm, dân Sài Gòn thường nhớ nhất hai nhân vật.

Một là ông Võ Văn Kiệt nói giọng Nam bộ, người đã tích cực vận động để thay tên Sài Gòn bằng Thành Phố Hồ Chí Minh "rực rỡ tên vàng".

Hai là ông Nguyễn Văn Linh nói giọng Bắc bộ, nổi tiếng với cải tổ, đổi mới và tiêu ngữ "Nói và làm" hay viết tắt thành NVL.

Cơ bản, dân chúng thích "Làm và nói" hơn, nhưng ở Việt Nam họ đứng trước tên, nên phải tạm chấp nhận.

Sau ông Nguyễn Văn Linh, các thế hệ lãnh đạo Sài Gòn đã lấy cảm hứng Thượng Hải và Phố Đông từ Trung Quốc để định hướng xây dựng và phát triển thành phố. Rất tiếc họ đã gặp nhiều trở ngại khiến việc ghi dấu ấn nhiệm kỳ không được rõ nét.

Xưởng đóng tàu Ba Son và Cảng Container Tân Cảng liên tiếp trong 20 năm đã không cho phép Sài Gòn xây cầu băng qua bờ Đông sông Sài Gòn, để một Phố Đông "made in Vietnam" to đẹp ra đời.

Quận 9, Quận 2 và một phần Thủ Đức diện tích không thua kém Phố Đông Thượng Hải lầm lụi tự phát, manh mún.

Trong khi chờ thời, 90% diện tích của nó đã được "thành kính phân... lô" tạo nên những khu dân cư dày đặc và không đồng bộ.

10% còn lại chính là một phần bán đảo Thủ Thiêm đang được cày xới, bồi đắp và định hình trung tâm mới của Sài Gòn. Nó quá nhỏ hẹp (chỉ vỏn vẹn 737 ha) so với qui mô dân số thành phố, với đối tượng gợi cảm hứng (Phố Đông Thượng Hải), với giấc mơ của người Sài Gòn. Nó biến một siêu dự án tầm cỡ Châu Á thành chuyện đầu voi đuôi chuột.



Lịch sử đang lập lại với Sài Gòn nếu ai đó tiếp tục có tầm nhìn hướng Đông, thậm chí vượt sông Đồng Nai. Tân Cảng Cát Lái đang phát triển quá nóng, không đúng vị trí qui hoạch của nó vốn ở khu vực Hiệp Phước - Nhà Bè, lại đang đe dọa "ám" Sài Gòn trong hai mươi năm tới.

Thứ nhất, xe siêu trường siêu trọng, quá khổ quá tải thường xuyên làm tắc nghẽn và phá hủy huyết mạch giao thông Đông Sài Gòn là Xa lộ Hà Nội và Đại lộ Mai Chí Thọ, nơi có nút giao đi vào Cao tốc Sài Gòn - Dầu Giây để đến sân bay Long Thành tương lai.

Thứ nhì nó án ngữ và cản trở bất cứ dự án cầu nào từ Quận 7 hoặc Quận 2 băng qua Nhơn Trạch, một vùng đất thưa dân, nền cứng, cao ráo và giá cả còn rất mềm, thuận lợi cho Sài Gòn dãn dân

Chờ đợi sức mạnh của người đứng đầu

Kinh tế Sài Gòn sẽ cất cánh nếu người cầm lái cân nhắc lợi thế này và hướng khu Đông sông Đồng Nai thành một đô thị vệ tinh hoặc vùng phát triển phụ thuộc.

Chào đón ông, một lãnh đạo sẽ đảm đương mọi mặt, tôi chỉ nhắc đến dầu khí và giao thông vận tải, e hơi phiến diện.

Nhưng xét kỹ, một chút ưu tiên hành động ở lãnh vực đã kinh qua và có thành tựu không thể chối cãi của ông, biết đâu sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ, làm tiền đề cho dấu ấn Đinh La Thăng tại Sài Gòn.

Tôi thành tâm cầu chúc ông thành công ở cương vị mới và mong rằng mai này, trước khi ông rời Sài Gòn đi nhận nhiệm vụ khác, không một người dân nào nỡ thốt lên lời ai oán, nhại theo ngài Ronald Reagan: "Chính quyền không phải giải pháp cho các vấn đề, chính nó mới là vấn đề".

Sài Gòn ngày 29 Tết năm Bính Thân

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của người viết.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/02/160208_new_saigon_boss_truongthaidu_comments

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét