Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

(4) Kinh nghiệm câu cá của người Tây Nam Bộ xưa

Kinh nghiệm câu cá của người miền Tây Nam Bộ xưa
Ở sông rạch miền Tây nam bộ, có một loại cá chiếm phần lớn trong các loại cá trắng, cá sông là cá thác lác. Cá thác lác rất thích cư ngụ ở các đống chà, nhất là chà tạo bỡi các nhánh me nước. Dù sống ở sông nhưng tới mùa nước lên cá thác lác cũng như nhiều loài cá sông khác cũng theo nước lên đồng. Vào mùa này, giăng lưới cá trắng với loại lưới có lỗ rộng 7-8 “phân” thì được rất nhiều cá, nhất là lúc nước gần giật xuống vào tháng 10, tháng 1, cá thác lác ra bờ kênh, dân quê đem lưới đến giăng ở những nơi nước đổ ra kênh, rạch, cá thác lác dính vào lưới trông rất mê.
Cá thác lác còm
Cá thác lác là tên chung chỉ giống cá mình giẹp giống như lưỡi dao, có kỳ dưới mỏng, vảy cá màu trắng và nhuyễn. Tuy vậy, dân quê cũng dựa vào hình dáng để phân biệt vài loại cá thác lác. Nếu cá thác lác còn nhỏ, đuôi cá rất mỏng, người ta gọi là cá thác lác lưỡi mèo. Loại cá thác lác có lưng cong xuống, hai bên hông có nhiều chấm đen (từ 7- 9 chấm hoặc nhiều hơn) xếp thành hàng dài từ chỗ cách mang cá vài phân đến gần đuôi cá, được gọi là cá thác lác còm hay cá còm.

Cá trèn là loại cá không vảy, thịt trong, đuôi mỏng, đầu cá có lớp sụn rất giòn, hai râu cá ở hai bên mép miệng. Vào những năm còn làm lúa mùa, cá trèn có rất nhiều. Những ngày cá dại tháng 11, tháng chạp âm lịch, cá trèn cùng các loài cá khác nổi đầy mặt nước. Trẻ con thời ấy thích đi đâm cá trèn với chỉa xà di làm bằng căm xe máy, đi chỉ một lát là được cả một xâu cá dài. Cá trèn có hai loại, loại đuôi rất mỏng gọi là cá trèn lá; loại bụng lớn thì được gọi là cá trèn bầu. Cả hai loại này đều thích mồi tép cho nên vào những ngày nước gần giật xuống người ta thường giăng câu cá trèn bằng mồi tép. Lưỡi câu giăng loại cá này có hình dạng như lưỡi câu dấu ó dùng để giăng cá trê nhưng vọng lưỡi rất nhỏ, vừa bằng miệng cá trèn. Thông thường người ta bũa câu từ chiều, có người bũa sớm hơn nếu câu nhiều (khoảng 300-500 lưỡi). Bũa câu xong, họ mới móc mồi tép, tính toán sao cho vừa móc mồi xong là trời vừa sụp tối vì loại cá này cũng như cá trê, cá lóc thường ăn mồi vào ban đêm. Sau đó họ nghỉ ngơi khoảng vài tiếng đồng hồ rồi mới đi thăm câu và móc mồi lại một lượt nữa, cứ thế cho đến gần sáng thì cuốn câu chống xuồng về nhà.

Cá trèn

Vùng nước ngọt còn có các loài cá có cùng hình dạng như cá trèn, nhưng lớn hơn, đó là hai loại cá kết và cá leo. Cá kết mình giẹp, đuôi mỏng, ngược với cá leo mình đầy đặn hơn và lớn hơn. Hai loại cá này thích ăn mồi tép nhưng vào tháng bảy, tháng tám, ở các con rạch nhiều cỏ, người ta giăng câu hoặc cắm câu với mồi cá linh hoặc cá sặt non thường dính cá leo, cá kết và cá lăng. Những loại cá ăn câu vào mùa này đều lớn và nặng có khi cả ki- lô.

Cá leo

Cùng loại cá không vảy, các vùng sông rạch miền tây nam bộ còn có cá tra, cá vồ, cá bông lau, cá ba sa, cá bụng, cá soát (có người còn gọi là cá sát). Các giống cá này lúc nhỏ trông rất giống nhau, rất khó phân biệt, đến khi cá lớn mới nhận ra rõ giống.

Chẳng hạn cá vồ thì mình ngắn hơn so với cá tra. Có nhiều con cá vồ sông Cái lớn có kỳ trên gương cao mà dân quê còn gọi cá vồ cờ; hoặc hai bên mang cá vồ có hai chấm đen người ta gọi là cá vồ đém. Riêng cá bông lau so với cá tra thì chiều dài cũng ngắn hơn nhưng có nét đặc trưng là có bụng rất béo; còn cá ba sa thì chiều dài ngắn hơn cá vồ và cá tra, da bụng dày đầy mỡ. Cá bụng, dù có tên gọi như vậy nhưng loại cá này không lớn như cá tra, cá vồ, cá ba sa, cá bông lau. Cá bụng lớn nhất cũng chỉ chừng nửa cẳng tay, ít khi lớn hơn.

Cá soát (hay cá sát) gần giống như cá bụng nhưng mình giẹp hơn. Loại cá soát và cá bụng thích ăn mồi gián. Vào mùa nước lên khoảng tháng tám, tháng chín, dân quê thường câu hai loại cá này bằng mồi con gián. Người ta chọn những bến sông nước chảy êm, ngồi trên mũi xuồng, tay trái cầm gáo dừa có khoét lổ nhỏ, múc đầy nước rồi cho nước chảy xuống mặt sông, tay phải cầm cần câu móc mồi gián thả chìm xuống nước. Cá nghe tiếng nước chảy sẽ bơi lại nơi có nước xao động để kiếm ăn. Ở bến câu này có bao nhiêu cá soát, cá bụng đều dính câu hết, vì chúng là loại vừa dạn ăn vừa thích mồi gián. Tóm lại, cá vồ, cá tra là hai loại cá lớn nhất trong các loại cá vừa kể nhưng cá bông lau là cá ngon nhất.

Nhắc đến sông Cái, những năm 1940-1950 vào tháng Hai, tháng Ba âm lịch, dân câu chuyên nghiệp thường thả câu hoặc thả lưới dọc theo sông Tiền hoặc sông Hậu và bắt được cá hô, có con lớn vảy bằng miệng chén. Cá hô khi còn nhỏ dân quê hay gọi cá hô đất, có lớp vảy phản chiếu nhiều màu sắc lấp lánh rất đẹp. Người ta có thể nuôi cá hô trong ao hồ. Chúng ăn cua, ốc, tấm cám rang. Cá hô đất lớn dần thành cá hô lớn, giống như loài cá hô sống trên các sông Cái, có con lớn bằng cái khạp đựng đường. Thịt cá hô rất ngon, ngon nhất là đầu cá hô với lớp sụn rất béo và giòn.

Cá hô

Vùng nước ngọt còn có hai loại cá trắng cũng khá lớn là cá mè hôi và cá chẽm. Cá mè hôi tương tự như cá mè vinh nhưng lớn hơn, mình dài hơn, có con cân nặng vài ki-lô, điểm đặc biệt của loại cá này là mỡ có mùi hôi cho nên mỗi khi làm cá người ta bỏ mỡ cá.

Cá mè hôi

Cá chẽm là loại cá ngon trong các loại cá trắng vùng nước ngọt. Cá chẽm dài khoảng 3 “tấc”, có con dài đến 4 “tấc”, thân có vảy nhuyễn, cá chẽm đặc biệt có hai mang rất sắc như lưỡi dao cạo. Mỗi khi dỡ chà, cá chẽm thường bơi lên phía trên đống chà mà dân chuyên nghiệp gọi là ổ cá, chúng cố bơi dựa vào mặt lưới và dùng hai mang sắc bén ấy rạch lưới chui ra ngoài. Do vậy, qua kinh nghiệm dỡ chà, người ta phân công một người canh phòng khi cá chẽm bơi gần mép lưới dùng mang chém lưới, vì nếu không canh chừng như vậy chẳng những cá chẽm chém lưới chui ra ngoài mà các loại cá khác cũng theo chỗ lưới rách ấy tìm đường thoát ra.

Cá chẽm

Ngoài các loại cá trắng lớn như cá chẽm, cá mè hôi, v.v…, vùng nước ngọt còn có cá éc, cá cóc, cá chài, cá ngựa. Cả bốn giống cá này đều có đặc điểm chung giống nhau là có rất nhiều xương hom (còn gọi là xương nạng) nên dù thịt ngon nhưng ăn cả bốn loại cá này rất dễ bị mắc xương. Chỉ có cá éc có vảy màu đen sậm, còn lại ba giống cá kia vảy của chúng màu trắng.

Cá éc

Cá chài có môi và đuôi màu đỏ, rất thích mồi bắp hầm và hạt bưởi. Mùa nước lên tháng chín, người ta giăng câu cá chài bằng hai loại mồi này rất nhạy.

Cá cóc mình thon dài, vảy trắng nhuyễn, khi lên khỏi mặt nước, hai mang nó phát ra tiếng kêu như cóc kêu nên dân quê gọi là cá cóc. Cá éc khi lên khỏi mặt nước hai mang cá cũng thở và phát ra tiếng “éc”, “éc” nên dân quê cũng gọi loại cá này là cá éc. Còn cá ngựa có hình dáng giống cá cóc nhưng vảy to hơn, hai bên hông, cách mang cá khoảng chừng vài “phân” có hai hàng vảy nằm ngang màu sậm, bề ngang khoảng nửa phân, chiều dài hai “phân”. Cá ngựa thích đuổi theo cá lòng tong khi tìm mồi nên chúng thường nhảy lên khỏi mặt nước ở các vàm mương nước chảy mạnh, giống như ngựa bay, ngựa nhảy, có lẽ vậy nên dân quê đặt tên cho chúng là cá ngựa.

Cá cóc

Nói đến cá vùng nước ngọt, không thể không nhắc đến loài cá sặt và cá rằm. Cá sặt là giống cá đồng còn cá rằm là cá sông. Cả hai loại cá này có vảy trắng. Vảy của cá sặt rằn có sọc ngang màu khá sậm do chúng sống ở các vùng lung, vũng nước ngập quanh năm, còn hầu hết các loại cá sặt điệp, sặt bướm đều có vảy màu trắng. Hai giống cá này có điểm đặc biệt là ra sông sau cùng khi mùa nước trên đồng sắp cạn.

Cá sặt

Cá rằm theo nước xuống các kênh rạch, còn cá sặt một số cũng rút xuống kênh nhưng đa phần xuống các lung, vũng hoặc đìa, bàu và ở đó cho đến mùa tát đìa.

Cá rằm

Sông nước miền Tây phần nhiều là nước ngọt, chỉ trừ một vài tỉnh tiếp giáp với các vùng duyên hải thì nước thường bị “pha chè”, nghĩa là khi nước thủy triều dâng lên, nước biển tràn vào các cửa sông, nước mặn của biển và nước ngọt của sông pha trộn nhau nên dân quê gọi là nước pha chè. Vị của loại nước này hơi lờ lợ, nặng mùi nước biển, tuy không mặn lắm nhưng không hoàn toàn ngọt như nước các vùng Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Cao Lãnh… Trong các vùng nước pha chè thường có nhiều cá đối, chúng ăn bọt nước và các sinh vật nhỏ, tập trung nhiều nhất ở các ngã ba Nước Trong, Hỏa Lựu, Long Mỹ (Chương Thiện), Vĩnh Thuận (Rạch Giá). Ở các vùng nước pha chè này còn có loại cá nâu hình dạng giống như cá chim ở biển, hoặc cá rô biển ở sông rạch nhưng trên thân có những chấm đen.

Loại cá nâu này có đặc điểm là có các kỳ nhọn, mỗi khi bị kỳ đâm, chỗ xước rất đau nhức giống như bị gai đâm. Trong vùng nước “pha chè” này cũng có nhiều cá ngác, loài cá có hình dáng giống cá trê trắng, chỉ khác là chúng có thêm kỳ trên rất sắc. Cả cá trê trắng và cá ngác đều có ngạnh, người nào chẳng may bị ngạnh cá đâm sẽ rất đau nhức, đặc biệt là ngạnh cá ngác gây đau hơn cá trê rất nhiều, một vết đâm có thể gây nhức 24 giờ còn vết sưng kéo dài cả tháng, trong các loài cá gai thì cá ngác là loài đâm gây đau nhức hơn bất kỳ loài cá nào. Người xưa trị chứng cá ngác đâm bằng cách ngâm tay hoặc chân bị cá đâm vào thau cơm mẻ đã đun ấm.

Còn nhiều loài cá nước ngọt sống ở các sông rạch miền Tây nam bộ khác nữa như cá nóc, cá sơn, cá bã trầu, cá lia thia, cá thòi lòi, cá vằn vện… vân… vân… mà tên gọi của chúng được tạo ra bỡi các nét đặc sắc riêng của mỗi loài. Nói về cách đặt tên các loài động vật của người xưa, như cách đặt tên các loài chim, học giả Vương Hồng Sển có viết: “Bởi ở xa triều đình nên lời nói mộc mạc quê mùa, cứ thấy con chim nầy đặc sắc có bộ lông đen thì gọi con chim lông ô, và cũng vì thấy đầu chim sói sọi, nên gọi đó là con chim gà sói, hoặc cũng gọi con chim già đãy, vì đã già mà chớ, thêm nơi cổ có kèm một cái túi đeo lòng thòng nhỏng nhảnh nơi cần cổ trụi lủi lông, trông dị hộm như lão thầy rùa đeo bầu trên sân khấu hát bội”. 

Khi đặt tên cho các loài cá vùng nước ngọt cũng vậy, người dân gọi tên cá theo hình dạng lớn nhỏ, theo màu sắc trên vảy, theo thói quen kiếm ăn, theo từng giai đoạn cá sinh trưởng: mới nở, bắt đầu lớn, sống lưu niên. Ngoài ra, họ còn căn cứ vào cách bắt chúng như giăng câu, giăng lưới, đặt lọp, đặt lờ, tát đìa, làm lóng, v.v… mà có thêm rất nhiều tên gọi. Từ thuở hồng hoang, người dân sống nơi thôn dã không có điều kiện học hành, khoa học kỹ thuật cũng đang buổi sơ khai nhưng họ nhận biết được các đặc tính riêng của từng loài cá để đặt tên, nhằm phân biệt được chúng, những cái tên dân dã, đầy đủ tượng thanh, tượng hình, rất phổ quát và giản dị. Các loài cá cùng những cái tên đó đã theo con người đi khai khẩn, làm nên một vùng đất phương nam vô cùng giàu đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa không thể lẫn vào bất kỳ miền nào.

http://www.vietnamfishingreview.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét