Câu chuyện nước Lào
Người Việt Lê Phan - Trong khi thế giới chỉ chú mục vào đại hội của Đảng Cộng Sản Việt Nam, cách ngày Đảng Cộng Sản Việt Nam kết thúc đại hội chưa đầy một tuần, Đảng Cộng Sản Lào đã có một quyết định làm Bắc Kinh choáng váng khi họ lật đổ toàn bộ hàng lãnh tụ thân Bắc Kinh và đưa một nhân vật vốn lâu nay bị gạt sang một bên chờ về hưu lên cầm quyền. Xem thêm: Danh sách Ban CHTW Đảng NDCM Lào vừa được bầu / Lào có Tổng Bí thư 78 tuổi, Thủ tướng 71 tuổi
Ông Bounnhang Vorachith
Đảng Cộng Sản Lào đã bầu lên một vị phó chủ tịch nước nước đã 78 tuổi, có liên hệ mật thiết với Việt Nam như là tân lãnh tụ hôm Thứ Sáu 23 tháng 1 vừa qua, trong một chỉ dấu là quốc gia này muốn có một liên hệ mạnh mẽ hơn với Hà Nội thay vì trông cậy quá nhiều vào Trung Cộng. Ông Bounnhang Vorachith sẽ thay thế Tướng Choummaly Sayasone, 79 tuổi, làm tổng bí thư, trong cuộc bỏ phiếu vào ngày cuối của Đại Hội Thứ 10 của Đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào. Ông Choummaly đã cầm quyền từ 10 năm nay.Ông Bounnhang bắt đầu gia nhập Pathet Lao, Đảng Tiền Thân của đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào hiện nay, vào năm 1952, và đã là người được Hà Nội đưa về để thành lập nên nước Lào hiện nay sau năm 1975. Theo Thông Tấn Xã Nikkei, ông có liên hệ mật thiết với Hà Nội, đã được huấn luyện quân sự ở Việt Nam và sau cuộc nội chiến ở Lào, đã theo học các khóa huấn luyện tư tưởng ở Hà Nội. Cũng như nhiều lãnh tụ Lào, ông thông thạo tiếng Việt.
Nikkei cũng cho biết là thay đổi lãnh đạo lần này bao gồm cả sự ra đi của ông Somsavat Lengsavad, một phó thủ tướng đứng hàng thứ tám trong hàng kế vị ở Lào và được nổi tiếng thân Trung Cộng. Nói tiếng Hoa giỏi, ông Somsavat đã tham gia nội các trong vai trò ngoại trưởng năm 1993, và được cho là đã đưa đầu tư của doanh nghiệp Trung Cộng vào Lào. Trong những năm gần đây, ông đã giúp thực hiện một loạt các dự án do Trung Cộng tài trợ, kể cả việc phóng lên vệ tinh đầu tiên của Lào, sự khởi đầu của một chương trình hỏa xa nằm trong chương trình Con Đường Lụa Trên Đất Liền của Bắc Kinh.
Dẫn thống kê của Văn Phòng Vientiane của Tổ Chức Mậu Dịch Ngoại Quốc của Nhật Bản, Nikkei cho biết là đầu tư của doanh nghiệp Trung Cộng vào Lào đã tăng vọt nhờ sự cố gắng của ông Somsavat. Năm 2014, đầu tư của Trung Cộng chiếm đến gần 30% tổng số đầu tư ở Lào, vượt Việt Nam để chiếm vị trí đứng đầu trong số đầu tư ngoại quốc ở Lào.
Cùng ra đi với ông Choummaly là Thủ Tướng Thongsing Thammavong. Ông Thongsing, tuy mới làm thủ tướng được năm năm, đã bị nhiều tố cáo tham nhũng, quản trị kinh tế sai và chỉ trích là ông quá thân Trung Cộng. Với chính phủ của ông bị ảnh hưởng bởi một loạt những ồn ào quốc tế liên quan đến vụ mất tích của ông Sombath Somphone, một nhà tranh đấu cho nông dân, ông Thongsing có lẽ được nghĩ là không nên chủ trì đất nước khi mà năm nay Lào sẽ là chủ tịch luân phiên của Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á (Asean). Hà Nội hẳn sẽ hài lòng vì ông Thongsing, theo Tạp Chí The Diplomat, chính là người đã có kế hoạch xây dựng những đập thủy điện khổng lồ trên sông Mekong và các phụ lưu vốn đang ảnh hưởng lớn đến đời sống và nền kinh tế của các quốc gia hạ lưu như Việt Nam.
Ông Thongsing đã làm nhiều người không bằng lòng với những dự án hạ tầng cơ sở khổng lồ, kể cả một hệ thống hỏa xa chạy ngang dọc khắp nước mà ông ta dự định tài trợ với tiền vay từ Bắc Kinh, mặc dầu quốc gia nhỏ bé của ông không có bao nhiêu nhu cầu và chỉ có một nền kinh tế với GDP vỏn vẹn có 12 tỷ đô la.
Trong khi đó, Đài Á Châu Tự Do (RFA) loan tin là cựu Bộ Trưởng Tài Chánh Phouphet Khamphounvong và Thống Đốc Ngân Hàng Trung Ương Somphao Sayasith đã bị bắt về tội tham nhũng. Như vậy bản tin của RFA kết luận, “Toán lãnh đạo mới của quốc gia độc đảng bí ẩn này được coi như là thân Hà Nội trong khi những người hiện đang nắm quyền đã là đồng minh với Bắc Kinh.”
Sự việc Lào có vẻ như đột ngột thay đổi không những hàng lãnh đạo chóp bu mà còn thay đổi luôn cả lập trường đối với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc, có thể nói bắt nguồn từ vị trí địa lý của Lào cũng như từ lịch sử của đảng Cộng Sản Lào.
Lào là một quốc gia hoàn toàn nằm trong lục địa, ráp ranh với năm quốc gia láng giềng, quốc gia nào cũng lớn hơn họ. Lào có một liên hệ sắc tộc và lịch sử với Thái Lan. Hai dân tộc này là một, cho đến nay họ còn hiểu nhau, nhất là người Thái miền Bắc. Nhưng ngoài liên hệ đặc biệt đó với Thái Lan, Lào còn có một liên hệ mật thiết nhưng nhiều khi khó khăn với hai nước láng giềng Cộng Sản anh em.
Ảnh hưởng của Hà Nội đối với Lào bắt đầu từ thập niên 1950 và từ lúc khởi thủy của phong trào Cộng Sản Lào. Đảng Pathet Lào được thành lập ở Việt Nam. Cho đến năm 1975, với sự giúp đỡ của Hà Nội, Pathet Lào chiến thắng, lật đổ được chính phủ hoàng gia. Sau năm 1975, Lào tiếp tục “lệ thuộc” vào Hà Nội. Lào còn cho phép Hà Nội duy trì một lực lượng quân sự ở trên đất họ. Trên giấy tờ thì lực lượng của Hà Nội đã được rút đi từ năm 1989 nhưng quân đội Lào và quân đội Hà Nội vẫn tiếp tục có liên hệ khá thân thiện. Nhưng từ khi Trung Cộng bắt đầu phục hồi kinh tế sau công cuộc đổi mới của ông Đặng Tiểu Bình, sự hiện diện của Trung Cộng ngày càng gia tăng.
Từ thập niên 1990 trở đi, sự canh tranh giữa Bắc Kinh và Hà Nội ngày càng gay go. Đó là giai đoạn mà khi Hà Nội xây nhà Hữu Nghị Lào Việt ở một bên đường thì ngay bên kia, Trung Cộng phải xây một tòa nhà Hữu Nghị Trung Lào cao hơn, lớn hơn và “hoành tráng” hơn.
Mặc dầu không giúp đỡ gì cho Pathet Lao trong giai đoạn dành quyền, cho đến khi Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế của Hà Nội sụp đổ theo, Bắc Kinh có vẻ không chú ý bao nhiêu đến nước láng giềng nhỏ bé này. Nhưng sự việc này thay đổi sau khi Bắc Kinh thấy Lào có thể cho họ con đường đi xuống Đông Nam Á dễ dàng hơn mà không phải qua Việt Nam. Tham vọng của Trung Cộng trong việc thiết lập đường xe lửa Côn Minh-Singapore nối liền tỉnh Vân Nam với thị quốc và cũng là hải cảng quan trọng của Đông Nam Á này, phải có sự đồng thuận của Lào. Dự trù chỉ mất 10 tiếng đồng hồ một khi hoàn tất, Con Đường Lụa Đông Nam Á đó, ngay cả nếu không hoàn tất được đoạn cuối qua Malaysia, cũng giúp Trung Cộng có đường ra biển Andaman và Vịnh Bengal cùng Ấn Độ Dương qua Eo Biển Kra.
Nhưng cũng chính con đường xe lửa này đã là khởi điểm của những lo ngại cho Lào về đàn anh Trung Cộng. Được dự định là một dự án liên doanh giữa chính phủ Lào và Tập Đoàn Hỏa xa Trung Quốc và đáng lẽ khởi công từ tháng 4 năm 2011 nhưng năm đó là năm Bộ trưởng Hỏa Xa Lưu Chí Quân bị cách chức vì vụ tàu cao tốc đụng nhau nên dự án này nằm ụ trong nhiều năm.
Trong khi đó vào tháng 10 năm 2011, một vụ sát hại xảy ra trên hai con tàu chở hàng của Trung Cộng trên sông Mekong đã cho các chính phủ trong vùng thấy rõ bộ mặt thật của Bắc Kinh.
Số là vào sáng sớm ngày 5 tháng 10 năm 2011, hai tàu chở hàng của Trung Cộng mang tên là Hua Ping và Yu Xing 8 bị tấn công ở vùng Tam Giác Vàng của sông Mekong, ráp ranh giữa Miến Điện, Thái Lan và Lào. Theo các nhân chứng, có khoảng 8 tay súng đã xông lên hai con tàu này trong vùng giang phận của Miến Điện. Tất cả 13 thủy thủ đoàn của hai con tàu bị giết và ném xác xuống sông. Đây là cuộc sát hại tệ hại nhất cho công dân Trung Cộng ở thời hiện đại. Cuối ngày hôm đó, cảnh sát tuần giang của Thái ở tỉnh Chiang Rai đụng độ với những tên cướp và sau một vụ chạm súng lấy lại được hai con tàu. Họ nói họ tìm thấy 900,000 viên amphetamine trị giá 3 triệu đô la. Sau đó thi thể của những người Hoa được vớt lên. Cảnh sát Thái nghi thủ phạm là một tướng cướp người Shan, một sắc tộc của Miến Điện, vốn được coi là phụ tá của Trùm Khun Sa. Tên tướng cướp này, tên là Nor Kham (hay Naw Kham) có khoảng 100 đàn em và hoành hành trên sông Mekong.
Trước áp lực của Trung Cộng, vốn gửi lực lượng xuống đóng cửa sông Mekong ở đoạn này, Nor Kham sau cùng bị bắt ở Lào. Những nguồn tin địa phương nói là Bắc Kinh đã gửi lực lượng xuống bắt Nor Kham và chở hắn về Trung Cộng, không cho Lào biết chuyện gì xảy ra cả. Nor Kham và đồng bọn sau bị đem ra xử ở Côn Minh và Nor Kham cùng ba phụ tá bị kết án tử hình.
Và từ đó, Trung Cộng, mượn tiếng thành lập một lực lượng đa quốc tuần phòng trên sông Mekong, đã gửi lực lượng xuống canh phòng. Có lúc có hơn 200 cảnh sát biên phòng của tỉnh Vân Nam đi tuần trên sông nói là tham gia lực lượng đa quốc nhưng thật ra hoạt động độc lập.
Cái vốn được gọi là vụ thảm sát trên sông Mekong này đã trở thành một mốc cho sự thay đổi thái độ không những của Lào mà còn của Miến Điện nữa trong liên hệ với Trung Cộng. Thái độ coi thường chủ quyền của các quốc gia liên hệ đã làm cho các ông tướng Miến Điện chuyển hướng, cho phép đối lập hoạt động, để có thể chuyển sang phía Hoa Kỳ và các đồng minh Tây Phương của Hoa Kỳ.
Nó cũng khởi đầu một sự thức tỉnh ở Lào. Cũng vào khoảng những năm này, Trung Cộng, trong đoàn đi thực hiện điều tra về dự án hỏa xa, đã chiếm một vùng đất của Lào và biến nó thành một thành phố kiểu Vegas ngay trên đất Lào nhưng chỉ dành cho người Hoa sang ăn chơi và đánh bạc.
Cộng với tham vọng và sự tham lam của những người theo Trung Cộng trong hàng lãnh đạo, vốn đã làm ngơ cho Trung Cộng lấn chiếm đất đai, hoành hành trên đất nước mình, một số trong hàng lãnh đạo đảng Cộng Sản Lào bắt đầu tính chuyện đổi hướng trở lại với Việt Nam và qua Việt Nam, bắt tay với Hoa Kỳ. Và nhân cơ hội năm nay Lào trở thành chủ tịch luân phiên Asean, họ đã ra tay.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=221792&zoneid=97
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét